Friday, October 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiViệt Nam đang thông tin cho thế giới về mối đe dọa...

Việt Nam đang thông tin cho thế giới về mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định tại Biển Đông

BienDong.Net: Theo báo chí trong nước, kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương – 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Việt Nam đã liên tục lên tiếng tố cáo hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại các Diễn đàn quốc tế.

Trên kênh ngoại giao đa phương, Việt Nam đưa vụ việc này ra Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 diễn ra ngày 11/5 tại Myanmar, Diễn đàn kinh tế Thế giới về Đông Á tại Philippines.

Trên các diễn đàn này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng, nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó. Việt Nam khẳng định kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình và phù hợp luật pháp quốc tế.

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, nhằm đề nghị Bắc Kinh phản hồi tích cực trước yêu cầu rút giàn khoan 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam. Ông cũng có các cuộc nói chuyện điện thoại với bộ trưởng ngoại giao các nước Mỹ, Nga, Indonesia và Singapore để thông báo những nỗ lực của Việt Nam nhằm giảm tình hình căng thẳng tại Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh hôm 20/5 gặp người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn bên lề hội nghị quốc phòng các ASEAN (ADMM) tại Myanmar, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi khu vực.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hội kiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề Hội nghị Tương lai Châu Á lần thứ 20 tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản

Tại Hội nghị quốc tế “Tương lai Châu Á” lần thứ 20 tại Tokyo từ 22 – 23/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tuyên bố việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan nước sâu được hộ tống bởi nhiều tàu vũ trang quân sự và máy bay sâu trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam là hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Trung Quốc; nhấn mạnh thiện chí và nỗ lực của Việt Nam trong giải quyết vấn đề bằng các biện pháp hòa bình; song kiên quyết thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của Việt Nam.

Bên lề Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã hội kiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương cũng như về các vấn đề các bên cùng quan tâm vì một tương lai Châu Á hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng.

Thủ tướng Nhật Bản và Singapore bày tỏ quan ngại về diễn biến phức tạp trên Biển Đông, khẳng định quan điểm phải tuân thủ luật pháp quốc tế, kiềm chế không để xảy ra xung đột ảnh hưởng tới hòa bình ổn định khu vực, an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông.

Trước đó, ngày 21 – 5, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ tư về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở Châu Á (CICA) tại Thượng Hải, Trung Quốc. Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Doan kêu gọi các nước Châu Á cùng nhau thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và hợp tác nhằm thực hiện nguyện vọng chung của nhân dân Châu Á là hòa bình, ổn định và phát triển. Về vấn đề Biển Đông, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Doan khẳng định thiện chí của Việt Nam thúc đẩy giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Đông Á 2014 mới đây tại Manila, Thứ trưởng ngoại giao Phạm Quang Vinh tuyên bố: Tình hình hiện nay là hết sức nguy hiểm đối với hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn hàng hải. Giàn khoan được hạ đặt sâu vào trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN, đi cùng với nhiều tàu hộ tống, trong đó có các tàu quân sự, máy bay. Nếu tình hình này không được ngăn chặn, khi đó nó sẽ là mối đe dọa thực sự đối với đường giao thông biển.

Về câu hỏi: Có phải là VN đang quốc tế hóa vấn đề không, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh nói:

Chúng tôi đang thông tin cho cả thế giới, cộng đồng quốc tế, tất cả các nước về mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định, sự vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển; do vậy, chúng tôi đã thông báo cho LHQ cũng như cho các nước ASEAN. Đây là việc thông báo về một mối đe dọa thật sự, một sự vi phạm luật pháp quốc tế.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới