Wednesday, January 15, 2025
Trang chủBiển nóngThông tin Biển ĐôngTổ quốc một bên, Tình yêu một bên

Tổ quốc một bên, Tình yêu một bên

BienDong.Net: Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng nói rằng “Không có hình ảnh nào lãng mạn như hình ảnh người lính hải quân trước sóng gió nhưng cũng không có hình ảnh nào dữ dội như sự hy sinh của người lính trên biển”.

Khi bài thơ Thơ tình người lính biển ra đời cách đây hơn 30 năm, hình ảnh người lính nơi biên hải đã được khắc họa đầy súc tích và trở thành bạn đường của nhiều thế hệ. Và khi nó được cất lên thành nhạc thì bài hát Thơ tình người lính biển (nhạc Hoàng Hiệp) nhanh chóng đi vào lòng người nghe nhiều thế hệ.

 alt

Lính trẻ ở Trường Sa (ảnh BienDong.Net chụp tại đảo Nam Yết)

Theo tác giả Nguyên Minh trong bài viết trên tờ TT&VH, Thơ tình người lính biển ra đời vào năm 1981, lúc ấy chàng nhà thơ mặc áo lính Trần Đăng Khoa vừa chính thức thuộc biên chế của Bộ Tư lệnh Hải quân và có nhiều điều kiện để trực tiếp sống với lính đảo. Thời điểm ấy anh cùng nhạc sĩ Thế Dương đi dọc tuyến đảo Trường Sa, sống cùng lính đảo. Trần Đăng Khoa đã có nhiều bài thơ về biển, đặc biệt là bài Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, Lính đảo hát tình ca trên đảo khá nổi tiếng. Tuy vậy, khi gặp anh, các chiến sĩ bảo: “Anh viết thật quá. Nhưng dữ dội, vất vả và khắc nghiệt quá. Anh phải vôi ve cho chúng em một tí, để cuộc sống chúng em nó tươi tắn hơn”. Nhạc sĩ Thế Dương cũng bảo: “Có lẽ chúng mình phải làm một bản tình ca cho lính”. Thế là Trần Đăng Khoa viết ngay ca từ cho nhạc sĩ Thế Dương. Thơ tình người lính biển ra đời trong chớp nhoáng như vậy.

Bài thơ được chia làm 5 đoạn với mở đầu là hình ảnh cặp uyên ương chia tay trên bến cảng “Biển một bên và em một bên”. Câu thơ này luôn được lặp lại như một điệp khúc. Bắt đầu là cảnh chia tay được nhìn bằng con mắt của người lính biển. Anh ra khơi/Mây treo ngang trời những cánh buồm trắng/Phút chia tay, anh dạo trên bến cảng/Biển một bên và em một bên… Rồi nhà thơ khắc họa tính cách của biển và em. Biển ồn ào. Em lại dịu êm/Em vừa nói câu chi rồi mỉm cười lặng lẽ/Anh như con tàu lắng sóng từ hai phía/Biển một bên và em một bên. Cả hai đoạn thơ ấy đều là cảnh thật.

alt 

Biển Đông nhìn từ đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa (Ảnh: BienDong.Net)

Rồi khi giữa biển khơi, chỉ có biển thôi, không còn em nữa, nhưng em vẫn ở bên anh, vẫn là thế tựa để anh đứng vững giữa muôn trùng sóng gió: Ngày mai, ngày mai khi thành phố lên đèn/Tàu anh buông neo dưới chùm sao xa lắc/Thăm thẳm nước trời nhưng anh không cô độc/Biển một bên và em một bên. Và trong khoảnh khắc khốc liệt nhất, khi người lính đã hy sinh, anh vẫn không lẻ loi: Vòm trời kia có thể sẽ không em/Không biển nữa. Chỉ mình anh với cỏ/Cho dù thế thì anh vẫn nhớ/Biển một bên và em một bên.

Trần Đăng Khoa bảo “chỉ mình anh với cỏ” là lãng mạn hóa sự hy sinh của người lính biển. Thực chất không phải thế. Đấy là sự hy sinh của người lính đảo, hay người lính nói chung. Anh cũng nói, hải âu là bạn của thuyền chài chứ không phải của lính biển. Lính biển nhìn thấy hải âu là thấy đất liền rồi. Hải âu chỉ bay cách đất liền 50 – 100 km. Khi hy sinh, thấy bóng hải âu trước khi nước khép mắt là mừng lắm, vì hy vọng xương cốt mình được sóng đẩy vào đất liền. Còn ngoài khơi xa chỉ có ó biển chứ không có hải âu. Trần Đăng Khoa viết: “Không có cái chết nào dữ dội như cái chết của người lính biển. Cho dù chỉ còn một khúc xương thì khúc xương ấy vẫn phải ngày đêm vật lộn với sóng gió”.

Một bên biển, một bên em, một bên chung, một bên riêng, một bên là Tổ quốc, một bên là tình yêu, một bên là nhiệm vụ, một bên là tình yêu. Trước sóng, trước biển, trước kẻ thù, người lính đảo vô cùng anh dũng.

Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên

Bão thổi chưa ngưng trong những vành tang trắng

Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng

Biển một bên và em một bên.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhớ lại: “Đúng thế, đất nước mình chưa bao giờ bình yên cả. Ngay cả những ngày bình yên nhất, người lính biển vẫn không có sự yên bình. Bão táp. Sóng gió, rồi những trận đánh giáp lá cà, không có tiếng súng. Và hoàn toàn im lặng. Chỉ có trời biết. Biển biết. Và người hy sinh biết mà thôi”.

Có những câu thơ mà những người không ở biển sẽ không hiểu thấu được. Ngay cả nhà thơ Xuân Diệu thời điểm đó cũng đã chê Trần Đăng Khoa ở câu thơ Vòm trời kia có thể sẽ không em. Ông bảo sao lại “vòm trời kia có thể sẽ không em?. Thế hóa ra người yêu cậu là máy bay hay là chim à?”. Ở ngoài biển, ngoài nước ra, chỉ có bầu trời. Vòm trời là cả một thế giới. Đó là sự sống, là cuộc đời. Là tất cả.

Bài thơ Thơ tình người lính biển nguyên thủy là ca từ để dành cho nhạc sĩ Thế Dương phổ nhạc. Thế Dương là tác giả của bài hát hải quân rất nổi tiếng Lướt sóng ra khơi. Ông cũng là người đầu tiên phổ bài thơ này. Sau đó bài thơ được in trên tờ báo Văn nghệ vào năm 1982 trong cả một chùm thơ 4 bài và được in trên trang nhất. Ít lâu sau có thêm nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước phổ thành một ca khúc rất khỏe khoắn, tươi tắn. Nhạc sĩ giữ nguyên phần ca từ. Sau Đăng Nước là nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc và với giai điệu nhẹ nhàng, đằm thắm, bài hát nhanh chóng trở thành một “hit” vào thời điểm những năm 1983, 1984.

Tuy vậy, khi bài thơ này được phổ nhạc thì nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã thay đổi hình ảnh “vòm trời xanh” bằng “Cho dẫu nơi kia thôi không còn biển nữa” và hình ảnh “vành tang trắng” được thay bằng “Cơn bão chưa ngưng trong tâm hồn biết bao người”. Nhưng dù nhạc sĩ Hoàng Hiệp có thay đổi một số ý thơ ban đầu thì hình ảnh người lính biển vẫn giữ trọn vẹn được giá trị và đây vẫn luôn là một trong những bài hát ca ngợi người chiến sĩ hải quân có sức sống bền bỉ nhất.

Ngay từ khi ra đời, bài hát này được yêu mến ở khắp mọi nơi, từ đảo xa cho đến đất liền, sức sống của nó trong lòng công chúng được lan tỏa rất mạnh mẽ. Nhiều người vẫn nhớ đến Việt Hoàn với chất giọng dào dạt, Quang Lý lại cực kỳ đằm thắm khi thể hiện ca khúc này. Có rất nhiều thế hệ ca sĩ đã hát tiếp bài hát này, mới nhất là ca sĩ trẻ Vũ Thắng Lợi.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói rằng dù bài này mang danh nghĩa là thơ tình nhưng nó không chỉ có tình yêu mà ý nghĩa của nó còn lớn hơn thế, đó là tình yêu với Tổ quốc.

Đến tận bây giờ Trần Đăng Khoa vẫn chưa được gặp nhạc sĩ Hoàng Hiệp, giữa hai người chỉ trò chuyện qua điện thoại. Thời điểm năm 1984, nhạc sĩ Hoàng Hiệp gọi cho Trần Đăng Khoa, cảm ơn anh về bài thơ đã gợi cho ông cảm xúc để viết thành một bài hát có sức sống mãnh liệt.

Bài thơ được viết trong vòng 15 phút và cùng với giai điệu của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, nó đã trở thành bất tử. Và những ngày này, khi Biển Đông đang dậy sóng, nó càng có ý nghĩa hơn.

Thơ tình người lính biển

Anh ra khơi

Mây treo ngang trời những cánh buồm trắng

Phút chia tay anh dạo trên bến cảng,

Biển một bên và em một bên

Biển ồn ào, em lại dịu êm,

Em vừa nói câu chi rồi mỉm cười lặng lẽ

Anh như con tàu lắng sóng từ hai phía

Biển một bên và em một bên

Ngày mai, ngày mai khi thành phố lên đèn

Tàu anh buông neo dưới chùm sao xa lắc

Thăm thẳm nước trời nhưng anh không cô độc

Biển một bên và em một bên

Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên,

Bão thổi chưa ngưng trong những vành tang trắng

Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng

Biển một bên và em một bên

Vòm trời kia có thể sẽ không em

Không biển nữa. Chỉ mình anh với cỏ

Cho dù thế thì anh vẫn nhớ

Biển một bên và em một bên.

Trần Đăng Khoa, Biển Đông 1981

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới