Saturday, January 4, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMuốn "gác tranh chấp, cùng khai thác" thì phải xác định được...

Muốn “gác tranh chấp, cùng khai thác” thì phải xác định được vùng tranh chấp, vùng không tranh chấp!

BienDong.Net: Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” do Học viện ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào ngày 11 – 12/11 với sự tham dự của khoảng 200 đại biểu đại diện chính phủ, giới học giả, chuyên gia các nước từ ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ… và ngoại giao đoàn tại Việt Nam.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về bối cảnh và diễn biến tình hình Biển Đông thời gian gần đây, vai trò của ASEAN, các nước lớn và luật pháp quốc tế nói chung và Công ước Luật Biển 1982 nói riêng; đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm giảm bớt khác biệt, tăng cường hợp tác khu vực, phương hướng áp dụng các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp nhằm duy trì và bảo đảm hòa bình, ổn định tại Biển Đông và khu vực.


Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ 5 về Biển Đông tại Hà Nội sáng ngày 11/12. (Ảnh Nam Hằng)

Nhiều học giả đánh giá tình hình Biển Đông năm 2013 có phần được cải thiện, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn. Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực ổn định quan hệ với các nước láng giềng, đã đạt thỏa thuận với Ấn Độ kiểm soát tốt hơn đường biên giới, đạt bước tiến tích cực trong hợp tác trên biển với Việt Nam, có động thái tích cực khởi động tham vấn với ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông. ASEAN đã lấy lại được đoàn kết và uy tín trong vấn đề Biển Đông. Các đại biểu cho rằng trong những năm tới, Biển Đông vẫn tiếp tục là khu vực tồn tại tranh chấp, bị tác động của sự cạnh tranh Trung – Mỹ, vì vậy, ASEAN cần duy trì đoàn kết và giữ vững vai trò trung tâm của mình.

Thảo luận về vai trò của Công ước luật biển LHQ 1982 trong tranh chấp Biển Đông, các học giả đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế nói chung và Công ước nói riêng. Nhiều học giả là luật sư uy tín quốc tế cho rằng yêu sách “Đường chín đoạn” của Trung Quốc mập mờ và thiếu cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, các bên khác trong tranh chấp Biển Đông cũng cần làm rõ yêu sách chủ quyền và vùng biển của mình. Yêu sách rõ ràng và phù hợp với luật pháp quốc tế là cơ sở để xác định các vùng biển tranh chấp và phát triển mô hình khai thác chung tại Biển Đông. Bên cạnh đó, trong khi tranh chấp chưa được giải quyết hoàn toàn, các bên cần thúc đẩy việc thảo luận Bộ Quy tắc ứng xử (COC) để quản lý căng thẳng và ngăn ngừa xung đột tại Biển Đông.

Về những diễn biến pháp lý gần đây, các học giả dành nhiều thời gian tranh luận về quy chế pháp lý của các thực thể ở Biển Đông căn cứ vào một số phán quyết mới nhất của Tòa án quốc tế và nhấn mạnh đến vai trò của đảo trong yêu sách chủ quyền và vùng biển. Các đại biểu cũng dành thời gian thảo luận về diễn biến vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, diễn biến mới về yêu sách thềm lục địa mở rộng.

Đánh giá về quá trình thực thi DOC và triển vọng đàm phán và ký kết COC, các học giả nhận định đã có những tiến triển tích cực, Trung Quốc và ASEAN đã thống nhất được Hướng dẫn thực thi DOC và trên cơ sở đó các dự án hợp tác bước đầu đã được triển khai.

Tuy nhiên, các học giả cũng nhận định rằng, các quy định của DOC chưa đủ sức mạnh để tạo ra một khuôn khổ pháp lý điều chỉnh các hành động của các bên tại Biển Đông. Vì vậy, ASEAN và Trung Quốc nên tích cực tham vấn và đàm phán để đi kết ký kết một Bộ luật ứng xử có giá trị ràng buộc. COC cần có các quy định rõ ràng theo các lĩnh vực và các bên có lợi ích liên quan nhằm điều chỉnh các hành vi trong các khu vực biển chồng lấn, đồng thời có cơ chế rà soát và báo cáo để giám sát quá trình thực hiện của các bên.

Song song với quá trình đàm phán tiến tới COC, các học giả cũng đề xuất các biện pháp hợp tác nghề cá, thành lập một công viên biển hòa bình, tiến hành nghiên cứu khoa học chung, khảo sát về các điều kiện địa lý tại các đảo trong Biển Đông… trong khi chờ đợi một giải pháp cuối cùng cho tranh chấp và biện pháp để bảo tồn tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông.

Trong thời gian qua, các quốc gia trong khu vực đã nỗ lực áp dụng các nguyên tắc và biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp. Các kinh nghiệm này cho thấy tranh chấp đã được giải quyết thành công thông qua đàm phán và các cơ quan tài phán.

Hội thảo diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn và thực chất với mong muốn đóng góp thiết thực vào việc thúc đẩy hợp tác vì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.

Một trong những vấn đề được bàn tại hội thảo là đề xuất của Trung Quốc về việc “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Về việc này, GS Đặng Đình Quý – Giám đốc Học Viện Ngoại Giao (đơn vị đồng chủ trì tổ chức hội thảo) cho rằng, phía Việt Nam cũng không phản đối chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” của phía Trung Quốc (mặc dù Việt Nam luôn kiên trì giải thích quan điểm đó của phía Việt Nam là “hợp tác cùng phát triển” trong các văn kiện chính thức), tuy nhiên theo ông Quý, vấn đề cốt lõi trong “gác tranh chấp, cùng khai thác” là phải xác định được vùng tranh chấp và vùng không tranh chấp, từ đó mới có thể bàn đến chuyện “gác tranh chấp, cùng khai thác” trên những vùng biển đang tranh chấp.

Và để xác định được đâu là vùng không tranh chấp, đâu là vùng đang tranh chấp thì lại phải dựa vào luật pháp quốc tế, nhất là Công ước luật biển 1982, theo đó, mỗi quốc gia sẽ có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Vùng biển đang tranh chấp phải là vùng biển nằm bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mỗi quốc gia ven biển, trong đó có Việt Nam, và tại vùng đó mới có thể áp dụng “gác tranh chấp, cùng khai thác” được.

Trình bày rõ hơn về vấn đề này, TS Nguyễn Đăng Thắng từ Hội luật gia VN trong tham luận của mình đã nêu rõ những trở ngại cho việc áp dụng chủ trương “khai thác chung” của phía Trung Quốc, trong đó yêu sách về “đường lưỡi bò”, sự mập mờ trong việc giải thích và áp dụng điều 121 của Công ước luật biển 1982 cho các cấu trúc địa chất thuộc Hoàng Sa và Trường Sa đang là các yếu tố cản trở quá trình “khai thác chung” này.

Tuy nhiên, mối quan tâm lớn nhất từ các đại biểu của hội thảo này, tập trung vào một sự kiện mới phát sinh trong năm 2013, đó là vụ Philippines kiện Trung Quốc ra một Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước luật biển 1982. Cho đến nay, có nhiều dự đoán được đưa ra cho phán quyết của Tòa (mà dự đoán thì có thể đúng, có thể sai), nhiều mong đợi từ phán quyết của Tòa, nhưng cũng nhiều lo ngại sự né tránh từ Tòa khi phán quyết sẽ gây ra những hệ lụy không nhỏ cho tình hình Biển Đông.

Kết thúc Hội thảo, GS Đặng Đình Quý – Giám đốc Học viện ngoại giao đã đúc kết lại một số những nội dung chính:

Thứ nhất, chúng ta đều nhất trí rằng, hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của tất cả các bên liên quan và của cộng đồng quốc tế nói chung. Một Biển Đông bất ổn không những sẽ gây khó khăn cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, làm ảnh hưởng tới quan hệ ASEAN – Trung Quốc mà còn làm phức tạp thêm quan hệ giữa các nước lớn, là điều mà không nước nào mong muốn, dù là nước nhỏ hay nước lớn. Chính vì vậy, tất cả các bên liên quan có lợi ích chung trong việc kiểm soát và làm giảm nhiệt tranh chấp ở Biển Đông.

Thứ hai, chúng ta nhất trí rằng vấn đề Biển Đông không chỉ thuần túy là vấn đề tranh chấp chủ quyền và quyền chủ quyền, mà còn liên quan đến các vấn đề rộng lớn hơn là các chuẩn mực và nguyên tắc của quan hệ quốc tế và sự vận hành của hệ thống luật pháp quốc tế. Các nguyên tắc, chuẩn mực mà các bên áp dụng trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông có mối liên hệ mật thiết và có tác động tới việc giải quyết tranh chấp ở các khu vực khác trên thế giới. Đây là một lý do nữa tại sao các bên liên quan đến tranh chấp Biển Đông càng phải ứng xử một cách thận trọng và có tinh thần trách nhiệm cao.

Thứ ba, chúng ta đều mong muốn luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển của LHQ là cơ sở để các bên xây dựng lòng tin, làm rõ yêu sách, phân định, thu hẹp các yêu sách vùng biển chồng lấn và thúc đẩy các biện pháp hợp tác ở Biển Đông.

Thứ tư, chúng ta có nhận thức chung rằng, nếu các bên liên quan có thiện chí hợp tác và nghiêm túc tôn trọng các chuẩn mực, nguyên tắc hợp tác của luật pháp quốc tế thì hoàn toàn có khả năng tìm kiếm giải pháp hợp tác cho vấn đề Biển Đông. Đã có rất nhiều các mô hình hợp tác song phương và đa phương thành công ngay tại khu vực Đông Nam Á và nhiều nơi khác trên thế giới mà chúng ta có thể học tập và áp dụng cho Biển Đông.

Thứ năm, chúng ta đều mong muốn ASEAN, với vai trò là tổ chức an ninh ở khu vực, có vai trò trung tâm trong các cơ chế hợp tác an ninh khu vực, sẽ đóng một vai trò to lớn hơn trong việc tạo ra môi trường thuận lợi để các bên liên quan đối thoại, xây dựng lòng tin, kiểm soát tranh chấp và tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Biển Đông. Chúng ta tin rằng một ASEAN đoàn kết và có tiếng nói chung sẽ đóng góp tích cực cho tình hình Biển Đông, vì vậy, các bên liên quan, nhất là các nước lớn, có lợi ích chung trong việc giúp ASEAN củng cố đoàn kết và thống nhất.

Đây là năm thứ năm liên tiếp, kể từ năm 2009, hội thảo được tổ chức. Mục tiêu của hội thảo nhằm chia sẻ thông tin cũng như những nghiên cứu mới nhất của các học giả quốc tế và khu vực về Biển Đông, trao đổi sâu về những diễn biến gần đây, về lợi ích và chính sách của các bên liên quan, phân tích các khía cạnh của luật pháp quốc tế và đề xuất những kiến nghị mới nhằm đóng góp vào việc giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

BDN (theo báo chí quốc nội)

 

RELATED ARTICLES

Tin mới