BienDong.Net: Hành động Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào Biển Đông không phải do CNOOC tự quyết định. Điều này phải nhận được sự chấp thuận từ cấp cao Trung Quốc. Đó là nhận định của Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an khi trao đổi với báo quốc nội ĐĐK.
Vì thế, ông Cương nói: “Phải là một tuyên bố của Nhà nước Việt Nam trong đó nói rõ: Nhà nước và nhân dân Việt Nam phản đối hành động của Trung Quốc. Yêu cầu Trung Quốc phải dừng ngay, rồi công khai với báo chí. Làm cho 8 tỷ người trên hành tinh này, trong đó có 1,3 tỷ dân Trung Quốc biết”.
Đảo Song Tử Tây (Việt Nam)
Ảnh: Hoàng Long
Chỉ có họ mới làm thế
Theo phân tích của ông Cương: CNOOC là đơn vị kinh tế quốc doanh 100% vốn Nhà nước. Cho nên, việc Tổng Công ty này kéo giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam phải có chỉ đạo của cơ quan Nhà nước Trung Quốc.
Chúng ta phải tỉnh táo Tôi nghĩ Việt Nam phải tỉnh táo. Trung Quốc vẫn luôn có tư tưởng Đại Hán. Chính vì thế, chúng ta không thể mơ mơ màng màng. Việt Nam phải nhận thức rõ được điều này. |
“Việc đưa giàn khoan HD 981 tác nghiệp trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là để thực hiện chiến lược hiện thực hóa đòi hỏi chủ quyền phi lý của họ đối với vùng đường lưỡi bò phi lý 9 đoạn đứt khúc. Mọi việc làm đều có sự ngó trước ngó sau và đều có sự chuẩn bị hết chứ không phải đột nhiên” – ông Cương nói.
Cũng theo ông Cương, Trung Quốc không chỉ đặt giàn khoan HD 981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 2 – 5, mà còn huy động cả máy bay và tàu chiến, đặc biệt sử dụng loại tàu Hải cảnh, Hải giám để xua đuổi và đâm thẳng vào tàu của Việt Nam, làm trọng thương tàu Việt Nam, rồi dùng còi ủ, vòi rồng phu nước làm vỡ của kính tàu Việt Nam. Đây là hành động hung hăng. Trung Quốc đã thể hiện lòng tham “vô hạn độ” và sử dụng mọi thủ đoạn có thể nói là hung hăng, hiếu chiến nhất.
Thiếu tướng Lê Văn Cương
Ý đồ bành trướng thế giới
Chỉ rõ ý đồ, dã tâm của Trung Quốc, ông Cương cho biết, tất cả các hành động này nằm trong một chiến lược dài hạn, bành trướng của Trung Quốc ra thế giới. Ông Cương nói: “Người Trung Quốc đưa ra mục tiêu năm 2049 Trung Quốc làm bá chủ thế giới. Từ đó làm bá chủ phía Tây Thái Bình Dương, tiến tới chia đôi Thái Bình Dương và tiến tới đảo Guam của Mỹ”.
Theo ông Cương, hành động này nằm trong một chiến lược dài. Bước một là hợp thức hóa đường 9 đoạn lưỡi bò phi lý, lâu dài là bành trướng ra để đẩy Mỹ ra khỏi vị trí siêu cường nhằm thống trị thế giới.
Trung Quốc rút nhưng không có nghĩa là sẽ bỏ
Thế giới ủng hộ chúng ta Sức mạnh của 90 triệu dân không phải là nhỏ. Nhưng ngoài sức mạnh của 90 triệu người, thì chúng ta còn có cái mà Trung Quốc không có. Thứ nhất chính là pháp lý. Điều thứ hai mà Trung Quốc không có là thế giới cô lập họ và thế giới ủng hộ chúng ta. Năm 1970 kinh tế Việt Nam bằng 1% kinh tế Mỹ, tiềm lực quân sự bằng 3% Mỹ thế mà vẫn thắng Mỹ. |
Nói về việc Việt Nam cần chiến lược gì trong thời gian tới, nếu Trung Quốc để giàn khoan HD 981 đến tháng 8 – 2014 như họ từng tuyên bố, ông Cương nhận định: Trung Quốc không bao giờ để giàn khoan lại lâu như vậy. Trước sau gì trước tháng 8 họ cũng nhổ đi. Sau đó họ tuyên bố giàn khoan HD 981 đã hoàn thành nhiệm vụ và chuyển đi chỗ khác. “Trung Quốc không dại gì để giàn khoan ở đấy mãi để cho thế giới lên án, phê phán” – ông Cương nói. Tuy nhiên ông Cương cho rằng: Trung Quốc rút không có nghĩa là họ bỏ, thậm chí họ còn mời các nước khác vào hợp tác đầu tư khai thác tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Song song với việc này là đưa hàng trăm tàu cá vào quần thảo vùng biển này của Việt Nam.
Trung Quốc gây hấn lần này là một vấn đề nghiêm trọng. Từ năm 2010 đến bây giờ Trung Quốc năm nào cũng gây hấn với Việt Nam. Lần nào Việt Nam cũng phản đối. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Cương, việc đưa giàn khoan HD 981 lần này không nghiêm trọng bằng hành động năm 2013. Giải thích cho quan điểm này, ông Cương phân tích: “Ngày 21 – 6 – 2013 Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa bao trùm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đây chính là một hành động xâm lược về mặt pháp lý, ngang nhiên đưa ra một đạo luật cắt vùng đất của người khác vào của mình. Do vậy, xét trên mọi phương diện việc thành lập thành phố Tam Sa bao trùm lên cả quần đảo Hoàng Sa, và Trường Sa của chúng ta còn nghiêm trọng hơn nhiều”.
Vụ xâm lược bằng vũ khí nóng diễn ra vào tháng 2 – 1979 cũng không nguy hiểm bằng xâm lược bằng pháp lý. Bởi cuối cùng xâm lược bằng vũ khí nóng, bao giờ kẻ xâm lược cũng rút đi. Nhưng cuộc xâm lược bằng pháp lý không biết bao giờ Trung Quốc dừng lại. Quyết định thành lập thành phố Tam Sa là cực kỳ nguy hiểm.
Bài học thuận lòng dân
Bình luận về phản ứng của Việt Nam lần này, theo ông Cương từ thái độ với Trung Quốc có thể thấy thái độ của chúng ta là cương quyết rõ ràng mạch lạc. Đó là bước đi quan trọng của ta và được sự ủng hộ của 90 triệu người. Đây là bài học phải thuận theo lòng dân. – ông Cương nói.
4 phương thức giải quyết tranh chấp Trong giải quyết tranh chấp trong hành tinh này có 4 loại phương thức giải quyết. Đó là thương lượng song phương thông qua đàm phán, trao đổi; sự can thiệp của trọng tài; đưa ra Tòa án quốc tế; cuối cùng không được mới sử dụng các biện pháp cần thiết khác. Hiện chúng ta đang dừng ở phương thức thứ nhất là dựa trên luật pháp quốc tế bằng biện pháp hòa bình trong trao đổi song phương. Riêng phương thức này chúng ta còn nhiều điểm chưa khai thác hết. |
Tuy nhiên ông Cương cũng cho rằng: “Cần có một tuyên bố của Nhà nước Việt Nam nói rõ, Nhà nước và nhân dân Việt Nam phản đối hành động của Trung Quốc. Hành động của Trung Quốc vi phạm Hiến chương của Liên Hợp quốc mà Trung Quốc là thường trực Hội đồng Bảo an, vi phạm Công ước Luật Biển 1982. Hành động của Trung Quốc đi ngược lại những điều mà lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết năm 2011 khi hai bên cam kết cùng nhau ổn định. Tháng 10 năm 2013 Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sang Việt Nam cũng tuyên bố như vậy. Tại ASEAN +1, năm 2013 cả ban lãnh đạo Trung Quốc đều công bố với các nước trong ASEAN là tiến tới COC, trong quá trình ấy không làm phức tạp thêm tình hình”. Ông Cương nhấn mạnh: “Phải tuyên bố Nhà nước Việt Nam yêu cầu Trung Quốc phải dừng ngay, rồi công khai với báo chí. Làm cho 8 tỷ người trên hành tinh này, trong đó có 1,3 tỷ dân Trung Quốc biết”.
BDN