BienDong.Net: Bất chấp những vụ biểu tình phản đối ở trong nước, hôm 1/7 Nội các Nhật Bản đã thông qua thay đổi mang tính bước ngoặt trong chính sách an ninh của nước này, mở đường cho việc quân đội Nhật tham chiến ở nước ngoài.
Theo Hiến pháp hoà bình của Nhật, Tokyo bị cấm sử dụng vũ lực để giải quyết xung đột, trừ trường hợp phòng vệ.
Liên minh cầm quyền tại Nhật Bản đạt được thỏa thuận chính thức cho phép thực thi quyền phòng vệ tập thể. Ảnh minh họa: BBC
Tuy nhiên, theo BBC, hai chướng ngại đầu tiên được tháo gỡ trong ngày 01/07 khi hai đảng cầm quyền đạt được thỏa thuận cho phép quân đội tham chiến ở nước ngoài và ngay sau đó, nội các Shinzo Abe thông qua dự luật “phòng vệ tập thể” để đưa sang quốc hội biểu quyết mà không cần trưng cầu ý dân để sửa đổi Hiến Pháp.
Thủ tướng Shinzo Abe đã thúc đẩy mạnh mẽ cho thay đổi này với lập luận rằng Nhật cần phải thích nghi với môi trường an ninh đang thay đổi ở vùng châu Á – Thái Bình Dương.
Ông Abe hồi tháng Năm đã hậu thuẫn cho thay đổi, sau khi ban cố vấn của ông ra bản phúc trình khuyến nghị thay đổi luật quốc phòng.
Nhật lâu nay giữ quan điểm cho rằng theo luật quốc tế, Nhật có quyền phòng thủ chung, nhưng họ không thể thực thi được quyền đó do những hạn chế trong hiến pháp.
Hiến pháp chủ hòa 1947 sẽ được tu chính theo chiều hướng cho phép quân đội Nhật được quyền “phòng vệ tập thể”.
Điều này có nghĩa là thay vì chỉ được nổ súng tự vệ khi bị tấn công, quân đội Nhật có thể can thiệp bên ngoài lãnh thổ và có quyền ra tay trước để bảo vệ một đồng minh bị huy hiếp.
Từ trước đến nay, các đơn vị Nhật vẫn được gửi ra nước ngoài tham gia các chiến dịch ổn định hòa bình dưới ngọn của Liên Hiệp Quốc.
Những người chỉ trích ông Abe sợ rằng đây sẽ là bước đi đầu tiên tiến tới việc sửa đổi chính thức hoặc xóa bỏ Điều 9 Hiến pháp, là điều khoản tuyên bố từ bỏ chiến tranh.
Nhưng những người khác tin rằng bản hiến pháp 1947 là di sản thời hậu chiến mà Hoa Kỳ áp đặt lên Nhật Bản, hạn chế việc Tokyo được có các hoạt động bình thường của một quốc gia hiện đại.
“Phòng vệ tập thể có ý nghĩa quan trọng như Cách mạng Minh Trị”, Jiji Press dẫn lời ông Abe nói với các quan chức cấp cao của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) sau khi ông tuyên bố quân đội Nhật có quyền chiến đấu để bảo vệ các đồng minh.
Các nhà phân tích cho rằng đây là một sự thay đổi gây tranh cãi về lập trường hòa bình của nước này.
Tuy nhiên, trước công chúng, ông Abe vẫn tìm cách giảm nhẹ tầm quan trọng của sự việc. Ông cho rằng việc Nhật nới lỏng chính sách quân sự là cần thiết, nó giúp bảo vệ chính nước này tốt hơn trong một khu vực đang bị Trung Quốc chi phối và bị Triều Tiên quấy rầy.
Cải cách Minh Trị năm 1868 đánh dấu sự khởi đầu của nước Nhật hiện đại, mở đường đưa nước này thoát ra khỏi hơn hai thế kỷ phong kiến dưới thời các chiến binh Samurai.
Vào thời phong kiến, việc xuất ngoại bị cấm và nước Nhật bị bế quan tỏa cảng. Nhật hoàng Minh Trị đã canh tân và đưa nước này trở thành một quốc gia công nghiệp hóa hiện đại, thoát nguy cơ trở thành thuộc địa của phương Tây.
Dư luận cho rằng Hoa Kỳ – quốc gia mà Nhật Bản có quan hệ đồng minh về an ninh từ hàng chục năm qua – sẽ hoan nghênh bước đi này.
Tuy nhiên, Trung Quốc, nước hiện đang có tranh chấp lãnh thổ gay gắt với Nhật, lên tiếng phản đối thay đổi này, cáo buộc Nhật “tái quân sự hóa” trong thời ông Abe.
Phe bảo thủ tại Nhật vẫn cho rằng điều 9 của bản Hiến Pháp ngăn cản nước Nhật phòng vệ một cách hiệu quả trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường vũ trang và công khai tranh giành biển đảo với Nhật và các nước khác trong vùng.
Trong những năm qua, Nhật bản đứng trước sức ép lớn từ người láng giềng khổng lồ do việc bùng nổ tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông trong đó có việc Trung Quốc đơn phương thiết lập Khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) bao trùm cả quần đảo này hiện do Nhật kiểm soát.
Không những thế, Trung Quốc còn gia tăng gây hấn trên Biển Đông – vùng biển liên quan tới hàng hải của cả khu vực mà Nhật Bản cũng có phần lợi ích trong đó.
Không những thế, trong nhiều năm qua Trung Quốc liên tục tăng ngân sách quân sự ở mức hai con số làm đảo lộn cán cân quân sự khu vực, gây sức ép lớn đối với an ninh của Nhật Bản.
Các nhà phân tích cho rằng chính sách gây hấn phục vụ mục tiêu bành trướng của TQ đã là một nhân tố góp phần thúc đẩy Nhật Bản thay đổi chính sách quốc phòng của họ.
BDN