BienDong.Net: Thời gian gần đây người ta tưởng rằng Trung Quốc đã tỏ ra “mềm mỏng” hơn trên vấn đề Biển Đông, nhưng sự thực không phải vậy. Trung Quốc đang ngày càng leo thang và họ không còn chỉ đe dọa, xâm lấn vùng biển của Việt Nam và Philipinnes.
Tàu chiến của Trung Quốc đã nhiều lần xâm lấn vùng biển của Malaysia. Mục tiêu của họ là nhằm hiện thực hoá yêu sách phi lý “đường lưỡi bò”, phá vỡ nguyên trạng ở Biển Đông.Tân Hoa xã (XinHua), cơ quan truyền thông của nhà nước Trung Quốc đưa tin: ngày 25/1/2014, ba chiến hạm Trung Quốc lại một lần nữa tiến hành tuần tiễu ở khu vưc bãi cạn Tăng Mẫu (James Shoal) tuần tra. Bãi Tăng Mẫu hoàn toàn nằm trong thềm lục địa của Malaysia vì nó chỉ cách Bintulu Sarawak của Malaysia 80 km. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự hung hăng trong tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông. Đội tàu nói trên gồm Trường Bạch Sơn, tàu đổ bộ lớn nhất Trung Quốc và 2 tàu khu trục.
Vị trí này là điểm tận cùng phía Nam của “đường lưỡi bò” phi lý do Bắc Kinh đơn phương vạch ra trên Biển Đông, cách bờ biển Brunei chưa đầy 200 km, trong khi cách bờ biển phía nam Trung Quốc đến 1.800 km.
Năm 1987 và năm 1994, các tàu Hải quân của Trung Quốc đã tiến hành hoạt động trên các vùng nước gần bãi ngầm Tăng Mẫu (James Shoal). Đặc biệt, ngày 20/4/2010 tàu Hải quân Trung Quốc đã xâm nhập và đóng mốc địa giới bằng sắt trên bãi ngầm này.
Hành động hung hăng của Trung Quốc tiếp tục được thể hiện khi hồi tháng 3/2013, 4 tàu Trung Quốc tiếp tục xâm nhập vào bãi cạn Tăng Mẫu (James Shoal) tiến hành đổ bộ diễn tập quân sự. Các thủy thủ Trung Quốc đã bắn chỉ thiên khi tiếp cận bãi cạn. Một tháng sau (4/2013), một tàu hải giám của Trung Quốc đã trở lại bãi cạn Tăng Mẫu (James Shoal) để đặt các cột thép nhằm khẳng định chủ quyền.
Mặc dù Malaysia không lên tiếng công khai phản đối hành động nói trên của Trung Quốc, nhưng một số báo chí của Trung Quốc đã đưa các bài viết phê phán việc làm của Trung Quốc và kêu gọi Chính phủ “phải có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền đối với bãi ngầm Tăng Mẫu theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982”; đồng thời nhấn mạnh “đối với sự xảo quyệt của Bắc Kinh cần phải kết hợp chiến lược cả về ngoại giao và quân sự”; cho rằng Malaysia phải sử dụng sức mạnh hải quân trong trường hợp vùng biển của Malaysia bị tàu Trung Quốc xâm nhập. Việc phát triển căn cứ hải quân ở Bintulu hay thiết lập lực lượng thuỷ quân lục chiến theo mô hình của Mỹ là một nỗ lực để tăng cường tiềm lực bảo vệ vùng biển của Malaysia; thậm chí kêu gọi Chính phủ Malaysia xây dựng công trình trên bãi Tăng Mẫu (James Shoal).
Hành động mới của Trung Quốc trên bãi Tăng Mẫu (James Shoal) hôm 25/01/2014 đã làm sửng sốt các nhà quan sát và khiến nhiều quốc gia quan ngại. Các nhà phân tích cho rằng đây sẽ là mối lo lớn cho Malaysia và Brunei, vì hoạt động của đội tàu đi sâu vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) của họ; cuộc tập trận là một cảnh báo đối với cả Malaysia và Brunei rằng Trung Quốc đang bành trướng sự hiện diện của họ xa hơn về phía nam và sẵn sàng theo đuổi tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò”.
Trước những hành động ngày càng leo thang của Trung Quốc, Malaysia đang âm thầm tăng cường tiềm lực quốc phòng của mình và đẩy mạnh quan hệ với Mỹ để cân bằng với Trung Quốc.
Theo kế hoạch ngân sách năm 2014, các lực lượng vũ trang Malaysia sẽ được phân bổ 13,2 tỷ ringgit (4,2 tỷ USD) để thắt chặt an ninh biên giới. Sự phân bổ ngân sách này cho thấy Chính phủ Malaysia ưu tiên loại bỏ những mối đe dọa từ bên ngoài có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Malaysia đầu tư 760 triệu USD để mua thêm sáu chiếc tàu tuần tra xa bờ, bốn chiếc máy bay vận tải, xe tăng và thiết bị hỗ trợ cho mục đích này. Sáu chiếc tàu chiến duyên hải (LCS) mới của Malaysia sẽ bắt đầu được biên chế hoạt động vào năm 2018 và là phương tiện chiến đấu chính của Hải quân Hoàng gia Malaysia trong việc bảo vệ chủ quyền các vùng biển của nước này. Malaysia có kế hoạch mua 6 chiếc máy bay trực thăng chống ngầm, để tăng cường khả năng chiến đấu của lực lượng này.
Mỹ đang tranh thủ việc Trung Quốc “bắt nạt” các nước láng giềng ven Biển Đông, nhất là việc tàu chiến Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Malaysia để tăng cường quan hệ quân sự với nước này nhằm triển khai chính sách “tái cân bằng ở Châu Á – Thái Bình Dương”. Trong chuyến thăm Malaysia vừa qua, Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert, khẳng định Mỹ cam kết tăng cường hiện diện tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh những căng thẳng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trong khu vực đang ngày càng gia tăng; nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục duy trì hiện diện tại Châu Á – Thái Bình Dương và đóng vai trò là một nhân tố quan trọng giúp tái cân bằng cũng như duy trì ổn định trong khu vực. Điều này phản ánh rõ quyết tâm theo đuổi chiến lược “xoay trục” sang Châu Á – Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thăm Malaysia trong tháng 4 năm nay để tiếp tục tăng cường quan hệ với nước này.
Các nhà phân tích đều cho rằng việc Trung Quốc thi hành chính sách ngày càng cứng rắn ở Biển Đông, đẩy mạnh và mở rộng các hành động gây hấn với các nước láng giềng nhằm thực thi yêu sách “đường lưỡi bò” đã tạo ra mối lo ngại ngày càng lớn với các nước trong khu vực và đẩy các nước này xích lại gần Mỹ hơn. Malaysia mặc dù có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc nhưng trước mối đe doạ của Trung Quốc đối với thềm lục địa của mình, Malaysia cũng phải tìm cách tăng cường quan hệ với Mỹ để chống lại sức ép từ Trung Quốc.