Tuesday, November 26, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnĐể người dân yên tâm bám trụ trên các vùng biển, hải...

Để người dân yên tâm bám trụ trên các vùng biển, hải đảo tiền tiêu của Tổ quốc

BienDong.Net: Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2014 sẽ diễn ra từ ngày 1 – 7/6 với chủ đề “Chung tay bảo vệ đại dương xanh”, theo tinh thần của ngày Đại dương Thế giới 8/6 “Cùng chung sức – Chúng ta có sức mạnh bảo vệ đại dương”.

Nhân dịp này, BDN xin giới thiệu bài viết của GS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo xung quanh vấn để xây dựng và áp dụng chính sách quản lí tổng hợp biển và hải đảo.

 alt

Tàu cá của ngư dân Lý Sơn trở về từ ngư trường Hoàng Sa (ảnh BienDong.Net)

Quốc gia biển phải dựa vào công dân biển và “biển bạc của ta phải do nhân dân ta làm chủ”. Để phát triển kinh tế biển, giữ vững chủ quyền biển đảo thì hơn lúc nào hết, trong tình hình Biển Đông có nhiều biến động như hiện nay, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, đầu tư mạnh mẽ xứng đáng cho “tam ngư” gồm ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường.

Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ an ninh biển

Biển Việt Nam được đánh giá là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển và là một trong 20 vùng biển có nguồn lợi hải sản giàu có của thế giới, trữ lượng ước tính khoảng hơn 5 triệu tấn cá biển (khả năng khai thác bền vững là 2,3 triệu tấn một năm) – gắn bó mật thiết và có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững đất nước ta.

Nhiều làng cá hình thành dọc ven biển từ bao đời với phong tục tập quán riêng, với lối đánh bắt truyền thống – tạo dựng nên những nét “văn hóa làng cá” độc đáo, hình thành một nền văn hóa biển cả ở Việt Nam mà đến nay còn ít được nghiên cứu và khai thác. Sự hiện diện thường xuyên của ngư dân trên vùng biển của tổ quốc, ra khơi bám biển dài ngày, chính là một cách khẳng định chủ quyền vùng biển quốc gia.

Đặc trưng nổi bật nhất về mặt ngư trường, trước hết về nguồn lợi hải sản ở vùng biển VN là quanh năm đều có cá đẻ, tập trung từ tháng 3 đến tháng 7. Nghề cá ở ta đặc trưng là “nghề cá đa loài” và là nghề cá nhỏ, gắn chặt với sinh kế của người dân ven biển và trên các hải đảo ven bờ. Thực tế nghề cá – ngư nghiệp – đã có những đóng góp đáng kể cho việc phát triển kinh tế biển và giải quyết các vấn đề xã hội của đất nước.

Chỉ riêng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2013 đã lên đến 6,7 tỉ đô la Mỹ, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế biển và giải quyết các vấn đề xã hội của đất nước, trước hết là ở 28 tỉnh/thành phố thuộc Trung ương có biển.

Vấn đề là chúng ta cần kịp thời hỗ trợ ngư dân chuyển từ nghề khai thác ven bờ sang khai thác thủy sản xa bờ, gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh, quốc phòng trên biển, trong bối cảnh địa chính trị ở Biển Đông cực kỳ phức tạp.

Sớm vượt thoát khỏi ngư trường nhỏ

alt 

Biển là nguồn sinh kế của hàng triệu người Việt (ảnh BienDong.Net chụp tại Đà Nẵng)

Dự báo đến năm 2020 riêng dân số vùng ven biển sẽ tăng lên khoảng 30,4 triệu người, trong đó lao động khoảng gần 19 triệu người. Trên 66 đảo thuộc 12 huyện đảo đã có cư dân sinh sống từ lâu đời có số lượng dân khoảng 240.000 người. Lực lượng lao động trên biển cũng khá dồi dào và đa dạng thuộc các ngành hàng hải, dầu khí, du lịch biển đảo, ngư dân đánh bắt hải sản và các lực lượng lao động thuộc các ngành nghề khác.

Tuy nhiên, với tình trạng của một nghề cá nhỏ mang nặng tư duy của một nghề cá thủ công, trang thiết bị lạc hậu, thì “sống trên biển bạc vẫn nghèo”. Nghề cá và ngư dân nước ta rất dễ bị tổn thương với thiên tai và nhân tai trên biển. Tổ chức sản xuất vẫn chủ yếu theo ngư hộ và “dòng tộc” hoặc quan hệ “hàng xóm láng giềng”. Việc tìm kiếm ngư trường mới chưa thực sự hiệu quả, chưa chỉ ra được cho ngư dân địa điểm khai thác cụ thể.

