BienDong.Net: Hàng năm cứ vào dịp cuối tháng 9, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lại được nhóm họp. Năm nay tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh này họp phiên thứ 68 trong lịch sử hình thành và phát triển của mình.
Trong thời gian diễn ra cuộc họp của Đại hội đồng, các hoạt động ngoại giao trong hội trường và bên lề diễn ra nhộn nhịp vì đây cũng là dịp để các nguyên thủ quốc gia gặp gỡ, trao đổi và thảo thuận về những vấn đề riêng thuộc lợi ích của mỗi quốc gia mà không cần phải thông qua những cuộc viếng thăm chính thức, phải chuẩn bị hàng tháng trời với những thủ tục lễ tân phức tạp.Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm nay có chủ đề chính là “Đặt nền tảng cho Chương trình nghị sự về Phát triển sau năm 2015”. Đại diện của 193 nước thành viên, trong đó có gần 130 vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ đã đến dự và phát biểu.
Ngày 27/9, tại Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu được đánh giá là hết sức ấn tượng với tựa đề “Nhân loại cần một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo”. Những vấn đề ông Dũng đề cập trong bài phát biểu đầy biểu cảm của mình chính là những vấn đề đang được cả thế giới quan tâm như hòa bình, xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững…
Ông Dũng đã nêu bật quan điểm và nguyện vọng của Việt Nam về hòa bình và phát triển. Quan điểm và nguyện vọng đó, như ông nói, xuất phát từ chính những trải nghiệm của một dân tộc phải chịu đựng nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh, từ những thành tựu trong công cuộc tái thiết, xây dựng đất nước, và bằng trách nhiệm cũng như hành động cụ thể trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ do Liên hợp quốc đề ra. Thủ tướng Việt Nam nói Việt Nam ủng hộ việc các mục tiêu được cụ thể hóa trong “Chương trình nghị sự vì phát triển sau năm 2015”, hướng tới một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo, và cho rằng những mục tiêu cao cả đó không tách rời với việc duy trì nền hòa bình và an ninh như một tiền đề cơ bản cho phát triển và thịnh vượng của cộng đồng thế giới.
Khi kêu gọi các nước “hành động với trách nhiệm vì hòa bình và an ninh thế giới”, Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh rằng: “Trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc, tất cả các nước thành viên phải chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp quốc tế”.
Liên hệ tới tình hình căng thẳng tại các vùng biển từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á, ông Dũng nêu lên thực trạng: “Biển Hoa Đông, Biển Đông vẫn chưa lặng sóng vì những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ… Ông nói: “chỉ cần một hành vi thiếu trách nhiệm sẽ có thể dẫn tới xung đột, thậm chí dẫn tới chiến tranh”.
Ông khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp và các thỏa thuận quốc tế. Ông nói “Việt Nam trước sau như một nhất quán chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; bảo vệ lợi ích chính đáng của mình đồng thời vì lợi ích chung, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982, tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), các thỏa thuận khu vực và sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)”.
Hãng tin Kyodo trích lời ông Dũng chia sẻ với một nhóm phóng viên quốc tế bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, rằng “Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông nếu được ký kết sẽ giúp đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải”, và “COC sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho khu vực mà cho toàn bộ thế giới vì chúng ta đều biết rằng một nửa tàu thuyền hàng hải của thế giới vận chuyển qua đường này.
Quan điểm của người đứng đầu chính phủ Việt Nam tại diễn đàn đa phương lớn nhất hành tinh được giới truyền thông quốc tế trích đăng và ca ngợi. Quan điểm của Việt Nam về vấn đề Biển Đông một lần nữa lại được nêu rõ, nêu công khai trước toàn thế giới và nhận được sự ủng hộ, đồng tình của cộng đồng quốc tế. Quan điểm của Việt Nam cũng hoàn toàn phù hợp với quan điểm của các nước khác như Mỹ, Pháp, Ấn Độ, EU và cộng đồng các nước ASEAN.
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, cũng tại Newyork, nhân kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, ngày 27/9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc họp với ngoại trưởng các nước ASEAN. Tại cuộc họp, ông Kerry đã đề cập đến vấn đề Biển Đông và COC. Ông nói: “Khu vực Biển Đông quy tụ các cảng biển đông đúc, nhộn nhịp nhất thế giới cũng như các tuyến đường biển quan trọng nhất. Vì vậy, sự ổn định khu vực liên quan chặt chẽ đến sự thịnh vượng chung của cả chúng tôi”.
Ngoại trưởng Kerry phát biểu tiếp: “Đây là một trong những lý do tại sao Mỹ cam kết giữ gìn an ninh hàng hải, tự do hàng hải trên các vùng biển trong khu vực cho tới việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và đạt được bộ quy tắc ứng xử giữa các bên liên quan đến tranh chấp lãnh thổ. Theo đó, những việc này phải được giải quyết trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế”.
Ông Kerry kêu gọi các nước ASEAN cần “nhanh chóng đạt được sự đồng thuận về một bộ quy tắc ứng xử để giải quyết tranh chấp mà không phải bằng đe dọa, ép buộc hay sử dụng vũ lực”.
Theo tin của báo chí nước ngoài, ngày 27/9, Daniel Russell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, khi nói về chính sách của Mỹ đối với Châu Á cũng đã truyền đạt quan điểm của Tổng thống Barack Obama xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.
Theo đó, ông Obama khẳng định rằng các bên tuyên bố chủ quyền các đảo ở Biển Đông cần phải làm rõ những điểm còn mơ hồ, không nên dựa vào lịch sử hay cảm tính, tình cảm dân tộc để giải quyết vấn đề, đồng thời khẳng định Mỹ có đầy đủ năng lực, tự tin để đồng thời kiểm soát các vấn đề an ninh ở cả khu vực Châu Á lẫn Trung Đông.
Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực giải quyết vấn đề an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông, đồng thời hy vọng các bên liên quan tôn trọng luật pháp quốc tế và an ninh thương mại hợp pháp trên Biển Đông.
Tổng thống Obama cũng sẽ đề cập vấn đề COC trong Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) trong tháng 10 tại Brunei.
Điểm qua tin tức và phát biểu của một số chính khách cũng như những hoạt động ngoại giao trong và bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cũng đủ thấy sức nóng và sức lan tỏa của vấn đề Biển Đông như thế nào đối với bức tranh hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.
BDN