Tuesday, December 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNHÌN LẠI TÌNH HÌNH BIỂN ĐÔNG NĂM 2013

NHÌN LẠI TÌNH HÌNH BIỂN ĐÔNG NĂM 2013

BienDong.Net: Năm 2013 qua đi với đầy những biến động trên thế giới nói chung và ở Biển Đông nói riêng.

Năm 2013 cũng là năm đầu tiên Ban lãnh đạo mới ở Bắc Kinh thi hành chính sách cứng rắn hơn, nguy hiểm hơn trên vấn đề biển đảo nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược xây dựng cường quốc biển mà Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra, làm cho tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng.

Về chính sách, sau khi Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định đưa Trung Quốc trở thành “cường quốc biển”, Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách để tăng cường sự “quản lý thực tế” ở Biển Đông như: công bố Sách trắng Quốc phòng “Vận dụng đa dạng hóa các lực lượng vũ trang Trung Quốc” (16/4) và “Sách trắng ngoại giao 2013” (17/7), trong đó lần đầu tiên dành mục riêng về “bảo vệ quyền và lợi ích biển Trung Quốc” nhấn mạnh kiên quyết bảo vệ lợi ích cốt lõi quốc gia, khẳng định nhiệm vụ quan trọng của quân đội là bảo vệ quyền và lợi ích biển.

Đáng chú ý là Trung Quốc quyết định thành lập Uỷ ban An ninh quốc gia để thống nhất điều hành công tác an ninh biển đảo; củng cố cơ quan quản lý về biển đảo, cải tổ lực lượng chấp pháp trên biển, thành lập Cục Cảnh sát biển thuộc Bộ Công an thống nhất chỉ huy các lực lượng chấp pháp trên biển như Hải giám, Cảnh sát Biên phòng, Ngư Chính, Hải quan; tăng cường và mở rộng phạm vi hoạt động của các lực lượng chấp pháp trên biển; Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc thành lập “Trung tâm nghiên cứu hải đảo”…

Năm 2013, Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng lên 10,7%, đạt 116 tỷ USD, trong đó tập trung vào phát triển lực lượng hải quân. Trung Quốc không ngừng củng cố các cơ sở ở “Tam Sa”, thành lập “Đài phát thanh truyền hình Tam Sa”; tổ chức các tour du lịch ra quần đảo Hoàng Sa…

Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự phô trương lực lượng răn đe các nước trong khu vực; đẩy mạnh hoạt động tuần tra chấp pháp định kỳ và đột xuất theo yêu sách “đường lưỡi bò”; tăng cường số lượng lớn các tàu ngư chính, hải cảnh; hoạt động duy trì giám sát thường xuyên ở các vùng biển thuộc thành phố “Tam Sa”, đồng thời sử dụng lực lượng này để hỗ trợ cho tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển của các nước khác. Cùng với việc tăng cường hoạt động dân sự củng cố “Tam Sa”, Trung Quốc tiến hành nhiều cuộc tập trận và diễn tập quân sự với quy mô, phạm vi ngày càng lớn thậm chí còn diễn tập ở điểm cực Nam “đường lưỡi bò” tại khu vực James Shoal (Trung Quốc gọi là bãi Tăng Mẫu) nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia tháng 5/2013 (trong năm 2013 có khoảng hơn 30 cuộc tập trận). Đáng chú ý, lần đầu tiên Trung Quốc đưa tàu sân bay Liêu Ninh cùng với khu trục hạm tên lửa đi vào diễn tập quân sự ở Biển Đông. Ngày 05/12/2013, tàu chiến của Trung Quốc còn chạy cắt ngang mũi của tàu chiến Mỹ, chỉ cách tàu chiến Mỹ 100 mét.

Các lực lượng chấp pháp của Trung Quốc (Hải giám, Kiểm ngư) tăng cường trấn áp, truy đuổi, đối xử thô bạo, đập phá, hành hung ngư dân Việt Nam tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Vụ việc hết sức nghiêm trọng là ngày 20/3/2013, tàu chấp pháp Trung Quốc đã bắn cháy cabin tàu cá QNg 96382 TS của tỉnh Quảng Ngãi tại khu vực quần đảo Hoàng Sa; ngày 20/5/2013, tàu Trung Quốc xua đuổi, đâm va gây vỡ tàu QNg 90917 TS của ngư dân Quảng Ngãi ở khu vực Nam Tri Tôn, Hoàng Sa. Mặt khác, Trung Quốc tiếp tục đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá từ 12 độ vĩ Bắc trở lên ở Biển Đông từ ngày 16/5 đến 01/8/2013, vi phạm vào vùng biển của các nước Việt Nam, Philippines.

Năm 2013, Trung Quốc đã tìm mọi cách phân hoá, chia rẽ các nước Đông Nam Á trên vấn đề Biển Đông. Trung Quốc đã đẩy mạnh ngoại giao con thoi bằng các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường) đến các nước Đông Nam Á để ve vãn các nước này ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Trung Quốc còn dùng con bài “dương đông, kích tây”, bóp méo sự thật, ra sức thổi phồng cái gọi là “sự ủng hộ của các nước đối với chủ trương cùng khai thác” của Trung Quốc để vừa chia rẽ các nước, vừa để ép các nước chấp nhận chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc.

Trước chính sách và hành động cứng rắn của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, các nước đã phản ứng ngày càng mạnh mẽ hơn. Tiêu biểu và cũng là sự kiện nổi bật nhất trong năm liên quan đến Biển Đông là việc ngày 22/01/2013, Philippines chính thức khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Trong đơn khởi kiện Philippines nêu 13 yêu sách cụ thể, trong đó nội dung quan trọng nhất là Philippines yêu cầu Toà ra phán quyết yêu sách “đường lưỡi bò” vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và không có giá trị. Trung Quốc tìm mọi cách phản đối, ngăn cản vụ kiện; chĩa mũi nhọn công kích Philippines cả trên mặt trận ngoại giao lẫn trong tuyên truyền và trên thực địa, hòng gây sức ép buộc Philippines phải từ bỏ vụ kiện. Mặc dù vậy, Philippines vẫn kiên trì theo đuổi vụ kiện và tiến trình của Toà Trọng tài vẫn diễn ra theo đúng các trình tự được quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Toà Trọng tài đã được thành lập với 5 Trọng tài viên do ông Ghana là chủ tịch Toà Trọng tài. Toà Trọng tài cũng đã tiến hành cuộc họp đầu tiên thông qua Quy tắc tố tụng của Toà và ấn định thời gian biểu cho Philippines nộp bản Biện hộ. Nhiều nước như Ấn Độ, Nhật, EU, Mỹ… đã lên tiếng công khai ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp Biển Đông tại các cơ quan tài phán quốc tế, bao gồm Toà Trọng tài, ủng hộ vụ kiện của Philippines; phản đối việc Trung Quốc gây sức ép đối với Philippines trên vấn đề vụ kiện. Nhiều học giả, luật sư, nhà nghiên cứu cũng đã lên tiếng ủng hộ cho việc giải quyết tranh chấp thông qua Toà Trọng tài. Vụ kiện đã mở ra một cục diện mới cho việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng pháp lý. Các nước liên quan cần có sự hỗ trợ tích cực cho vụ kiện của Philippines thành công và không thể đứng ngoài.

Trong năm 2013, Malaysia tỏ ra kiên quyết hơn trên vấn đề Biển Đông; không chấp nhận yêu sách “đường lưỡi bò” và không chấp nhận “cùng khai thác” trên thềm lục địa của Malaysia; tăng cường đầu tư vào lĩnh vực an ninh quốc phòng, nâng cao năng lực của hải quân; nâng cấp và mở rộng căn cứ quân sự tại Bintulu Sarawak, nằm gần bãi ngầm Tăng Mẫu; chủ động đề nghị tiến hành cuộc gặp 4 nước ASEAN liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông (Malaysia, Philippines, Việt Nam và Brunei) để thống nhất lập trường trên vấn để Biển Đông.

Đối mặt với những hành động cứng rắn mới của Trung Quốc, các nước ASEAN có sự đồng thuận, nhất trí cao hơn trên vấn đề Biển Đông thể hiện qua việc Biển Đông tiếp tục trở thành một đề tài được thảo luận rộng rãi tại các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN và được nêu rõ ràng trong văn kiện của các hội nghị ASEAN, trong đó khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS); tôn trọng và thực hiện đầy đủ DOC đi đôi với thúc đẩy sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); nhấn mạnh Nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông của ASEAN, Tuyên bố chung ASEAN – Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC.

