Sunday, December 29, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnBiển Đông: Không thể cùng khai thác trong vùng đặc quyền kinh...

Biển Đông: Không thể cùng khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế EEZ của nước khác

BienDong.Net: Phát biểu nhân hội nghị của Bộ Chính Trị đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 31.07.2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng Bắc Kinh «sẽ tuân thủ chính sách gác tranh chấp và thực hiện phát triển chung trong các khu vực mà Trung Quốc có chủ quyền».

Theo RFI, chủ trương gác tranh chấp để cùng khai thác trên đây không phải là một ý kiến mới, mà chỉ lặp lại về căn bản đề nghị từng được cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đưa ra vào cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980 khi nhắc đến các tranh chấp giữa Bắc Kinh và các láng giềng, từ các nước Đông Nam Á cho đến Nhật Bản hay Ấn Độ.

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có những động thái hung hăng nhằm áp đặt các yêu sách chủ quyền của họ trên cả hai vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông, tuyên bố của ông Tập Cận Bình có thể được xem là thể hiện một sự chuyển đổi chính sách sang một hướng ôn hòa hơn.

Theo một số nhà phân tích, có lẽ Trung Quốc muốn xoa dịu các nước láng giềng vì lẽ các hành động cứng rắn của Bắc Kinh, đặc biệt trên Biển Đông, đã ngày càng xô đẩy các nước nhỏ trong vùng có tranh chấp với Trung Quốc xích lại gần Mỹ để mưu cầu một sự can thiệp nhằm giải tỏa áp lực từ cường quốc phương Bắc.

Sách lược mang tính giai đoạn trong chiến lược thâu tóm Biển Đông

Tuy nhiên, nếu xem kỹ các phát biểu của ông Tập Cận Bình thì rõ ràng là chủ trương ‘gác tranh chấp, cùng khai thác’ chỉ là một sách lược mang tính giai đoạn trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm thâu tóm toàn bộ Biển Đông.

Bên cạnh lời lẽ ôn hòa như là Trung Quốc sẽ «sử dụng biện pháp hòa bình và đàm phán để giải quyết tranh chấp và phấn đấu để bảo vệ hòa bình và ổn định », lãnh đạo Trung Quốc vẫn xác định rằng nước ông sẽ «không bao giờ từ bỏ quyền lợi chính đáng, cũng như các lợi ích quốc gia cốt lõi của mình».

alt 

TS. Trần Công Trục (ảnh BienDong.Net)

Trong một bài phỏng vấn dành cho Báo Giáo dục Việt Nam ngày 07.08.2013 vừa qua, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, một chuyên gia nghiên cứu kỳ cựu về Biển Đông, đã nhấn mạnh đến lời cam kết không từ bỏ «lợi ích quốc gia cốt lõi» trong phát biểu của ông Tập Cận Bình.

Theo ông Trần Công Trục: « Ông Tập Cận Bình nêu ra phương châm này với ngôn từ mạnh mẽ hơn, rõ ràng hơn so với những gì lãnh đạo Trung Quốc trước đây đã nói: “Chủ quyền thuộc TQ, gác tranh chấp, cùng hợp tác”. Điều đó cho thấy chiến lược độc chiếm Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc vẫn không có gì thay đổi, thậm chí đang được đẩy mạnh ».

Đối với ông Trục, trong bối cảnh Bắc Kinh khẳng định rằng quyền lợi hợp pháp của họ ở Biển Đông bao gồm 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam cùng với đường lưỡi bò chiếm 85% diện tích Biển Đông, thì bản chất tuyên bố của ông Tập Cận Bình « hoàn toàn không phải hợp tác cùng khai thác ‘trên vùng biển chồng lấn hình thành trên cơ sở các yêu sách chủ quyền xác lập theo quy định của UNCLOS’».

Trái lại, theo ông Trục, mưu đồ của Trung Quốc là thông qua yêu sách chủ quyền vô lý trên 85% diện tích Biển Đông để «‘nhảy vào xí phần’ trong khu vực thềm lục địa của các nước ven Biển Đông… từ đó biến các vùng biển không tranh chấp thành các vùng biển tranh chấp… Sau khi đạt được mục đích này, Trung Quốc sẽ tiếp tục phái lực lượng khống chế các khu vực thuộc phạm vi họ nói là có chủ quyền».

Phải nói rằng đây không phải là lần đầu tiên mà Bắc Kinh hô hào các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ngoài Biển Đông tạm gác tranh chấp để cùng nhau khai thác các nguồn lợi kinh tế trong khu vực.

Cùng khai thác, nhưng vấn đề là khai thác ở đâu!

Đối với Việt Nam, ý tưởng này luôn luôn được Trung Quốc đưa ra với các lãnh đạo Việt Nam, mà gần đây nhất là nhân chuyến công du của chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang vào tháng Sáu. Trong bản tuyên bố chung Việt – Trung, trong phần đề cập đến Biển Đông có đoạn ghi: « Hai bên sẽ… tích cực nghiên cứu và bàn bạc vấn đề hợp tác cùng phát triển ».

Trong bản “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”, ký kết từ tháng 10 năm 2011 và sau này luôn luôn được nêu lên thành một văn kiện căn bản cần tuân thủ trong việc giải quyết hồ sơ tranh chấp Biển Đông giữa hai nước, vấn đề cùng khai thác cũng được gợi lên.

Ngay từ khi ấy, giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia (Đại học New South Wales) đã ghi nhận rằng vấn đề cùng khai thác là một bài toán khó giải quyết:

Vấn đề hợp tác cùng khai thác cũng đã được đề xuất từ lâu. Điều này chỉ có thể xúc tiến được nếu cả hai bên đồng ý trên một điều khoản theo đó việc cùng nhau khai thác phát triển không làm phương hại đến các tuyên bố chủ quyền của mỗi bên.

Ngoài ra, Việt Nam sẽ phải cẩn thận xem xét khu vực được chọn để làm nơi cùng phát triển. Khu vực đó không được ảnh hưởng đến một bên thứ ba. Trong vấn đề này, Việt Nam cũng phải chú ý xem là việc chia sẻ dầu khí sẽ được thực hiện trên cơ sở bình đẳng hay là Trung Quốc sẽ giành phần lớn?

Một điều tế nhị là ý tưởng của Trung Quốc lại được một vài nước tranh chấp với Trung Quốc ít nhiều tán đồng. Một ví dụ điển hình là trường hợp Malaysia.

alt 

Giáo sư Carlyle Thayer (Ảnh BienDong.Net)

Ngay từ trước lúc ông Tập Cận Bình nói rõ chủ trương của Bắc Kinh, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã từng lên tiếng kêu gọi các nước trong khu vực Biển Đông cùng nhau hợp tác khai thác tài nguyên để tránh xung đột và ngăn chặn sự can dự của những quốc gia bên ngoài.

Trong một bài phát biểu ngày 04.06.2013 được hãng tin Mỹ Bloomberg trích dẫn, Thủ tướng Malaysia đã nêu ví dụ về vùng biển tranh chấp giữa Thái Lan và Malaysia đang được phát triển chung như là một tiền lệ tốt có thể áp dụng tại Biển Đông. Tuyên bố của ông Najib Razak đã bị nhiều nhà quan sát cho rằng thể hiện quan điểm của Bắc Kinh, có hại cho sự đoàn kết trong khối Đông Nam Á ASEAN trước các thủ đoạn chia rẽ của Trung Quốc.

Trên vấn đề này, trong một nhận định ngày 07.06.2013, giáo sư Carlyle Thayer không nghĩ rằng Malaysia về hùa với Trung Quốc vì theo ông, cả bốn quốc gia ASEAN đang tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc – từ Việt Nam, Philippines cho đến Malaysia, Brunei – đều đồng ý trên nguyên tắc về khả năng cùng khai thác. Vấn đề cốt lõi là khai thác chỗ nào.

« Bốn quốc gia tranh chấp có thể được chia thành hai loại, các nước trên tuyến đầu (Philippines và Việt Nam) và các nước ở hàng sau (Brunei và Malaysia). Các quốc gia tuyến đầu đã phản ứng rất mạnh mẽ trước Trung Quốc vì Trung Quốc đã đánh vào các hoạt động khai thác dầu khí (cắt cáp trong vùng EEZ của Việt Nam và gây hấn với Philippines ở vùng Reed Bank – Bãi Cỏ Rong) được coi là lợi ích sống còn của Việt Nam và Philippines. Còn Brunei và Malaysia đã áp dụng chính sách hòa hoãn hơn để giải tỏa áp lực của Trung Quốc.

Không nước nào trong số bốn quốc gia tranh chấp bác bỏ việc cùng phát triển trên nguyên tắc. Các cuộc đàm phán không liên tục đã diễn ra giữa một công ty dầu khí Philippines và tập đoàn Trung Quốc CNOOC (nhưng chưa được chính quyền Manila ủng hộ và có nguy cơ bị Quốc hội Philippines phản đối).

Câu hỏi thiết yếu liên quan đến việc cùng phát triển đó là nơi được chọn để khai thác. Kế hoạch cùng khảo sát địa chấn ngoài biển JMSU ban đầu giữa Philippines và Trung Quốc (và sau đó có thêm Việt Nam) lại được thực hiện trong vùng biển của Philippines (2005 – 2008). Các nước tranh chấp rất lo ngại trước nguy cơ việc cùng khai thác sẽ củng cố thêm yêu sách chủ quyền của Trung Quốc… »

Vấn đề cùng khai thác ở đâu cũng là điểm được Giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia tại trường Đại học Maine (Hoa Kỳ) nêu bật khi được hỏi về phát biểu của Thủ tướng Malaysia Najib Razak.

 alt

GS. Ngô Vĩnh Long (ảnh BienDong.Net)

Trả lời câu hỏi của RFI, giáo sư Long xác định rằng không thể chấp nhận việc cùng khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế EEZ của một nước, vốn dĩ không phải là vùng tranh chấp.

Tuy nhiên, ông cho rằng nếu đó là vùng chồng lấn giữa thềm lục địa hai bên, việc phát triển chung hoàn toàn có thể đặt ra, như những gì mà Việt Nam và Trung Quốc đã làm tại vùng Vịnh Bắc Bộ.

BDN (theo RFI)

RELATED ARTICLES

Tin mới