Wednesday, January 15, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ quan tâm hợp tác an ninh hàng hải với Việt Nam

Mỹ quan tâm hợp tác an ninh hàng hải với Việt Nam

BienDong.Net: Một sĩ quan của Lực lượng tuần duyên Mỹ (USCG) đã được biên chế tại Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đang nóng lên với các tuyên bố gây quan ngại cho các nước khác của Trung Quốc liên quan tới vùng biển này.

Từ ngày 1/1/2014 Bắc Kinh tuyên bố áp đặt quy định buộc các tàu đánh cá nước ngoài phải xin phép khi tới đánh bắt tại ngư trường thuộc vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc cũng vừa tuyên bố sẽ đưa một tàu tuần tra dân sự 5.000 tấn tới hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam gọi là Phú Lâm (Woody Island).

alt

Tàu cảnh sát biển Việt Nam sẵn sàng làm nhiệm vụ (ảnh BienDong.Net)

Trả lời phỏng vấn của đài VOA được đăng tải ngày 22/1, Tư lệnh lực lượng tuần duyên Mỹ, Đô đốc Bob Papp, cho biết đây là lần đầu tiên Mỹ cử một sĩ quan tuần duyên tới Đại sứ quán tại Hà Nội. Hiện tại trong Đại sứ quán cũng đã có các thành viên khác nhau của quân đội Mỹ làm nhiệm vụ trong vai trò sĩ quan liên lạc và tùy viên quân sự. Việc đưa một sĩ quan của lực lượng tuần duyên tới làm việc tại một Đại sứ quán Mỹ trên thế giới không phải là điều bất bình thường. Chức năng của một sĩ quan tuần duyên tại cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ ở nước ngoài là làm việc với các đối tác nước sở tại và cố vấn cho Đại sứ Mỹ về các vấn đề về hàng hải.

Tháng 9/2013, Đô đốc Bob Papp trở thành Tư lệnh lực lượng tuần duyên Mỹ đầu tiên tới thăm Việt Nam. Chuyến thăm này nằm trong nỗ lực củng cố hợp tác của Mỹ với các lực lượng tuần duyên trên thế giới.

Trả lời phỏng vấn báo giới trong chuyến thăm này, Đô đốc Bob Papp nói rằng “tăng cường mối quan hệ đối tác với các lực lượng quản lý lãnh hải như cảnh sát biển Việt Nam là điều quan trọng nhằm cải thiện an ninh khu vực”

Trả lời phỏng vấn đài VOA về việc gia tăng hợp tác với đối tác Việt Nam, Đô đốc Bob Papp nói: “Như mọi người đều biết, có tới 90% thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng đường hàng hải trên thế giới, cần phải có các cơ chế, các luật lệ cũng như quy tắc ứng xử về việc quản lý các tuyến hàng hải liên quan tới các tranh chấp lãnh hải, quyền tiếp cận và tự do hàng hải. Nước Mỹ nói chung, và lực lượng tuần duyên nói riêng, sẵn sàng hợp tác với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới để tăng cường an ninh và an toàn hàng hải. Chúng tôi hoan nghênh cơ hội như vậy”.

Đô đốc Bob Papp cho biết lực lượng do ông phụ trách hiện đang giúp Việt Nam tăng cường năng lực quản lý hàng hải sau khi nhận được đề nghị từ Hà Nội về việc ‘tăng cường hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm’. Lực lượng tuần duyên Mỹ cũng đã cử một số sĩ quan huấn luyện tuần duyên tới Hải Phòng để hướng dẫn cho lực lượng cảnh sát biển và các lực lượng có liên quan về công tác tìm kiếm và cứu hộ của Việt Nam.

Về tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác giữa lực lượng tuần duyên Mỹ và Việt Nam đối với an ninh khu vực, Đô đốc Bob Papp cho biết “Lực lượng tuần duyên Mỹ quan tâm tới các hoạt động an toàn, an ninh cũng như thân thiện với môi trường để đảm báo việc vận chuyển hàng hải an toàn cho mọi người. Chúng tôi quan tâm tới các tranh chấp lãnh hải ở khu vực. Chúng tôi hiểu rằng vấn đề tranh chấp sẽ được giải quyết giữa các nước khác. Tất cả các bên cần phải hợp tác, làm việc với nhau. Chừng nào các bên còn trao đổi thảo luận với nhau thì chừng đó ta có thể hóa giải vấn đề một cách hòa bình. Lực lượng tuần duyên Mỹ đã tham gia Diễn đàn tuần duyên Bắc Thái Bình Dương với các thành viên như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và Canada. Chúng tôi nỗ lực hết sức để liên lạc với tất cả các nước đó nhằm tránh hiểu nhầm, để hợp tác làm việc nhằm đảm bảo việc sử dụng an toàn hàng hải.

