Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc nên làm việc có “tính xây dựng” với láng giềng

Trung Quốc nên làm việc có “tính xây dựng” với láng giềng

BienDong.Net: Hãng tin AP hôm 23/1 đưa tin, trong một cuộc hội đàm tại Bắc Kinh mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns đã kêu gọi Trung Quốc nên “làm việc có tính xây dựng với các nước láng giềng để làm giảm căng thẳng tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông”.

Thông cáo của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh trích lời Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ khẳng định Washington có lợi ích mạnh mẽ và lâu dài khi mà những vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông được xử lý hòa bình, bằng các biện pháp ngoại giao.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns

Ông Burns cũng nhấn mạnh rằng, không một nước nào có thể hành động đơn phương để khẳng định tuyên bố của mình.

Căng thẳng tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang leo thang, đặc biệt từ sau khi Trung Quốc đơn phương áp đặt cái gọi là “vùng nhận diện phòng không” (ADIZ) bao trùm lên khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Tokyo đang kiểm soát thực tế. Bước đi này của Bắc Kinh không những khiến Nhật Bản giận dữ sôi sục mà còn khiến Hàn Quốc bất bình.

Sau đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lại chọc giận người Trung Quốc và Triều Tiên bằng chuyến viếng thăm đền thờ tội phạm Chiến tranh thế giới thứ II Yasukuni. Cho nên, khi Thứ trưởng William Burns bắt đầu chuyến công cán Châu Á với sứ mệnh ngoại giao hòa giải, Bắc Kinh đã khiến Tokyo bực tức bằng việc khánh thành một đài tưởng niệm ở Cáp Nhĩ Tân, vinh danh người Triều Tiên An Trung Căn – chiến sĩ đấu tranh vì độc lập. Năm 1909, An Trung Căn bị Tổng đốc Nhật Bản tại Triều Tiên Ito Hirobumi bắn chết.

Không những căng thẳng với các nước láng giềng Đông Bắc Á, Bắc Kinh còn đang khiến những người hàng xóm Đông Nam Á quan ngại với một loạt động thái “diễu võ giương oai” trên Biển Đông – điểm nóng tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam trong mấy năm trở lại đây.

Mới đây, vào cuối năm ngoái 2013, Trung Quốc đã cho tàu sân bay đầu tiên và đội chiến hạm hộ tống xuống chạy thử tại Biển Đông. Một trong những chiếc tàu hộ tống đã chặn đường một chiến hạm Mỹ đi theo dõi, làm chiếc này phải bẻ lái khẩn cấp để tránh va chạm.

Tiếp đó, Trung Quốc đã tiến thêm một bước trong việc áp đặt chủ quyền của họ trên gần như toàn bộ Biển Đông khi tỉnh Hải Nam ra quy định phi lý, đòi hỏi tàu nước ngoài phải xin phép trước mới được vào đánh cá hay khảo sát trên vùng biển chiếm 2/3 diện tích Biển Đông mà Bắc Kinh tự cho là có “chủ quyền”.

Để tăng cường khả năng áp dụng quy định này, Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc hôm 21/1 đã thông báo điều động một tàu tuần tra dân sự trọng tải 5.000 tấn, tức là loại lớn, đặt căn cứ bất hợp pháp ngay trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép bằng vũ lực năm 1974. Bắc Kinh còn ngang nhiên tuyên bố sẽ “thường xuyên tuần tiễu” trên Biển Đông với tàu tuần tra siêu “khủng” này.

Tờ Tin tức Hải Dương của Trung Quốc còn cho biết, nước này sẽ “dần dần thiết lập một hệ thống tuần tra thường xuyên ở “thành phố Tam Sa” để bảo vệ lợi ích hàng hải của Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Philippines đã lên tiếng bác bỏ đề nghị thỏa hiệp về lệnh cấm đánh bắt cá phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Manila tuyên bố, lệnh cấm đó chỉ là “một trong các biện pháp đơn phương của Bắc Kinh nhằm cưỡng bức thay đổi hiện trạng khu vực”, hòng củng cố yêu sách “đường 9 đoạn” ở Biển Đông, vốn vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982.

Về phía Mỹ, Washington từng nhiều lần khẳng định, tuy không đứng về bên nào trong các tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông nhưng nước này có lợi ích trong việc bảo đảm, duy trì quyền tự do hàng hải trên những vùng biển này. Mỹ cũng có hiệp ước phòng thủ chung với Nhật Bản và Philippines – một trong các bên tranh chấp chính ở Biển Đông, và do đó, Washington có thể tham dự một khi xung đột bùng nổ.

BDN (theo Petrotimes)

RELATED ARTICLES

Tin mới