Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiVu cáo trước Liên hiệp quốc, TQ lộ điểm yếu

Vu cáo trước Liên hiệp quốc, TQ lộ điểm yếu

BienDong.Net: Tuyên cáo của Bộ Ngoại giao TQ đã bộc lộ vấn đề về hình ảnh của nước này trong khu vực và TQ đang thua trên mặt trận công luận, một bài báo trên The Diplomat phân tích.

Luận điểm vu cáo của TQ

Dẫn nguồn từ AP, tờ Washington Post đưa tin, ngày 9/6, Trung Quốc đã gửi văn bản cáo buộc Việt Nam xâm phạm chủ quyền và gây ảnh hưởng đến hoạt động khoan dầu hợp pháp (?) của một công ty Trung Quốc ở Biển Đông.

 alt

Giàn khoan 981 hạ đặt trái phép trên vùng thềm lục địa Việt Nam (ảnh Hoàng Sang)

Như vậy, hơn một tháng sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu ở vùng đặc quyền kinh tế của VN gần quần đảo Hoàng Sa, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phát hành văn bản nêu lên quan điểm chính thức của Trung Quốc về vấn đề này. Tài liệu có nhan đề “”Tác nghiệp của giàn khoan Hải dương 981: sự khiêu khích của Việt Nam và lập trường của Trung Quốc”. Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh vu cáo Việt Nam đã tung tin đồn chống lại nước này, và trong tình huống như vậy, Trung Quốc cảm thấy cần thiết phải “nói cho cộng đồng quốc tế biết sự thật”.

Bản tuyên bố bắt đầu bằng việc bao biện rằng, giàn khoan dầu tọa lạc “bên trong vùng tiếp giáp của quần đảo Tây Sa của Trung Quốc” (thực tế là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam – ND). Giàn khoan dầu đã khảo sát một vị trí và đang trong quá trình khảo sát vị trí thứ hai. Cả 2 địa điểm này, văn bản tài liệu của phía TQ, “đều cách đảo Zhongjian thuộc quần đảo Tây Sa của Trung Quốc (thực tế là đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam – ND) và ranh giới vùng lãnh hải của cái gọi là quần đảo Tây Sa 17 hải lý, nhưng cách bờ biển trên đất liền của Việt Nam xấp xỉ 133 – 156 hải lý” và quả quyết khu vực hạ đặt giàn khoan cần phải được coi là thuộc lãnh hải của Trung Quốc.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục trình bày một số chi tiết về phản ứng của Việt Nam đối với giàn khoan dầu, mà theo Bắc Kinh là “những vi phạm nghiêm trọng đến chủ quyền, các quyền chủ quyền và quyền thực thi pháp lý của Trung Quốc”. Bản tuyên bố bịa đặt Việt Nam đã điều một lượng lớn tàu để phá hoại hoạt động của giàn khoan dầu cũng như cố tình đâm va Trung Quốc tổng cộng 1.416 lần. Ngoài ra văn bản này còn đổ lỗi Việt Nam đã “dung thứ cho các cuộc biểu tình chống Trung Quốc”, còn Trung Quốc quả quyết vẫn “kiềm chế rất lớn” (?).

Bản tuyên bố tiếp tục bằng cách tóm tắt sơ lược toàn diện nhất tới nay về các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc ngụy biện, họ “là nước đầu tiên khám phá, phát triển, khai thác và thực thi quyền pháp lý” đối với quần đảo này, nhưng đã không sử dụng tuyên bố đó làm căn cứ đối với chủ quyền hiện thời của mình. Theo bản mô tả lịch sử tóm tắt, Trung Quốc khăng khăng cho rằng nước này đã 2 lần đẩy lui “các quân đội xâm chiếm” khỏi quần đảo Hoàng Sa: năm 1945 với sự đầu hàng của quân Nhật và năm 1974 khi Trung Quốc đụng độ với các lực lượng miền Nam Việt Nam.

Trung Quốc cũng đưa ra nhiều tài liệu mà họ quy kết là sự thừa nhận của Việt Nam đối với việc kiểm soát quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc, kể cả các thông cáo ngoại giao từ những năm 1950 – 1960. Trung Quốc ngụy biện, bằng cách đưa ra tuyên bố chủ quyền trong hiện tại, Việt Nam đã “vi phạm thô bạo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, kể cả nguyên tắc cấm phủ nhận điều đã tuyên bố trước đó”.

TQ đang “cố khiêu khích”

Theo lập luận bài viết của tác giả Shannon Tiezzi đăng trên tờ The Diplomat hôm 10/6, việc thu thập bằng chứng lịch sử để ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa là đáng chú ý, nhưng nó dường như không mang lại lợi ích nhiều lắm cho Trung Quốc. Bắc Kinh từng nêu rõ rằng, họ không có ý định tham gia vào quá trình phân xử của trọng tài quốc tế đối với vấn đề này. Do đó, việc vạch ra căn cứ cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc chỉ có thể nhằm lay chuyển ý kiến của công luận toàn cầu.

Và nếu đó là mục đích chính của bản Tuyên bố lập trường của Bộ Ngoại giao Trung Quốc (như lời phát biểu của bà Hoa Xuân Oánh dường như ám chỉ), thời gian đưa ra tuyên bố rất khó lí giải. Tại sao Trung Quốc phải chờ đợi gần 1 tháng sau khi xác đặt vị trí giàn khoan dầu mới đưa ra tuyên bố? Chính phủ Việt Nam đã dành thời gian đó để đưa ra các lập luận của mình. Ở giai đoạn muộn màng này, Trung Quốc sẽ gần như không thể đạt được bất kỳ tiến bộ nào trong cuộc chiến “chống PR” của mình.

Shannon Tiezzi phân tích, Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bộc lộ vấn đề về hình ảnh của nước này trong khu vực. Trong các sự cố ở khu vực, từ việc thiết lập “Khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông hồi tháng 11 năm ngoái đến cuộc khủng hoảng giàn khoan đang tiếp diễn, Trung Quốc đã rơi vào vị thế bất thường: Trung Quốc làm khởi phát các sự cố, nhưng ngay lập tức mất kiểm soát với diễn biến, đẩy các quan chức nước này rơi vào vị thế phòng thủ khi phản bác sự chỉ trích từ nước ngoài.

Cũng theo bài viết, một trong những nguyên nhân có thể đưa ra để lý giải là, Bắc Kinh biết các hành động của họ sẽ gây ra phản ứng như thế nào và hoàn toàn không quan tâm. Thực tế, Bắc Kinh đang cố ý khiêu khích nhằm tiến xa hơn nữa các tuyên bố chủ quyền ở những vùng tranh chấp, bằng cách cho thấy sự bất lực trong phản ứng của các nước khác trong khu vực. Chiến lược này thường được biết đến với tên gọi “chiến lược lát cắt salami”.

Tác giả Shannon Tiezzi lập luận, Trung Quốc đang thua trên mặt trận công luận. Có lẽ, Bắc Kinh đã quyết định, hình ảnh tiêu cực là phản ứng phụ không thể tránh khỏi của chiến lược “lát cắt salami”. Dẫu vậy, bản thân việc ban hành bản Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chứng tỏ, Bắc Kinh không vui vẻ gì với tình hình hiện tại.

BDN (theo VietNamNet)

RELATED ARTICLES

Tin mới