Saturday, November 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu Việt NamNhững anh hùng của trận chiến Hoàng Sa

Những anh hùng của trận chiến Hoàng Sa

BienDong.Net: Trong trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa, các chiến sĩ Việt Nam đã tỏ rõ ý chí kiên cường chống quân xâm lược, để lại những tấm gương hi sinh quả cảm…

Bài viết sau đây tập hợp tư liệu từ các diễn đàn của các cựu binh sĩ hải quân VNCH cũng như hồi kí của những người đã tham gia trận đánh này.

1 – Hạm trưởng Ngụy Văn Thà hi sinh ngay trên Đài chỉ huy

Hơn hai tháng biệt phái công tác cho Vùng I Duyên Hải, Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10 trở về Đà Nẵng thì chiều 17 – 1 – 1974 chiến hạm nhận lịnh khẩn cấp cùng với Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng HQ5 lên đường ra công tác Hoàng Sa.

alt 

Hạm trưởng Ngụy văn Thà và hình ảnh hộ tống hạm Nhật Tảo

20.00H (8 giờ đêm),Thiếu tá Hạm Trưởng Ngụy văn Thà ra lịnh kéo còi nhiệm sở vận chuyển rời bến Đà Nẵng. Một vài nhân viên trở về lúc sợi dây cuối cùng vừa tháo vội vàng nhảy xuống tàu, có người bị hụt chân rớt xuống nước phải thả phao vớt lên.

Trên đường đến Hoàng Sa, Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà (K.12/SQHQ/NT) ra lịnh kiểm soát tất cả mọi ụ súng, đem đạn tối đa từ hầm đạn lên các dàn súng nhưng tất cả các khẩu súng đều phải bao lại và nòng súng chĩa lên trời. Ngoài ra ông ra lịnh mang lương khô để ở các nhiệm sở tác chiến và kiểm soát lại 4 bè cấp cứu cùng các hộp mưu sinh thoát hiểm. Hạm trưởng còn ra lịnh bắt buộc tất cả nhân viên phải mặc áo phao và đội nón sắt (đây là những chỉ thị rất sáng suốt của một cấp chỉ huy tiên liệu được những điều có thể xảy ra cho chiến hạm trong một trận hải chiến và cũng nhờ những nghiêm lịnh này mà các chiến sĩ HQ10 trong lúc đào thoát đã có sẵn một số nước uống, thực phẩm khô để cầm cự trong thời gian đầu và áo phao đã giúp họ không bị chìm cũng như che chở bớt cơn lạnh về đêm).

HQ10 đến Hoàng Sa vào khoảng 11 giờ đêm ngày 18 – 1S. Hạm trưởng liên lạc với cấp chỉ huy trực tiếp là Trung Tá Lê Văn Thự, Hạm Trưởng Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt HQ16 kiêm Chỉ Huy Trưởng Phân Đội II (gồm có HQ10 và HQ 16), sau đó Hạm trưởng ra lịnh làm tối chiến hạm (darken ship) để địch không nhận dạng được.

Khoảng 01.00H khuya 19 – 1, chiến hạm nhận được lịnh hành quân từ Đại Tá Ngạc. Sau khi hội ý với Hạm phó là Đại Úy Nguyễn Thành Trí (K.17/SQHQ/NT), Hạm trưởng đã ở lại phòng vô tuyến phụ cạnh đài chỉ huy (ĐCH) để liên lạc với các giới chức liên hệ và chỉ thị Hạm phó họp các sĩ quan và nhân viên vào lúc 02.00H.

Trong buổi họp, Hạm phó đã thông báo cho thủy đoàn HQ10 biết là theo nội dung công điện hành quân thì chiến hạm sẽ chuẩn bị chiến đấu thực sự lúc 6 giờ sáng.

Khoảng 4 giờ sáng, sau một giấc ngủ ngắn Hạm trưởng thức giấc và từ Đài chỉ huy, ông ra lịnh kéo còi nhiệm sở tác chiến…. Tất cả nòng súng rợp rợp hướng lên trời ở góc độ 45 độ.

