Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBIỂN ĐÔNG: MỘT VẤN ĐỀ NÓNG TẠI CÁC HỘI NGHỊ ASEAN NĂM...

BIỂN ĐÔNG: MỘT VẤN ĐỀ NÓNG TẠI CÁC HỘI NGHỊ ASEAN NĂM 2013

BienDong.Net: Các Hội nghị cấp cao trong khuôn khổ ASEAN diễn ra trong hai ngày 9 – 10/2013 tại Brunei đã khép lại một năm với nhiều biến động xung quanh vấn đề Biển Đông.

Từ đầu năm 2013, với việc Brunei – một bên trong tranh chấp Biển Đông làm Chủ tịch ASEAN, vấn đề Biển Đông tiếp tục được thảo luận rộng rãi tại tất cả các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN từ các cuộc họp cấp quan chức cao cấp SOM ASEAN đến các cuộc họp ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao và các cuộc họp cấp cao; từ các hội nghị của ASEAN đến các hội nghị của ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Ấn Độ… và hội nghị khu vực ARF 20 cũng như diễn đàn Đông Á. Chúng ta cùng nhìn lại vấn đề Biển Đông tại các Hội nghị trong khuôn khổ ASEAN năm 2013.

Ngay trong tháng 4/2013, tại Bandar Seri Begawan, Brunei đã diễn ra các Hội nghị quan trọng của ASEAN khởi đầu cho năm chủ tịch ASEAN của Brunei. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên trong năm diễn ra từ ngày 10 – 11/4/2013 nhằm định hướng trọng tâm và ưu tiên cho ASEAN trong năm 2013. Hội nghị đã dành nhiều thời gian để trao đổi về vấn đề Biển Đông, coi đây là vấn đề thuộc quan tâm của ASEAN và ASEAN cần có tiếng nói chung, vì liên quan đến hoà bình, an ninh khu vực.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 22 diễn ra trong các ngày 24 – 25/4, lãnh đạo các nước đã trao đổi, và khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ (UNCLOS); tôn trọng và thực hiện đầy đủ DOC đi đôi với thúc đẩy sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); nhấn mạnh Nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông của ASEAN, Tuyên bố chung ASEAN – Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC. Lãnh đạo các nước ASEAN giao các Ngoại trưởng và các Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN tiếp tục làm việc với Trung Quốc.

Vấn đề Biển Đông cũng là tâm điểm thảo luận của các bộ trưởng quốc phòng ASEAN (ADDM) lần thứ 7 (từ 6 – 8/5/2013), các Bộ trưởng bày tỏ ủng hộ cam kết của các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 22, yêu cầu làm việc tích cực với Trung Quốc để sớm đi đến ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực; nhất trí quan điểm, các bên cần tiếp tục nỗ lực ngoại giao, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trong đó cần tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là công ước LHQ về luật biển năm 1982. Các Bộ trưởng Quốc phòng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các kênh thông tin mở để tránh mâu thuẫn leo thang và những tính toán sai lầm trên Biển Đông, đồng thời đưa ra sáng kiến thiết lập đường dây nóng với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông và đề xuất tiến hành giao lưu văn hóa, thể thao giữa lực lượng các nước đang đồn trú tại các đảo ở Trường Sa.

Trong tháng 6 và đầu tháng 7/2013 đã diễn ra một loạt các hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao trong khuôn khổ ASEAN. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM – 46) ngày 30/6/2013, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đánh giá cao việc trao đổi ý kiến, trong đó có các sáng kiến và cách tiếp cận để tăng cường lòng tin và đối thoại nhằm giải quyết các vụ việc trên Biển Đông; ghi nhận đề xuất về thiết lập đường dây nóng cũng như tìm kiếm, cứu nạn trên Biển Đông.

Đặc biệt, tại các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao giữa ASEAN và 8 nước Đối thoại Australia, Canada, Liên minh Châu Âu (EU), Ấn Độ, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Hoa kỳ ngày 1/7, Ngoại trưởng các nước đối thoại của ASEAN đều đề cập đến vấn đề Biển Đông. Đặc biệt, Ngoại trưởng Mỹ Jonh Kerry khẳng định: “Mỹ có lợi ích quốc gia tại Biển Đông, an toàn hàng hải là mối quan tâm của khu vực; Biển Đông là tuyến đường hàng hải tấp nập và quan trọng nhất của thế giới và những gì xảy ra ở đây là vấn đề với nước Mỹ cũng như với tất cả các nước khác, là vấn đề đối với an ninh toàn cầu. Về vấn đề Biển Đông, tôi muốn nói rằng là quốc gia Thái Bình Dương và cường quốc ở khu vực này, Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì nền hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, không gây cản trở đến hoạt động hợp pháp và tự do hàng hải ở Biển Đông. Như chúng tôi đã đề cập, chúng tôi không đứng về bên nào trong việc tranh chấp chủ quyền trên biển, nhưng chúng tôi rất quan tâm đến cách thức giải quyết tranh chấp ở Biển Đông như thế nào và cách hành xử của các bên, chúng tôi rất mong muốn nhìn thấy tiến bộ về bộ quy tắc ứng xử để đảm bảo ổn định ở khu vực này”.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 20 (ARF – 20) và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Đông Á lần thứ 3 (EAS – 3) ngày 02/7/2013, các nước hoan nghênh nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định và an ninh biển ở khu vực, trong đó có Biển Đông; yêu cầu giải quyết hòa bình các tranh chấp, tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982; hoan nghênh các nỗ lực khu vực nhằm thúc đẩy hợp tác biển, bao gồm chống cướp biển, tìm kiếm và cứu nạn trên biển, môi trường và an ninh biển, kết nối biển...

Tại Hội nghị Ngoại trưởng đặc biệt ASEAN – Trung Quốc nhân kỷ niệm 10 năm ASEAN và Trung Quốc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược ngày 29 – 8 tại Bắc Kinh, các nước ASEAN chia sẻ tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông; nhấn mạnh thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, đi đôi với việc sớm đạt được COC, nhằm góp phần tăng cường lòng tin, bảo đảm hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực.

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ hai với sự tham gia của các quan chức quốc phòng cấp cao các nước ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc, Mỹ) đã ra Tuyên bố chung Bandar Seri Begawan, nhấn mạnh sự cần thiết phải phản đối đe dọa và sử dụng đe dọa trong giải quyết các vấn đề an ninh khu vực; cam kết phản ứng hiệu quả trước các thách thức, cơ hội hiện tại và trong tương lai dựa trên nguyên tắc không can thiệp, đồng thuận trong quyết định, tôn trọng chủ quyền quốc gia. Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nhấn mạnh: “Các hành động trên biển nhằm đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền không củng cố thêm tuyên bố pháp lý của bất kỳ bên nào. Thay vào đó, nó chỉ làm tăng rủi ro đối đầu, ảnh hưởng tới sự ổn định trong khu vực và làm giảm triển vọng ngoại giao”.

Trước sức ép của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã phải chấp nhận cùng các nước ASEAN tham vấn về việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cuộc họp lần thứ 6 Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN – Trung Quốc tại thành phố Tô Châu, Trung Quốc (ngày 14 – 15/9/2013). Các nước chia sẻ COC cần được xây dựng và nâng cao hơn trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản đã được thống nhất trong các văn kiện đã có giữa ASEAN và Trung Quốc, nhất là DOC năm 2002, Tuyên bố chung Cấp cao ASEAN – Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC, kết luận của các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc tháng 6 và tháng 8/2013. Cuộc họp tham vấn chính thức đầu tiên về COC ở cấp SOM ASEAN – Trung Quốc mới chỉ là sự khởi đầu, phía trước còn nhiều chông gai do Trung Quốc vẫn không chịu đàm phán chính thức về COC.

Tại các Hội nghị cấp cao ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác cũng như Diễn đàn cấp cao Đông Á trong 2 ngày 9 – 10/2013, vấn đề Biển Đông tiếp tục là chủ đề nổi bật được bàn thảo. Mặc dù, Trung Quốc ráo riết vận động, tìm mọi cách gạt bỏ vấn đề Biển Đông ra khỏi chương trình của Hội nghị cấp cao Đông Á, nhưng Trung Quốc không đạt được mục tiêu và vấn đề Biển Đông được hầu hết các nước tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á đều đề cập trong bài phát biểu của mình; bày tỏ sự ủng hộ, giải quyết vấn đề Biển Đông trên cơ sở nguyên tắc 6 điểm của ASEAN và tất cả các nước đối tác của ASEAN đều ủng hộ nỗ lực xử lý, giải quyết vấn đề Biển Đông trên cơ sở làm sao đảm bảo hòa bình ổn định trong khu vực cũng như đảm bảo an ninh hàng hải, an ninh biển. Các nhà lãnh đạo đề cao các nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

Như vậy, có sự khác biệt rõ rệt về nội dung vấn đề Biển Đông tại các hội nghị liên quan của ASEAN trong năm 2013 so với năm 2012. Trong năm 2012, do đã bị Trung Quốc mua chuộc, chi phối nên Campuchia nước Chủ tịch ASEAN đã tìm mọi cách gạt bỏ nội dung vấn đề Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự của các hội nghị dẫn đến việc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) 45 lần đầu tiên không ra được Tuyên bố chung. Còn trong năm 2013, Brunei đã thực hiện khá hiệu quả vai trò điều phối nên vấn đề Biển Đông luôn là một đề tài nổi bật tại tất cả các diễn đàn trong khuôn khổ ASEAN. Mưu toan của Trung Quốc trong việc phân hoá chia rẽ các nước ASEAN trên vấn đề Biển Đông đã không thành công, không những thế Trung Quốc còn buộc phải lần đầu tiên tham vấn với các nước ASEAN về COC.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới