Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiDân mình bám biển: Hoàng Sa là của Việt Nam!

Dân mình bám biển: Hoàng Sa là của Việt Nam!

BienDong.Net: Có người ví những ngư dân Lý Sơn đi hành nghề ở vùng biển Hoàng Sa như “cây phong ba trên đảo Hoàng Sa”. Cây phong ba trên đảo xa dù bão giông, nắng cháy vẫn kiên trì ngạo nghễ bám đất để sống và phát triển.

Từ năm 2005 đến 2012, sơ bộ đã có 144 tàu với 1.116 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, va chạm khiến nhiều người bị thiệt hại số tiền lên đến hàng tỉ đồng, nhưng những ngư dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vẫn kiên cường bám biển để mưu sinh và cũng để khẳng định chủ quyền đối với vùng biển của đất nước mình.

alt 

Ảnh minh họa lấy từ bìa một cuốn sách về Hoàng Sa

Tàu hỏng thì đóng tàu mới; lưới, ngư cụ mất thì huy động bà con dòng tộc góp tiền mua lại…

Ngư dân Nguyễn Quốc Chinh – Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Lý Sơn nói: Biển Đông “đã trở thành hơi thở” của những ngư dân Lý Sơn vốn bao đời nay gìn giữ bờ cõi trên biển và đánh bắt hải sản ở ngư trường truyền thống. Từ đảo Lớn sang đảo Bé, gần như tất cả các gia đình ở 3 xã trên đảo Lý Sơn đều có người tham gia đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa.

Trên gương mặt đen sạm khắc khổ của các ngư dân Lý Sơn, dường như ai cũng có nét gì đó rất cương cường. Sóng gió khơi xa và sự va chạm với lực lượng ngư chính Trung Quốc trên biển những năm gần đây không làm run tay chài của họ. Ngư dân Lê Tân (53 tuổi) đã 8 lần gặp nạn, 3 lần mất cả tàu mà ông vẫn không nao núng. Ông kể: “Nó đuổi, tui bảo: Ngư trường của tui, đảo của cha ông tui, thì tui đánh bắt, tui không đi đâu hết, có đuổi tui cũng quay lại, còn phạt, tui đánh bắt trên ngư trường của tui cắc cớ chi phạt”.

Ngư dân Lý Sơn gọi ông là “Tân cùi”. “Tân cùi” đang tiếp tục đóng mới chiếc tàu công suất 450CV, kinh phí 1,8 tỉ đồng để bám biển. Lão ngư Tiêu Viết Là mỗi lần bị bắt, bị xét hỏi “Tại sao ra đảo Hoàng Sa”, ông lại tỉnh bơ: “Hoàng Sa của VN tôi chứ của mấy ông đâu mà hỏi kỳ lạ vậy”. Ánh mắt ông Là luôn “hiện lên vẻ khao khát khi hướng ra biển khơi.

Khi sự căng thẳng gia tăng trên Biển Đông cũng không làm nhụt chí ngư dân Lý Sơn. Ngư dân Nguyễn Thanh Lâm sau nhiều lần bị tàu ngư chính Trung Quốc đuổi bắt vẫn kiên trì “bám trụ”. Có lần bị tông chìm, được tàu bạn đến cứu mới thoát chết, riêng ngư dân Nguyễn Hợi bị gãy tay phải đưa về đất liền phải nối ghép xương. Nhưng họ vẫn tiếp tục bám biển Hoàng Sa.

Nhưng trong số những ngư dân đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa, nổi tiếng nhất vẫn là thuyền trưởng Mai Phụng Lưu, từng bốn lần bị Trung Quốc bắt, hai lần bị tịch thu tàu, bị đẩy vào cảnh tưởng chừng khuynh gia bại sản nhưng vẫn không chịu khuất phục. Nổi tiếng với biệt danh sói biển, với thâm niên hơn 20 năm sóng gió biển khơi, ông Lưu thuộc từng hòn đảo, từng rặng san hô ngầm ở Hoàng Sa. Mọi người kể ông có tài lái thuyền lượn quanh các đảo san hô đầy bãi ngầm như người ta đi xe máy tránh ổ gà trên những đoạn đường quen. Hoàng Sa, lãnh thổ của cha ông bị Trung Quốc chiếm đóng luôn đáu đáu trong ông những nỗi niềm khó tả. Đó là những nấm mồ vô danh mà theo những ngư dân lớn tuổi ở đảo Lý Sơn, là mồ của những binh phu trong Hải đội Hoàng Sa năm xưa, đã anh dũng hy sinh nơi biển cả bao la, được đồng đội an táng trên hòn đảo nổi có tên cù lao Ông Già, là hình ảnh những gốc phong ba cổ thụ, xù xì vì sóng gió trên đảo Cồn Đá Lồi còn gọi là đảo Phạm Quang Ảnh, tên một cai đội xuất chúng trong Đội Hoàng Sa Bắc Hải dưới triều Nguyễn. Đây là hòn đảo nửa nổi, nửa chìm, ven đảo có vô số loài hải sản quý sinh sống.

Mặc dù từ 19.1.1974, quần đảo Hoàng Sa (TP. Đà Nẵng) bị phía Trung Quốc chiếm đóng trái phép nhưng Mai Phụng Lưu vẫn thường xuyên ghé lên đảo và thuộc từng vụng biển, từng bãi cát, từng hòn đảo như nhà mình. Tết Nguyên đán năm 2009, Mai Phụng Lưu ghé thuyền vào cù lao Ông Già. Anh khui can rượu 2 lít đãi các thuyền viên. Tàn cuộc rượu, anh bỗng nhìn thấy một gốc cây phong ba đã chết khô nhưng có hình thù đẹp mắt. Anh đã đào gốc phong ba đó mang xuống thuyền, và bây giờ nó được sơn phết lại sạch sẽ, gắn thêm mấy bông hoa giả. Anh giải thích: “Tui đào gốc cây này về nhà để nhắc bọn trẻ chúng nhớ là tui từng tới Hoàng Sa, nơi cha ông chúng ở Lý Sơn ngày xưa đã từng sinh sống”.

Trong chuyến ra khơi năm 2011, cha con ông Lưu đã ghé lên đảo Bạch Quy để xúc nắm cát thiêng liêng đem về chia cho bà con trên huyện đảo Lý Sơn – quê hương Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa – để cùng thờ phụng, tưởng nhớ tới cha ông đã nằm lại biển khơi; để khắc cốt ghi tâm rằng đó là mảnh đất máu thịt của Tổ quốc.

alt 

Hai cha con ông Mai Phụng Lưu thành kính thắp nén hương trước khi xin phép thần linh xúc cát đảo Bạch Quy đem về chia cho bà con.

Trong chuyến ra khơi này, nhờ chiếc máy ảnh của một người mến mộ gửi tặng, cha con ông đã lần lượt ghi lại những khoảnh khắc lưu lại trên đảo Bạch Quy và cù lao Ông Già thuộc quần đảo Hoàng Sa. Hành động bám biển của ông khiến nhiều người cảm động. Trên mạng Internet người ta đã lập ra cả một trang dành cho Hội những người cảm phục lòng can đảm và tình yêu đất nước của Sói Biển Mai Phụng Lưu! Chung tay góp sức giúp đỡ ngư dân biển đảo!

Ngày thơ Việt Nam do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi cùng Nhà thơ Thanh Thảo tổ chức nhân dịp Tết Nguyên đán 2012 với chủ đề Trường lũy Biển Đông đã mời Mai Phụng Lưu đến dự với tư cách khách đặc biệt, bởi theo nhà báo Mai Thanh Hải, “Người có tâm hồn thơ chưa hẳn đã cầm bút làm thơ, nhưng họ biết sống thơ, biết xúc cảm và chia sẻ trước cái Đẹp và cái Thiện, biết tha thiết yêu thương từng rạn san hô, từng bãi cát vàng trên những quần đảo thuộc chủ quyền của đất nước mình.

alt 

Trứng chim trên quần đảo Hoàng Sa (ảnh do cha con ông Lưu chụp)

Những người như thế, họ yêu Thơ và yêu Nước. Họ đưa tinh thần của Thơ tới mọi công việc vất vả và hiểm nguy hàng ngày.

Có thể Mai Phụng Lưu chưa làm thơ, nhưng mỗi lần gặp anh, tất cả các nhà báo và nhà thơ đều công nhận ở người ngư dân mộc mạc thật thà này, tiềm ẩn một năng lượng tinh thần lớn lao.

Nếu được thể hiện ra bằng ngôn ngữ, thì năng lượng tinh thần ấy sẽ hiện hình thành những câu thơ, những bài thơ, ông Hải nhận xét.

BDN (tổng hợp)

RELATED ARTICLES

Tin mới