Các tổ hợp tác và hợp tác xã sản xuất còn ít và gần đây mới thành lập thêm một số nghiệp đoàn đánh cá. Lao động khai thác hải sản ngoài quốc doanh chiếm trên 90%, đa số là những người nghèo trình độ thấp, phải đi làm thuê (thợ bạn) cho các chủ tàu. Hệ thống cung ứng và dịch vụ cho khai thác, nhất là các tàu xa bờ mang tính tự phát. Công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn sơ sài. Thiếu sự tham gia quản lý của cộng đồng dẫn đến việc khai thác quá mức cho phép ở vùng biển gần bờ.

Như đã nói, ngư dân đánh cá là lực lượng hết sức quan trọng đối với việc hiện diện dân sự và phát triển kinh tế biển gắn với chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Những người nơi “đầu sóng ngọn gió” đó trong bối cảnh hiện nay phải được xem như đối tượng chính sách đặc thù, được hưởng chế độ hỗ trợ đầu tư để thúc đẩy sản xuất trên biển xa.

Tăng ưu đãi ngư dân “đầu sóng ngọn gió”

Đẩy mạnh khai thác ở vùng biển xa bờ, nhanh chóng “ra biển lớn” phát triển nghề cá viễn dương là nhu cầu thực tế của chính cộng đồng ngư dân và đất nước, nhất là khi sự hiện diện dân sự trên biển mang tầm vóc chiến lược để quản lý vùng biển rộng lớn của Tổ quốc.

Cần tiếp tục khẳng định nghề khai thác hải sản và cộng đồng ngư dân khai thác hải sản đã trở thành một lực lượng sản xuất quan trọng trong nghề cá, góp phần đa dạng hoá các thành phần kinh tế nghề cá ở Việt Nam và là một nhân tố quan trọng để phát triển kinh tế biển. Đặc biệt là lực lượng ngư dân đông đảo với khoảng trên 10.000 tàu thuyền hàng ngày bám biển sản xuất trên địa bàn rộng khắp. Họ là những con người “mạo hiểm”, dám vươn khơi và luôn chịu các rủi ro thiên tai và nhân tai, nhất là khi “Biển Đông nổi sóng”. Họ đang ứng phó các tình huống trên biển thụ động, giờ đây cần chuyển sang “ứng phó chủ động”, cần trang bị “tiềm lực” đủ mạnh để tăng cường “sức đề kháng” tự bảo vệ chính mình khi có “biến cố bất thường” trên biển, sớm hình thành các cộng đồng ngư dân trên biển có khả năng tự quản.

Vấn đề cấp thiết là cần hỗ trợ ngư dân về lãi suất để khuyến khích tổ chức, cá nhân phát triển khai thác thủy sản xa bờ,…, trong đó tập trung trước hết cho việc đầu tư vốn cho hộ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu có công suất lớn, vỏ sắt để chuyển từ nghề khai thác ven bờ sang khai thác xa bờ, chuyển sang nghề làm các dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển.

Chú trọng có chính sách đặc biệt và kịp thời để khuyến khích mạnh mẽ người dân ra định cư sinh sống ổn định trên hải đảo, làm ăn trên biển và bám biển dài ngày.

Xây dựng tuyến ven biển hậu cần vững chắc

“Nâng cao đời sống dân cư vùng ven biển, trên các hải đảo và những người lao động trên biển; tạo các điều kiện cần thiết đảm bảo an ninh, an toàn cho những người dân hoạt động trên biển, đảo… ” là nội dung đã được khẳng định trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Cần tăng mức đầu tư ngân sách nhà nước vào các lĩnh vực, đặc biệt là xây dựng hạ tầng nghề cá, đào tạo nghề, xây dựng hệ thống thông tin liên lạc, điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường, dịch vụ hậu cần trên biển đảo. Gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm an ninh, quốc phòng trên biển và dải ven biển, làm cơ sở kết nối quân – dân, dân – quân trong các hoạt động dịch vụ kinh tế biển – đảo: đánh cá biển, hậu cần nghề cá, nuôi trồng hải sản xa bờ và dịch vụ du lịch sinh thái biển, v.v.

Ngư dân cũng cần được hỗ trợ pháp luật, được trang bị kiến thức luật pháp để ứng xử với các trường hợp xấu xảy ra ngoài biển xa. Tổ chức lại sản xuất nghề cá trên biển trong xu thế hội nhập và xây dựng lực lượng kiểm ngư đủ mạnh để bảo vệ nguồn lợi gắn với bảo vệ ngư dân và an ninh quốc phòng trên biển tiếp tục là những vấn đề cần tính tới với đặc thù của “tam ngư” nước ta.

Phải xây dựng tuyến ven biển gắn với một số tuyến đảo chính thành những điểm kinh tế mạnh và căn cứ hậu cần kỹ thuật vững chắc, bảo đảm cung cấp nước ngọt, cơ sở hạ tầng và thông tin liên lạc và bằng các chính sách hỗ trợ điều kiện sống cơ bản để người dân yên tâm bám trụ, sản xuất trên các vùng biển, hải đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới