BienDong.Net: Theo Thanh Niên, Trung Quốc mới đưa vào sử dụng một bến tàu mới và đang nâng cấp một đường băng ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực trong dấu hiệu cho thấy hải quân và không quân Trung Quốc có thể biến Phú Lâm thành cơ sở quân sự tổng hợp lớn.
Theo chuyên san Kanwa Defense Review (Canada), Trung Quốc đưa vào sử dụng cảng mới ở Phú Lâm vào năm 2013 sau khi khởi công xây dựng năm 2011.Đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng) thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đặt trụ sở thành phố Tam Sa. Ảnh chụp từ vệ tinh.
Cảng mới có 3 mặt với chiều dài lần lượt là 364, 270 và 250 m. Cảng này cũng có cửa vào đê chắn sóng rộng tới 107 m, đủ để đón tất cả các loại tàu chiến nổi của Trung Quốc.
Ngoài cảng mới, Trung Quốc trước đó đã xây 2 cảng biển, với chiều dài 400 m và cửa ra vào đê chắn sóng rộng lần lượt 182 và 92 m, được dùng cho mục đích dân sự và hải quân.
Cũng theo Kanwa Defense Review, Trung Quốc đang nâng cấp đường băng ở Phú Lâm để có thể phục vụ cho mọi chiến đấu cơ của không quân nước này, trong đó có oanh tạc cơ.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường hành động nhằm độc chiếm Biển Đông, như hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương – 981 (Haiyang Shiyou – 981) ở vùng biển Việt Nam, phát hành bản đồ dọc bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tiến hành hoạt động cải tạo ở nhiều bãi đá thuộc Trường Sa…
Trong khi đó, tỉnh Hải Nam của Trung Quốc vừa ngang nhiên triển khai hoạt động tuần tra chấp pháp 18 đảo nằm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Những đảo thuộc Hoàng Sa mà Trung Quốc tuần tra phi pháp lần này có đảo Phú Lâm, đảo Đá, Cồn cát Nam, Cồn cát Trung, đảo Trung, đảo Nam, đảo Bắc, đảo Cây, đảo Ốc Hoa, đảo Hoàng Sa, đảo Hữu Nhật, đảo Quang Hòa, đảo Duy Mộng, đá Bắc, đảo Linh Côn và một số đảo khác.
Ngang nhiên tuyên bố cho đăng ký quyền sử dụng đất ở Hoàng Sa và Trường Sa
Báo Economic Observer (trụ sở tại Bắc Kinh) tiết lộ chính quyền Trung Quốc sẽ áp dụng một hệ thống đăng ký quyền sử dụng đất mới bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Báo dẫn nguồn tin từ cơ quan đăng ký quyền sở hữu bất động sản, trực thuộc Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc cho biết tất cả các vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh coi là của Trung Quốc, sẽ được đưa vào hệ thống quản lý, đăng ký quyền sở hữu, theo đó quyền sở hữu bất động sản của các doanh nghiệp, và của người dân Trung Quốc sống trên biển và các đảo được pháp luật bảo vệ.
Theo quy định mới về việc đăng ký quyền sở hữu đất đai của Trung Quốc, khái niệm “bất động sản” bao gồm “đất đai, biển, nhà cửa và các công trình xây dựng, kết cấu khác tại đó, rừng, cây và những vật cố định khác”. Những ai đăng ký quyền sở hữu bất động sản trên biển lần đầu tiên, thì phải nộp bản đồ phân định ranh giới trên biển, tài liệu chấp thuận dự án, cũng như các hợp đồng liên quan, giấy phép và các xác nhận khác. Nguồn tin trên cũng khẳng định rằng Tam Sa, một thành phố mà Trung Quốc mới thành lập năm 2012, thuộc tỉnh Hải Nam, nằm trong hệ thống quản lý đăng ký quyền sở hữu đất đai. Theo phân cấp của Bắc Kinh, Tam Sa quản lý nhiều quần đảo và bãi đá ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa), Trường Sa (tức Nam Sa theo Bắc Kinh) và quần đảo Macclesfield (Trung Quốc gọi là Trung Sa).
Quyết định của Trung Quốc đưa các vùng biển và quần đảo đang có tranh chấp ở Biển Đông vào hệ thống quản lý đăng ký quyền sở hữu bất động sản càng làm gia tăng mối lo ngại trước thái độ hung hăng và quyết đoán của Bắc Kinh, nhằm thực hiện chiến lược bành trướng lãnh thổ trên Biển Đông.
Mở rộng khu vực cảnh báo bão ra toàn bộ Biển Đông
Tiếp tục chuỗi các hành động nhằm hiện thực hóa âm mưu “nuốt trọn” Biển Đông, Trung Quốc đã tuyên bố mở rộng khu vực cảnh báo bão từ phía bắc Biển Đông ra toàn bộ vùng biển này.
Chủ nhiệm Trung tâm Dự báo Khí tượng Hải dương và Bão, thuộc Cục Khí tượng Trung Quốc, Tiền Truyền Hải, cho biết sự điều chỉnh này là để đáp ứng tốt hơn nhu cầu dịch vụ dự báo, giám sát thiên tai khí tượng hải dương trong việc “bảo vệ quyền lợi biển và an ninh lãnh hải và khai thác tài nguyên hải dương Nam Hải (Biển Đông) “.
Trước đó, khu vực cảnh báo bão 24 giờ của nước này chỉ bao trùm khu vực phía Bắc Biển Đông.
Theo ông Tiền Truyền Hải, sự điều chỉnh này chủ yếu xem xét yếu tố “Nam Hải là khu vực đánh bắt cá truyền thống của ngư dân Trung Quốc, cũng là khu vực vận tải hàng hải cực kỳ nhộn nhịp, hoạt động tác nghiệp và thăm dò dầu mỏ trên biển, hoạt động tuần tra bảo vệ chủ quyền của ngành hải sự và hoạt động của hải quân ngày càng gia tăng, do đó cần phải tăng cường phòng ngừa thiên tai ở vùng biển của Trung Quốc”.
Ông này còn tuyên bố rằng việc mở rộng phạm vi khu vực cảnh báo bão vừa đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, tổ chức, vừa để bảo vệ cái gọi là “chủ quyền biển” của Trung Quốc.
BDN (tổng hợp)