Khoảng 4 giờ 30 có hai đóm sáng trên trời, tất cả các khẩu súng đều quay về hướng hai mục tiêu này.

Lúc 6 giờ hai đóm sáng này lại xuất hiện, bay thấp hơn, có lẽ là hai phản lực cơ.

Rạng sáng ngày 19 – 1, thi hành lịnh Phân Đội Trưởng, HQ10 di chuyển vào lòng chảo nhóm Nguyệt Thiềm theo lối giữa bãi Antelope và đảo Quang Hòa. Lúc này trời còn lờ mờ, lực lượng địch bây giờ được tăng cường thêm 2 chiếc Trục lôi hạm T43 mang số 389, 396. Như vậy chúng có cả thảy 4 chiến hạm (2 chiếc Hộ tống hạm loại Kronstadt số 271, 274 đã xuất hiện từ trước) và 2 tàu đánh cá ngụy trang mang số 402, 407 đang hiện diện tại vùng, đối đầu với 4 chiến hạm của ta…

Chiến hạm ta và địch chạy đan qua đan lại nhau rất gần. Địch nhiều lúc như muốn đâm thẳng cả tàu vào chiến hạm của ta nhưng về cả hai phía các khẩu súng đều chĩa lên trời.

Khoảng 6 giờ 30, Đại Tá Ngạc ra lịnh cho HQ5 đổ bộ toán người Nhái lên đảo Quang Hòa. Toán này vừa tiến vào bờ thì bị lính Trung cộng nổ súng trước, một sĩ quan và một chiến sĩ người Nhái bị tử thương. Đại Tá Ngạc ra lịnh toán người Nhái mang xác sĩ quan và rút toàn bộ trở về HQ5.

Ngay sau tiếng súng nổ trên đảo, chiến hạm của ta và TC không còn chạy gần nhau nữa mà bắt đầu tách ra xa.

Khoảng 9 giờ, các tàu Trung cộng trao đổi quang hiệu. Ngay tiếp sau đó các tàu đánh cá ngụy trang được 4 chiến hạm bảo vệ di chuyển song song về hướng Bắc và dần dần biến mất ở cuối chân trời.

Còi nhiệm sở tác chiến đột ngột reo inh ỏi. Nhìn theo hướng chỉ trên Đài chỉ huy thấy có mấy vệt khói mỏng nơi cuối chân trời, rồi từ từ 4 chiến hạm TC đã quay đầu trở lại. Chúng không đến gần như lúc sáng mà ở xa xa khoảng 1 km làm thành một vòng tròn bao quanh các chiến hạm ta. Sau khi chạy loanh quanh chừng 2 vòng, các tàu TC từ từ lảng xa ra hơn.

Như tiên đoán trước được dấu hiệu khác thường, Hạm trưởng ra lịnh chuẩn bị tác chiến nhưng tất cả nòng súng hướng vào phía đảo để tránh sự khiêu khích với tàu địch.

Khoảng 10 giờ, hai chiếc tàu TC mang số 389, 396 bắt đầu tách rời ra khỏi hai chiếc 271, 274 và chạy song song gần nhau. Như một kinh nghiệm chiến trường, Hạm trưởng ra lịnh hạ nòng súng và quay súng về phía tàu TC, vài phút sau hai tàu TC chạy gần sát vào nhau và thình lình cùng quay mũi song song trực chỉ HQ10. Hạm trưởng ra lịnh tất cả ổ súng hướng về hai mục tiêu địch và xin lịnh cấp trên cho phép nổ súng nhưng được trả lời chờ Sài Gòn quyết định.

Lúc này thần kinh tất cả mọi người thật căng thẳng. Hai tàu TC cứ từ từ đến gần, khi còn cách HQ10 khoảng 200 – 300m, Hạm trưởng hét lớn: “bắn”. Tất cả các khẩu súng trên tàu đều nhả đạn vào tàu địch. HQ10 khai hỏa đầu tiên do lịnh của chính Hạm trưởng (theo Trung tá Lê Văn Thự Hạm Trưởng HQ16 thì HQ16 khai hỏa trước). Những phát đạn đầu tiên của HQ10 trúng ngay vào chiếc 389 của TC làm nó bốc cháy khói mịt mù phải lùi lại phía sau, cùng lúc khẩu 127 ly trên HQ16 trực xạ vào chiếc 396 và chiếc này bị trúng đạn ngay Đài chỉ huy làm hư hệ thống tay lái nên tàu cứ xoay quanh. Đến lúc này HQ10 vẫn an toàn, đạn từ tàu TC bắn tới đều bay qua đầu hoặc nổ trên mặt nước.

