Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCNOOC: Công cụ thực hiện tham vọng chủ quyền của Trung Quốc...

CNOOC: Công cụ thực hiện tham vọng chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông

BienDong.Net: Trong một bài phân tích mới đây, mạng tin tình báo Stratfor tố cáo Bắc Kinh đang sử dụng Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) làm lá bài để vừa thực thi các tuyên bố về chủ quyền, vừa vơ vét nguồn năng lượng ở Biển Đông.

CNOOC – Tổng công ty Dầu khí Hải Dương (China National Offshore Oil Corporation) là một công ty dầu khí quốc gia lớn ở Trung Quốc, nó đứng thứ ba sau Tổng công ty dầu khí quốc gia CNPC (công ty mẹ của PetroChina) và Tập đoàn hóa dầu Trung Quốc (Sinopec) và được trao toàn bộ trách nhiệm và quyền hạn hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí và là công ty độc quyền trong khai thác dầu khí ngoài khơi.

Lính gác trước trụ sở CNOOC

Được nhà nước thành lập tháng 2/1982 với vốn trực tiếp 48 tỷ USD, Tổng giám đốc đầu tiên của CNOOC là Thứ trưởng Bộ Dầu khí. Về sau, CNOOC được giao cho Bộ Năng lượng quản lý và từ năm 1999, CNOOC cùng CNPC và Sinopec do Quốc vụ viện trực tiếp quản lý.

CNOOC hoạt động rộng khắp từ khoan dầu cho đến dịch vụ tài chính. Sản lượng dầu hàng ngày của CNOOC là 909.000 thùng năm 2011.

Theo bài phân tích về các công ty nhà nước Trung Quốc của ông Duajie Chen thuộc Đại học Calgary (Canada), không giống với các doanh nghiệp nhà nước ở phương Tây, CNOOC được thành lập để phục vụ một chính sách, chiến lược của chính phủ Trung Quốc trong ngành dầu khí, đó là “vươn ra ngoài” để kiểm soát tài nguyên toàn cầu vì mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia.

Lịch sử 30 năm của CNOOC cho thấy rằng công ty này luôn tìm cách thực hiện nhiệm vụ chính phủ giao. Một bằng chứng là việc tháng 2/2013, CNOOC hoàn tất vụ mua lại công ty Nexen của Canada với giá 15,1 tỷ USD, được coi là vụ sáp nhập một công ty nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay ở Trung Quốc.

Với Nexen trong tay, CNOOC có thêm khu vực khai thác dầu khí ngoài khơi, đó là ở Biển Bắc, Vịnh Mexico và ngoài khơi phía tây Châu Phi.

Ngoài ra, CNOOC còn sở hữu các tài sản phục vụ khai thác dầu khí ở Trung Đông và Canada. Riêng tại Canada, CNOOC đã nắm quyền kiểm soát dự án cát dầu Long Lake ở tỉnh Alberta nhiều dầu mỏ, cùng với trữ lượng tương đương hàng tỷ thùng dầu ở khu vực nhiều dầu thô thứ ba thế giới.

Sau vụ bán Nexen, chính phủ Canada đã tuyên bố đây là thương vụ cuối cùng kiểu này mà nước này chấp nhận. Có nghĩa là từ đó trở về sau, không có công ty nhà nước nào được nắm cổ phần lớn trong khai thác cát dầu do lo ngại về an ninh.

An ninh quốc gia cũng là một lý do khiến Mỹ từ chối cho CNOOC mua công ty dầu Unocal của mình. Tháng 6/2005, CNOOC đã đề nghị mua công ty dầu Unocal của Mỹ với giá 18,5 tỷ USD, hơn cả mức giá mà công ty Chevron Texaco đưa ra.

Một nhóm nghị sĩ thuộc cả đảng Dân chủ và Cộng hòa ở quốc hội Mỹ đã tổ chức phản đối đề nghị mua Unocal của CNOOC. Họ cho rằng 13 tỷ USD trong mức giá 18,5 tỷ USD mà CNOOC đề xuất là tiền mà CNOOC được vay ưu đãi từ chính phủ Trung Quốc, điều đó cho thấy đây không phải một thương vụ trên thị trường tự do. Hơn nữa, nếu bán Unocal cho CNOOC, con số 13 tỷ USD này có nghĩa là chính phủ Trung Quốc được quyền sở hữu tài sản dầu mỏ của Mỹ – điều này có thể gây ra rủi ro về mặt an ninh – kinh tế cho nước Mỹ.

