Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBIỂN ĐÔNG “NỔI SÓNG” TẠI HỘI NGHỊ KHU VỰC VÀ QUỐC TẾ

BIỂN ĐÔNG “NỔI SÓNG” TẠI HỘI NGHỊ KHU VỰC VÀ QUỐC TẾ

BienDong.Net: Từ ngày 16 – 17/1/2014, Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã diễn ra tại Bagan, Myanmar. Đây là cuộc gặp đầu tiên của Ngoại trưởng các nước ASEAN trong năm 2014 để trao đổi về chương trình nghị sự và định hướng các nội dung cho các cuộc họp của ASEAN trong năm 2014.

Vấn đề Biển Đông đã trở thành một trong những nội dung chính của Hội nghị.

Trước những hành động ngày càng leo thang của Trung Quốc ở khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông cuối năm 2013 và trong những ngày đầu năm 2014 (đơn phương lập vùng nhận diện phòng không ở Hoa Đông cuối tháng 11/2013; Biện pháp thực thi “Luật ngư nghiệp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”) các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã dành nhiều thời gian trao đổi về vấn đề Biển Đông. Tất cả các nước ASEAN đều phát biểu về vấn đề Biển Đông.

Lần đầu tiên một Hội nghị hẹp Ngoại trưởng các nước ASEAN đã ra thông báo với báo chí, trong đó các Bộ trưởng bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp mới đây trên Biển Đông; khẳng định lại 6 nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở khu vực; các bên liên quan cần phải tiếp tục thực hiện kiềm chế trong hành động của mình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS); thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố DOC và đẩy nhanh thương lượng để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Với sự khởi đầu này có thể thấy vấn đề Biển Đông sẽ là một chủ đề chính của các hội nghị ASEAN trong năm 2014. Trước đây, các nhà nghiên cứu lo ngại rằng Myanmar là một nước không có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông lại phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về kinh tế nên rất có thể Myanmar lại đi theo “vết xe đổ” của Campuchia, không quan tâm đến vấn đề Biển Đông. Nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Với vai trò Chủ tịch ASEAN, Myanmar đã cố gắng tạo sự đoàn kết nhất trí của ASEAN trên vấn đề Biển Đông bất chấp sức ép từ Trung Quốc.

Ngoại Trưởng Myanmar Wunna Maung Lwin một mặt nhấn mạnh tới nhiệm vụ cần thực hiện của ASEAN trong thời gian tới, mặt khác tỏ ý lo ngại về tình hình Biển Đông. Ông Lwin cho rằng hòa bình, ổn định của khu vực là sự quan tâm lớn của ASEAN. Điều này cần thiết sự đoàn kết nhất trí của ASEAN; năm nay việc Myanmar là Chủ tịch ASEAN sẽ là cơ hội tuyệt vời để Myanmar hòa nhập vào cộng đồng quốc tế, tham gia vào giải quyết vấn đề của ASEAN trong đó có vấn đề về Biển Đông.

Với việc lần đầu tiên Hội nghị hẹp Ngoại trưởng các nước ASEAN ra Thông cáo báo chí, trong đó nêu rất đậm vấn đề Biển Đông cho thấy rõ vai trò và bản lĩnh của Myanmar. Một số chuyên gia cho rằng do Myanmar có chung đường biên giới dài với Trung Quốc nên họ hiểu khá rõ bản chất của Trung Quốc trên vấn đề biên giới lãnh thổ. Trung Quốc luôn chỉ muốn lấn chiếm lãnh thổ của các nước láng giềng. Myanmar thấy rằng Myanmar có cùng chung lợi ích với các nước ASEAN và cần có sự đoàn kết nhất trí trong ASEAN để đối chọi với một Trung Quốc luôn có tư tưởng bành trướng, bá quyền.

Trước Hội nghị, Trung Quốc cũng đã gia tăng sức ép đối với Myanmar để làm chìm vấn đề Biển Đông tại các hội nghị của ASEAN trong năm Myanmar làm Chủ tịch. Tuy nhiên, với nội dung đậm nét về vấn đề Biển Đông trong Thông cáo báo chí của Hội nghị hẹp Ngoại trưởng ASEAN, rõ ràng Trung Quốc đã thất bại trong việc lôi kéo, mua chuộc Myanmar trên vấn đề Biển Đông. Trung Quốc rất tức tối trước việc làm này của Myanmar, nhưng cũng không làm gì được vì bên cạnh Myanmar còn có cả khối ASEAN và các nước lớn khác.

Mới chỉ là Hội nghị đầu tiên nhưng Myanmar đã để lại dấu ấn rõ nét. Dư luận quốc tế hoan nghênh cách điều hành hội nghị của Myanmar. Chúng ta tin tưởng rằng Myanmar sẽ hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2014 và sẽ xử lý hài hòa vấn đề Biển Đông tại các hội nghị ASEAN trong năm 2014, không để Trung Quốc thao túng như họ đã từng làm với Campuchia trong năm 2012.

Sức nóng trên vấn đề Biển Đông ở Hội nghị hẹp Ngoại trưởng các nước ASEAN còn lan tỏa sang cả Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 44 tại Davos. Mặc dù là diễn đàn chuyên về kinh tế, nhưng với những diễn biến căng thẳng mới do Trung Quốc gây ra ở Biển Đông và biển Hoa Đông, Hội nghị đã bày tỏ lo ngại trước những hành động mới của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến tự do và an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông và biển Hoa Đông, cản trở thương mại ở khu vực, ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế toàn cầu. Các tiếng nói ở Hội nghị Davos đều ủng hộ quan điểm chung của các nước ASEAN trên vấn đề Biển Đông; kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982; phản đối sử dụng vũ lực, đe doạ sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép; ủng hộ thực hiện nghiêm túc DOC, sớm xây dựng COC. Việc trao đổi sâu rộng về vấn đề Biển Đông là một nét mới của Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới lần này.

Mới chỉ 2 hội nghị khu vực và quốc tế được tổ chức trong tháng 1/2014 mà vấn đề Biển Đông đã trở thành một tiêu điểm được bàn thảo rộng rãi. Điều này không chỉ cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn của cộng đồng quốc tế đến những diễn biến ở Biển Đông và biển Hoa Đông mà còn cho thấy sự bất bình của thế giới với hành động ngang ngược của Bắc Kinh. Sự phát triển của Trung Quốc không phải là đem lại hoà bình cho khu vực mà đang trở thành một nguy cơ đe doạ hoà bình ổn định, tự do và an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới