Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVăn hóa Biển Đảo: Chiếc ghe bầu trong lịch sử hàng hải...

Văn hóa Biển Đảo: Chiếc ghe bầu trong lịch sử hàng hải Việt Nam (Bài 2)

BienDong.Net: Trong lịch sử hàng hải Việt Nam, có một công cụ bán thô sơ đã góp phần quan trọng vào sự giao thương trên biển giữa các vùng miền duyên hải.

Theo các nhà nghiên cứu, công cụ này chính là chiếc ghe bầu: Nhờ sự hoạt động của ghe bầu mà Xứ Đàng Trong phát triển vượt hẳn lối chuyên chở ngày trước, và cũng nhờ loại ghe nổi tiếng này mà quan hệ của miền Trung và miền Nam đã có hiệu quả như ta thấy ngày nay.

 

Bài 2: Ghe bầu và xứ Đàng Trong

Dân Hội An – Quảng Nam ngày xưa được dân Nam bộ mệnh danh là dân ghe bầu. Cách gọi ấy không còn được dùng để chỉ người miền Trung giờ đây nữa, song người ta vẫn coi vai trò hoạt động của ghe bầu như sự phát triển đích thực của tinh thần yêu nước trên sóng Biển Đông.

 

Ghe bầu trên kênh Tàu Hũ ngày xưa

Theo tác giả Nguyễn Văn Xuân, chúng ta không thể biết rõ trận chiến của Lê Thánh Tông đã chinh phục Xứ Đàng trong như thế nào, chỉ biết là ông đã dừng lại ở Đà Nẵng do hai câu thơ còn ghi trong lịch sử:

Tam ca dạ tỉnh Đồng Long nguyệt

Ngũ cổ thanh phong Lô Hạt thuyền

(Ba canh trăng soi trên vịnh Đồng Long

Suốt đêm gió nát thổi qua thuyền Lô Hạt)

Đồng Long ngay nay tức là vịnh Đà Nẵng. Lô Hạt là một nước nhỏ ở Đông Nam Á, nhà vua chắc đến đây để giao thiệp về thương mại từ truyền thống về buôn bán với người Chiêm Thành. Cũng từ đây, ông tiếp tục đưa quân vào đến nơi ngày nay gọi là Núi Thành. Khi người Chiêm theo đường bộ và đường thủy đổ ra, ông cho thuyền tiến lên và xổ vương kỳ (cờ vàng). Người Chiêm Thành thấy cờ hoàng đế, hoảng sợ rút lui. Ông tiến quân cả bộ lẫn thủy diệt đạo bộ binh của Trà Toại, tiến vào Thị Nại và vây đánh Hoàng đế thành của Trà Toàn. Kể từ đây bản đồ Việt Nam kéo dài để rồi sau đó Chúa Nguyễn lại hoạt động tiếp tục cũng bằng đường biển đến tận Cà Mau. Nhưng cũng từ ngày ấy Đàng Trong chỉ còn Chúa Nguyễn.

Hội An ngày một lớn mạnh trong Đông Nam Á và có thể do chịu ảnh hưởng của vùng này nên hoạt động trên biển thay đổi hình dáng và cách vận dụng. Ghe thuyền từ Bắc vào chịu ảnh hưởng của Trung Quốc nên phần lái là một mảng bằng; còn ghe miền Nam thì hai đầu đều nhọn. Riêng ghe bầu thì thân ghe bụng lại phình ra rất rộng để chuyên chở được nhiều. Nhờ thân ghe bầu rộng nên trên đó có thiết lập cả một sàn gỗ để tiện việc đi lại, chở nhiều khách và khi đã an vị trong những đêm trăng, người ta có thể tổ chức hát hò giữa biển khơi.

Chắc chắn là nếu không có ghe bầu thì Chiêm dinh (tức dinh trấn Thanh Chiêm hay dinh trấn Quảng Nam) không thể quan hệ được dễ dàng với miền đất miền Nam, cụ thể mang hàng hóa vào và mang gạo Đồng Nai ra. Cũng nhờ ghe bầu mà Chúa Nguyễn Phước Nguyên mới đầu tiên gả công nữ Nguyễn Khoa Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp là Chey Chetta 11 để đổi việc nhà vua nhường Preikor cho Chúa lập khu kinh tế đặc biệt trên đất nước xa xôi này. Khu vực này sau là Gia Định – Sài Gòn. Cũng bắt đầu từ đây người Nam đã đến mở mang việc buôn bán rộng lớn với Cao Man; nhưng phải đến thời Nguyễn Phước Tần, nhân vì quân Minh bại trận chạy tán loạn trên Biển Đông với các danh tướng Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến, Trần Thượng Xuyên, Trần An Bình. Đạo quân này có những chiếc tàu gỗ cao lớn, quân thiện chiến đầy đủ khí giới và cả vợ con, heo, gà, đóng rải trên các biển Đà Nẵng – Hội An gây nên tình trạng bất ổn của khu vực. Đánh đuổi họ đi thì chưa chắc đã đủ sức. Một nguy cơ nan giải. Nhưng Phước Tần đã sáng ý viết thơ cho vua Cao Man để xin cho họ vào khai khẩn một cách hòa bình vùng đất Mỹ Tho, Bàn Lân (nay thuộc Biên Hòa). Các tướng này mang 50 chiếc thuyền “khổng lồ” vào khai thác vùng đất mới, mở đầu cho việc kinh dinh sau này của quân dân ta.

Sự mở mang này khởi đầu cho việc di dân của người Việt Nam tiếp theo và kiến tạo khu vực miền Nam thành vùng giàu có, nông sản thủy sản cực kỳ phong phú. Đúng như Phước Tần tiên liệu: khi ông vừa nằm xuống thì bọn Hoàng Tiến lập tức trở mặt nhưng đã sớm bị quân dân ta tiêu diệt. Trong khi ấy ghe bầu cứ từng đợt tiến vào Nam mang theo văn hóa của các tỉnh miền Trung.

Vị Chúa trẻ này lần đầu tiên đã mộ lính đánh thuê người Châu Âu để dùng trong quân đội. Nhưng vì trả lương không đủ nên đạo quân này tan biến chỉ còn lưu lại 20 chuyên viên. Cũng nhờ các chuyên viên mà Nguyễn Ánh sớm dựng được những cơ sở đóng tàu thủy rất nhiều buồm gọi là tàu “Đa Sách”. Lần đầu tiên quân Việt Nam hoạt động trên biển cả không phải đi ven bờ là nhờ các thuyền mới mẻ này. Cũng lần đầu tiên Nguyễn Ánh theo chuyên viên vẽ bản đồ ven biển một cách tương đối chính xác để đến thời Minh Mạng thực hiện tương đối hoàn chỉnh, khoa học như ta thấy ngày nay. Chính bản thân Nguyễn Ánh cũng đã biết dùng súng trường trong khi Nguyễn Huệ còn đang sử dụng hai cây kiếm. Trận đánh với quân Tây Sơn cứ theo gió mùa mà di chuyển và được người Pháp gọi là chiến tranh gió mùa. Biển cả đã biến thành nơi hoạt động hữu hiệu và tích cực cho chiến lược mới mẻ này. Đến thời Minh Mạng cũng tích cực đóng các tàu thủy theo kiểu mới này. Ông tiếp tục cho xuất xưởng tàu chạy bằng máy hơi nước khác để đưa vào cảng Đà Nẵng bảo vệ cho địa đầu nơi phát xuất ngoại quân muốn xâm lăng kinh đô Huế. Tất nhiên nhà vua cũng không quên dùng loại thuyền bọc đồng này để mở những chuyến ngự du thú vị với các cung tần mỹ nữ. Vốn đã từng theo vua cha bôn ba trên biển cả nhiều năm trời, vị hoàng đế thông tuệ nhất của nhà Nguyễn này đã sớm lo toan việc xuất khẩu sang Đông Nam Á mở đầu cho việc buôn bán và xuất khẩu đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Ông cho đào sông Câu Nhí qua Vĩnh Điện ra cửa Hàn.

Cũng chính tại Quảng Nam và Quảng Ngãi, ông đã cho liên hệ với các chủ lò đường để tập trung những tấn đường cát trắng và những tấn quế tại những kho lớn chưa hề thấy tại Đà Nẵng. Đường của ta thời bấy giờ có tiếng là trắng nhất và rẻ nhất trong vùng. Lượng xuất khẩu những năm cao điểm như năm 1842 là 1.400.000 cân đường cát và 20.000 cân quế. Nước Đại Nam không thông qua các trung gian mà chở thẳng sang các nước Đông Nam Á: Batavia (thủ đô Indonesia, nay là Jakarta); Tambalang (quần đảo Indonesia); Tiểu Tây Dương, Hạ Châu (Malaysia – Singapore). Lữ Tống (Luzon – Philippines); Ma Lục Giáp (Malacca ở bán đảo Mã Lai – trông ra eo biển Malacca).

Kể cả việc xuất khẩu tại Sài Gòn, ngoại thương Việt Nam có khi vượt qua 30 triệu quan Pháp/năm đầu thế kỷ XIX.

Đà Nẵng không lưu lại dấu tích gì để chúng ta biết rõ hơn về các thuyền vỏ bọc đồng vẫy vùng các Biển Đông Nam Á vì toàn bộ 7 chiếc tàu này đã bị Pháp phá hủy năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), trong khi Hội An còn lưu lại một di tích đáng trân trọng. Đó là miếu thờ các vạn ghe bầu ở thôn 2, xã Cẩm Nam bên cạnh nhiều miếu khác. Còn các vạn ghe bầu thì chúng ta có biết qua tình hình hoạt động của nó sau thế kỉ XVII. Nhờ sự hoạt động này mà xứ Đàng Trong phát triển vượt hẳn lối chuyên chở ngày trước, và cũng nhờ loại ghe nổi tiếng này mà quan hệ của miền Trung và miền Nam đã có hiệu quả như ta thấy ngày nay.

BDN (Nguồn SGTT)

RELATED ARTICLES

Tin mới