Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTàu chấp pháp Việt Nam tiếp tục áp sát xung quanh khu...

Tàu chấp pháp Việt Nam tiếp tục áp sát xung quanh khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép

BienDong.Net: Tại khu vực đặt giàn khoan Hải Dương 981, trong hai ngày cuối tuần, Trung Quốc đã điều thêm hai tàu quân sự là tàu tên lửa tấn công nhanh mang số hiệu 755 và tàu tuần tiễu tấn công nhanh 789 để cản phá và đe dọa lực lượng chấp pháp Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, nếu như ngày 17/5 quanh khu vực giàn khoan có 119 tàu Trung Quốc thì hôm 18/5 là 134 chiếc, tức là tăng thêm 15 chiếc tàu cá vỏ gỗ.

“Theo quan sát của lực lượng kiểm ngư, tàu quân sự và tàu hải cảnh của Trung Quốc không thay đổi. Số lượt máy bay đã giảm và bay ở tầm cao hơn”, ông Trung nói.

Tàu Trung Quốc ngang ngược tấn công tàu Việt Nam bằng vòi rồng gần quần đảo Hoàng Sa

Các tàu Trung Quốc lập thành ba vành đai bảo vệ giàn khoan: Ngoài cùng là các tàu quân sự và trong những ngày qua, các tàu này đã dỡ bạt che vũ khí để đe dọa các tàu Việt Nam, vòng giữa là các tàu kiểm ngư, hải cảnh, hải giám và cả tàu đánh cá vỏ sắt, trong cùng là các tàu kỹ thuật phục vụ hoạt động của giàn khoan.

Theo đại diện Cục Kiểm ngư, các tàu chấp pháp Việt Nam vẫn bám sát, hỗ trợ các tàu cá của ngư dân, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên ngư trường truyền thống quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981.

Các tàu vỏ sắt của Trung Quốc vẫn chủ động đâm va vào tàu cá của ngư dân Việt Nam khi đang di chuyển vào gần giàn khoan Hải Dương 981 để khai thác thủy sản. “Tàu Trung Quốc áp sát, vây ép và phun nước vào các tàu chấp pháp của Việt Nam”, lãnh đạo Cục Kiểm Ngư nói.

Không những vậy, khi lực lượng kiểm ngư Việt Nam đang làm nhiệm vụ cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 7 hải lý thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm va làm một tàu móp mạn. “Rất may va chạm này không ảnh hưởng đến khả năng cơ động của tàu và tàu vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ”, vị đại diện này cho biết thêm.

Trước đó, ngày 16/5, ở khu vực đảo Phú Lâm, phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 100 hải lý, tàu ngư chính 306 của Trung Quốc đã khống chế tàu cá QNg – 90205 – TS của Quảng Ngãi và đánh đập thuyền viên, phá hoại tàu sản trên tàu cá khi con tàu này đang khai thác thủy sản. Vụ việc này khiến hai thuyền viên bị thương nặng. Hiện tàu cá của Việt Nam bị Trung Quốc giữ ở đảo Phú Lâm.

Trong khi Trung Quốc có hành vi ngang ngược trên vùng biển Việt Nam, thì các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam vẫn kiên cường trụ vững nơi đầu sóng, cương quyết mềm dẻo khôn khéo xử lý các tình huống trên biển, nhất là hành động mang tính khiêu khích từ phía Trung Quốc.

Phó Cục Trưởng Nguyễn Văn Trung nêu rõ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chỉ đạo yêu cầu các địa phương động viên ngư dân và các đơn vị tăng cường hoạt động của tàu cá ra khơi sản xuất. Theo đó, Bộ yêu cầu lực lượng kiểm ngư có kế hoạch hỗ trợ đảm bảo an toàn cho ngư dân hoạt động trên biển không những ở khu vực giàn khoan mà kể cả những khu vực biển khác thuộc chủ quyền của đất nước.

Chủ tịch Trương Tấn Sang: đấu tranh bảo vệ chủ quyền là bình đẳng giữa các quốc gia

Lãnh đạo Việt Nam tiếp tục khẳng định lập trường kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước. Theo báo chí trong nước, trong buổi gặp gỡ với cử tri TP HCM, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định rằng đấu tranh bảo vệ chủ quyền là bình đẳng giữa các quốc gia, không có chuyện sợ hay không sợ.

Chủ tịch kêu gọi người dân cần phải kiềm chế, kiên trì đấu tranh bằng tất cả những biện pháp hòa bình và tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế.

Về các hành động quá khích trong các cuộc biểu tình vừa qua tại một số nơi trong nước, Chủ tịch nước cho biết đây là những hành vi hoàn toàn sai trái, tự hại mình, đáng lên án.

“Chúng ta mời các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và cam kết bảo vệ họ, mà giờ đi đập phá công ty của họ. Những hành vi này sẽ bị xử lý thích đáng”, Chủ tịch nói và cho biết vụ việc đã xảy ra, nhiệm vụ bây giờ là phải nhanh chóng khôi phục tình hình sản xuất trở lại bình thường, đồng thời làm công tác tư tưởng với các nhà đầu tư để họ yên tâm làm ăn lâu dài.

Chủ tịch nước kêu gọi người dân càng khó khăn càng cần phải đoàn kết, đồng thời ra sức phát triển kinh tế, xây dựng đất nước giàu mạnh “Một đất nước nghèo, kém phát triển thì không thể có tiềm lực mạnh để giữ vững chủ quyền đất nước”, Chủ tịch nói.

Xuất hiện tại lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sáng 17/5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhận được nhiều câu hỏi của các nhà khoa học liên quan đến vấn đề Biển Đông. Một nhà nghiên cứu băn khoăn, giới trí thức có thể làm gì khi vấn đề Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đang ngày một nóng bỏng?

 

Ông Vũ Đức Đam: ‘Chúng ta có trách nhiệm bảo vệ hòa bình khu vực’

Báo điện tử VnExpress dẫn lời Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói, các chiến sĩ của Việt Nam đang ngày đêm canh giữ đất, trời, biển của Tổ quốc. Riêng ở khu vực giàn khoan Trung Quốc hạ đặt trái phép, Việt Nam chỉ có lực lượng thực thi pháp luật gồm Cảnh sát biển và Kiểm ngư, nhưng phía Trung Quốc lại có tàu vũ trang và máy bay quân sự. Dù vậy, Việt Nam vẫn kiên trì giải pháp hoà bình.

Theo Phó thủ tướng, mọi người dân đều có nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ trước đến nay, Việt Nam luôn tuân thủ luật pháp quốc tế, kiên trì với giải pháp hoà bình.

Trước câu hỏi, “Việt Nam có ý định xây dựng mối quan hệ đồng minh với nước nào không?”, Phó thủ tướng cho biết, chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác với rất nhiều nước ở nhiều cấp độ khác nhau trong đó có hợp tác chiến lược, hợp tác toàn diện với một vài nước…

Tại diễn đàn Shangri – La năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có quan điểm công khai, chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Chúng ta không cho bất kỳ nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam, chúng ta không liên minh với bất kỳ nước nào để chống lại nước thứ ba. Đấy là điều nhất quán.

Một số nhà khoa học gợi ý Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phân tích, việc đưa nhau ra tòa giống như bát nước đổ đi, lấy lại sẽ rất khó. Vì vậy, Việt Nam sẽ kiên định con đường ngoại giao để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. “Chúng ta phải hết sức tỉnh táo, trí tuệ, có lòng tin bằng biện pháp hòa bình, trao đổi với nhau vừa bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, vừa đảm bảo phát triển kinh tế. Khoảng một nửa hàng hóa của thế giới liên quan đến Biển Đông và nếu có xung đột thì sẽ ảnh hưởng đến cả thế giới. Vì vậy, Việt Nam có nghĩa vụ bảo vệ hòa bình đó”, ông Đam nói.

Trước nỗi lo lắng về thực lực mọi mặt để đương đầu, giải quyết vấn đề với Trung Quốc, Phó thủ tướng thừa nhận tiềm lực kinh tế, khoa học kỹ thuật, quốc phòng… của Việt Nam còn rất yếu, nhưng lịch sử hàng nghìn năm của Việt Nam luôn phải đương đầu với thiên tai, ngoại xâm. Kẻ địch thường lớn hơn Việt Nam gấp nhiều lần, dân tộc Việt Nam chúng ta vẫn trường tồn, đứng vững.

“Có được điều đó là nhờ chúng ta có lòng yêu nước nồng nàn, đoàn kết, có trách nhiệm, anh dũng và vô cùng trí tuệ. Sự kiện lần này không phải duy nhất trong quá khứ và kể cả tương lai. Chúng ta đã đứng vững và hiện cũng nhất quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền. Hơn 90 triệu người dân Việt Nam kể cả những người ở nước ngoài, bạn bè quốc tế yêu hoà bình cũng ủng hộ Việt Nam”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Giải đáp băn khoăn về việc Trung Quốc đã chiếm đóng Hoàng Sa, ông Đam khẳng định: “Hoàng Sa là của Việt Nam. Việc Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa bằng vũ lực là hành động trái phép, vi phạm luật pháp quốc tế. Chúng ta sẽ đòi lại, đời chúng ta chưa đòi được thì đời con đời cháu chúng ta sẽ đòi cho bằng được”.

Một nhà khoa học trẻ đề nghị Phó thủ tướng đánh giá về “16 chữ vàng” trong mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, chính sách đối ngoại của Việt Nam luôn nhất quán đa phương hoá, đa dạng hoá xây dựng quan hệ hữu nghị với các nước trên thế giới.

Việt Nam đang xây dựng và củng cố mối quan hệ với Trung Quốc hướng tới “16 chữ và 4 tốt”. Quá trình xây dựng, củng cố sẽ khó khăn, nhưng Việt Nam luôn thực tâm, chân thành để thực hiện và hy vọng Trung Quốc cũng như vậy.

Theo Phó thủ tướng, “16 chữ vàng” nghĩa là nói đến sự quý giá như vàng. “Nhưng các bạn là nhà khoa học chắc biết hơn tôi, người dân cũng biết, vàng chưa phải là quý nhất, kim cương còn quý hơn vàng. Rồi có thứ còn quý hơn cả kim cương nữa. đó là “độc lập, tự do”. Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, Phó thủ tướng khẳng định.

Ngày 16/5, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có các cuộc điện đàm với các Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore K. Shanmugam và Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergei Lavrov thông báo những diễn biến mới về vụ giàn khoan Hải Dương – 981, đặc biệt là việc Trung Quốc đã đưa số lượng lớn tàu, trong đó có cả tàu quân sự và tàu hộ vệ tên lửa vào khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Thông báo những nỗ lực ngoại giao của Việt Nam trong việc làm giảm căng thẳng hiện nay, Bộ trưởng nhấn mạnh Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu ra khỏi khu vực vùng biển của Việt Nam.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng thông báo những nỗ lực ngoại giao của Việt Nam trong việc làm giảm căng thẳng hiện nay.

Theo RFI, hôm 18/05/2014, viện cớ các cuộc biểu tình và bạo động chống lại việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu trong vùng biển của Việt Nam, chính quyền Bắc Kinh đã thông báo đình chỉ nhiều chương trình trao đổi với Việt Nam.

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, các vụ bạo động làm hai người Trung Quốc thiệt mạng và buộc Bắc Kinh phải sơ tán hơn 3000 người ra khỏi Việt Nam, đã gây «u ám bầu không khí và những điều kiện để tiến hành các trao đổi và hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam».

Do vậy, «phía Trung Quốc đình chỉ, kể từ ngày hôm nay, tham gia các chương trình trao đổi song phương». Tuy nhiên, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc không cho biết cụ thể các chương trình nào bị đình chỉ.

Bằng giọng dọa nạt, đại diện ngoại giao Bắc Kinh cho biết «Trung Quốc sẽ theo dõi diễn biến tình hình và sẽ có những biện pháp mới».

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới