Saturday, December 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBIỂN ĐÔNG THÁNG 9 CÓ GÌ MỚI?

BIỂN ĐÔNG THÁNG 9 CÓ GÌ MỚI?

BienDong.Net: Nhìn vào tình hình Biển Đông trong tháng 9 năm 2013 có vẻ như không có vấn đề làm dậy sóng thế nhưng các nước liên quan không vì thế mà chủ quan, thiếu cảnh giác với những con sóng ngầm.

Nếu như những tháng trước, khi một loạt vụ việc căng thẳng trên Biển Đông do Trung Quốc kẻ chủ mưu đồng thời là kẻ chủ động gây ra với các nước ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông, đặc biệt là chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì trong tháng 9 này, có một sự kiện đã diễn ra thu hút sự chú ý của nhiều quốc gia và báo giới truyền thông. Đó là Hội nghị tham vấn cấp quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc bàn về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông mà theo tên tiếng Anh gọi tắt là COC.

Hội nghị tham vấn này được tổ chức tại Tô Châu, Trung Quốc trong hai ngày 14 và 15 tháng 9. Các nước ASEAN trước khi đến hội nghị này đã tỏ ra rất thống nhất trong việc hối thúc Trung Quốc tham gia tích cực vào quá trình xây dựng COC. Tuy nhiên, những gì đã đạt được tại hội nghị này chẳng có gì mang tính đột phá. Trung Quốc vẫn bám theo quan điểm mà ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã phát biểu tháng trước đối với COC, nói gọn lại là “mong muốn hợp lý, hiệp thương nhất trí, gạt bỏ quấy nhiễu, tuần tự tiệm tiến”. Kết quả của hội nghị chỉ ở mức phê chuẩn kế hoạch công tác thực hiện DOC năm 2013 – 2014; Trung Quốc đề xuất thiết lập đường dây nóng cứu trợ trên biển giữa Trung Quốc và ASEAN, đề xuất hợp tác, tổ chức huấn luyện sa bàn tìm kiếm cứu nạn chung trên biển giữa Trung Quốc và ASEAN… Khi bàn về COC, hội nghị chỉ thống nhất chung chung là: Tham vấn theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, hiệp thương nhất trí, bắt đầu từ củng cố nhận thức chung, từng bước mở rộng nhận thức chung, thu hẹp bất đồng, ủy quyền cho Nhóm công tác chung tiến hành tham vấn cụ thể, áp dụng trình tự thành lập tổ chuyên gia nổi tiếng…

Báo chí nước ngoài cho rằng kết quả của hội nghị quá khiêm tốn, không đề xuất được biểu thời gian cụ thể cho lộ trình các hoạt động tiếp theo giữa ASEAN và Trung Quốc về vấn đề COC. Mặc dù các nước ASEAN đã đạt được nhất trí cao về những nội dung cần đề cập trong COC trước khi đến hội nghị nhưng dường như Trung Quốc đã chia rẽ và làm cho các nước ASEAN không đi sâu, không bàn cụ thể với Trung Quốc về những nội dung cần có trong COC. Có báo còn chỉ thẳng ra rằng mục đích của Trung Quốc vẫn là kéo dài thời gian trước khi xây dựng được COC, để Trung Quốc tranh thủ hoàn tất các việc đã rồi trên Biển Đông, tăng cường khống chế và áp chế các nước khác. Trung Quốc đồng ý nói chuyện về COC chẳng qua cũng là chuyện để Trung Quốc đỡ bị các nước khác chỉ trích là thiếu thiện chí đối với COC, trước khi hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) tổ chức tại Brunei tháng 10/2013. Xem ra nếu tiến trình COC được thực hiện theo ý đồ của Trung Quốc thì chưa biết đến bao giờ COC mới trở thành hiện thực.

Một điểm nổi lên trong tháng 9 là hành động chĩa mũi nhọn cô lập Philipines quá lộ liễu của Trung Quốc. Đó là việc Trung Quốc ra điều kiện Philippines phải rút đơn kiện thì Trung Quốc mới mời Tổng thống Philippines tham dự Hội chợ thương mại Trung Quốc – ASEAN tại Nam Ninh đầu tháng 9, mặc dù Tổng thống Philippines là khách mời danh dự tại lễ khai mạc Hội chợ này. Có lẽ chính vì Trung Quốc biết mình đang ở thế yếu trong vụ kiện, và rất sợ khi Philippines quyết tâm làm “ra ngô ra khoai” về cái yêu sách quái gở và phi lý mà người ta vẫn hay gọi là yêu sách đường lưỡi bò” của Trung Quốc, chiếm đến 80% diện tích Biển Đông, nên Trung Quốc không ngần ngại tăng mạnh áp lực lên Philippines, cô lập Philippines, chia rẽ ASEAN hòng mong Philippines xem xét việc rút đơn kiện.

Trên mặt báo chính thống cũng như báo mạng của Trung Quốc vẫn là giọng điệu kích động, xuyên tạc, đả kích, vu cáo, bôi nhọ các nước “không theo” Trung Quốc. Nào là “đừng hy vọng mượn COC làm điều bất lợi cho Trung Quốc”, “Trung Quốc quyết không lấy chủ quyền lãnh thổ, và quyền, lợi ích Nam Hải để giao dịch”; đổ lỗi cho các nước như Philippines “quấy nhiễu”, “tư pháp hóa Nam Hải”, đổ lỗi cho các nước khác như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ tăng cường can thiệp vào Biển Đông.v.v.

Trên lĩnh vực ngoại giao thì thấy Trung Quốc tuy tỏ ra có vẻ “hữu nghị” hơn khi nói về vấn đề Biển Đông nhưng đằng sau đó, không khó để người ta nhận thấy nước này không hề có sự thay đổi gì trong lập trường cũng như thành ý muốn giải quyết vấn đề Biển Đông một cách tích cực. Tình hình trên Biển Đông còn cho thấy Trung Quốc không ngừng gia tăng các hoạt động nhằm củng cố, hiện thực hóa những yêu sách chủ quyền quá đáng của mình. Tại đảo Vĩnh Hưng trong quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc cướp của Việt Nam từ năm 1974, Trung Quốc đang ra sức củng cố, hợp thức hóa cho các hoạt động của cái gọi là “thành phố Tam Sa” mà Trung Quốc đã thành lập phi pháp từ tháng 7 năm ngoái. Tại bãi cạn Scarborough, máy bay trinh thám của hải quân Philippines cho biết Trung Quốc đã xây dựng 75 cọc bê tông, rải rác trong khu vực rộng khoảng 2 héc ta thuộc phần phía nam của bãi cạn, với âm mưu xây dựng các kết cấu lâu dài tại đây. Tầu hải cảnh, hải giám Trung Quốc luôn duy trì sự có mặt trên Biển Đông với số lượng từ 14 chiếc trở lên, sẵn sàng can thiệp, uy hiếp các hoạt động đánh bắt cá của ngư dân các nước khác trong vùng biển này.

Thực tế đã cho thấy không thể tin và nghe theo những lời Trung Quốc nói và hứa trên các kênh ngoại giao bởi vì nó chỉ là ngụy tạo, che dấu những âm mưu, tham vọng không hề thay đổi và toan tính của Trung Quốc đối với Biển Đông. Yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ngang ngược và phi lý là thế, xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích của các quốc gia ven biển khác ở khu vực Đông Nam Á là thế, bị dư luận các nước trên thế giới kịch liệt phản bác là thế, nhưng nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn chưa từng có ý định từ bỏ nó. Có tin nói chính phủ Trung Quốc chỉ thị cho các học viện, trường đại học ở Trung Quốc, từ năm 2013 trở đi, phải được học một bài giáo dục về “chủ quyền” của Trung quốc trên biển. Để phục vụ chương trình này, Trung Quốc cho in bản đồ mới, tỷ lệ 1/600.000 thể hiện yêu sách đường lưỡi bò với 10 đoạn đứt khúc, được ký hiệu là “quốc giới” của Trung Quốc.

Trung Quốc còn theo đuổi yêu sách biển ngang ngược và phi lý như thế thì Biển Đông không bao giờ thể bình lặng. Sự ổn định và phát triển của khu vực vẫn phải đương đầu với nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới