Wednesday, January 15, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTRUNG QUỐC KHÔNG THỂ CÓ CÁC QUYỀN LỊCH SỬ TRONG PHẠM VI...

TRUNG QUỐC KHÔNG THỂ CÓ CÁC QUYỀN LỊCH SỬ TRONG PHẠM VI “ĐƯỜNG LƯỠI BÒ”

BienDong.Net: Ngày 15/9/2011, khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng: “Yêu sách chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền khác của Trung Quốc ở Biển Đông được hình thành trong lịch sử”.

Thời gian gần đây, giới học giả Trung Quốc đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau để biện hộ cho quan điểm sai trái này của Trung Quốc.

 

Bài viết đi sâu phân tích 2 cách giải thích chính về quan điểm của Trung Quốc: (i) Trung Quốc coi toàn bộ vùng biển trong yêu sách “đường lưỡi bò” là “vùng nước lịch sử”; (ii) Trung Quốc yêu sách “các quyền lịch sử” trong phạm vi “đường lưỡi bò”. Đây là cách giải thích mà gần đây Trung Quốc thường hay sử dụng trong các phát biểu công khai và trong trao đổi về vấn đề trên biển với các nước láng giềng.

Đối với cách giải thích thứ nhất có thể khẳng định “đường lưỡi bò” không đáp ứng được các yêu cầu về một “vùng nước lịch sử” bởi lẽ: “đường lưỡi bò” được vẽ bởi một tư nhân rất mơ hồ và tru tượng. “Vùng nước lịch sử” chỉ có thể là sự mở rộng của nội thuỷ hoặc lãnh hải. Vào lúc mà “đường lưỡi bò” được vẽ ra năm 1947 thì quy định về lãnh hải của các nước ven biển là vùng nước cách bờ biển đất liền 3 hải lý. “Đường lưỡi bò” lại nằm cách bờ biển của Trung Quốc đến vài trăm hải lý. Ngay trong Tuyên bố về Lãnh hải của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa năm 1958, Trung Quốc đã tuyên bố lãnh hải của Trung Quốc là 12 hải lý; các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cách biệt với đại lục Trung Quốc bởi công hải (biển cả). Như vậy, ngay trong văn bản pháp lý này của Trung Quốc đã bác bỏ việc “đường lưỡi bò” là “vùng nước lịch sử”.

Đối với cách giải thích thứ hai, Trung Quốc đòi hỏi “các quyền lịch sử” trong yêu sách “đường lưỡi bò”. Cách giải thích này cũng không thể đứng vững bởi lẽ “đường lưỡi bò” xuất hiện trong các bản đồ đầu tiên của Trung Quốc với cái tên Nam hải chư đảo vị trí đồ” (nghĩa là bản đồ chỉ vị trí các đảo ở Biển Đông). Điều này cho thấy bản đồ này chỉ nhấn mạnh đến vị trí các đảo, hoàn toàn không thể hiện các yêu sách đối với vùng biển trong “đường lưỡi bò”. Hơn nữa, kể từ khi “đường lưỡi bò” lần đầu tiên xuất hiện trên bản đồ năm 1947 đến nay, Trung Quốc chưa bao giờ thể hiện được việc thực thi các quyền lịch sử tại các vùng nước nằm bên trong “đường lưỡi bò”. Không thể phủ nhận là ngư dân Trung Quốc đã tham gia đánh bắt cá ở Biển Đông từ lâu, nhưng hoạt động đánh bắt cá ở Biển Đông chưa bao giờ là đặc quyền riêng biệt hay chiếm ưu thế riêng của ngư dân Trung Quốc. Ngư dân Việt Nam, Philippines, Malaysia… cũng coi Biển Đông là ngư trường truyền thống lâu đời của mình. Đặc biệt, Việt Nam có những bằng chứng pháp lý, lịch sử từ các Châu bản triều Nguyễn khẳng định việc các đội Hoàng Sa, Bắc Hải do triều đình phong kiến Việt Nam cử ra Hoàng Sa thực thi chủ quyền và thu lượm sản vật, đồ vật thì rõ ràng là Trung Quốc không thể thực thi được cái gọi là “các quyền lịch sử” của họ ở các vùng nước xung quanh các đảo ở Biển Đông.

