Sunday, December 22, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnĐảo Bình Đàm - Nơi Bắc Kinh thể nghiệm giấc mơ thống...

Đảo Bình Đàm – Nơi Bắc Kinh thể nghiệm giấc mơ thống nhất Đài Loan

BienDong.Net: Bình Đàm (Pingtan) là một huyện đảo thuộc thành phố Phúc châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, diện tích 371 km2, dân số 390.000 người. Cách Hoa lục khoảng vài trăm mét, Bình Đàm là vùng đất thuộc Trung Quốc nằm gần Đài Loan nhất.

Trên hòn đảo nhỏ trực thuộc Hoa lục ấy, Bắc Kinh đang mơ xây dựng một phòng thí nghiệm để chuẩn bị cho công cuộc thống nhất đất nước trong khuôn khổ một sự mở cửa bất thường đối với Đài Bắc.

 

Đảo Bình Đàm (ảnh AFP)

Năm 1949, các đạo quân của Quốc dân đảng bị phe Cộng sản đánh bại đã phải chạy sang Đài Loan. Từ đó đến nay, Đài Loan vẫn tự tuyên bố là lãnh thổ độc lập với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cho dù Bắc Kinh tiếp tục đòi hỏi chủ quyền.

Theo RFI, quan hệ giữa Hoa lục với hòn đảo “nổi dậy” có 23 triệu cư dân này đã nồng ấm hơn trong những năm gần đây, nhờ các trao đổi thương mại. Cuộc tiếp xúc chính thức giữa Bắc Kinh và Đài Bắc từ sau cuộc nội chiến năm 1949 diễn ra vào ngày 11/02/2014 khi hai lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc và Đài Loan gặp gỡ nhau tại Nam Kinh.

Ở Bình Đàm, nơi các tòa cao ốc liên tục mọc lên bên bờ biển, tuy đã là lãnh thổ của nước Trung Quốc cộng sản, nhưng người Đài Loan vẫn được mời đến đây làm việc cho chính quyền địa phương. Họ có thể lái những chiếc xe mang biển số Đài Loan và mở các tài khoản ngân hàng bằng Đài tệ. Đặc biệt ở trên đảo, Phó chủ tịch huyện là một công dân Đài Loan được Bắc Kinh tuyển mộ với ước mơ biến vùng đất này trở thành « Tổ quốc chung » của người dân hai bờ eo biển.

Một thí nghiệm được Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ. Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế của Mỹ bình luận: “Nhìn chung, người Trung Quốc sản xuất tại đây một thứ có vẻ như là sự hội nhập trong tương lai (đối với Đài Loan), nhưng không có sự tham gia của Đài Bắc. Việc này có thể giúp một số doanh nghiệp Đài Loan kiếm được một ít tiền, nhưng tôi khó tưởng tượng ra nổi làm thế nào để xúc tiến các mục đích chính trị của Bắc Kinh”.

Theo bà Bonnie Glaser, việc thực nghiệm khởi đầu tại Bình Đàm nhằm thu hút người Đài Loan thậm chí có thể phản tác dụng, bởi lẽ dưới mắt người dân Đài Bắc, nó có thể bị coi là “một mối đe dọa tiềm tàng”.

Từ nhiều năm qua, Hoa lục đã tìm cách thu hút người Đài Loan – từ đầu tư cho đến kỹ năng, chủ yếu về công nghệ – với những món trợ cấp hào phóng và điều kiện dễ dàng cho doanh nghiệp.

Bình Đàm còn đi xa hơn nữa: lãnh thổ này sẽ được “cùng quy hoạch, phát triển, cùng quản lý với lợi ích cho cả đôi bên” – theo như hứa hẹn của Bắc Kinh. Và Bắc Kinh đã hào phóng vung tiền để chứng tỏ thiện chí: từ năm 2009 đã cấp đến 250 tỉ nhân dân tệ (30 tỉ euro) cho dự án này.

Cần nhớ vào điểm năm 2009, hòn đảo nhỏ nằm cạnh duyên hải tỉnh Phúc Kiến chỉ mới có một ít doanh nghiệp đánh cá khiêm tốn, chưa được nối liền với đại lục bằng một cầu cảng. Ngày nay, những tờ rơi in trên giấy láng khoe khoang những tòa nhà chọc trời mới toanh, những ngôi biệt thự rợp bóng cây cũng như “viện bảo tàng tư nhân lớn nhất Châu Á” tính về diện tích.

Theo báo chí nhà nước Trung Quốc, kinh tế địa phương Bình Đàm tăng trưởng đến 16% trong quý đầu năm 2013 và đến cuối tháng 11, có 129 doanh nghiệp do Đài Loan đầu tư đã đặt trụ sở tại đây, bị thu hút bởi các ưu đãi mà Bắc Kinh hứa hẹn. Shuie Chin Te, một doanh nhân Đài Loan 50 tuổi vừa được con rể đến góp sức phấn khởi nói: “Chúng tôi rất vui nhìn thấy các thuận lợi này ngày càng được cụ thể hóa”.

Thành công bề mặt này thực ra là kết quả của nỗ lực đơn phương: Hội đồng phụ trách quan hệ với Hoa lục của Đài Loan năm 2012 đã thẳng thừng giữ một khoảng cách với Bắc Kinh khi họ bác bỏ ý kiến coi đây là một “dự án chung”.

Động thái trước nay chưa từng có của Bắc Kinh là việc mở cửa về mặt chính trị, tuyển dụng những người Đài Loan vào chức vụ cấp phó trong chính quyền địa phương. Đối với Chun Yi Lee, giáo sư trường đại học Nottingham, đây là một “tiến triển mang tính biểu tượng” và là phương tiện để thu nạp kinh nghiệm công dân ở bên kia eo biển.

Một nguồn tin chính thức cho AFP biết Liang Qinlong, một người Đài Loan tuổi ngũ tuần là chuyên gia tài chính đã được bổ nhiệm làm phó giám đốc ủy ban quản lý đảo Bình Đàm. Ông Liang từ chối mọi cuộc phỏng vấn của báo chí, với lý do chủ đề này nhạy cảm đối với Đài Bắc.

Tuy nhiên song song với việc bùng nổ cơ sở hạ tầng trên đảo, được nhà nước đổ tiền vào đầu tư ồ ạt, các hoạt động kinh tế có vẻ không theo kịp tiến độ. Một cảng mới đã được xây dựng để đón tiếp các chiếc phà từ Đài Loan, nhưng không có dịch vụ thường nhật nào. Ngồi trong sân nhà hàng không có một bóng khách, ông chủ tên Chang đến lập nghiệp từ ba năm qua than thở: “Cơ hội dường như vô hạn, nhưng các phương tiện để thực hiện lại quá chậm”.

Và việc người Đài Loan tràn đến cũng như những người dân Hoa lục bị những hứa hẹn bùng nổ kinh tế cám dỗ không phải lúc nào cũng đem lại lợi ích cho người dân bản địa Bình Đàm. Nhiều người phàn nàn trước việc các công trường xây dựng tuyển dụng công nhân từ nơi khác đến, và vật giá thì tăng vọt.

Ông Chen, một ngư dân kể với AFP là những căn nhà của người dân địa phương nằm dọc bờ biển đã bị các nhà đầu cơ địa ốc phá bỏ. Ông nói: “Chẳng có lợi lộc gì cho chúng tôi”. Một doanh nhân trẻ sinh ra trên đảo là Lin Ping 28 tuổi tỏ ra lạc quan hơn, nhấn mạnh đến các cơ hội mới xuất hiện nhờ việc xây dựng cầu đường, rút ngắn thời gian đến Hoa lục. Nhưng anh không ngần ngại bày tỏ sự nghi ngờ đối với mục đích chính trị của chiến dịch: “Liệu điều này có đóng góp vào việc thống nhất? Thật khó mà nói như thế lúc này”.

BDN (theo RFI)

RELATED ARTICLES

Tin mới