Sự phản đối của giới nghị sĩ Mỹ mạnh tới mức ngày 2/8/2005, CNOOC đã buộc phải tuyên bố rút khỏi thương vụ với lý do nó gây căng thẳng chính trị ở Mỹ.

Trong cuộc săn lùng khắp toàn cầu nhằm tìm kiếm các nguồn cung cấp năng lượng thiết yếu, Trung Quốc còn vươn tới khu vực sân sau của Mỹ, với việc hai tập đoàn quốc gia của Trung Quốc, trong đó có CNOOC giành được quyền khai thác tại mỏ dầu khí trữ lượng hàng tỷ thùng ở ngoài khơi của Brazil tháng 10/2013, trong liên minh với tập đoàn nhà nước Brazil, Petrobras, và Total, Shell.

Người ta còn nhớ hồi ấy, 1.100 nhân viên an ninh đã được điều động đến khách sạn ven biển ở Rio de Janeiro nơi tiến hành vụ đấu thầu để đối phó với các cuộc biểu tình của công nhân mỏ cáo buộc chính phủ “bán rẻ” tài nguyên quốc gia.

alt

Bộ trưởng Năng lượng và Khoáng sản Brazil (thứ nhì từ trái sang), ông Edison Lobao, cùng đại diện các tập đoàn thắng thầu

Theo hợp đồng thầu, các tập đoàn nhà nước của Trung Quốc, CNOOC và CNPC mỗi bên giữ 10% cổ phần, trong khi tập đoàn dầu mỏ khổng lồ của Pháp, Total, và tập đoàn liên doanh Anh – Hà Lan, Shell, mỗi bên chiếm 20% trong hợp đồng khổng lồ này.

Với việc thắng thầu, liên minh có CNOOC tham gia đã giành quyền khai thác trữ lượng dầu ước tính khoảng 8 – 12 tỉ thùng trong thời hạn 35 năm.

Mỏ dầu Libra, nằm dưới sự quản lý của Cơ quan Năng lượng Quốc gia Brazil, là một phần của trữ lượng dầu được khám phá vào năm 2007.

Trên diện tích 1500 km2, ở độ sâu 5.000 mét ngoài khơi, dưới một lớp đá, cát và muối dày đặc, cấu trúc của mỏ dầu Libra khiến việc khai thác hết sức khó khăn. Tuy nhiên với CNOOC việc này không phải là thách thức quá lớn khi gần đây họ đã sở hữu các phương tiện, kỹ thuật hiện đại có thể thăm dò, khoan dầu ở những vị trí rất sâu ngoài khơi.

Giàn khoan Hải Dương – 981 là một công cụ hiện đại có khả năng này.

Hải Dương – 981: Lãnh thổ quốc gia di động của Trung Quốc?

Hải Dương – 981 là giàn khoan thế hệ thứ sáu, dài 114 mét, rộng 90 mét, cao 137,8 mét, nặng 31.000 tấn, kích thước sàn bằng cả một sân bóng đá. Giàn khoan có thể hoạt động ngoài khơi ở độ sâu tối đa là 3.000 mét, có thể khoan sâu tới 12.000 mét. CNOOC mất hơn 3 năm và gần 1 tỷ USD để xây dựng giàn khoan này.

Hải Dương – 981 lần đầu vận hành ở Biển Đông ngày 9/5/2012, tại vị trí cách Hong Kong 320 km về phía đông nam, ở độ sâu 1.500 mét. Với giàn khoan này, Trung Quốc đã trở thành nước đầu tiên thăm dò dầu ở vùng nước sâu Biển Đông.

 

Phát biểu nhân dịp này, Phó thủ tướng Lý Khắc Cường khi ấy đã mô tả nhiệm vụ của giàn khoan hải dương 981 là “đóng góp vào việc bảo tồn lợi ích của đất nước trong lĩnh vực tài nguyên biển, cải thiện an ninh năng lượng của đất nước”.

Về phần mình, Chủ tịch CNOOC Vương Nghi Lâm không ngần ngại gọi giàn khoan nước sâu này là tàu sân bay, là “lãnh thổ quốc gia di động” và là vũ khí chiến lược để thúc đẩy phát triển ngành dầu khí ngoài khơi của Trung Quốc trong tham vọng độc chiếm nguồn dầu mỏ Biển Đông, với mục tiêu khai thác 1 triệu thùng dầu mỗi ngày vào năm 2020, bất chấp việc xâm phạm lãnh hải của các nước khác trong khu vực.

Tuyên bố của Vương bộc lộ rõ vai trò của CNOOC với tư cách một công cụ thực thi chính sách của Nhà nước Trung Quốc ở Biển Đông.

Tờ Wall Street Journal ngày 7 – 7 – 2012 chỉ rõ: “Đôi khi các hãng dầu theo sau lá quốc kỳ, đôi khi lá quốc kỳ đi theo các hãng dầu, và đôi khi chính các hãng dầu lại trở thành lá quốc kỳ”.

Kịch bản thứ ba này đã diễn ra ở Biển Đông qua việc Tập đoàn CNOOC đưa vào vận hành giàn khoan nước sâu tại vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Theo BBC, ngay sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan xuống hoạt động tại vùng Biển Đông, trong một khu vực mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, Mỹ đã liên tiếp lên tiếng tố cáo đó là một hành động khiêu khích và nguy hiểm. Tuy vậy, cho đến nay Hoa Kỳ không hề có động thái cụ thể nào để ngăn chặn hành động đó, mặc dù một số nhà phân tích cho rằng Washington hoàn toàn có thể can thiệp giúp Việt Nam giải tỏa sức ép từ Trung Quốc.

Thái độ dè dặt của Hoa Kỳ tuy nhiên đang khiến cho nhiều nước đồng minh của Mỹ tại Châu Á sốt ruột, nhất là khi chỉ mới đây thôi, nhân chuyến công du Châu Á, Tổng thống Barack Obama đã làm dấy lên nhiều hy vọng về việc Washington sẵn sàng sát cánh cùng Châu Á trong việc hạn chế các tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh.

Thêm tàu tại Biển Đông, trừng phạt CNOOC tại Mỹ?

Theo một số nhà phân tích, dù về hình thức, Hoa Kỳ không có nghĩa vụ «giải cứu» Việt Nam, nhưng trong tư cách là một cường quốc Thái Bình Dương, niềm hy vọng của nhiều nước nhỏ trong vùng, Hoa Kỳ phải có những phản ứng cụ thể nhằm vào Trung Quốc hơn là những lời tố cáo suông.

Theo Reuters, đây chính là ý kiến của hai chuyên gia Mỹ Elizabeth Economy và Michael Levi, thuộc trung tâm nghiên cứu đối ngoại Mỹ Council on Foreign Relations. Trong một bài viết của mình, hai chuyên gia này khuyến cáo:

«Hoa Kỳ cần phải chuẩn bị để hỗ trợ Việt Nam thông qua một sự hiện diện hải quân mạnh mẽ hơn». Việc tăng cường lực lượng hải quân Mỹ trong vùng Biển Đông, theo hai chuyên gia này sẽ «cung cấp cho Washington thêm cơ hội để đánh giá thực lực của Trung Quốc và góp phần giúp cho căng thẳng xuống thang».

Bà Economy và ông Levi còn đề xuất một biện pháp khác, trực tiếp hơn: Đó là hạn chế các hoạt động tại Mỹ của Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc CNOOC, một tập đoàn Nhà nước và là sở hữu chủ của giàn khoan Hải Dương 981 đang là nguyên nhân là mất ổn định tại Biển Đông.

Hai chuyên gia này cảnh báo: «Nếu Hoa Kỳ không có khả năng hành động đi đôi với lời nói, thì các cam kết duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực từng được Mỹ đưa ra sẽ trở thành rỗng tuếch».

BDN (tổng hợp theo Tin Tức và tài liệu trên Internet)

RELATED ARTICLES

Tin mới