Monday, January 6, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnNổ tàu ngầm Kilo của Ấn Độ, 18 người mất tích

Nổ tàu ngầm Kilo của Ấn Độ, 18 người mất tích

BienDong.Net: Một tàu ngầm của hải quân Ấn Độ bốc cháy và chìm ở hải cảng Mumbai vào sáng sớm thứ Tư 14. 8, với 18 thủy thủ còn mắc kẹt trên tàu và có thể đã chết.

Các nguồn tin cho biết chiếc tàu ngầm INS Sindhurakshak thuộc lớp kilo đã bốc cháy sau khi xảy ra một vụ nổ trên tàu.

Các hình ảnh được chiếu trên truyền hình cho thấy một quả cầu lửa khồng lồ đã bốc lên sau vụ nổ, thắp sáng bầu trời đêm tại khu vực Colaba, nơi có xưởng đóng tàu của hải quân.

Sau khi bốc cháy, chiếc tàu bị chìm ngay tại bến tàu và chỉ một phần nóc tàu nhô lên khỏi mặt nước.

 alt

Tàu ngầm INS Sindhurakshak trước khi bị cháy

Vào thời điểm xảy ra tai nạn, tàu INS Sindhurakshak không làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, theo người phát ngôn hải quân Ấn Độ PVS Satish, con tàu đã đi vào hoạt động đầy đủ, do vậy nó chở “các tên lửa và ngư lôi”. “Đây là một thiệt hại lớn”, ông Satish nói.

Hải quân Ấn Độ nói chưa rõ mức độ thiệt hại mà vụ cháy nổ gây ra cho chiếc tàu, nhưng các nhà chức trách lo ngại rằng vụ cháy nổ tàu có thể đã làm hư hại một số tàu hải quân khác đang neo đậu tại bến tàu Mumbai.

Nguyên nhân nổ đang được điều tra.

Báo chí Ấn Độ cho hay chiếc tàu ngầm này được sản xuất ở Nga, đã vận hành được 16 năm, và vừa từ Nga trở về sau một thời gian bảo trì và nâng cấp.

Các báo Ấn Độ cũng nói một số thủy thủ đã nhảy ra ngoài thoát nạn ngay sau vụ nổ, một số người bị thương được chở đi bệnh viện.

Ông Rahul Bedi, một chuyên gia quốc phòng của tạp chí IHS Jane’s, cho hay tàu ngầm INS Sindhurakshak được đặt đóng tại Nga vào năm 1997 và thiếu một số thiết kế an toàn so với các tàu ngầm mới hơn.

“Nó không có các đường thoát hiểm trong trường hợp xảy ra tai nạn như một số tàu ngầm hiện đại”, ông Bedi nói.

Một nhóm điều tra đã được thành lập để xem xét nguyên nhân cháy nổ, nhưng giới chức nói với BBC rằng họ cho đây là do lỗi kỹ thuật trên tàu chứ không có bàn tay bên ngoài.

alt 

Vụ nổ thắp sáng bầu trời đêm tại xưởng đóng tàu của hải quân ở cảng Mumbai

INS Sindhurakshak là một trong 10 chiếc tàu ngầm lớp Kilo mà Ấn Độ mua từ Nga trong khoảng thời gian từ 1986 tới 2000 và được trang bị hệ thống tên lửa Club – S cũng của Nga.

Hồi tháng Hai 2010, một thủy thủ trên chiếc tàu ngầm này thiệt mạng khi khu vực để ắc quy của tàu bốc cháy lúc tàu đang neo đậu tại căn cứ hải quân Vishakhapatnam. Cuối năm 2010 tàu đã được gửi sang Nga để sửa chữa và nâng cấp với chi phí 80 triệu đôla.

Nhà thầu là tập đoàn Zvyozdochka của Nga nói chiếc tàu khi nâng cấp xong hoàn toàn không có khiếm khuyết kỹ thuật gì.

Nga và Ấn Độ là đồng minh lâu năm và Nga cung cấp khoảng 70% phương tiện quân sự cho Ấn Độ.

Hải quân Ấn Độ hiện có tổng cộng 14 tàu ngầm diesel nhưng chỉ khoảng 7 – 9 chiếc là đang hoạt động do các công tác bảo dưỡng và tân trang thường xuyên.

Vụ tai nạn tàu INS Sindhurakshak xảy ra đã phủ bóng lên một tuần lễ đầy sự kiện trọng đại của hải quân Ấn Độ, gồm việc kích hoạt lò phản ứng cho tàu ngầm hạt nhân Arihant và lễ hạ thủy tàu sân bay tự chế Vikrant. Nó cũng phần nào cho thấy các vấn đề mà Ấn Độ đang đối mặt trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là hải quân.

Nỗ lực xây dựng một ngành công nghiệp quân sự đủ khả năng tự cung tự cấp vũ khí hiện vẫn tiến triển với tốc độ chậm ở Ấn Độ. Kết quả là nước này vẫn phải dựa nhiều vào việc nhập khẩu.

Hồi tháng 2, Ấn Độ đã phải tạm ngừng một hợp đồng trị giá 750 triệu USD để mua máy bay trực thăng từ tập đoàn quốc phòng Finmeccanica của Italia cùng công ty con ở Anh là AgustaWestland, vì phát hiện bê bối “lại quả” và hối lộ liên quan tới việc mua 12 chiếc trực thăng của các công ty này.

Tàu ngầm Kilo

Tàu ngầm hạng Kilo, dùng cả dầu diesel và điện năng, được cho là loại tàu ngầm ít tiếng ồn nhất thế giới. Cũng vì thế mà nó được mệnh danh là “Hố đen”.

Tàu ngầm dạng này có thể dùng để chống tàu ngầm, cũng như tàu chiến thông thường, kể cả trong vùng biển tương đối nông.

Các tàu ngầm lớp Kilo 636 có lượng dãn nước 3.100 tấn, tốc độ di chuyển 20 hải lý/giờ, khả năng lặn sâu 300 mét, với thủy thủ đoàn 52 người. Tàu được trang bị 18 ngư lôi (bao gồm cả 4 quả tên lửa 3M – 54E, tầm bắn 220 km) hoặc 24 quả mìn, nó có khả năng hành trình liên tục 45 ngày.

Được biết hiện Trung Quốc có 12 tàu dạng này và Việt Nam cũng đặt mua của Nga 6 chiếc, trong đó chiếc đầu tiên đã hoàn tất thử nghiệm còn chiếc thứ hai đang được chạy thử và có thể về Việt Nam qua ngả Châu Phi.

BDN (tổng hợp)

RELATED ARTICLES

Tin mới