BienDong.Net: Nhân 40 năm sự kiện Trung Quốc đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, báo quốc nội Giáo Dục đăng tải loạt bài về trận hải chiến giữa hải quân Việt Nam Cộng Hòa và quân Trung Quốc diễn ra từ ngày 17 tới 19 tháng 1 năm 1974 do TS. Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ nghiên cứu, biên tập và BDN đã có dịp giới thiệu tổng quát trên trang mạng của mình.
Trả lời phỏng vấn RFA về động cơ đã khiến ông thực hiện việc này, TS. Trục nói: Việc mất Hoàng Sa vào tay Trung Quốc khiến tôi muốn cung cấp một số thông tin để cho tất cả bạn đọc trong và ngoài nước được tiếp cận đầy đủ hơn, chính xác hơn và rõ ràng hơn về một sự kiện mà có lẽ không quên được trong quá trình đấu tranh của lịch sử để bảo vệ chủ quyền, sự toàn vẹn của đất nước.
TS. Trần Công Trục trong một chuyến ra thăm Lý Sơn, hòn đảo trong lịch sử từng là nơi xuất phát của các đội hùng binh ra làm nhiệm vụ thực thi chủ quyền của nhà nước Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (Ảnh BienDong.Net)
Tôi là người có điều kiện tiếp cận một trong các kho lưu trữ của hải quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) cũng như (tư liệu của) một số nhân chứng trên phương tiện truyền thông. Tôi đã tập hợp và đăng lại để cung cấp cho bạn đọc một bức tranh tương đối chi tiết về sự kiện này.
Trận hải chiến đó những người lính hải quân VNCH là những người con đất Việt. Họ đã hy sinh dũng cảm để chiến đấu chống lại kẻ xâm lược để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, ông Trục nhận định. Và như vậy cá nhân tôi, tôi đánh giá rất cao bởi vì ngoài việc họ là người Việt Nam họ có truyền thống bất khuất chống trả lại ngoại bang, đứng về pháp lý mà nói thì những người đó họ đại diện cho nhà nước Việt Nam trong quá trình bảo vệ và thực thi quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong quá trình lịch sử lâu dài bảo vệ chủ quyền của nhà nước này.
TS. Trần Công Trục cho biết nhân kỉ niệm 40 năm trận chiến Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng, nơi trực tiếp quản lý Hoàng Sa đang chuẩn bị tổ chức một lễ kỷ niệm ngày mà Hoàng Sa hoàn toàn bị Trung Quốc chiếm đóng. Tuy nhiên, theo ông Trục, điều quan trọng không phải là tổ chức những buổi lễ hoành tráng hay bằng nghi thức rất rầm rộ, mà cái chính là làm sao cho người dân Việt Nam trong và ngoài nước luôn luôn hướng về quần đảo Hoàng Sa, cái mảnh đất thiêng liêng của cha ông (mà người) Việt Nam từng đổ bao mồ hôi nước mắt để gìn giữ và bảo vệ.
Về mặt ý chí, về mặt tinh thần, về mặt quyết tâm, người Việt Nam không bao giờ từ bỏ chủ quyền và luôn luôn nhắc nhớ rằng quần đảo Hoàng Sa mãi mại là lãnh thổ của nước Việt Nam ông Trần Công Trục nhấn mạnh.
Tất cả vấn đề giáo dục cho học sinh sinh viên, từ tiểu học đến trung học hay đại học, các cơ sở giáo dục khác thì nhà nước đã có chủ trương là sẽ đưa các vấn đề này vào trong sách giáo khoa và hiện nay thì Bộ Giáo dục đào tạo đang khẩn trương tiến hành việc đó. Tôi là người đã được mời tham gia một số cuộc họp trao đổi, thảo luận chuẩn bị cho tài liệu giáo dục này cho Bộ Giáo dục đào tạo – ông Trục cho biết.
Sơ đồ trận hải chiến Hoàng Sa 1.1974
Là một viên chức từng tham gia đàm phán với Trung Quốc về vấn đề biên giới, TS. Trần Công Trục cho biết: Rõ ràng là trong các cuộc đàm phán để giải quyết các tranh chấp về biên giới lãnh thổ trên đất liền hay trên biển thì luôn luôn hết sức khó khăn phức tạp thậm chí kéo dài, nó đòi hỏi thiện chí về mặt chính trị đồng thời xuất phát từ các thực tiễn khách quan đôi bên phải cầu thị để tìm ra đúng sự thật của nó.
Ông cho biết: Trong đàm phán, Trung Quốc họ cũng có những điểm mạnh bởi vì họ là nước rất lớn, đã đàm phán rất nhiều với các nước có liên quan đến vấn đề biên giới trên bộ và trên biển.
Lực lượng tham gia đàm phán và nghiên cứu của họ khá đông đảo và được đào tạo rất bài bản. Họ cũng có bước đi khá kỹ, tôi nghĩ đây là điểm mạnh của phía Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo TS. Trục, Trung Quốc cũng có những vấn đề. Chẳng hạn họ lập luận chưa được cụ thể rõ ràng. Quan điểm về mặt pháp lý thì bằng chứng mà họ khẳng định những yêu sách của họ là đúng đắn thì rất yếu. Thí dụ cả cộng đồng quốc tế cũng như các học giả, chính khách đều nhìn thấy những yêu sách Trung Quốc đưa ra đòi hỏi chủ quyền của họ đến 80% Biển Đông nằm trong “đường lưỡi bò” là một chính sách rõ ràng vô lý, không căn cứ vào bất kỳ cơ sở pháp lý nào của luật pháp quốc tế cả.
Hay là quyền thủ đắc lãnh thổ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho đến nay theo tôi được biết Trung Quốc hay đưa ra lập luận rằng Trung Quốc có chủ quyền lịch sử vì người Trung Quốc đã phát triển, đã khai phá đã làm ăn từ lâu đời rồi… Nhưng điều đó có đúng với nguyên tắc luật pháp được áp dụng và được thế giới thừa nhận hay không lại là chuyện khác. Ông Trục giải thích: Hiện nay có rất nhiều quan điểm đưa ra khác nhau nên chúng ta cần phải chuẩn bị để có thể chứng minh trong các cuộc đàm phán, và đây là những điều mà tôi nghĩ là điểm yếu của họ.
Về câu hỏi liệu VN có nên tranh thủ cơ hội Mỹ xoay trục sang Châu Á – Thái Bình Dương để làm đối trọng với Trung Quốc hay không, TS. Trần Công Trục nói: Quan điểm của nhà nước Việt Nam luôn luôn kêu gọi tinh thần tự lực tự cường và tự bản thân người dân Việt Nam phải đoàn kết để bảo vệ lấy chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của mình.
Đương nhiên điều đó không có nghĩa là Việt Nam tự cô lập với thế giới, ông Trục nói. Việt Nam sẵn sàng kêu gọi sự ủng hộ đoàn kết của các quốc gia trên thế giới và đánh giá rất cao vai trò cường quốc của các nước lớn, và Việt Nam sẵn sàng nhận những ủng hộ đó nếu những giúp đỡ ấy có tính chất vô tư, xây dựng và đúng ý nghĩa. Việt Nam sẽ có thể chấp nhận nhưng đồng thời qua đó Việt Nam có thể nhận ra được những ai, những người nào muốn lợi dụng điều này vì lợi ích của họ và thậm chí cũng có thể biết được họ có thỏa thuận trên lưng của người Việt Nam trong quá trình đấu tranh gìn giữ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia hay không…
Việt Nam không muốn đứng về nước này mà chống nước kia. Tôi nghĩ rằng đấy là một chính sách đúng đắn và đấy là bản lĩnh của người Việt Nam và tôi cho rằng điếu đó là rất đúng. Riêng cá nhân chúng tôi cho rằng nhà nước nên tiếp tục con đường đó và chắc chắn con đường này sẽ được ủng hộ rất tích cực, rất có hiệu quả của các quốc gia đặc biệt là những nước lớn.
Tôi cũng thấy rằng rõ ràng trong bối cảnh hiện nay việc Hoa Kỳ xoay trở lại khu vực này thì tôi nghĩ họ cũng đã nhận thấy rõ nguy cơ của sự mất cân bằng trong khu vực này và họ muốn tái lập sự cân bằng đó. Và chính sự cân bằng đó sẽ giúp cho việc giữ gìn sự ổn định trong khu vực và tạo cơ hội cho các bên có thể ngồi lại với nhau giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Là tác giả loạt bài về Hoàng Sa trong dịp này, TS. Trục bày tỏ ông hi vọng sẽ nhận được thêm rất nhiều những bộ phim của các học giả có tiếng tăm trong và ngoài nước đặc biệt là những chiến sĩ hải quân VNCH trước đây đã từng tham gia các trận đánh này có thể làm cho tư liệu xác thực và hoàn chỉnh hơn để ghi lại cho con cháu ngày sau biết rõ một sự kiện như vậy trong quá trình đấu tranh của dân tộc.
Theo ông Trục, muốn giải quyết hòa bình những vấn đề một cách cơ bản lâu dài thì không nên dùng ý chí chủ quan của các bên, mà phải trên cơ sở thông tin khoa học khách quan, hiểu biết lẫn nhau thì mới có thể ngồi được với nhau để giải quyết vấn đề. Nếu tất cả mọi người chỉ dựa vào ý kiến chủ quan của mình thì chắc chắn sẽ không bao giờ gặp nhau và sẽ khó có thuận lợi.
Chúng tôi sẽ tiếp tục việc tập hợp những học giả, những nhà nghiên cứu, những người đã từng có cống hiến, đóng góp vào những sự kiện lịch sử này để cùng nhau nghiên cứu, tìm cách bổ sung hơn nữa những tư liệu để phục vụ cho cuộc đấu tranh, đặc biệt là những cuộc đàm phán trong tương lai, ông Trục cho biết.
BDN (theo RFA)