BienDong.Net: Trong năm 2013, mặc dù vì lý do tài chính, Tổng thống Mỹ Barack Obama không thể tham dự các Hội nghị cấp cao ở Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương như APEC, EAS…, nhưng xem ra Mỹ vẫn thành công trong việc triển khai chính sách “tái cân bằng ở Châu Á – Thái Bình Dương”.
Điều đó thể hiện qua việc Mỹ đã thắt chặt thêm được mối quan hệ với các đồng minh trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines… tăng cường quan hệ quân sự với các nước Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Trong lĩnh vực kinh tế, Mỹ thúc đẩy mạnh mẽ đàm phán về TPP…Các chuyên gia nghiên cứu và nhà phân tích quốc nhận định rằng chính những hành động gây hấn cứng rắn của Trung Quốc với các nước láng giềng trên vấn đề biển đảo đã tạo điều kiện cho Mỹ thực hiện chính sách “tái cân bằng ở Châu Á – Thái Bình Dương”, xâm nhập sâu vào việc khu vực.
Đối với các nước Đông Nam Á, do Trung Quốc thi hành chính sách tập trung gây sức ép, chĩa mũi nhọn vào Philippines cả trên thực địa, trên mặt trận ngoại giao, tuyên truyền hòng buộc Philippines từ bỏ vụ kiện, nên Philippines phải tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ để với ứng phó với Trung Quốc.
Với Malaysia, Trung Quốc đã tiến hành diễn tập quân sự đến tận bãi Tăng Mẫu (điểm cực Nam của “đường lưỡi bò”) trên thềm lục địa của Malaysia; tàu Trung Quốc xâm nhập và quấy rối các hoạt động dầu khí của Malaysia trên thềm lục địa của Malaysia nên Malaysia phải mở rộng quan hệ quân sự với Mỹ và mua sắm thêm vũ khí của Mỹ làm đối trọng với Trung Quốc.
Với Việt Nam, Trung Quốc một mặt đẩy mạnh truy đuổi tàu cá và ngư dân Việt Nam trên Biển Đông, mặt khác gia tăng sức ép với Việt Nam trên vấn đề “cùng khai thác” nên Việt Nam cũng phải tăng cường quan hệ với Mỹ, tìm kiếm sự hợp tác về quốc phòng với Mỹ để giảm sức ép từ Trung Quốc.
Tàu chiến và máy bay Mỹ cũng tăng cường hiện diện ở Biển Đông; đồng thời Mỹ phối hợp với Philippines, Malaysia, Indonesia tiến hành diễn tập quân sự nhiều hơn ở Biển Đông. Tàu chiến Mỹ tăng cường ghé thăm các nước ASEAN ven Biển Đông, bao gồm cả Việt Nam.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Việt Nam và Philippines, hai nước có tranh chấp nhiều nhất với Trung Quốc ở Biển Đông trung tuần tháng 12/2013 là một minh chứng rất rõ cho thấy Mỹ đang tận dụng cơ hội mà Trung Quốc tạo ra (Trung Quốc gây hấn và gây sức ép ở Biển Đông với Việt Nam và Philippines) để triển khai chính sách “tái cân bằng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”. Trong chuyến thăm 2 nước này, ông John Kerry khẳng định lại quan điểm của Mỹ trên vấn đề Biển Đông; nhấn mạnh hoà bình ổn định ở Biển Đông là quan tâm hàng đầu của Mỹ cũng như các nước trong khu vực, Mỹ quan ngại và phản đối mạnh mẽ những hành động khiêu khích và gây sức ép; kêu gọi những nước có tranh chấp giải trình rõ, bảo đảm yêu sách của họ là phù hợp luật pháp quốc tế; cho rằng các nước tranh chấp có thể tham gia cơ chế trọng tài cũng như thực hiện nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết vấn đề thay vì những hành động mang tính chất khiêu khích, gây sức ép. Đặc biệt, ông John Kerry đã công bố khoản viện trợ trị giá 32,5 triệu USD nhằm hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á tăng cường năng lực chấp pháp trên biển để ứng phó với các hành động quá khích của Trung Quốc ở Biển Đông. Gói hỗ trợ bao gồm việc đào tạo, mua tàu cho các lực lượng cảnh sát biển. Trong số đó, riêng Việt Nam được nhận 18 triệu USD để mua 5 tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển. Với khoản viện trợ này, tổng số tiền mà Mỹ hỗ trợ cho an ninh hàng hải của khu vực sẽ là hơn 156 triệu USD trong 2 năm tới.
Ở khu vực biển Hoa Đông, việc Trung Quốc liên tục gây căng thẳng với Nhật Bản xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku từ tháng 9 năm 2012 đến nay đã thôi thúc Nhật Bản đẩy mạnh chính sách quốc phòng; gần đây, Nhật Bản đã thành lập Hội đồng An ninh quốc gia và thông qua chiến lược an ninh mới… Mặt khác, Nhật Bản tăng cường củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ. Đây chính là cơ hội để Mỹ tăng cường xâm nhập và hiện diện ở khu vực Đông Bắc Á để triển khai chính sách “tái cân bằng ở Châu Á – Thái Bình Dương” cả trong lời nói lẫn các hành động trên thực tế. Mỹ nhiều lần khẳng định quần đảo Senkaku nằm trong phạm vi Hiệp ước An ninh Mỹ – Nhật. Điều đó có nghĩa là trong trường hợp quần đảo Senkaku bị tấn công thì Mỹ có trách nhiệm phải bảo vệ.
Mới đây nhất, khi Trung Quốc thành lập khu vực nhận diện phòng không ADIZ ở Hoa Đông bao trùm lên cả quần đảo Senkaku và vùng biển của Hàn Quốc, Mỹ đã phản ứng khá quyết liệt, tuyên bố không tuân theo các quy định đối với vùng nhận diện phòng không của Trung Quốc. Đồng thời, Mỹ cho nhiều máy bay, bao gồm cả máy bay ném bom B52 hoạt động trong vùng trời mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố thành lập ADIZ; Mỹ còn điều tàu sân bay đến hoạt động ở gần quần đảo Senkaku.
Trung Quốc lớn tiếng tố cáo và phản đối Mỹ can thiệp vào khu vực, thậm chí tàu của Trung Quốc còn quấy rối hoạt động của tàu chiến Mỹ. Ngày 05/12/2013 vừa qua, tàu chiến của Trung Quốc đã chạy cắt ngang mũi tàu chiến Mỹ ở Biển Đông chỉ cách tàu chiến Mỹ 100 mét, buộc tàu chiến Mỹ phải đổi hướng di chuyển. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã phản đối mạnh mẽ hành động này của Trung Quốc. Những hành động này của Trung Quốc càng thôi thúc Mỹ phải tăng cường sự hiện diện để bảo vệ những lợi ích lớn của Mỹ trong việc bảo đảm tự do, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Tóm lại, chính sách cứng rắn của Trung Quốc nhằm phá vỡ nguyên trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông là nguyên nhân để Mỹ phải đẩy nhanh việc triển khai chính sách “tái cân bằng ở Châu Á – Thái Bình Dương”. Và cũng chính các hành động đe doạ, bắt nạt các nước láng giềng ven biển của Trung Quốc đã tạo điều kiện cho Mỹ triển khai chính sách này ở khu vực.
BDN