BienDong.Net: Đóng góp từ 18-20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mỗi năm, ngành dầu khí là một trong những mũi nhọn hàng đầu cho kinh tế đất nước, một hoạt động rất đặc biệt gắn bó mật thiết với ngành này – “Bay dầu khí (BDK) ” còn đóng vai trò khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển trời của Tổ Quốc.
Được thành lập vào năm 1985, từ một đơn vị của Quân chủng Phòng không – Không quân Việt Nam, Công ty Trực thăng miền Nam (VNHSOUTH, Binh đoàn 18) được giao các nhiệm vụ bay phục vụ bay dầu khí (BDK), vận chuyển hành khách; tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, tổ chức bay các chuyến bay chuyên cơ ra các đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, An Bang, Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa.
Các phi công trực thăng Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bay dầu khí trên khu vực thềm lục địa phía Nam
Những chuyến bay thường xuyên trong khu vực biên giới trên biển gửi đi thông điệp của Việt Nam đến bạn bè quốc tế: “Đây là vùng chủ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, được xác lập, xây dựng và bảo vệ thường xuyên, ổn định, liên tục” – Trung tá Trần Ngọc Hùng, Chủ nhiệm Kỹ thuật VNHSOUTH chia sẻ.
Trung tá Hùng kể lại một trong những chiến công vẻ vang của đơn vị, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Đó là sự kiện vào năm 2012, một máy bay EC – 225 gặp sự cố kỹ thuật bất ngờ, đã gây tai nạn đáng tiếc ở vùng biển Bắc, khi đó Châu Âu phải ra khuyến cáo ngừng bay tất cả các chuyến bay EC – 225 trên toàn thế giới chờ khắc phục sự cố. Tuy nhiên VNHSOUTH sau khi tổ chức họp đánh giá tình hình đã ra quyết: “Tiếp tục duy trì bình thường các chuyến bay EC – 225 ra thềm lục địa phía Nam”.
Trung tá Hùng cho biết: Hầu hết các quốc gia sử dụng máy bay EC – 225 lúc đó đã không tin vào quyết định mạo hiểm của Việt Nam. Thế nhưng, sau khi nhận được sáng kiến khắc phục sự cố EC – 225 do Việt Nam đề xuất, Eurocopter phải tán thành. “Bằng cách sử dụng thiết bị giám sát hành trình EC – 225 khoảng 1h30 phút/lần, Việt Nam đã phát hiện sớm hơn hiện tượng sự cố để ngăn chặn hỏng hóc lặp lại. Kết quả sau 1 năm cả thế giới ngừng bay EC – 225 thì Việt Nam đã khai thác được hơn 1.000 giờ bay an toàn tuyệt đối loại máy bay này ” – Trung tá Hùng tự hào nói.
Mới đây, các phi công VNHSOUTH tiếp tục thành công trong việc khắc phục sự cố đối với máy bay Mi – 17. Đại tá Nguyễn Phú Hiên – Phó Giám đốc VNHSOUTH cho biết: Sự cố máy bay Mi – 7 xảy ra trong tình huống thực hiện nhiệm vụ hạ cánh xuống giàn RP 3 – Mỏ Rồng. Do gió giật mạnh, cánh quạt đuôi máy bay này đã va vào tấm lưới bảo vệ của giàn làm hai người bị thương. Chỉ trong 1 ngày, sự cố đã được đơn vị khắc phục và ngày hôm sau Mi – 7 lại cất cánh và trở vào đất liền.
Suốt nhiều năm liền, VNHSOUTH cùng các đơn vị chủ lực của Binh đoàn 18 của Bộ Quốc phòng còn góp công thực hiện thắng lợi nhiều chuyến bay cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Đảm bảo nhiệm vụ bay dầu khí
Đại tá, phi công Nguyễn Phú Hiên cho biết: Trong năm qua, BDK được đơn vị xác định là nhiệm vụ quốc phòng đặc biệt quan trọng. Trong bối cảnh thiếu phi công, thiếu máy bay cục bộ, cường độ bay cao, trong khi phạm vi hoạt động rộng (trong vùng chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông), đơn vị đã đàm phán để đưa máy bay VN – 8619 cùng với phi công, thợ máy sang hoạt động tại Malaysia và đưa máy bay của Quân chủng Hải quân vào hoạt động BDK.
Theo Đại tá Nguyễn Phú Hiên, bước đột phá của hoạt động BDK trong năm qua là đơn vị đã chính thức tiếp nhận và đưa chiếc máy bay EC – 225 thứ 3 vào hoạt động.
Trong nhiệm vụ huấn luyện và đảm bảo an toàn bay, Đại tá, phi công Nguyễn Văn Vinh – GĐ Trung tâm Huấn luyện bay thuộc VNHSOUTH cho biết: Vừa qua Trung tâm đã hoàn thành nhiệm vụ tổ chức bay huấn luyện cho Quân chủng Hải quân và tổ chức thực hiện các nội dung huấn luyện ở nước ngoài cho trên 100 lượt cán bộ, phi công.
“Chúng tôi đánh giá nhu cầu BDK, cũng như các nhu cầu bay dịch vụ khác, như bay phục vụ thăm dò và khai thác dầu khí; bay cấp cứu; bay tìm kiếm, cứu nạn; … sẽ ngày càng tăng cao trong những năm tiếp theo, ông Vinh nói. Do đó, nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực phi công chất lượng cao cho ngành là hết sức quan trọng”. Cũng theo Đại tá Vinh, hiện nay Việt Nam trở thành quốc gia huấn luyện BDK tiềm năng cho nhiều quốc gia do chi phí thấp so với khu vực.
Binh đoàn 18 đặt mục tiêu đến năm 2015, sẽ xây dựng Trung tâm Huấn luyện bay thành Trường Huấn luyện bay cho khu vực Đông Nam Á. Cho đến nay, Trung tâm đã thực hiện được 5 khóa huấn luyện cho gần 30 phi công các Trường Sĩ quan Không quân và phi công của Quân chủng Hải quân.
BDN (theo Đại Đoàn Kết)