Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHỢP TÁC HAI BỜ EO BIỂN ĐÀI LOAN TRÊN VẤN ĐỀ BIỂN...

HỢP TÁC HAI BỜ EO BIỂN ĐÀI LOAN TRÊN VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Thời gian qua có nhiều tin được đưa trên các phương tiện truyền thông của Trung Quốc và Đài Loan kêu gọi Trung Quốc và Đài Loan hợp tác trên vấn đề Biển Đông để bảo vệ cái gọi là “quyền lợi biển của người Trung Hoa”.

Có thông tin còn nói rằng các chuyên gia của Trung Quốc và Đài Loan đang hợp tác để xây dựng lập luận bảo vệ yêu sách “đường chín đoạn” quái gở của Trung Quốc ở Biển Đông. Vậy khả năng hợp tác giữa 2 bờ eo biển Đài Loan có thực tế hay không? Đây là câu hỏi lớn đang đặt ra với các nhà nghiên cứu.

Trên thực tế thì tại cả Đài Loan và Trung Quốc đã tổ chức một số cuộc hội thảo về chủ đề “hợp tác giữa hai bờ eo biển Đài Loan trên vấn đề biển đảo”. Mới đây nhất, từ ngày 11 đến ngày 13/9/2013, tại Nam Áo, thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã diễn ra Hội thảo “Hai bờ cùng nhau bảo vệ chủ quyền và quyền lợi biển của dân tộc Trung Hoa” lần thứ ba. Các chủ đề chính của Hội thảo là: (i) lĩnh vực và tiềm năng hợp tác phát triển biển giữa hai bờ; (ii) con đường và biện pháp hợp tác phát triển biển giữa hai bờ; (iii) trở ngại, khó khăn và đối sách trong việc hợp tác phát triển biển giữa hai bờ… Hội thảo do Hội xúc tiến phát triển văn hoá Trung Hoa, Trung tâm nghiên cứu phát triển khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tỉnh Quảng Đông và Hip hội phát triển văn hoá giáo dục kỷ nguyên Trung Hoa của Đài Loan đồng tổ chức. Có hơn 60 chuyên gia, học giả, tướng lĩnh của Trung Quốc và Đài Loan tham dự Hội thảo. Các phát biểu tại Hội thảo đã kêu gọi Trung Quốc và Đài Loan cùng hợp tác bảo vệ quyền lợi biển.

Hội thảo đã thông qua “Tuyên ngôn Nam Áo” kêu gọi hai bờ hợp tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của dân tộc Trung Hoa, phản đối “sự xâm chiếm phi pháp của các nước đối với các hòn đảo, bãi ngầm và tài nguyên biển của dân tộc Trung Hoa”. Hội thảo đưa ra lộ trình hợp tác giữa hai bờ trên vấn đề biển đảo theo nguyên tắc “dễ trước khó sau, tuần tự tiệm tiến”, trước tiên hợp tác vi nhau trong lĩnh vực kinh tế và những vấn đề mang tính sự vụ như hồ sơ tư liệu, viện trợ nhân đạo trên biển, khai thác tài nguyên dầu khí, bảo vệ môi trường biển, đồng thời cho rằng hai bờ cần sớm thúc đẩy những hạng mục hợp tác cụ thể đạt thành quả thiết thực.

Cả Trung Quốc và Đài Loan có một điểm chung, họ cùng chung dòng máu đại Hán. Những phát biểu tại Hội thảo thể hiện rõ tính cực đoan của chủ nghĩa dân tộc Đại Hán. Chủ đề của Hội thảo cũng như những người tham dự Hội thảo muốn kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi để ngụy biện cho yêu sách phi lý về chủ quyền đối với các hòn đảo cũng như yêu sách phi lý về các vùng biển ở Biển Đông, từng bước thực hiện tham vọng khống chế, thôn tính Biển Đông.

Tuy nhiên, ý tưởng và những lời kêu gọi của những người dân tộc chủ nghĩa nói trên rất khó trở thành hiện thực, hợp tác giữa Trung Quốc và Đài Loan có những rào cản và mâu thuẫn mà hai bên rất khó vượt qua. Đó là việc Đài Loan luôn lo ngại Trung Quốc Đại lục sẽ thôn tính Đài Loan. Trong khi Đài Loan muốn dùng vấn đề Biển Đông để nâng cao vị thế chính trị yếu kém của mình thì Trung Quốc Đại lục lại luôn tìm mọi cách để thu hẹp không gian chính trị sinh tồn của Đài Loan. Do đang ở thế yếu nên nếu hợp tác với Đại Lục trên vấn đề Biển Đông thì chắc chắn sẽ bị Trung Quốc đại lục khống chế. Có thể thấy rằng, vấn đề Biển Đông đang là một con bài chính trị trong tay những người cầm quyền ở Đài Loan mà họ không thể để mất đi. Trên thực tế, Chính quyền Đài Loan đang tranh thủ tình hình phức tạp ở Biển Đông để đẩy mạnh các hoạt động ở đảo Ba Bình mà hiện Đài Loan đang chiếm giữ. Gần đây có tin Đài Loan sẽ đầu tư 21 triệu USD để mở rộng cầu cảng ở Ba Bình, theo kế hoạch họ sẽ khởi công vào năm 2014 và hoàn thành để đưa vào sử dụng năm 2016. Một điều có thể khẳng định là quan điểm của Đài Loan và Trung Quốc đại lục trên vấn đề Biển Đông là khá giống nhau nên cho dù họ hợp tác hay không hợp tác với nhau thì việc cả Đài Loan và Trung Quốc cùng đẩy mạnh các hoạt động ở Biển Đông chỉ càng làm cho tình hình Biển Đông thêm căng thẳng.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới