Saturday, December 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“TRỖI DẬY HÒA BÌNH” CỦA TRUNG QUỐC: LÝ THUYẾT VÀ THỰC TIỄN

“TRỖI DẬY HÒA BÌNH” CỦA TRUNG QUỐC: LÝ THUYẾT VÀ THỰC TIỄN

BienDong.Net: Thế kỉ XVIII, Châu Âu cho rằng Trung Hoa là nước văn minh nhất thế giới, thế kỷ sau họ gọi Trung Hoa là con sư tử ngủ, chính Napoléon cũng cho rằng “Khi Trung Hoa cựa mình thức dậy thì thế giới sẽ rung động”.

Khi ngủ thì họ ngủ cả ngàn năm mà khi thức dậy thì họ tiến rất mau, từ một nước quân chủ chuyên chế sang một nước XHCN. Chỉ sau gần 40 năm trỗi dậy, Trung Quốc đến nay đã trở thành quốc gia có tầm ảnh hưởng mang tính toàn cầu chỉ sau Mỹ một số phương diện. Lịch sử đã chứng minh, khi Trung Hoa ngủ thì “thiên hạ” được yên ổn và khi Trung Hoa thức dậy thì thiên hạ lo lắng.

Ngày nay, khi Trung Quốc trỗi dậy, các nước một mặt cảm thấy thán phục, nhưng mặt khác cảm thấy bất an. Và, để nhằm trấn an các nước, nhất là những quốc gia láng giềng Trung Quốc đã sử dụng thuật ngữ “trỗi dậy hòa bình” (Peaceful Rise), sau này họ chuyển thành “phát triển hòa bình” (Peaceful Development). Tuy nhiên, trên thực tế Trung Quốc đã chuyển từ “trỗi dậy hòa bình” hay “phát triển hòa bình” sang “cứng rắn”, và theo đó “thuyết đe dọa từ Trung Quốc” (China Threat Theory) ngày càng có chỗ đứng hiện nay.

Khái niệm “trỗi dậy hòa bình” đã được giới tham mưu của Trung Quốc sử dụng đến từ những năm 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, việc sử dụng chính thức thuật ngữ này lần đầu tiên trong Diễn đàn về Châu Á Bác Ngao (Boao Forum for Asia) năm 2003 do Phó Hiệu trưởng trường Đảng của Trung Quốc là ông Trịnh Tất Kiên (Zheng Bijian) đưa ra. Sau đó, nhân dịp lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh của của Mao Trạch Đông và tháng 12/2003, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã nhấn mạnh trung thành với con đường XHCN đặc sắc Trung Quốc là trung thành “con đường phát triển trỗi dậy hòa bình”. Từ đó trở đi, thuật ngữ này được Thủ tưởng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nhiều lần nhắc lại trong các Hội nghị ASEAN và các chuyến thăm Mỹ. Ông Ôn Gia Bảo đã cố biện hộ cho sự trỗi dậy của Trung Quốc và trấn an thế giới khi ông cho rằng, “con đường phát triển của Trung Quốc đã trải qua khác với các cường quốc lớn khác đã trải qua, và con đường phát triển của Trung Quốc là con đường trỗi dậy hòa bình”.[1] Sau đó, thuật ngữ “trỗi dậy hòa bình” được đổi thành “phát triển hòa bình” (Peaceful Development) khi nước này cho xuất bản sách trắng có tiêu đề “Sự phát triển hòa bình của Trung Quốc” vào năm 2006. Trong các bài phát biểu trong nước của mình, các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn thể hiện quan điểm nước này phấn đấu xây dựng một “xã hội hài hòa” (Harmonious World) tạo phúc cho người dân. Đồng thời, giới lãnh đạo Trung Quốc luôn cố thuyết phục và trấn an thế giới rằng, nước này không đi theo con đường “nước mạnh tất sẽ bá quyền”, hay “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” (might is right, and power is truth). Hơn nữa, thuật ngữ “giấu mình chời thời” (Hide your strength, Bide your time) mà ông Đặng Tiểu Bình đưa ra ngày càng xuất hiện ít trong giới lãnh đạo Trung Quốc, thậm chí trong giai đoạn hiện nay hầu như không được nhắc tới.

Trước đây, Trung Quốc còn tương đối yếu về kinh tế và quốc phòng, hiện nay trước sự suy yếu tương đối vị thế của Mỹ và Châu Âu, Trung Quốc một mặt đưa ra những lời lẽ ngoại giao nhằm “ru ngủ” cộng đồng tế, nhất là những quốc gia quan hệ “đồng minh” với Bắc Kinh, và Trung Quốc thực hiện chính sách “ngoại giao kinh tế” hay “ngoại giao tiền bạc”; và Trung Quốc nỗ lực gia tăng phát triển mô hình “Đồng thuận Bắc Kinh”, hay “Mô hình Trung Quốc” (Beijing Consensus) lôi kéo nhiều quốc gia về phía mình chẳng hạn như ở khu vực Trung Quốc gia sức phổ biến mô hình “đồng thuận Bắc Kinh” đối với các nước như Campuchia, Lào, trước đây là Myanamr, v.v. Nhằm cạnh tranh với “Đồng thuận Washington” (Washington Consensus). Đặc biệt trong bối cảnh thế giới bị tác động bởi khủng hoảng kinh tế, nhất là Mỹ và phương Tây vốn được coi là trung tâm kinh tế của toàn cầu thế kỷ XIX và XX thì nay đang phải vật lộn với những thách thức kinh tế và xã hội, trong khi đó bất chấp cơn bão khủng hoảng tài chính quét qua, kinh tế Trung Quốc vẫn trụ vững và vẫn tiếp tục tăng trưởng ở con số cao, và là niềm mơ ước của nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, trong bài phát biểu kỷ niệm 50 năm kỷ niệm thành lập Hiệp hội Hữu nghị Đối ngoại nhân dân Trung Quốc (CPAFFC), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, “nhân dân Trung Quốc sẽ không tiếp nhận logic ‘nước mạnh tất sẽ bá quyền, muốn chung sống hòa bình, phát triển hài hòa, cùng tìm kiếm hòa bình, cùng bảo vệ hòa bình, cùng hưởng hòa bình”.[2] Và, “Trung Quốc sẽ kiên trì đi theo con đường phát triển hòa bình, đồng thời cũng sẽ thúc đẩy các nước cùng kiên trì phát triển hòa bình. […] Trung Quốc sẽ tiếp tục thông qua bình đẳng hiệp thương xử lý các mâu thuẫn và tranh chấp; kiên trì đối thoại giải quyết bất đồng với thành ý và sự nhẫn nại lớn nhất”.[3]

Tuy nhiên, trong cùng một ngày, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc Thượng tướng Phong Phong Huy trong bài phát biểu tại Washington DC ngày 15/5/2014, liên quan đến vấn đề Biển Đông và Biển Hoa Đông ông ta lại nhấn mạnh rằng, “chúng tôi không gây chuyện, nhưng chúng tôi không sợ bị gây chuyện, chúng tôi kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.[4] Và, “đất đai của tổ tiên để lại một tấc cũng không bỏ”.[5] Theo như Michael Forsythe đã đánh giá trên tờ New York Times bài viết nhan đề “một ngày, một Trung Quốc, thấy hai chính sách ngoại giao” (One Day, One China, 2 Foreign Policy Views) rằng, đây là một cam kết rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục hoạt động thăm dò dầu mỏ ở Biển Đông, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ ở Việt Nam. Quan điểm ngoại giao của Phòng Phong Huy khác hẳn với Tập Cận Bình.[6] Biểu hiện bề ngoài, ông Tập Cận Bình phát biểu trong một cuộc họp kỷ niệm “hữu nghị với nước ngoài”, dĩ nhiên ông sẽ nhấn mạnh đến ý muốn hòa bình của Trung Quốc. Trong khi đó, tướng Phòng Phong Huy, với tư cách là một nhà đãnh đạo quân sự của Trung Quốc đang đứng ở nước ngoài, có trách nhiệm bảo vệ các chính sách của Trung Quốc trong khi đối mặt trực tiếp với các câu hỏi từ phóng viên. Những bối cảnh khác nhau đó rõ ràng đã tạo ra những sự nhấn mạnh khác nhau về chính sách.

Sẽ là sai lầm khi kết luận đó là hai chính sách ngoại giao khác nhau. Trên thực tế, tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Tham mưu trưởng Quân đội giải phóng Nhân dân Trung Hoa Phòng Phong Huy chỉ là hai mặt của cùng một đồng tiền: Sự trỗi dậy của Trung Quốc là hòa bình, nhưng Trung Quốc sẽ không ngần ngại sử dụng bất kỳ phương thức cần thiết nào để bảo vệ chính mình.[7] Trong các tuyên bố chính thức của Trung Quốc, chúng ta dễ dàng nhận ra mâu thuẫn giữa tuyên bố về “trỗi dậy hòa bình” hay “phát triển hòa bình” với các hành động manh tính khiêu khích của Trung Quốc ở cả Biển Hoa Đông và Biển Đông. Tất cả các tranh chấp ở cả vùng biển phía Đông và phía Nam được Trung Quốc miêu tả bằng ống kính là: tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là không thể phủ nhận và tuyệt đối, và các nước khác là nguyên nhân tạo ra rắc rối bằng việc cố xâm phạm vào lãnh thổ của Trung Quốc.[8]

Những động thái ngày càng tỏ ra cứng rắn của Trung Quốc trong mấy năm gần đây cũng phản ánh sự thay đổi trong chiến lược ngoại giao của nước này, hay nói theo một cách khác, bản chất chiến lược đối ngoại của Trung Quốc giống như đồng tiền có hai mặt, một mặt được giới chính trị và ngoại giao nước này miêu tả bằng cụm từ “phát triển hòa bình”, và mặt kia được giới quân sự và được thể hiện trên thực tế bằng cụm từ cứng rắn là “quyết bảo vệ chủ quyền bằng mọi cách”. Trung Quốc đã bắn hàng loạt súng đi tất cả các hướng, khẳng định chủ quyền và quyền lực đối với Biển Đông, Biển Hoa Đông, Hoảng Hải, và xa tận châu Nam Cực. Theo như đánh giá của Ngụy Văn Lương, người đứng đầu chương trình Châu Nam Cực của Trung Quốc cho rằng, với sự gia tăng của nghiên cứu khoa học và năng lực hàng hải của Trung Quốc, thì đây là lúc chuẩn bị để “gánh trách nhiệm” về việc quản lý khu vực này.[9] Để hiểu hơn với sự biểu hiện vẻ “hiếu chiến” được bọc ngoài bởi màn che “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc trong mấy năm gần đây, chúng ta có thể xem xét từ những khía cạnh sau:

Thứ nhất, sự “hưng thịnh” hay nói cách khác là trỗi dậy của Trung Quốc song hành với nó là sự “bành trướng” dường như là một quy luật vận động của lịch sử phát triển của Trung Hoa trải qua các triều đại đến nay và cho cả tương lai. Rõ ràng, sự phát triển về mặt kinh tế và sự lớn mạnh về mặt quốc phòng của nước này khiến Trung Quốc muốn thay đổi quan điểm ngoại giao, nhất việc ông Tập Cận Bình thực hiện “giấc mộng Trung Hoa” được hiện thực hóa bằng đại chiến lược “con đường tơ lụa mới thế kỷ 21”, nhằm phục vụ cho mục tiêu khống chế Châu Á, và thúc đẩy Trung Hoa trở thành cường quốc toàn cầu. Chỉ trong vòng hơn 30 năm cải cách mở cửa, kinh tế Trung Quốc đã đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc. Trung Quốc là nến kinh tế lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ) với GDP hơn 10.000 tỷ USD của nước này chỉ xếp sau GDP trị giá 17.000 tỷ USD của Mỹ. Trung Quốc cũng là nước xuất khẩu lớn nhất, thay thế Đức trong vai trò này vài năm trước. Trung Quốc đứng đầu ở Châu Á – TBD (và cả trên thế giới) về dự trữ ngoại hối với gần 3.800 tỷ USD vào năm 2013. Trung Quốc cũng là nhà nhập khẩu tài nguyên lớn nhất ở Châu Á – TBD thế chỗ cho Nhật Bản trong thời gian gần đây. Nước này đã nhập khẩu hơn 300 triệu tấn dầu mỏ trong năm 2013 mà phần lớn bắt nguồn từ Tây Á và Châu Phi và đi qua eo biển Malacca. Điều này cho thấy sự phụ thuộc ngày càng tăng của Trung Quốc vào các vùng biển này để kích thích tốc độ tăng trưởng kinh tế đang phát triển mạnh mẽ của nước này. Phản ứng của Trung Quốc trong lĩnh vực này cũng có thể định đoạt bối cảnh an ninh Châu Á – TBD trong tương lai. Những điểm trên cho thấy rằng Trung Quốc rõ ràng là một trong những tiếng nói quyết định ở Châu Á – TBD.[10] Rõ ràng là Trung Quốc đang thấy mình dẫn trở thành trung tâm của kinh tế thế giới, thậm chí theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì Trung Quốc sẽ đuổi kịp Mỹ vào năm 2019, thậm chí có giả thuyết đưa ra là vào năm 2018.[11]

Bên cạnh đó, sự trỗi dậy mạnh mẽ về mặt quốc phòng trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ngày càng gia tăng càng khiến cho các nước, nhất là các nước láng giềng cảm thấy lo ngại. Ngân sách quốc phòng không ngừng gia tăng qua các năm. Hiện nay, Trung Quốc cũng chỉ xếp sau Mỹ về phân bổ ngân sách quốc phòng, và năm 2014, Trung Quốc đã tuyên bố rằng nước này sẽ chi một khoản theo ước tính chính thức trị giá 132 tỷ USD. Trung Quốc có lực lượng vũ trang thường trực lớn nhất Châu Á – TBD với các hệ thống vũ khí hạt nhân chiến lược và tên lửa đạn đạo được tính có thể nhắm tới bất kỳ quốc gia Châu Á – TBD nào.

Thứ hai, Mỹ thực hiện chiến lược “xoay trục” sang Châu Á đang đe dọa môi trường an ninh xung quanh của Trung Quốc, và ủng hộ các quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc cạnh tranh nhau “không gian sinh tồn” ở khu vực, khiến cho Trung Quốc tỏ ra cứng rắn hơn. Đây là một sự phản ứng mang tính “tự nhiên” bởi bản thân người Trung Quốc cho rằng mình đã mạnh lên và cần phải giành lấy những gì thuộc về một cường quốc như Trung Quốc. Theo như John J. Mearsheimer dự đoán từ 10 năm về trước (2004), Trung Quốc sẽ không trỗi dậy hòa bình, và câu trả lời rất rõ ràng là nếu Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng kinh tế thần kỳ trong mấy thập niên tới, Mỹ và Trung Quốc có khả năng sẽ cạnh tranh an ninh mạnh mẽ ẩn chứa đầy nguy cơ chiến tranh. Hầu như các quốc gia láng giềng của của Trung Quốc, bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Nga, và Việt Nam sẽ tham gia với Mỹ trong việc kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc.[12] Và theo lý thuyết về chính trị quốc tế của John J. Mearsheimer thì những quốc gia lớn mạnh nhất bao giờ cũng có ý đồ thiết lập sự bá quyền trong khu vực của họ trên thế giới mà không muốn đối thủ lớn khác cạnh tranh. Do vậy, Trung Quốc dường như muốn kiểm soát Châu Á giống như cách mà Mỹ kiểm soát Tây Âu. Đặc biệt là, Trung Quốc sẽ tìm cách làm gia tăng khoảng cách lớn nhất giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, nhất là với Nhật Bản và Nga. Trung Quốc muốn đảm bảo rằng họ là cường quốc mà không quốc gia nào ở Châu Á có thể đe dọa được họ.[13] Đương nhiên, Mỹ sẽ không chấp nhận một đối thủ cạnh tranh đồng đẳng, bởi từ trong lịch sử đã chứng minh, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ thường phải tìm cách ứng phó như thế nào nếu như Trung Quốc có ý đồ khống chế Châu Á.

Giới lãnh đạo Mỹ cảm thấy thực sự lo lắng trước nguy cơ từ phía Trung Quốc khiến cho Washington thúc đẩy chiến lược “xoay trục” hay “tái cân bằng” nhằm gia tăng kiềm chế Trung Quốc, nhưng xem ra Trung Quốc có vẻ như “nắm gân” thành công Mỹ và tiếp tục có những thái độ hiếu chiến và ẩn ý bá quyền qua một loạt các hành động có tính khiêu khích cao. Trong bối cảnh đó, Washington tiếp tục cho thế giới thấy được tiếng lách cách của vũ khí ở khu vực Châu Á nhưng nước này dĩ nhiên rất quyết tâm không để bị lôi vào một hành động khiêu khích có thể buộc Mỹ phải tiến hành chiến tranh chống Trung Quốc. Về phía Trung Quốc, nước này một phần vì lý do uy tín trong nước, bày tỏ ý muốn bá quyền của mình ở các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông một cách rất hung hãn và quá trớn, tính toán rằng đến lúc này mình đã có ảnh hưởng ở trong vùng và về lâu dài sẽ không phải gánh chịu hậu quả từ những khinh suất của mình trong vấn đề lãnh thổ.[14]

Và, giàn khoan HD – 981 trị giá 1 tỷ USD của nước này cắm ở Biển Đông trong vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Việt Nam được coi là đã khoan một lỗ hổng lớn trong “chiến lược xoay trục” của Washington, trong chừng mực nó phá hoại uy tín của Washington với tư cách là chiếc neo an ninh hoăc người đảm bảo an ninh khu vực. Về bản chất, điều này nhằm nhạo báng đối với sự đảm bảo an ninh của ông Obama đối với các quốc gia trong khu vực nhằm đối phó với chiến lược cưỡng ép của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng. Bắc Kinh tính toán rằng, nước Mỹ hùng mạnh cũng như các quốc gia láng giềng nhỏ yếu của Trung Quốc sẽ không đáp trả bằng vũ lực để chống lại những nỗ lực gia tăng đối với việc biến Biển Đông thành “cái ao của Trung Quốc”.[15]

Tuy nhiên, những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Trung Quốc với các quốc láng giềng, trong đó có vấn đề Biển Đông, và “hội chứng quốc gia trung tâm” (Middle Kingdom syndrome) khiến cho Bắc Kinh bất lợi và để lại lợi thế cho Mỹ.

Thứ ba, mặc dù ngay từ khi giới lãnh đạo Trung Quốc đưa ra thuật ngữ “trỗi dậy hòa bình” thì cũng không ai coi đó là một sự trỗi dậy trong hòa bình mà không đe dọa đến nước khác theo đúng nghĩa đen của cụm từ này. Giới chuyên gia và các nhà chính trị thế giới đều hiểu rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc tất sẽ kèm theo đó là sự “bành trướng” về mặt “không gian sinh tồn”. Nhưng, tại sao trong những năm gần đây Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng hơn trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ liên quan đến Biển Đông và Biển Hoa Đông? đó việc Trung Quốc cho rằng đây là thời cơ để nước này giành giật được ưu thế trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ nhưng sẽ không gặp phải sự “trừng phạt” nào. Trung Quốc cũng hiểu rằng mình yếu về lý lẽ pháp lý trong các vấn đề tranh chấp biển đảo. Tuy nhiên có sự bào chữa yếu nhưng hợp lý còn tốt hơn không có sự bào chữa nào, đặc biệt là quan điểm đó được chống lưng bởi các thế lực mạnh trong nước và sẵn sàng sử dụng quan điểm này. Đồng thời, Trung Quốc cũng thừa hiểu sự mâu thuẫn giữa “đường chín khúc” của nước này với Công ước quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, nên họ đầu tư khá nhiều vào việc nghiên cứu về chứng cứ pháp lý nhằm minh chứng cho “quyền vùng nước lịch sử”.[16] Cho nên, nếu tiếp tục để cho các nước xung quanh sử dụng biện pháp pháp lý giải quyết các tranh chấp thì không hề có lợi cho Trung Quốc. Bởi vậy, Bắc Kinh gia tăng các hành động thực tế nhằm thay đổi hiện trạng nhằm kiểm soát các vùng biển trước khi có bất kỳ một phán quyền của tòa án quốc tế nào.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã quan sát rất kỹ đối với các sự kiện như ở Syria, và Ukraine và Bắc Kinh nhận thấy rằng, chính quyền ông Obama dường như không muốn Mỹ dính líu vào các cuộc xung đột quân sự. Và, theo như Bắc Kinh thì Mỹ sẽ càng không muốn can thiệp quân sự ở khu vực Đông Á nếu có xung đột xảy ra. Theo đánh giá của Hugh White, tác giả cuốn sách mới mang tựa đề Sự lựa chọn của Trung Quốc: Tại sao Mỹ nên chia sẻ quyền lực? (The China Choice: Why America Should Share Power) cho rằng, sự lưỡng lự trong chính sách của Mỹ ở Ukraine như một sự ám chỉ cho Trung Quốc khuếch đại những nỗ lực của họ ở Biển Đông.[17] Điều này càng khiến cho giới lãnh đạo Trung Quốc “tự tin” hơn trong các hành động cứng rắn với các nước láng giềng có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với mình. Mặt khác, Bắc Kinh cũng nhận thấy rằng, tương quan lực lượng giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng tương đối lớn, trong khi đó ở khu vực chưa có cơ chế kiểm soát an ninh nào đáng kể.

Lý giải về các hành động đơn phương gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là vụ giàn khoan Hải Dương – 981, học giả Yun Sun, thuộc Trung tâm Stimson giải thích thì, hành động nhằm cải thiện vị thế của Trung Quốc trong cuộc chơi và trong các cuộc đàm phán tương lai. Trung Quốc thích sử dụng lợi dụng lực lượng dân sự và bán quân sự để tiếp cận [các vùng biển –TG] nhưng cũng không từ chối sử dụng quân sự để cưỡng chế nếu cần thiết. [18] Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, ông Thường Vạn Toàn nói với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel trong tháng 4/2014 rằng, liên quan đến vấn đề mà Trung Quốc gọi là “chủ quyền lãnh thổ” thì Bắc Kinh sẽ “không thỏa hiệp, không nhượng bộ, không thương lượng”. Ông cho biết thêm, “quân đội Trung Quốc có thể tập hợp ngay sau khi có lệnh, chống lại bất kỳ cuộc chiến tranh nào và giành chiến thắng”.[19] Trung Quốc thật sự kinh ngạc trước thách thức và xấc xược của các nước láng giềng nhỏ và yếu hơn.[20] Điều này càng kích “phái diều hâu” trong giới lãnh đạo Trung Quốc có những hành động hiếu chiến hơn với láng giềng hiện nay.

Tóm lại, cụm từ “trỗi dậy hòa bình” với nội hàm dường như không giống với tên gọi của nó, và sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc không phải là một tín hiệu vui mà trong đó ẩn chứa nhiều rủi ro đối với chính trị an ninh khu vực. Mối đe dọa về nguy cơ xung đột vũ trang từ Trung Quốc luôn thường trực, chẳng hạn như việc Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng dùng vũ lực đối với Đài Loan, và cũng bao gồm cả với khu vực Biển Hoa Đông và Biển Đông. Các hành động của Trung Quốc gia tăng khiêu khích ở Biển Hoa Đông và Biển Đông không có gì lạ so với mấy chục năm “trỗi dậy hòa bình” của quốc gia này, bởi Trung Quốc là quốc gia luôn có sự mâu thuẫn giữa lời nói và hành động thực tế. Tuy nhiên, trong cách suy nghĩ của Trung Quốc thì không có sự mâu thuẫn giữa khuynh hướng hòa bình của Bắc Kinh và một sự phòng vệ mạnh mẽ đối với lãnh thổ của mình./.

BDN



[1] Guo Wanchao (2004), “The Rise of China: Developmental Path of an Oriental Nation”, Jiangxi People’s Publishing House, Nanchang.

[9] Sushil Seth, “China’s Middle Kingdom syndrome”, http://www.taipeitimes.com/News/editorials/archives/2010/10/15/2003485394 ngày 15/10/2010

[10] Srikanth Kondapalli, “The Paradox of China in the Asia-­Pacific Theatre”, Griffith Asia Quarterly, Vol 2, No 1 (2014), https://www104.griffith.edu.au/index.php/gaq/article/view/494/444

[12] Mearsheimer, John J., 2004. Why China’s Rise Will Not Be Peaceful. September 2004. http://mearsheimer.uchicago.edu/pdfs/A0034b.pdf 18/6/2014

[13] Mearsheimer, John J., 2004. Why China’s Rise Will Not Be Peaceful. September 2004. http://mearsheimer.uchicago.edu/pdfs/A0034b.pdf 18/6/2014

[14] TTXVN – Tài liệu tham khảo đặc biệt, số 144, ngày 9/6/2014, tr.9

[16] “China’s New Calculations in the South China Sea” by Yun Sun, Asia Pacific Bulletin, Number 267, June 10, 2014, East-West Center.

http://www.eastwestcenter.org/sites/default/files/private/apb_267_0.pdf

[18] “China’s New Calculations in the South China Sea” by Yun Sun, Asia Pacific Bulletin, Number 267, June 10, 2014, East-West Center.

http://www.eastwestcenter.org/sites/default/files/private/apb_267_0.pdf

RELATED ARTICLES

Tin mới