Chiếc 389 bị trúng nơi hầm đạn với lỗ thủng hơi lớn làm nước tràn vào, ngoài ra máy phát điện cũng bị hư vì trúng đạn. Sau khi đã cố gắng vá xong lỗ thủng và sửa chửa máy phát điện, chiếc này quay trở lại tham chiến.

Đang chiếm ưu thế, bổng dưng khẩu 76, 2 ly trên HQ10 bị trở ngại tác xạ, thêm vào đó chiến hạm lại chỉ có một máy khiển dụng, vì thế việc vận chuyển để xử dụng tối đa 2 khẩu đại bác 40 ly ở phía sân sau cùng một lúc rất là khó khăn. Lợi dụng sự bất lợi của HQ10, chiếc 389 đã tấn công tới tấp và HQ10 bắt đầu trúng đạn ở Đài chỉ huy và phòng lái. Hạm trưởng Ngụy Văn Thà và hầu hết các Sĩ Quan, Hạ sĩ quan và nhân viên ngành Giám lộ và Vận Chuyển có mặt trên Đài chỉ huy và phòng lái đều tử trận.

2 – Hạm phó Đại úy Nguyễn Thành Trí: Lái tàu lao vào tàu địch

Khi ấy, ngoài Đài chỉ huy và phòng lái, hầm máy và hầm đạn dược cũng bị trúng đạn bốc cháy. Đạn nổ văng tứ tung và khói đen tuôn mịt mù khắp con tàu.

Từ vị trí cách HQ10 khoảng vài trăm mét, quan sát thấy HQ10 đang ở trong tình trạng rối loạn, không bỏ lỡ cơ hội chiếc 389 của TC vận chuyển tiến vào phía sau lái hữu hạm HQ10. Thấy tàu địch có ý định cặp vào, một vài nhân viên hơi dao động nhưng 2 chiến sĩ Lê Văn Tây và Ngô Văn Sáu vẫn ngang nhiên ghì chặt nòng súng bắn trả địch (lúc này trên HQ10 có khoảng 50 chiến sĩ đã hy sinh, một số bị thương nặng nhẹ, chỉ còn khoảng 20 người còn khả năng chiến đấu). Lính TC trên 389 ném lựu đạn, bắn súng tiểu liên, súng bazooka qua HQ10…

alt 

Đại úy Hạm Phó Nguyễn Thành Trí là người duy nhất còn sống trên Đài chỉ huy khi nó bị trúng đạn, nhưng ông bị thương nặng nơi mặt, bụng và chân phải (mất một miếng thịt ở chân phải) và rớt xuống phòng lái. Và mặc dù vậy, ông đã cố gượng đứng lên. Đoán được ý định của giặc, từ phòng lái, Đại úy Trí đã giựt lấy khẩu M16 nhả hàng loạt đạn vào tàu địch và sau khi đợi tàu địch vào đúng vị trí, Đ/U Trí đã cố sức vận chuyển chiến hạm, lấy hết tay lái về bên phải, hướng mũi tàu HQ10 đâm vào hông chiếc 389 của địch.

Quá bất ngờ trước hành động sáng suốt và quyết tử này, chiếc 389 không còn cách gì để vận chuyển tránh né khỏi nên đã bị phần mũi của HQ10 đâm mạnh vào yếu điểm của chiến hạm là phần sau lái. Cú đụng mạnh này cộng thêm vào những hư hại do hỏa pháo của HQ10 bắn trúng trong đợt khai hỏa đầu tiên đã đưa chiếc 389 lâm vào tình trạng nguy kịch, có lẽ sắp sửa chìm.

Đây chắc cũng là lý do khiến chiến 396 phải ngưng chiến đấu với HQ16 để cấp tốc chạy đến tiếp cứu chiếc 389. Tuy nhiên, ngay cả chiếc 396 cũng lâm vào tình trạng nguy ngập vì thế 2 tàu đánh cá ngụy trang 402 và 407 đã đến tiếp cứu và đưa 389 ủi vào bãi san hô.

Có thể nói đây là một chiến công thật hiển hách của anh hùng Nguyễn Thành Trí trước giặc thù. Nhận lãnh trách nhiệm quyền Hạm Trưởng thay thế Hạm trưởng Ngụy Văn Thà đã tử thương, chiến hạm lại đang ở trong tình trạng nguy kịch, Đại úy Trí quyết định liều chết trong tình trạng khẩn trương đã dùng con tàu làm vũ khí lợi hại chống lại kẻ thù. Đại úy Trí không những đã phá vỡ ý đồ cướp tàu, bắt sống thủy thủ đoàn mà ngược lại còn gây thiệt hại nặng nề cho tàu địch.

Hành động này của Đại úy Trí đã bảo toàn danh dự của Hải Quân và của tổ quốc Việt Nam.

Vì cấu trúc của phần mũi HQ10 rất chắc chắn nên sau khi đâm mạnh vào sau lái chiếc 389, phần sườn và vỏ tàu HQ10 không bị hư hại thêm nhiều nhưng cả 2 máy lúc này hoàn toàn bất khiển dụng. Chiến hạm ta và địch từ từ tách ra xa. Tiếng súng đã lắng dịu. Trận hải chiến đang ở trong giai đoạn chấm dứt. HQ16 đang cố gắng bơm nước ra và sửa chửa máy phát điện từ từ ra khỏi lòng chảo hướng về Đà Nẵng. HQ4 và HQ5 rời vùng về hướng Đông Nam. Chiến hạm địch đang tự cứu hoặc đến cứu giúp lẫn nhau. Do đó, mặc dù HQ10 vẫn còn hiện diện tại vùng chiến nhưng đã không có một chiến hạm nào khác của TC đến gần để thăm dò hoặc để bắn chìm. Mãi đến 11 giờ 49 phút TC mới ra lịnh cho 2 chiến hạm loại Hainan mang số 281, 282 tăng tốc độ trực chỉ đến vùng và chúng đã đến địa điểm giao chiến vào lúc 12 giờ 12 phút.

Tình trạng HQ10 lúc này quá bi đát, gần 70% nhân viên đã hy sinh kể cả Hạm Trưởng, một số đang bị thương, phòng máy còn đang cháy, các nhân viên cơ khí bị cháy đen thui trong đó có Trung úy Thạch, Cơ khí trưởng hai chân hầu như lìa khỏi thân mình, 2 máy chánh và máy điện hoàn toàn bất khiển dụng, hệ thống liên lạc nội bộ và máy truyền tin không sử dụng được.

Với gương mặt đầy máu, Đại úy Trí được hai nhân viên dìu đứng gần bè cấp cứu dõng dạc tuyên bố: ” Hạm Trưởng đã hy sinh, tôi thay mặt Hạm Trưởng ra lịnh đào thoát”. Sau đó, Đại úy Trí đã lết đến từng chỗ mà kéo vực các binh sĩ xuống bè đào thoát (trong số này có Trung úy Phạm Văn Thì đang ở tại nhiệm sở thủ cây đại liên). Ngoài ra Đại úy Trí chỉ định những nhân viên còn khỏe mạnh thả 4 bè cấp cứu cùng phụ giúp đưa những người bị thương xuống bè và chuẩn bị 1 bè nhỏ có 2 miếng ván kê lên để cho 2 chiến sĩ bị thương nặng là Trung sĩ Đa và Thượng sĩ Nam nằm lên. Lúc đó, Đại úy Trí với vết thương quá nặng, cương quyết ở lại chết cùng Hạm Trưởng cùng nhân viên trên chiến hạm, nhưng hai nhân viên là HS/TP Trần Ngọc Sơn và TT/TX Trương Văn Long đã cặp và lôi ông xuống bè.

3 – Hạ sĩ Lê Văn Tây và Ngô Văn Sáu: lẫm liệt chết vì chủ quyền Tổ Quốc

Khi mọi người đã lên bè (có người nhảy xuống nước rồi mới lên bè) kiểm điểm lại có tất cả 28 người trong đó có những người bị thương nặng và nhẹ trên 4 bè lớn và 1 bè nhỏ, ngoại trừ các chiến sĩ đã hy sinh.

Có 2 chiến sĩ oai hùng là Hạ sĩ Lê Văn Tây và Hạ sĩ Ngô Văn Sáu đã từ chối không xuống bè đào thoát, quyết ở lại tử chiến với giặc thù và chết theo tàu..

Khi đó tình trạng các bè rất bi thảm, bè nào cũng bị trúng đạn. Riêng bè của Đại úy Trí bị bể một miếng lớn, khi 6 người ngồi lên, bè chìm xuống, nước ngập tới ngực. Dù bị thương nặng nhưng Đại úy Trí vẫn còn tỉnh táo, ông bảo thủy thủ cố đưa 4 bè lại gần nhau rồi dùng những sợi dây chung quanh phao, cột chúng lại với nhau để cho tàu chạy ngang qua dễ nhìn thấy.

Luồng nước và gió từ từ đưa các bè xa dần HQ10. Lúc này tiếng súng đã ngưng hẳn. Từ bè nhìn lại HQ10 vẫn còn bốc khói. Tàu bị trúng đạn quá nhiều lỗ chỗ như tổ ong; về phía Trung Cộng, 3 chiếc cũng đang bốc cháy.

Gió mùa Đông Bắc đưa các bè trôi theo hướng ra ngoài lòng chảo nhóm Nguyệt Thiềm và HQ10 cũng đang trôi theo. Khoảng hơn một giờ sau các thủy thủ trên bè thấy có khói xuất hiện ở cuối chân trời, niềm hy vọng có tàu bạn đến cứu nhóm lên, nhưng khi đến gần thì ra là hai chiếc số 281, 282 loại Hainan của TC. Khi 2 chiếc này tới gần HQ10 vào lúc 12 giờ 12 phút khẩu đại bác 20 ly do 2 chiến sĩ anh hùng Tây và Sáu ở lại tử thủ bắt đầu nổ vang, chiến hạm địch vừa tiến vừa phản pháo bằng đại bác 57 ly và các loại súng khác. Một hồi lâu sau tiếng đại bác 20 ly từ HQ10 im bặt, HS1/VC Lê Văn Tây và HS/VC Ngô Văn Sáu đã trúng đạn của giặc thù TC hy sinh đền nợ nước một cách oai hùng.

Nhắc lại kỉ niệm về hai liệt sĩ này, trong hồi kí của mình, Chuẩn úy Tất Ngưu, người từng phục vụ trên tàu Nhật tảo không giấu vẻ khâm phục: “Xin nhắc lại rằng trước khi đào thoát, tôi có gọi luôn cả HS1VC Tây cùng nhẩy, nhưng anh ta trả lời rằng: “Thôi, tôi ở lại ăn thua đủ với Trung Cộng. Chuẩn úy cứ nhẩy đi”. Thật đúng y như câu nói của người xưa: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”. Chẳng biết HS1VC Tây có được đến trường để học và thấu hiểu câu nói thâm thúy này không? Anh có nghe ai bàn về câu nói ấy không?!! Thế mà anh đã thực hiện được sự việc đó mới là hay chứ. Việc mà chỉ có những đại anh hùng, các bậc trượng phu không biết “tham sinh úy tử” là gì họa may mới làm được. Thật là anh hùng. Tôi xin ngả mũ”.

Mặc dù không còn tiếng súng chống trả trên HQ10 nhưng tàu TC vẫn tiếp tục bắn xối xả vào HQ10 trong khi HQ10 đang bốc cháy và trôi lềnh bềnh cho đến 14 giờ 52 phút thì chìm tại địa điểm cách phía Nam bãi đá ngầm Hải Sâm (Antelope reef) khoảng 2,5 km mang theo thân xác của Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà và 54 chiến sĩ anh hùng của Hải quân VNCH.

