Wednesday, January 15, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnViệt Nam: Đưa nội dung giáo dục chủ quyền biển đảo vào...

Việt Nam: Đưa nội dung giáo dục chủ quyền biển đảo vào sách giáo khoa các cấp

BienDong.Net: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao Bộ GD&ĐT và các cơ quan nghiên cứu đưa vấn đề Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa các cấp.

Theo báo chí quốc nội, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Thủ tướng sau buổi làm việc với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam mới đây, trong đó ông giao cho Hội huy động giới sử học cả nước tham gia biên soạn bộ Quốc sử “Lịch sử Việt Nam” – là bộ sử chính thống của dân tộc trong đó tổng hợp những kết quả nghiên cứu mới nhất của lịch sử Việt Nam.

alt 

Trường Sa – tiếng gọi thiêng liêng trong lòng người Việt: Đoàn đại biểu các tôn giáo trong cả nước và người Việt ở hải ngoại ra thăm Trường Sa (ảnh BienDong.Net)

Thủ tướng đề nghị sớm thành lập Trung tâm tư liệu Biển Đông trực thuộc Cục Văn thư lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ). Đồng thời, Thủ tướng cũng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đưa vấn đề Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa các cấp học với nội dung, mức độ, phạm vi và hình thức phù hợp khi triển khai xây dựng Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Phát biểu với báo QĐND Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Cơ – nguyên Phó chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng để thế hệ trẻ hiểu được chủ quyền biển, đảo của nước ta, không có cách nào tốt hơn là đưa chương trình biển, đảo vào giáo dục ở các cấp học.

Ông cho biết: Thời gian gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều chương trình, đề án phục vụ cho nhiệm vụ này. Cụ thể nhất là kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa qua, vấn đề biển, đảo đã được đưa vào nội dung thi. Cùng với đó là việc triển khai đề án “Tăng cường công tác giáo dục về tài nguyên và môi trường biển, hải đảo vào chương trình giáo dục các cấp học và các trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2010 – 2015”; Tổ chức chương trình tập huấn về nội dung biển, đảo Việt Nam đối với các giáo viên dạy môn Địa lý ở bậc trung học phổ thông (THPT) trên khắp cả nước…

Như vậy, rõ ràng ngành giáo dục đã bắt đầu có chuyển biến tích cực nhằm giúp các em học sinh, sinh viên nâng cao ý thức về biển, đảo quê hương, TS Cơ nhận định.

Theo ghi nhận của giới truyền thông, thực tế, trước đó, một số địa phương đã bắt đầu triển khai việc này rồi. Đặc biệt là tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng được tài liệu cũng như tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục về Hoàng Sa, Trường Sa cho các trường THPT trên địa bàn.

alt 

Nữ du học sinh tại Anh (bìa phải) giao lưu với các em nhỏ sinh sống trên đảo Song Tử Tây (Ảnh BienDong.Net)

Trước tình hình căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, tuổi trẻ Việt Nam cũng biểu thị sự quan tâm đến vấn đề chủ quyền dân tộc. Trong cuộc gặp mới đây với phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhiều sinh viên đã bày tỏ băn khoăn rằng, bên cạnh việc học tập chuyên môn thì để góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo nên bắt đầu từ đâu. Phó Thủ tưởng Vũ Đức Đam chia sẻ: Trước hết phải học thật giỏi, không những có kiến thức, kỹ năng sống, ngoại ngữ mà còn quan tâm tới vận mệnh dân tộc, tới chủ quyền thiêng liêng của đất nước.

Đáng chú ý, không ít sinh viên đã chọn vấn đề chủ quyền biển đảo làm đề tài nghiên cứu của mình, tiêu biểu là đề tài “Vấn đề giáo dục về chủ quyền biển đảo cho thế hệ trẻ hiện nay” của Cao Huy Hiệp và Nguyễn Bá Phúc – Khoa Khoa học Chính trị, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội – đoạt giải đặc biệt của Chương trình Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông do Học viện Ngoại giao tổ chức.

Cao Huy Hiệp, Nguyễn Bá Phúc cho biết họ chọn đề tài “Vấn đề giáo dục về chủ quyền biển đảo cho thế hệ trẻ hiện nay” vì tình yêu với biển đảo quê hương. Thế hệ trẻ là những chủ nhân tương lai của đất nước, hơn ai hết họ phải biết, phải hiểu về lịch sử của dân tộc nói chung và lịch sử khẳng định chủ quyền biển đảo nói riêng để từ đó khơi dậy, củng cố tình yêu Tổ quốc, nâng cao ý thức học tập, phục vụ sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc…

alt 

Khu trưng bày giáo dục về chủ quyền biển đảo tại công viên trung tâm thành phố Cà Mau (ảnh BienDong.Net)

Theo thống kê sơ bộ, trong những năm qua, để phục vụ tuyên truyền và giáo dục về vấn đề chủ quyền biển đảo đã có nhiều công trình nghiên cứu và biên soạn được công bố. Đáng chú ý trong các công trình này có:

– Cuốn Biển và hải đảo Việt Nam xuất bản tại Hà Nội, năm 2007 do Ban Tuyên giáo Trung ương và Quân chủng Hải quân, Trung tâm thông tin công tác tư tưởng phối hợp với Cục chính trị Quân chủng Hải quân biên soạn.

Tài liệu tập huấn giáo viên cốt cán giáo dục quốc phòng – an ninh do Vụ giáo dục quốc phòng và chương trình phát triển Giáo dục phổ thông ban hành.

Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông của TS Trần Công Trục (2011) trong đó nhấn mạnh về vị trí vai trò của Biển Đông trong lịch sử dân tộc, những định nghĩa mang tính chuyên ngành về nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia.

Người Việt với biển của tác giả Nguyễn Văn Kim (2011) tập trung khai thác và lý giải mối quan hệ giữa đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam với thế giới bên ngoài qua con đường biển. Tác giả nhấn mạnh: chủ quyền và an ninh biển là chủ đề được quan tâm xuyên suốt theo dòng chảy của lịch sử đất nước… việc bảo vệ chủ quyền giữ gìn an ninh phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ mang tính chiến lược lâu dài.

– Cuốn Những điều cần biết về Đất – Biển – Trời Việt Nam của tác giả Lưu Văn Lợi (2010) khẳng định rằng trên chặng đường bốn mươi thế kỉ, dân tộc ta đã kiên trì và từng bước mở rộng ra Biển Đông, từ ven bờ tiến ra biển gần, rồi biển xa, từ đất liền tiến vào các đảo ven bờ rồi các đảo xa hơn.

– Tài liệu Chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam về kết hợp phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo (1986 – 2007), tác giả Vũ Quang Hiển nhấn mạnh đến những giá trị chiến lược của biển đảo Việt Nam, các chủ trương lớn của Việt Nam về việc tổ chức công tác bảo vệ chủ quyền, và giữ vững an ninh các tuyến biên giới, vùng trời, vùng biển và hải đảo.

– Cuốn Tài liệu hướng dẫn dạy học nội dung giáo dục tài nguyên và môi trường biển, đảo cho học sinh Trung học phổ thông của Bộ giáo dục và Đào tạo nhằm bổ sung thêm thông tin và giáo dục cho học sinh những hiểu biết về tiềm năng, sự cần thiết phải khai thác hợp lí tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường biển, đảo; bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Tài liệu cũng đưa ra những cách thức tổ chức hoạt động ngoại khóa để giáo dục cho học sinh ý thức về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong nhà trường phổ thông.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới