Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc lập khu vực phòng không trùm lên các đảo tranh...

Trung Quốc lập khu vực phòng không trùm lên các đảo tranh chấp với Nhật

BienDong.Net: Hôm 23/11/2013, Bắc Kinh thông báo thiết lập một khu vực nhận diện phòng không (ECSADIZ) do Bộ Quốc phòng Trung Quốc quản lí bao quát một diện tích rất lớn trên biển Hoa Đông giữa Hàn Quốc và Đài Loan, kể cả vùng trời bên trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, hiện do Nhật kiểm soát, nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền.

Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, các phi cơ bay ngang qua khu vực này phải cung cấp kế hoạch bay chi tiết, thể hiện rõ quốc tịch của máy bay và duy trì liên tục liên lạc vô tuyến để có thể đáp ứng nhanh chóng và thích đáng các yêu cầu nhận diện của nhà chức trách Trung Quốc.

Bản đồ cho thấy khu vực nhận diện phòng không mà Trung Quốc vừa tuyên bố (đường gạch đỏ). Đồ họa: BBC/CDM

Ngay sau khi công bố khu vực nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông, trong ngày 23.11 Trung Quốc đã tiến hành hai phi vụ bay kiểm soát vùng này, gồm các máy bay cảnh báo sớm đi kèm máy bay chiến đấu.

Trong khi đó, mạng “Tin tức Nhật Bản” (Japan News Network) dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo, từ buổi chiều đến chiều tối ngày 23 – 11, hai chiếc máy bay trinh sát Trung Quốc đã xâm nhập không phận gần Senkaku, lực lượng tự vệ trên không của Nhật Bản đã ngay lập tức đưa máy bay chiến đấu F – 15 lên ngăn chặn.

Phát biểu trước quốc hội hôm 25/11 về quyết định của Trung Quốc, Thủ tướng Nhật bản Abe tuyên bố: “Tôi rất lo ngại vì đó là một hành động hết sức nguy hiểm, có thể gây ra những hệ quả không lường trước được”.

Người phát ngôn của Chính phủ Nhật, Katsunobu Kato tuyên bố: “Quyết định của Trung Quốc không có hiệu lực đối với đất nước chúng tôi”.

Ông Kato cũng cho biết thêm, động thái này của Trung Quốc được xem là sự can thiệp một cách không công bằng vào quyền tự do bay trên vùng biển mở này vốn là một nguyên tắc phổ quát theo luật pháp quốc tế.

Bộ Ngoại giao Nhật đã triệu đại sứ Trung Quốc Hàn Chí Cường để phản đối hành động mà Nhật cho là không thể chấp nhận được” của Bắc Kinh.

Cùng lúc đó, ông Tomohiko Taniguchi, một cố vấn của Thủ tướng Shinzo Abe cảnh báo Bắc Kinh thách thức quyền tự do lưu thông trên không và trên biển trong khu vực” và làm tăng “nguy cơ xảy ra va chạm giữa một bên là quân đội Trung Quốc và một bên là liên quân Mỹ – Nhật”.

Báo The Diplomat cho rằng với việc công bố khu vực nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông và có hiệu lực từ 10 giờ sáng 23.11, Trung Quốc đã chính thức đưa tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ vùng biển lên vùng trời, và đây là bước leo thang quanh quần đảo Senkaku, có nguy cơ dẫn đến tình huống bất ngờ”.

Theo Diplomat, mặc dù các quy tắc này tương tự quy tắc mà Mỹ và Canada áp dụng chung trên ECSADIZ ở Bắc Mỹ, nhưng ECSADIZ Bắc Mỹ chính xác về mặt không gian địa lý hơn so với ECSADIZ trên biển Hoa Đông của Trung Quốc bởi lẽ ECSADIZ của Trung Quốc chồng lấn ECSADIZ của Nhật Bản trên vùng biển này.

Hãng tin Nhật Kyodo còn chỉ ra những nguy cơ gây xung đột khi mà những vùng nhận diện bay này đều thực hiện theo luật pháp của mỗi nước mà không tuân thủ luật lệ quốc tế nào.

Lý giải động cơ của Trung Quốc, mạng tin Sankei Express viết: Bằng việc thiết lập ECSADIZ, chính phủ Trung Quốc thể hiện ý đồ đối đầu với liên minh Nhật – Mỹ.

Còn theo nhận định của tạp chí Diplomat, việc Trung Quốc ban hành vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông là đi kèm các thách thức của họ đối với với sự quản lý của Nhật Bản tại quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Đài Loan, lãnh thổ cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, bày tỏ lấy làm tiếc về ECSADIZ của Bắc Kinh và tuyên bố lực lượng quân sự của họ sẽ làm mọi việc cần thiết để bảo vệ an ninh.

Theo hãng thông tấn Yonhap ngày 25/11, Seoul sẽ thảo luận với Bắc Kinh giải quyết vấn đề khu vực nhận diện phòng không mà Trung Quốc tuyên bố thiết lập ở Hoa Đông chồng lên một phần lãnh thổ Hàn Quốc.

Nguồn tin chính thức nói với Yonhap News rằng Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Baek Seung – joo sẽ thảo luận vấn đề này với người đồng cấp Trung Quốc tại phiên họp thứ 3 đối thoại quốc phòng song phương diễn ra tại Seoul, và Hàn Quốc không chấp nhận khu vực nhận diện phòng không do Trung Quốc vạch ra xâm phạm không phận phía Tây đảo Jeju và trung tâm nghiên cứu Hải dương Leodo của Hàn Quốc.

 

Khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhìn từ máy bay do thám của Trung Quốc – Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Mỹ cho biết, nước này “quan ngại sâu sắc” và cam kết sẽ bảo vệ Nhật Bản sau khi Trung Quốc tuyên bố thành lập khu vực nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông (ECSADIZ) bao phủ cả vùng trời quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

“Hành động đơn phương này là một cố gắng nhằm làm thay đổi tình hình hiện tại ở biển Hoa Đông”, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhận định.

“Động thái leo thang sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và gây ra những rủi ro về một vụ đụng độ”, Ngoại trưởng Mỹ phát biểu từ Geneva (Thụy Sĩ), nơi ông tham dự các vòng đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel thì tái khẳng định rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc quyền kiểm soát của Tokyo nằm trong hiệp ước an ninh mà Mỹ và Nhật đã cùng ký kết.

Điều này đồng nghĩa với việc Washington sẽ bảo vệ đồng minh Nhật nếu quần đảo trên bị tấn công.

“Chúng tôi đang thảo luận kỹ lưỡng với các đồng minh và đối tác trong khu vực, bao gồm Nhật Bản. Chúng tôi vẫn kiên định cam kết đối với các đồng minh và đối tác”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định.

Ông Hagel nói rõ rằng Mỹ, vốn đang có hơn 70.000 binh sĩ đồn trú tại Nhật và Hàn Quốc, sẽ không công nhận tuyên bố chủ quyền và khu vực nhận diện phòng không của Trung Quốc.

Cái gọi là “khu vực nhận diện phòng không” do Trung Quốc đưa ra lần này không bao gồm Biển Đông, nhưng Dương Vũ Quân, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết Trung Quốc sẽ thiết lập các “khu vực nhận diện phòng không” bổ sung vào thời điểm “hoàn tất các bước chuẩn bị cần thiết”.

Về việc này, các nhà quan sát cho rằng bất cứ hành động nào nhằm thay đổi hiện trạng trong khu vực sẽ đi ngược lại hoàn toàn các tuyên bố “thiện chí” của Bắc Kinh, vi phạm luật pháp quốc tế và các thỏa thuận đã đạt được trong khu vực và làm xấu đi quan hệ của Bắc Kinh với các nước liên quan.

BDN (tổng hợp)

RELATED ARTICLES

Tin mới