Tuesday, December 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu Việt NamBIỂN ĐẢO THỜI CHÚA NGUYỄN VÀ GHI CHÉP VỀ HOÀNG SA TRONG...

BIỂN ĐẢO THỜI CHÚA NGUYỄN VÀ GHI CHÉP VỀ HOÀNG SA TRONG HẢI NGOẠI KỶ SỰ CỦA HOÀ THƯỢNG THÍCH ĐẠI SÁN

BienDong.Net: Từ xa xưa, các triều đại phong kiến Việt Nam luôn đề cao ý thức trong việc xây dựng chiến lược phòng thủ biển đảo và khai thác quản lý Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Suốt chiều dài lịch sử đó, một trong những triều đại đã để lại nhiều di tích, văn bản, châu bản và nhiều bộ sử liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đó là các Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn.

Nhà Nguyễn khởi đầu từ chúa Nguyễn Hoàng năm 1558 với câu sấm vạn đại dung thân đến triều Nguyễn đã trị vì và tồn tại trên 300 năm gắn với một kinh đô Huế lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam tọa lạc ở một vị trí gần biển.

Với việc mở cửa giao thương của chúa Nguyễn và các vua triều Nguyễn trên Biển Đông thông qua các cảng biển đã tạo ra sức hút kỳ diệu với các nước trên thế giới, nhờ đó đã thúc đẩy nền kinh tế, xã hội lên của xứ đàng trong và đàng ngoài phát triển mạnh mẽ. Tất cả đã được các sử gia chép lại trong các bộ sách sử và trong các tài liệu của người nước ngoài.

Sau khi đã làm chủ Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã chủ trương mở cửa giao thương với nước ngoài, thu hút các thuyền buôn phương Tây đến buôn bán. Thương cảng Hội An – Quảng Nam ra đời trong bối cảnh đó. Tại đây các chúa Nguyễn đã cho phép người nước ngoài cư trú lâu dài, lập phố xá, thương điếm, làm ăn và chung sống với cư dân bản địa. Từ đó tạo đà thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế của các cảng thị Đàng Trong.

Giáo sỹ người Ý Chrstoforo Borri đã mô tả Hội An những năm 1618 – 1622 như sau…Hải cảng đẹp nhất, nơi mà tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng chính là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam…Chúa Đàng Trong cho người Nhật, người Hoa tự chọn một địa điểm thuận tiện để lập một thành phố tiện cho việc buôn bán…Thành phố này gọi là Fafo tức Hội An…

Trong cuốn Storia delle Indie Orientali của Felice Ripamonti xuất bản tại Milano năm 1825 có viết về xứ Đàng Trong…Thuyền trưởng các tàu buôn qua lại vùng này thích cập cảng Hội An hơn, cảng này không xa thủ đô Huế. Những người đi biển ở 3 cảng này (tức cảng Huế, Hội An và Đà Nẵng) là những người lão luyện nhất của quốc gia này và hàng năm có chuyến đi biển đến chuỗi đảo và bãi đá nhỏ có tên là Hoàng Sa (Paracels) nằm cách bờ biển Đàng Trong khoảng 20 – 30 dặm…

Cách thành phố Huế 5 km là chùa Trúc Lâm nơi đây còn lưu giữ di ảnh của Thạch Liêm Đại Lão Hòa thượng pháp danh là Thích Đại Sán. Các tác phẩm nổi tiếng của Thiền sư Thạch Liêm gồm có Hải Ngoại Kỷ Sự, Ly Lục Đường Tập và Kim Cương Trực Sớ.

Thích Đại Sán là một trong những vị cao tăng người Trung Hoa nổi tiếng, trụ trì ở chùa Trường Thọ, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc được chúa Nguyễn mời đến đất Thuận Hóa để truyền kinh Phật. Ông là người đã khai sáng chùa Thiền Lâm vào năm 1695, mở Đại giới đàn ở chùa Thiên Mụ, ông đã từng làm cố vấn cho chúa Nguyễn Phúc Chu.

Đáng chú ý nhất trong số sách đó là cuốn “Hải ngoại kỷ sự” do nhà sư Trung Quốc Thích Đại Sán viết năm 1696 sau chuyến thăm Phú Xuân năm 1695. Đây là tác phẩm của người Trung Quốc viết về Quốc vương An Nam và hoạt động của triều đình An Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa (tức là Vạn Lý Trường Sa theo cách gọi của người Việt Nam và người nước ngoài thời bấy giờ). Những ghi chép trong “Hải ngoại kỷ sự” chứng tỏ hoạt động thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được người nước ngoài biết đến, trong đó có người Trung Quốc.

Hòa thượng Thích Đại Sán đến xứ Đàng Trong và ghi lại những câu chuyện do chính những người đã từng thường xuyên qua lại trên biển kể cho ông… Khách có người bảo… giữa biển có dải cát đá nằm ngang, chạy dài từ Đông Bắc qua Tây Nam; cao như vách tường đứng trên biển, chỗ thấp cũng ngang mặt nước; mặt cát khô rắn như sắt, rủi thuyền chạm phải ắt tan tành; bãi cát rộng cả trăm dặm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể, gọi là Vạn lý Trường Sa mù mịt chẳng thấy cỏ cây nhà cửa, nếu thuyền bị trái gió trái nước tất vào, dầu không tan xác, cũng không có gạo, nước trở thành ma đói. Khoảng cách đến Đại Việt là bảy canh đường, bảy canh khoảng 700 dặm. Thời quốc vương trước, hàng năm có sai thuyền đánh cá đi dọc theo bãi cát lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền hư tất vào. Mùa thu nước dòng cạn, chảy rút về hướng đông, bị một ngọn sóng đưa đi thuyền có thể trôi xa cả trăm dặm; sức gió chẳng mạnh, sợ có hiểm họa Trường Sa”. (Hải Ngoại Kỷ Sự, quyển 3, trang 24. Bản in trong Tứ Khố Toàn Thư).

Những ghi chép của Thích Đại Sán trong cuốn “Hải ngoại kỷ sự” về việc thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng trùng hợp với ghi nhận của các giáo sĩ phương Tây 5 năm sau đó (năm 1701) về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đó là: “Paracel là một quần đảo thuộc Vương quốc An Nam”. Người phương Tây thời kỳ đó gọi chung hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là Paracel. Ghi nhận trên được chép trong những lá thư của các giáo sĩ phương Tây ở Trung Quốc và được tác giả Jean Yves Clayes đưa vào bài viết của mình với tiêu đề “Điều huyền bí của các vành đai san hô – Nhật ký chuyến đi quần đảo Paracels” đăng trên tạp chí Indochine (Đông Dương), số 46 năm 1941.Tác giả trích dẫn đoạn nói về nỗi kinh hoàng khi qua quần đảo Paracels năm 1701 trong những lá thư của các giáo sĩ phương Tây ở Trung Quốc như sau:

Tàu nhổ neo, gió rất thuận và chỉ trong một thời gian ngắn đã đến ngang tầy mỏm đá Paracel. Paracel là một quần đảo thuộc Vương quốc An Nam. Đó là bãi đá ngầm khủng khiếp có đến hàng trăm dặm, rất nhiều lần đã xảy ra các nạn đắm tàu ở đó – Nó trải dọc theo bờ biển xứ Cochinchina (Đàng Trong). Tàu Amphitrite lần đầu tiên du hành đến Trung Quốc đã suýt nữa thì bị đắm… có chỗ lối đi chỉ có 4,5 sải nước, nếu thoát được nguy hiểm ở đây thì như có một phép lạ… Bị đắm tàu trên những tảng đá khủng khiếp đó hoặc bị lạc mất không còn tí nguồn dự trữ nào thì hầu như cũng như nhau mà thôi… “.

Hải ngoại kỷ sự cùng với những ghi chép của các giáo sĩ phương Tây vào cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18 là những tài liệu cổ của người Trung Quốc và người Phương Tây xác nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Vương quốc An Nam. Việc Hải ngoại kỷ sự của Hoà thượng Thích Đại Sán và một số tác phẩm của Phương Tây ghi chép về các hoạt động của Chúa Nguyễn thực thi chủ quyền, khai thác 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là minh chứng rõ ràng nhất về sự thừa nhận của quốc tế đối với chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ thế kỷ 17 – 18.

RELATED ARTICLES

Tin mới