Hợp tác trong lĩnh vực hàng hải là một trọng những lĩnh vực chính mà Mỹ và Việt Nam tăng cường thời gian qua. Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 12/2013, Ngoại trưởng John Kerry đã thông báo về khoản viện trợ 18 triệu USD để hỗ trợ Việt Nam ‘tăng cường năng lực cho các đội tuần tra trên biển nhằm nhanh chóng triển khai các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, đối phó với thảm họa thiên nhiên và các hoạt động khác, bắt đầu bằng việc huấn luyện và cung cấp 5 tàu tuần tra cao tốc cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam’

Trong buổi họp báo tại Hà Nội sau cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhân chuyến thăm này, ông Kerry nói rằng “Mỹ quan ngại và phản đối mạnh mẽ những hành động khiêu khích, gây sức ép để đạt được những mưu đồ về chủ quyền lãnh thổ. Các nước có tranh chấp có trách nhiệm phải giải trình rõ và đảm bảo những yêu cầu của họ là phù hợp luật quốc tế. Những nước này có thể tham gia những cơ chế trọng tài cũng như nỗ lực ngoại giao”.

Về việc chuyên giao các tàu tuần tra cho phía Việt Nam, Đô đốc Bob Papp cho biết “Lực lượng tuần duyên Việt Nam đã yêu cầu được tiếp cận các tàu tuần tra khi chúng tôi ngừng sử dụng các tàu này. Dĩ nhiên chúng tôi muốn Việt Nam nhận những chiếc tàu mà chúng tôi cho ‘nghỉ hưu’. Nhưng cho tới lúc này, chúng tôi mới chỉ bắt đầu tiến hành trao đổi và thương thảo về việc đó.

Thời gian qua, Việt Nam đã có những bước đi nhằm tăng cường lực lượng tuần duyên như trang bị 3 tàu tuần tra hiện đại cho lực lượng cảnh sát biển. Ngoài ra, Việt Nam đã quyết định đổi tên Cục Cảnh sát biển thành Bộ Tư lệnh cảnh sát biển. Ngoài Mỹ, Việt Nam cũng tăng cường hợp tác với các lực lượng tuần duyên khác như Nhật Bản. Năm 2013, đích thân Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị Tokyo ‘hỗ trợ Việt Nam hiện đại hóa trang thiết bị của lực lượng cảnh sát biển’.

Lực lượng tuần duyên Mỹ được thành lập vào tháng 8/1790, là 1 trong 7 quân binh chủng thuộc lực lượng vũ trang Mỹ. Trong thời bình, lực lượng này hoạt động dưới sự quản lý của Bộ An ninh Nội địa, nhưng có thể được tổng thống hoặc quốc hội quyết định chuyển sang cho Bộ Hải quân khi nước Mỹ có chiến tranh. Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2012 lực lượng này có khoảng 42.000 lính thường trực, 7.900 lính dự bị, 32.000 tình nguyện viên và 8.700 nhân viên dân sự.

Trong ba năm qua, Lực lượng tuần duyên Mỹ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội trong việc giúp Việt Nam xây dựng năng lực quản lý hàng hải. Chương trình huấn luyện của Lực lượng tuần duyên Mỹ tại Việt Nam tập trung vào việc thực thi luật pháp, tìm kiếm – cứu nạn và lập kế hoạch cho các hoạt động. Chi phí cho chương trình này được trích từ quỹ của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Cơ sở để Lực lượng tuần duyên Mỹ hỗ trợ trực tiếp cho Việt Nam là dựa trên một loạt hiệp định và thỏa thuận giữa hai nước, trong đó có thỏa thuận tìm kiếm và cứu nạn song phương năm 2002, thỏa thuận chống ma túy năm 2006, thỏa thuận hợp tác hàng hải song phương năm 2007 và Hiệp định Megaports năm 2010.

Nỗ lực hợp tác giữa lực lượng tuần duyên của hai nước nằm trong chủ trương chung của Chính quyền Barack Obama nhằm tăng cường các mối quan hệ với Việt Nam. Trong cuộc hội đàm ngày 25.7.2013 tại Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã thông báo về việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, trong đó có việc hợp tác chống khủng bố, thực thi luật hàng hải, chống cướp biển, buôn bán ma túy, tội phạm công nghệ cao và an ninh mạng.

BDN (Nguồn: VNA và TP)

RELATED ARTICLES

Tin mới