BienDong.net: Hành động ngang ngược của Trung Quốc đặt giàn khoan HD – 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam đồng thời huy động đến 80 tàu, gồm cả tàu chiến và máy bay hung hăng tấn công các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư của Việt Nam tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam đang bị quốc tế lên án mạnh mẽ.
Ngày 7/5/2014, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nhấn mạnh quan điểm của Washington coi việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu tới vùng biển của Việt Nam là cách hành xử “gây hấn, không giúp ích gì cho an ninh khu vực”; Mỹ “cực kỳ quan ngại về các diễn biến nguy hiểm và hăm dọa của tàu bè tại các vùng biển có tranh chấp”.Bà Psaki khẳng định việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu tới vùng biển của Việt Nam là cách hành xử “gây hấn và không giúp ích gì cho an ninh khu vực”. Ảnh: Reuters
Cùng ngày, Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain tuyên bố: “Các tàu của Trung Quốc bao vây và đâm tàu của Cảnh sát biển Việt Nam là cách hành xử gây rối và hung hăng trên biển. Trung Quốc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành động đơn phương hòng thay đổi nguyên trạng này”. Ông McCain khẳng định “Các hành động của Trung Quốc dựa trên những yêu sách lãnh thổ không có cơ sở theo luật pháp quốc tế. Thực tế, các hành động của Trung Quốc diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã được xác định rõ ràng theo luật pháp quốc tế. Tất cả những quốc gia có trách nhiệm đều lên tiếng yêu cầu các nhà lãnh đạo Trung Quốc lập tức dừng leo thang căng thẳng và trả lại nguyên trạng cho khu vực”.
“Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD – 981 ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982”, học giả Andrew Billo, chuyên nghiên cứu về Đông Nam Á thuộc Hiệp hội Châu Á (Asia Society) có trụ sở tại thành phố New York (Mỹ), hiện đang giảng bài tại Đại học Lý Quang Diệu, Singapore, cho biết.
Tàu số hiệu 37102 của Trung Quốc đâm vào mạn 1 tàu của Việt Nam
Trong cuộc họp báo sáng 8/5/2014 tại thủ đô Tokyo, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tránh những hành động đơn phương có thể làm leo thang căng thẳng, kiềm chế và tuân theo luật pháp quốc tế”; Nhật thực sự lo lắng trước những thông tin về việc nhiều tàu thuyền của Việt Nam đã bị hư hại và một số người bị thương; Nhật nhìn nhận, vụ việc này là một trong các hành động đơn phương và khiêu khích của Trung Quốc và Trung Quốc cần phải giải thích cho Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế về lý do và căn cứ để Bắc Kinh hành động như vậy. Ngày 7/5/2014, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cũng cho rằng: “Hành động này của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Điều này khiến Tokyo không thể không quan ngại. Các bên cần tránh những hành động đơn phương”. Trước đó, ngày 6/5, phát biểu tại trụ sở Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels, Bỉ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng lên tiếng chỉ trích những hành động mở rộng quân sự và khiêu khích của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông và Hoa Đông, gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế.
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam
Chiều 8/5/2014, mạng tin của Nhóm phân tích Nam Á (SAAG) đăng bài viết của học giả Ấn Độ, tiến sỹ Subhash Kapila, cho rằng Trung Quốc lại gây sức ép quân sự và áp dụng chính sách “bên miệng hố chiến tranh” chống Việt Nam, một lần nữa đe dọa đến an ninh và ổn định hàng hải tại Biển Đông. Theo tiến sỹ Kapila, trong những động thái được coi như một chiến lược có tính toán, hành động khiêu khích mới của Trung Quốc tại các vùng tranh chấp ở Biển Đông nhằm chống Việt Nam trong những ngày qua, ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Châu Á – Thái Bình Dương, theo đó tái khẳng định các cam kết an ninh của Mỹ đối với Nhật Bản và Philippines, cho thấy Trung Quốc có thể tiến hành thêm hành động khiêu khích và đe dọa quân sự.
Giáo sư Carl Thayer, học viện Quốc phòng Úc
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về quốc phòng của Úc, cho biết Trung Quốc thật ra đã suy nghĩ, tính toán rất kỹ càng, trước khi đưa dàn khoan dầu vào vùng biển đang tranh chấp với Việt Nam. Trung Quốc đang trực tiếp thách thức chủ quyền của Việt Nam trong vùng Biển Đông, cũng như thách thức thẩm quyền của Việt Nam đối với các nguồn tài nguyên trong khu đặc quyền kinh tế của mình. Hành động đơn phương của Trung Quốc là một mối đe dọa nghiêm trọng, không chỉ cho Việt Nam mà cả các quốc gia ven biển khác như Philippines, Malaysia và Indonesia. Quyết định đưa giàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam phản ánh thay đổi lớn trong chiến thuật của Trung Quốc và dường như đó là phản ứng của Bắc Kinh với chuyến công du 4 nước Châu Á vừa qua của Tổng thống Mỹ Barack Obama, người thăm Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia.
Ông Ian Storey, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á ở Singapore cho rằng hành động đưa giàn khoan của Trung Quốc vào vùng biển Việt Nam và cuộc đối đầu giữa tàu thuyền hai nước ở Biển Đông là tình huống chưa từng có tiền lệ. Về phía chính phủ, hôm 7/5/2014, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore cũng bày tỏ quan ngại về những diễn biến mới tại Biển Đông, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh làm leo thang căng thẳng tại vùng biển này, tuân thủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Singapore sẽ tiếp tục kêu gọi Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc cùng làm việc để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).
Tổng Bí thư Đảng Lao động Mexico Alberto Anaya Gutiérrez
Về việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD – 981 xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, ông Alberto Anaya Gutiérrez, Tổng Bí thư Đảng Lao động Mexico, Hạ nghị sỹ Liên bang, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị Mexico – Việt Nam khẳng định: “Sự việc đang xảy ra ở vùng biển quốc tế của Việt Nam là điều đáng tiếc…”, “Chân lý lịch sử đứng về phía Việt Nam, luật pháp quốc tế ủng hộ Việt Nam và vấn đề này cần phải thảo luận tại các tổ chức quốc tế trên bình diện đa phương”.
Trong bài viết mới nhất đăng trên trang, GS Kinh tế Anosova, Viện Kinh tế Viện Hàn lâm khoa học Nga, cũng nêu rõ hành động của Trung Quốc đã “vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông”. Bài báo còn trích dẫn ý kiến của nhiều chuyên gia quốc tế có chung quan điểm về sự xâm phạm của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Đồng thời nhắc đến Dự thảo Quy tắc ứng xử Biển Đông năm 2013 tại Brunei mà Trung Quốc đã nhất trí cùng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, nhưng Trung Quốc đã không giữ lời.
Tại Đức, một loạt các báo lớn như Die Welt (Thế giới), Die Zeit (Thời đại), Die Spiegel (Tấm gương), DW (Làn sóng Đức)… cũng đăng nhiều tin, ảnh nổi bật phản ánh rõ thái độ hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Với dòng tít “Trung Quốc dùng tàu chiến đâm vào tàu Việt Nam”, báo Die Welt viết rằng các tàu chiến Trung Quốc đã đâm vào tàu Việt Nam khi bị các tàu này ngăn cản hành động hạ đặt giàn khoan ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông.
BDN (Tổng hợp)