Wednesday, January 15, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiYêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan vô điều kiện khỏi...

Yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan vô điều kiện khỏi vùng biển của Việt Nam

BienDong.Net: Với niềm tự hào và phẩm giá dân tộc, chúng ta không chấp nhận đánh đổi độc lập, chủ quyền để lấy bất kỳ thứ gì và không chấp nhận bất kỳ hình thức đe dọa, áp đặt nào, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tuyên bố như vậy trong cuộc mít tinh hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới (8/6) và Tuần lễ Biển – Hải đảo Việt Nam 2014 tại khu du lịch Đồ Sơn hôm 7/6.

Báo chí trong nước dẫn lời Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói: Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm nay diễn ra trong bối cảnh hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông – mối quan tâm chung của nước ta và thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng.

 

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải

Theo Phó Thủ tướng, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp do những hành động sai trái, ngang ngược, bất chấp đạo lý và luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc còn huy động lực lượng hộ tống gồm máy bay, tàu chiến xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Nước này liên tục có những hành động khiêu khích, gây hấn, tấn công tàu chấp pháp và đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam đang hoạt động trong vùng biển Việt Nam.

“Hành động đó của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Hành động sai trái của Trung Quốc không chỉ bị Việt Nam mà còn bị nhiều quốc gia, tổ chức, cá nhân trên thế giới lên án mạnh mẽ”, Phó thủ tướng nói.

Việt Nam mong muốn hòa bình, hữu nghị nhưng hòa bình hữu nghị phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, chủ quyền. “Với niềm tự hào và phẩm giá dân tộc, chúng ta không chấp nhận đánh đổi độc lập, chủ quyền lấy bất kỳ thứ gì và không chấp nhận bất kỳ hình thức đe dọa, áp đặt nào”, Phó thủ tướng khẳng định.

 

Giàn khoan Trung Quốc hạ đặt trái phép trong khu vực thềm lục địa của Việt Nam gây phẫn nộ Ảnh: Nguyễn Đông.

Ghi nhận nỗ lực của chiến sĩ kiểm ngư, cảnh sát biển, đồng bào và ngư dân ngày đêm kiên cường bám biển, giữ biển trong thời gian qua, Phó Thủ tướng nhẫn mạnh: “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan vô điều kiện khỏi vùng biển của Việt Nam và giải quyết các tranh chấp bằng con đường hòa bình, đối thoại trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”.

Cùng với việc giữ vững chủ quyền lãnh thổ, hoà bình, ổn định ở Biển Đông, Phó thủ tướng cho rằng, Việt Nam cần làm tốt công tác quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lợi từ biển đảo cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Vị lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường kiện toàn thiết chế quản lý nhà nước về biển và hải đảo, trong đó đặc biệt chú ý tăng cường năng lực cho hệ thống cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về tài nguyên môi trường biển, hải đảo.

“Thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương, Việt Nam là một quốc gia biển không ngừng hướng đến mục tiêu trở thành đất nước mạnh về biển, làm giàu từ biển”, Phó Thủ tướng kết luận.

Chủ đề Biển Đông được quan tâm tại Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN và Đông Á

Trong 2 ngày 7 – 8/6/2014, tại Yangon, Myanmar, đã diễn ra các Hội nghị Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN, SOM ASEAN + 3 và SOM Cấp cao Đông Á (EAS). Đây là các Hội nghị trong loạt Hội nghị cấp SOM (từ 7 – 10/6/2014) để chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các Hội nghị Bộ trưởng liên qua sẽ diễn ra vào đầu tháng 8/2014 tại Nay Pyi Taw, Myanmar.

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng gây hấn

Trong các vấn đề khu vực và quốc tế, vấn đề Biển Đông được các nước đặc biệt quan tâm. Các nước bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến phức tạp và tình hình gia tăng căng thẳng hiện nay ở Biển Đông; nhấn mạnh yêu cầu phải tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS), Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Phát biểu tại các Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã nêu rõ những hành động xâm phạm của Trung Quốc hiện nay ở Biển Đông và nhấn mạnh việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 và đưa nhiều tàu hộ tống bảo vệ vào sâu trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật biển 1982, ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Ông Pham Quang Vinh kiên quyết phản đối các hành động gây hấn, đâm húc và dùng vòi rồng phun nước làm hư hại các tàu kiểm ngư, cảnh sát biển và nhiều tàu cá của Việt Nam; yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển của Việt Nam. 

Thứ trưởng khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc, nhưng kiên quyết bảo vệ chủ quyền thiêng liêng và các vùng biển của mình bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Thứ trưởng kêu gọi các nước trong khu vực và Cộng đồng quốc tế tiếp tục phản đối các hành động xâm phạm của Trung Quốc, yêu cầu phải triệt để tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật biển 1982, thực hiện nghiêm túc DOC và sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử COC.

Tố cáo Trung Quốc gây ‘nhân họa’ trên Biển Đông

Trước đó, hôm 5/6, phát biểu tại Hội nghị Á – Âu (ASEM) về quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai ở Manila, Philippines, Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng cảnh báo rằng hành vi của Bắc Kinh trên Biển Đông như một “thảm họa do con người gây ra”, đồng thời khẳng định quyết tâm giữ vững quyền chủ quyền của Việt Nam.

Trước mặt 50 quan chức chính phủ từ hai châu lục, trong đó có đại biểu Trung Quốc, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nói:

“Từ ngày 1/5, Trung Quốc đặt giàn khoan dầu vào vị trí sâu hơn 80 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam”, Rappler dẫn lời Thứ trưởng.

“Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đây là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và Tuyên bố Ứng xử các bên ở Biển Đông mà Trung Quốc tham gia ký kết”.

 

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị ASEM. Ảnh: Rappler

Ông Hoàng Văn Thắng khẳng định hành động đặt giàn khoan trái phép, đồng thời điều hơn 130 tàu và máy bay đến hộ vệ, là ví dụ điển hình của “thảm họa gây ra bởi con người”.

Theo báo điện tử VnExpress trước nhận xét này, đại diện từ Trung Quốc đã lên tiếng phản biện. “Tàu Việt Nam khiêu khích trước, Trung Quốc luôn hết sức kiềm chế”, đại biểu này cố gắng bao biện cho hành động đâm húc tàu Việt Nam từ phía Trung Quốc. “Chúng tôi hy vọng hội nghị này không đi lạc hướng”.

Hội nghị ASEM được tổ chức trong hai ngày 5 – 6/6 ở Philippines, giữa bối cảnh căng thẳng Biển Đông vẫn chưa hạ nhiệt. Trong cuộc họp báo bên lề Hội nghị, Tổng thống Philippines Benigno Aquino nhận định tàu Trung Quốc hoạt động mạnh trong vùng biển mà Bắc Kinh có tranh chấp chủ quyền với Manila. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cũng cho biết quốc gia này có thể sớm làm thêm một văn bản kháng nghị Bắc Kinh về vấn đề biển đảo.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới