BienDong.Net: Theo BBC, trong thách thức đối với khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) do Trung Quốc thiết lập hôm 23.11, Hoa Kỳ đã cho hai chiếc B52 bay thẳng vào khu vực này trên chuỗi đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông mà không “tuân theo luật lệ” của Bắc Kinh.
Một phát ngôn viên Lầu Năm góc nói hai máy bay B52 đã đi theo “thủ tục thông thường, và là một phần của cuộc tập trận thường xuyên trong khu vực”.
Hoa Kỳ – hiện có khoảng 70.000 quân ở Nhật Bản cùng với Hàn Quốc tuyên bố rằng sẽ không tôn trọng ADIZ mà Trung Quốc vạch ra.
Hoa Kỳ phô trương sức mạnh
Giới chức Mỹ cho biết Phó Tổng thống Joe Biden sẽ trao đổi với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về vấn đề gây tranh cãi này trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tuần tới.
Kéo Mỹ lại gần hơn với Nhật Bản
Robert Kaplan, cựu thành viên Ủy ban Chính sách quốc phòng Lầu Năm Góc nhận xét: Việc điều động hai máy bay ném bom B52 tới quần đảo tranh chấp là “sự biểu dương lực lượng trong cam kết bảo vệ Nhật Bản, khẳng định cách nhìn nhận nghiêm túc của Mỹ trước động thái từ Trung Quốc”.
Ông PJ Crowley, cựu quan chức ngoại giao của chính quyền Obama, nói rằng hành động này của Mỹ “chắc chắn làm cho nhiều quốc gia trong khu vực đang quan ngại về một Trung Quốc ngày càng quả quyết cảm thấy an tâm”.
Phát biểu với BBC, ông nói: “Việc Trung Quốc muốn chơi ván cờ quyền lực trên vấn đề đảo tranh chấp là một ví dụ nữa cho thấy họ đang cố gắng tranh giành ảnh hưởng trong khu vực”.
Báo Mỹ The New York Times đánh giá quyết định của Trung Quốc là hành động cưỡng bức và nhấn mạnh: Quyết định áp đặt ADIZ của Trung Quốc trên phần lớn biển Hoa Đông đi ngược lại những tuyên bố của Trung Quốc về việc nước này muốn giải pháp hoà bình cho các tranh chấp, và là bước đi khiêu khích làm gia tăng căng thẳng, làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột trực diện với Nhật Bản.
“Về ngắn hạn, động thái này gây ảnh hưởng tiêu cực cho nỗ lực của Bắc Kinh muốn gây ảnh hưởng cấp vùng”, Bonnie Glaser, chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Chiến lược tại Washington, D.C. cho biết. “Gây căng thẳng cho quá nhiều láng giềng cùng lúc chẳng mang lại lợi ích gì cho Trung Quốc”, bà Glaser nói.
Theo một số chuyên gia phân tích, động thái của Trung Quốc là nhằm làm xói mòn sự kiểm soát của Nhật đối với quần đảo tranh chấp. “Hành động này có thể phản tác dụng”, Brad Glosserman, giám đốc điều hành Diễn đàn Thái Bình Dương CSIS nói. “Diễn đàn đang xác nhận những cách nhìn tồi tệ hơn về Trung Quốc tại Châu Á. Trung Quốc một lần nữa đang kéo Mỹ lại gần hơn với Nhật Bản”.
Hành động của Trung Quốc cũng vô tình làm gia tăng sự ủng hộ tại Nhật đối với Thủ tướng cứng rắn Shinzo Abe. Ông Abe đã đưa ra lịch trình thúc đẩy các khả năng quân sự, nới lỏng điều khoản Hiến pháp hòa bình thời hậu chiến.
Đại sứ Mỹ tại Nhật – Caroline Kennedy – trong phát biểu đầu tiên kể từ khi nhậm chức hồi đầu tháng – chỉ trích “hành động đơn phương của Trung Quốc đang xói mòn an ninh khu vực” đồng thời ca ngợi thái độ kiềm chế của Nhật trong thời gian qua.
Diễn biến mới trong cuộc tranh chấp Trung – Nhật xảy ra trong bối cảnh cuộc tập trận hải quân hàng năm Mỹ – Nhật cũng đang diễn ra ở vùng biển ngoài khơi đảo Okinawa và Kyushu – phần phía đông ADIZ mà Trung Quốc công bố. Cuộc tập trận có sự tham gia của tàu sân bay USS George Washington và được lên kế hoạch từ trước khi Bắc Kinh công bố ADIZ.
Áp lực khổng lồ
Một số nhà phân tích cho rằng quân đội Trung Quốc có thể sẽ phải chật vật đương đầu với việc tăng vọt các hoạt động giám sát và ngăn chặn trên biển Hoa Đông, nếu nước này kiên quyết cưỡng chế việc thực thi ADIZ bao trùm lên cả quần đảo đang tranh chấp với Nhật Bản mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư và Tokyo đặt tên Senkaku.
Một nguồn tin chính quyền Nhật Bản nói rằng quân đội Trung Quốc dù phát triển nhanh sau nhiều năm, với ngân sách quốc phòng hàng năm thường tăng ở mức 2 con số, Trung Quốc vẫn chưa có các ra-đa hoặc máy bay chiến đấu với số lượng cần thiết để bao phủ toàn bộ ADIZ. “Trung Quốc sẽ không thể triển khai ADIZ hoàn chỉnh bởi họ không có đủ tiềm lực” – nguồn tin đề nghị không tiết lộ danh tính nói với hãng tin Reuters.
Ước tính Trung Quốc có 45 máy bay trinh sát/giám sát nằm quanh ADIZ, cùng khoảng 160 máy bay chiến đấu quanh Thượng Hải.
Nguy cơ tính toán sai lầm
Theo nhà nhân tích Alexander Neil của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, việc Trung Quốc lập ra vùng phòng không chồng lấn lên vùng mà Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền là một tuyên bố mạnh mẽ có thể gây ra rủi ro dẫn tới những tính toán sai lầm và căng thẳng leo thang trong khu vực.
Thực tế việc các tàu tuần tra Nhật Bản và Trung Quốc nhiều lần “vờn” nhau gần quần đảo tranh chấp đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xung đột. Đã có vài trường hợp máy bay quân sự đôi bên bay rất gần nhau. Hồi tháng 10 năm nay, máy bay quân sự Trung Quốc đã bay gần khu vực mà Nhật Bản tuyên bố là ADIZ của họ trong 3 lần liên tiếp và lần nào Nhật Bản cũng điều máy bay chiến đấu lên nghênh tiếp.
Thời gian tới, nếu Trung Quốc điều máy bay đi tuần tra ADIZ, hành vi của các phi công sẽ được để ý kỹ lưỡng. Giới chức quân sự Mỹ bày tỏ lo ngại về nguy cơ tai nạn hoặc tính toán lầm khi máy bay đôi bên hoạt động gần nhau.
Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc không tiết lộ với Reuters về việc sắp tới các máy bay tuần tra của họ có mang theo vũ khí hay không. Người này chỉ nói rằng: “Để nhận dạng hoặc đe dọa vật thể bay trong ADIZ, phía Trung Quốc sẽ tùy thuộc vào các tình huống khác nhau mà triển khai các biện pháp nhận dạng, giám sát và kiểm soát kịp thời để xử lý”.
Một số nhà phân tích từ Hoa lục cho rằng trong việc thiết lập ADIZ, Trung Quốc đã phạm sai lầm khi cao giọng tuyên truyền. Họ nói rằng ADIZ không có bất cứ hiệu lực luật pháp quốc tế nào, và vì vậy làm rùm beng về việc này chỉ làm tổn hại hình ảnh quốc tế vốn đã không đẹp đẽ của Trung Quốc.
BDN