Mặt khác, yêu sách về cái gọi là “các quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với vùng nước nằm trong “đường lưỡi bò” không những chưa bao giờ nhận được sự công nhận của các quốc gia hữu quan mà còn bị cả cộng đồng quốc tế phê phán, phản đối. Tháng 5/2009, Việt Nam đã có Công hàm gửi Liên hợp quốc phản đối yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc; tháng 7/2010, Indonesia gửi Công hàm lên Liên hợp quốc bác bỏ yêu sách về vùng biển của Trung Quốc trong phạm vi “đường lưỡi bò”; tháng 4/2011, Philippines cũng đã gửi Công hàm lên Liên hợp quốc phản đối yêu sách vùng biển liên quan, vùng biển liền kề trong phạm vi “đường lưỡi bò” và tháng 01/2013, Philippines kiện yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ra Toà Trọng tài quốc tế; Singapore yêu cầu Trung Quốc căn cứ vào Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 làm rõ yêu sách của họ ở Biển Đông, đồng thời cho rằng quyền tự do hàng hải ở Biển Đông được quy định bởi luật pháp quốc tế và Trung Quốc không có quyền nói rằng “Trung Quốc đảm bảo tự do, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông” vì Biển Đông không phải là của riêng Trung Quốc. Qua tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại diễn đàn an ninh khu vực ARF các năm 2010, 2011, 2012 và các Nghị quyết của Thượng viện Mỹ về Biển Đông trong các năm 2011, 2012, 2013, Mỹ kêu gọi các bên tranh chấp ở Biển Đông làm rõ các yêu sách của mình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và các yêu sách về vùng biển ở Biển Đông chỉ có thể dựa trên yêu sách lãnh thổ hợp pháp. Các tuyên bố này của Mỹ đã gián tiếp bác bỏ yêu sách về “quyền lịch sử” của Trung Quốc vì yêu sách này không dựa trên các yêu sách về lãnh thổ hợp pháp phù hợp với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Nhật Bản cũng đã lên tiếng phản đối trực diện yêu sách “đường lưỡi bò”; Ấn Độ, Úc và các nước Châu Âu cho rằng yêu sách “đường lưỡi bò” không phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, đe doạ nghiêm trọng tự do, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Tại các cuộc hội thảo về Biển Đông trong thời gian qua, các luật sư, học giả, nhà nghiên cứu luôn kêu gọi Trung Quốc phải làm rõ yêu sách của họ ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Trong các vụ việc đã được Toà phán quyết về quyền lịch sử thì quyền lịch sử cũng chỉ được thừa nhận trong phạm vi quyền đánh cá thủ công, truyền thống. Nhưng đối với Biển Đông Trung Quốc không chỉ yêu sách về quyền đánh cá mà họ đòi hỏi về “quyền khai thác” nguồn tài nguyên thuộc đáy biển và lòng đất dưới đáy biển trong thềm lục địa các nước ở Biển Đông. Trung Quốc đưa tàu cản phá các hoạt động thăm dò khảo sát dầu khí của Việt Nam, Philippines, Malaysia trên thềm lục địa 200 hải lý của các nước này; thậm chí Trung Quốc cắt cáp của tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam và mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. Những hành động này vượt quá giới hạn của cái gọi là “quyền lịch sử”. Yêu sách về quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên dưới lòng đất trên thềm lục địa của một quốc gia láng giềng đã bị Toà án trong vụ phân định biển giữa Tunisia và Libya bác bỏ và bị coi là sự vi phạm chủ quyền của quốc gia ven biển theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Trong thực tiễn quốc tế và dựa trên một vài án lệ của Toà án quốc tế về quyền lịch sử thì một quốc gia được coi là có quyền lịch sử ở một vùng biển nào đó, họ phải chứng minh được việc thực hiện quyền lực nhà nước một cách hữu hiệu và liên tục từ phía quốc gia có yêu sách và được sự chấp thuận từ các quốc gia khác. Xét theo các tiêu chí này và nhìn từ bất cứ khía cạnh nào thì Trung Quốc không thể yêu sách về cái gọi là “các quyền lịch sử” trong phạm vi yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông.

BDN

 

RELATED ARTICLES

Tin mới