Trước phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã buộc phải đồng ý cùng các nước ASEAN tiến hành tham vấn về COC; cuộc tham vấn chính thức đầu tiên giữa Trung Quốc và ASEAN về COC đã được tổ chức tại Tô Châu, Trung Quốc vào trung tuần tháng 9/2013. Mặc dù, đây mới chỉ là sự tham vấn chứ Trung Quốc chưa chịu đi vào đàm phán thực chất về COC với ASEAN, nhưng điều này cho thấy Trung Quốc cũng không thể bỏ qua áp lực của cả cộng đồng quốc tế.

Năm 2013, số lượng các cuộc hội thảo, toạ đàm về Biển Đông tăng lên và diễn ra ở hầu khắp các châu lục. Riêng tại Mỹ đã diễn ra 3 cuộc hội thảo lớn về Biển Đông. Đó là cuộc Hội thảo “Biển Đông: Trung tâm của hoà bình và an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” do Trung Tâm Châu Á – Toàn cầu hoá thuộc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore và Asia Society (Hoa Kỳ) tổ chức tại New York tháng 3/2013; cuộc hội thảo về các khía cạnh pháp lý trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông do Trung tâm Stimson của Mỹ tổ chức tại Washington DC tháng 5/2013; Hội thảo với chủ đề “Kiểm soát căng thẳng ở Biển Đông” do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ tổ chức tại Washington DC tháng 6/2013. Tham gia các cuộc hội thảo này gồm nhiều học giả, các nhà nghiên cứu, chuyên gia pháp lý và các luật gia có uy tín trên thế giới. Các học giả cho rằng, yêu sách “đường lưỡi bò” hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; việc Trung Quốc đơn phương xâm phạm những gì thuộc về các quốc gia ven Biển Đông có chủ quyền khác là một thách thức đối với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc là yếu tố gây phức tạp nhất trong giải quyết các tranh chấp trên khía cạnh pháp lý, bởi nó không dựa trên bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào.

Viện Đông Phương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga lần đầu tiên tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề An ninh và hợp tác ở khu vực Biển Đông ở thủ đô Mát – xcơ – va tháng 10/2013. Với 5 phiên thảo luận trong khuôn khổ hội thảo, các nhà nghiên cứu của Nga và các chuyên gia đến từ Liên minh Châu Âu, Mỹ, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore… đã đưa ra các ý kiến đánh giá, phân tích đa chiều về vấn đề Biển Đông dưới góc độ địa chính trị, nguy cơ bất ổn và chạy đua vũ trang ở khu vực, bình diện pháp lý, lịch sử của các tranh chấp ở Biển Đông, khả năng giải quyết các vấn đề hiện nay nhằm góp phần giúp các nước đang có tranh chấp sớm tìm ra biện pháp giải quyết xung đột một cách hòa bình, bền vững và cùng có lợi. Hội thảo ủng hộ tìm kiếm các giải pháp cùng chấp nhận được để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước về Luật Biển năm 1982; kêu gọi các bên tranh chấp kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực.

Ngoài ra, còn nhiều cuộc hội thảo, toạ đàm khác như: Toạ đàm bàn tròn “Tranh chấp Biển Đông: luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982” diễn ra tại Singapore tháng 6/2013; Hội thảo về an ninh Châu Á lần thứ 7 với chủ đề “Các tranh chấp lãnh thổ ở Châu Á: nhân tố thúc đẩy, công cụ quản lý và định hướng” diễn ra tại Berlin, Đức tháng 7/2013; Hội thảo về các biện pháp xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông diễn ra tại Sydney tháng 8/2013; Hội thảo quốc tế về khống chế xung đột tiềm tàng ở Biển Đông lần thứ 23 tháng 11/2013 tại Indonesia; Hội thảo về Biển Đông tháng 11/2013 tại Hàn Quốc…

Tiêu điểm của các hội thảo trong năm 2013 là Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ năm với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 11 và 12/11/2013. Tại hội thảo các đại biểu đã vạch trần bản chất của những yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngoài ra, việc Trung Quốc đơn phương thành lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông và trắng trợn nói ám chỉ rằng sẽ thiết lập (ADIZ) ở Biển Đông vào thời điểm thích hợp đang gây bức xúc trong cộng đồng quốc tế.

Năm 2013 đã khép lại, nhưng đã để lại mối lo ngại cho cộng đồng quốc tế “nguy cơ” ngày càng hiện hữu của chính trị cường quyền ở Biển Đông đe doạ hoà bình ổn định, tự do và an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới