BienDong.net: Trong bối cảnh tình hình căng thẳng tại Biển Đông do việc Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Đô đốc Samuel Locklear đã kêu gọi các bên ‘kiềm chế’, đồng thời cảnh báo rằng bất kỳ sự tính toán sai lầm nào cũng có thể khiến ‘xung đột lan rộng’.
Theo BBC, phát biểu trong cuộc họp báo nhân Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Manilia hôm 23/5, Đô đốc Samuel Locklear cũng kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc nhanh chóng tiến tới một bộ ‘Quy tắc ứng xử’ (COC) nhằm tránh các cuộc tranh chấp chủ quyền ‘leo thang’ thành ‘xung đột vũ trang’, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế của khu vực.
Đô đốc Samuel Locklear trả lời báo chí tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Manila hôm 23/5
Không ít nhà ngoại giao Đông Nam Á từng cáo buộc Trung Quốc ‘cố ý trì hoãn’ tiến trình đàm phán COC trong lúc nước này tìm cách tăng cường kiểm soát các vùng biển nằm trong đường 9 đoạn phi lí của họ bao chiếm 80% Biển Đông và kéo dài tới sát quần đảo Natura của Indonesia ở phía Nam.
Giải quyết tranh chấp chủ quyền theo luật pháp quốc tế.
Đô đốc Locklear nói ông “quan ngại rất sâu sắc” trước ‘tình trạng đối đầu’ suốt ba tuần qua giữa Việt Nam và Trung Quốc trên vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, và thúc giục hai nước giải quyết tranh chấp chủ quyền theo luật pháp quốc tế.
“Nguy cơ xảy ra những sự tính toán sai là rất cao. Tôi kêu gọi hai bên hãy kiềm chế”, ông nói với các phóng viên.
Tình hình trở nên căng thẳng kể từ khi Trung Quốc triển khai giàn khoan trên vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Hà Nội sau đó đã cử tàu ra để phản đối và cản trở hoạt động của giàn khoan này.
Trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng lộ rõ ý đồ dùng sức mạnh chèn ép các nước trong khu vực dám tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc, giới chuyên gia phân tích thường cho rằng các nước nhỏ trong vùng – như Việt Nam – có thể sẽ tìm cách tăng cường quan hệ an ninh với Mỹ.
Theo RFI, trước câu hỏi về triển vọng thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Đô đốc Locklear không trả lời thẳng, nhưng xác nhận rằng Việt Nam nằm trong danh sách một số nước mà Hoa Kỳ muốn tăng cường quan hệ:
“Mỹ đang tiếp tục tăng cường các liên minh và quan hệ đối tác chiến lược và hiện càng lúc càng có thêm các đối tác… Chúng tôi luôn hướng tới việc thăm dò cơ hội để mở rộng quan hệ đối tác của chúng tôi với các nước như Việt Nam, nhưng Việt Nam chỉ là một trong số các quốc gia đó”.
Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên hàng đối tác toàn diện nhân chuyến công du Washington của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang hồi năm 2013.
Quan hệ này chưa phải là đối tác chiến lược, vì theo chuyên gia Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, đối với Mỹ, nội dung của một quan hệ “đối tác chiến lược” phải nhấn mạnh đến hợp tác an ninh và quốc phòng, trong khi Việt Nam mới chỉ là một đối tác chiến lược “tiềm tàng” của Mỹ vào năm 2010.
Mỹ ủng hộ sử dụng trọng tài hoặc các cơ chế pháp lý quốc tế khác để giải quyết tranh chấp tại Biển Đông.
Hôm 22 – 5, Nhà Trắng tuyên bố ủng hộ Việt Nam sử dụng biện pháp pháp lý với Trung Quốc để giải quyết căng thẳng sau khi Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển Việt Nam.
Phản ứng trước phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về Đông Á tại Philippines, người phát ngôn Nhà Trắng Patrick Ventrell nói: “Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định, sự tôn trọng luật pháp quốc tế, sự giao thương hợp pháp không bị cản trở, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông.”
“Mỹ ủng hộ việc sử dụng các biện pháp hòa bình và ngoại giao khác nhau để quản lý và giải quyết các bất đồng, bao gồm cả việc sử dụng trọng tài hoặc các cơ chế pháp lý quốc tế khác”, ông Ventrell khẳng định.
Trước đó, trả lời hãng tin AP và Reuters, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ Việt Nam đang cân nhắc mọi biện pháp phòng vệ, kể cả hành động pháp lý, đối với Trung Quốc.
BDN