Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTham vọng “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng...

Tham vọng “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng an ninh hàng hải quốc tế

BienDong.net: Biển Đông là khu vực có các tuyến đường hàng hải huyết mạch. Tuy nhiên, an ninh trên các tuyến đường này đang bị cái gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng.

Về mặt địa lý, Biển Đông nối thông với biển Hoa Đông và biển Nhật Bản (qua eo biển Đài Loan), thông với Thái Bình Dương (qua các biển đảo của Philippines) và thông với Ấn Độ Dương (qua eo biển Malacca).

Bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc

Xung quanh Biển Đông có rất nhiều vịnh quan trọng như vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan, vịnh Subic, vịnh Manila với nhiều cảng nước sâu quan trọng… Chính vì vậy, Biển Đông trở thành nơi giao thương của các luồng thương mại hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng, nối liền Đông Bắc Á với Đông Nam Á và là đường hàng hải ngắn nhất nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Trong số 10 tuyến đường hàng hải chính trên thế giới thì 5 tuyến đi qua khu vực Biển Đông. Trong hơn 90% thương mại quốc tế được vận chuyển bằng đường biển, có tới 45% đi qua Biển Đông. Có khoảng 80% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc, 60% của Nhật Bản, 66% của Hàn Quốc đi qua Biển Đông. Khoảng 42% hàng xuất khẩu của Nhật Bản, 55% hàng xuất khẩu của các nước Đông Nam Á, 26% hàng xuất khẩu của các nước công nghiệp mới và 40% hàng của Australia cũng đi qua vùng biển này. Đối với Việt Nam, có hơn 95% hàng xuất khẩu thông qua đường biển và cửa ngõ chính là Biển Đông. Có thể nói, Biển Đông đã trở thành “van điều tiết” dòng chảy thương mại, đặc biệt là vận chuyển dầu hỏa giữa các nước Trung Đông và Châu Phi và các nền kinh tế ở Đông Á. Do có những lợi thế trên, Biển Đông thường được ví như “Địa Trung Hải Châu Á”.

Tham vọng “đường lưỡi bò” hay còn gọi là “Đường chữ U” hoặc “Đường 9 đoạn”… của Trung Quốc đều là các cách gọi khác nhau để chỉ yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo đó, có tới 80% diện tích Biển Đông, bao gồm bốn nhóm quần đảo, bãi ngầm lớn là quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Đông Sabãi Macclesfield nằm trong phạm vi “đường lưỡi bò”. Như vậy, với “đường lưỡi bò”, Trung Quốc có thể khống chế toàn bộ các tuyến đường hàng hải quốc tế trên Biển Đông. Nghĩa là, Trung Quốc sẽ khống chế được một nửa số tuyến đường biển huyết mạch trên thế giới, buộc nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới sẽ phải lệ thuộc vào Trung Quốc. Tham vọng của Trung Quốc đã và đang đe dọa, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích và an ninh giao thương hàng hải của các nước qua vùng biển này.

Để thực hiện tham vọng của mình, Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế tiến hành nhiều hành động gây nguy hiểm cho an ninh hàng hải quốc tế tại Biển Đông. Tháng 5.2013, tuần dương hạm tên lửa USS Cowpens thuộc nhóm tàu sân bay USS George Washington của Mỹ đã bị một tàu đổ bộ Trung Quốc chặn đường trên khu vực Biển Đông. Trước đó, hồi tháng 3.2009, tàu trinh sát thăm dò USNS Impeccable của Mỹ bị 5 tàu dân sự Trung Quốc bao vây cản đường khi đang hoạt động gần đảo Hải Nam; tháng 5.2009, tàu do thám USNS Victorious của Mỹ cũng đụng độ với tàu cá Trung Quốc trên Hoàng Hải; năm 2001, một máy bay do thám P – 3C của Mỹ bay gần đảo Hải Nam cũng va chạm với một máy bay tiêm kích Trung Quốc khiến chiếc tiêm kích rơi xuống biển mất tích, chiếc P – 3C phải đáp khẩn cấp xuống Hải Nam, 24 thành viên phi hành đoàn bị cầm giữ 10 ngày.

 

Hình ảnh Tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc bắn cháy

Với Việt Nam, Trung Quốc đã sử dụng ưu thế vượt trội của một nước lớn để tiến hành nhiều hành động ngang ngược xâm phạm chủ quyền của Việt Nam như chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bằng vũ lực. Trung Quốc còn tiến hành nhiều hoạt động bất chấp luật pháp quốc tế gây thiệt cho các tàu của Việt Nam. Giữa năm 2011, tàu địa chấn Bình Minh 02 của PetroVietnam bị 3 tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp khi đang tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực các lô 125, 126, 148, 149 trên thềm lục địa miền Trung Việt Nam. Tháng 6.2011, tàu Viking 2, chuyên khảo sát địa chấn 3D của liên doanh CGG Veritas (Pháp) được Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) thuê đã bị tàu Trung Quốc cắt cáp. Tháng 11.2012, tàu cá Trung Quốc lại cắt cáp thu nổ địa chấn của tàu Bình Minh 02. Nguy hiểm hơn, Trung Quốc còn tiến hành nhiều hành động đe dọa, bắt đòi tiền chuộc thậm chí bắn cháy các tàu cá của ngư dân Việt Nam khi đang đánh bắt cá trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

 

Hình ảnh Trung quốc chiếm đóng bãi cạn Scarborough

Trong khuôn khổ tham vọng “đường lưỡi bò”, Trung Quốc cũng đã có những tranh chấp chủ quyền gay gắt với Philippines tại bãi cạn Scarborough, Bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hiện bị Philippines chiếm đóng bất hợp pháp và Trung Quốc cũng lên tiếng đòi chủ quyền). Căng thẳng leo thang, sau khi “đã cạn kiệt hầu như mọi con đường chính trị, ngoại giao, đàm phán để giải quyết hòa bình các tranh chấp hàng hải với Trung Quốc”, Philippines quyết định đưa vấn đề này lên tòa án theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Đến nay, Bắc Kinh vẫn tuyên bố không chấp nhận vụ kiện và cáo buộc Manila “không thật lòng nỗ lực đàm phán để giải quyết tranh chấp”.

Theo Tân Hoa xã, tháng 1.2014, 3 tàu hải quân Trung quốc gồm tàu đổ bộ lớn nhất Trung Quốc Trường Bạch Sơn và 2 tàu khu trục đã tiến hành tuần tra tại bãi đá James (Trung Quốc gọi là bãi ngầm Tăng Mẫu), nơi được coi là điểm tận cùng phía nam của bản đồ “đường lưỡi bò” phi lý do Bắc Kinh đơn phương vạch ra trên Biển Đông. Vị trí này cách bờ biển bang Sarawak, Malaysia khoảng 80 km, cách bờ biển Brunei chưa đầy 200 km, trong khi cách bờ biển phía nam Trung Quốc đến 1.800 km. Trước đó, tháng 3.2013, 4 tàu hải quân Trung Quốc cũng đã đi vào bãi đá James/Tăng Mẫu, các thủy thủ trên tàu Trung Quốc này đã bắn chỉ thiên khi đang ở trong khu vực bãi đá và Malaysia đã lên tiếng phản đối. Tuy nhiên, theo Reuters, chỉ một tháng sau đó, một tàu hải giám Trung Quốc đã quay lại bãi đá James/Tăng Mẫu để đóng cột thép nhằm khẳng định chủ quyền.

Tháng 11/2013, chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đã thông qua một quy định phi lý (có hiệu lực từ 01.01.2014) yêu cầu tất cả các tàu đi vào vùng biển mà chính quyền Hải Nam gọi là “khu vực hành chính mới”, bao trùm 2/3 diện tích Biển Đông, phải xin phép Trung Quốc. Theo đó, những tàu thuyền vi phạm quy định đánh bắt cá vừa có hiệu lực của chính quyền tỉnh Hải Nam sẽ bị buộc phải rời khỏi khu vực này, bị tịch thu dụng cụ đánh bắt cá và bị phạt một khoản tiền lên đến 82.000 USD.

Ngay lập tức, nhiều quốc gia đã phản ứng với hành động trên của Trung Quốc. Trong phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ hôm 5.2.2014, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel không ngần ngại chỉ trích sự tồn tại bất hợp lý của cái gọi là “đường lưỡi bò”. Ông Russel vạch rõ rằng Trung Quốc đã phong tỏa bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines tại Biển Đông; cố tình tổ chức đấu thầu những dự án thăm dò khí đốt nằm cách xa bờ biển của mình và áp đặt các quy định đánh bắt cá tại các vùng biển vẫn chưa rõ chủ quyền. Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert (ngày 13/02) cũng khẳng định “đường 9 đoạn” của Trung Quốc tuyên bố ở Biển Đông không dựa trên bất kỳ điều luật hay điều ước quốc tế nào. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera cũng lên án lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc trên Biển Đông và cho rằng “không chỉ Nhật Bản mà cả cộng đồng quốc tế đều có chung mối quan ngại đối với các hành động đơn phương của Trung Quốc đang đe dọa trật tự hiện tại của quốc tế”. Bộ trưởng quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin tuyên bố: “Các ngư dân Philippines không cần quan tâm tới một quy định của Trung Quốc yêu cầu các tàu cá nước ngoài phải xin phép khi vào hầu hết Biển Đông”. Việt Nam và nhiều nước khác cũng đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ các quy định vô lý, ngang ngược trên của Trung Quốc.

BDN (Tổng hợp từ các báo quốc nội)

RELATED ARTICLES

Tin mới