Thanh toán HQ10 xong, hai chiếc 281, 282 của Trung Quốc quay lại tiến gần đến các bè, Hạm phó Nguyễn Thành Trí dặn các nhân viên trên bè: nếu bị bắt, bị đánh cũng đừng khóc, đừng van xin. Tất cả đều hồi hộp không biết chúng sẽ hành động như thế nào? Chúng sẽ vớt họ lên bắt sống làm tù binh? Chúng sẽ bỏ mặc cho bè các anh tiếp tục trôi để chết lần mòn giữa biển khơi? Hay là chúng sẽ bắn vào bè để giết chết hết các anh?… Cuối cùng, sau khi chạy quanh các bè khoảng 2 vòng, chúng vẫy tay cười rồi bỏ đi. Chúng đã chọn phương cách thật tàn nhẫn vừa khỏi phí đạn, vừa khỏi tốn công chăm sóc các anh theo luật tù binh quốc tế, vừa khỏi mang tiếng sát nhân vì chúng nghĩ là sớm muộn gì các anh cũng sẽ chết.

Hành động vô nhân đạo này của TC đã làm chết thêm 7 chiến sĩ của HQ10. Nếu chúng thi hành đúng theo hiệp ước Geneva về tù binh thì khi các chiến sĩ HQ10 được vớt lên, chúng có nhiệm vụ phải chăm sóc cho họ và sẽ không có thêm 7 chiến sĩ của HQ10 phải chết oan uổng trên đường đào thoát.

Sau khi tàu TC bỏ đi, các bè vẫn tiếp tục trôi và khi mặt trời bắt đầu lặn, dòng nước đưa các bè lại gần một hòn đảo nhỏ. Đại úy Trí ân cần dặn nếu lên được đảo thì phải đào hố để che gió cho ấm và kiếm nước uống, tuyệt đối không được uống nước biển sẽ chóng chết.

Các anh em cố gắng dùng tay và những mảnh ván nhỏ thế chèo nhưng vẫn không vào được gần đảo, dần dần các bè trôi ra ngoài khu vực lòng chảo. Càng về đêm, gió càng thổi mạnh, sóng dâng to đánh mạnh vào các bè làm chiếc bè trên đó có Đại úy Trí đứt dây tách ra khỏi nhóm. Tất cả mọi người trên các bè đều lạnh run và mệt lả. Trên bè của Đại úy Trí có thêm Trung úy Ngân cũng bị thương. Phần Đại úy Trí bị thương trên đầu, bụng và chân nhưng ông vẫn cố gắng giữ vẻ tỉnh táo, che giấu đi những nổi đau đớn do vết thương hành hạ. Tuy nhiên vết thương ở chân vì không được băng bó kỹ lưỡng nên vẫn còn rỉ máu vì thế cá mập cứ bám theo sau. Lo ngại về sự an toàn của đồng đội và có lẽ cũng biết là mình sắp chết nên Đại úy Trí đã bảo thuộc cấp: “Hãy thả tôi xuống biển, nếu không cá mập cứ bám theo, các anh cũng sẽ chết hết. Nhưng các anh em không thể nhẫn tâm đối với vị Hạm Phó đã từng sống chết với mình nên họ đã làm ngơ. Cho đến khi đêm xuống, các anh em mệt nhoài ngủ thiếp đi thì cũng là lúc Đại úy Trí trút hơi thở cuối cùng vào khoảng 2 giờ sáng ngày 20 tháng 1 năm 1974. Các chiến sĩ đào thoát đã chờ đến lúc trời sáng để làm lễ thủy táng cho ông theo truyền thống Hải quân.

Ngoài Đại úy Trí còn có 5 chiến sĩ bị thương trong trận hải chiến cũng đã hy sinh trên các bè đào thoát trước khi những người còn lại được cứu bởi thương thuyền Kopionella quốc tịch Hà Lan sau 4 ngày 3 đêm lênh đênh trên biển.

BDN (tổng hợp)

RELATED ARTICLES

Tin mới