Saturday, December 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVÌ SAO TRUNG QUỐC RÚT GIÀN KHOAN HẢI DƯƠNG 981?

VÌ SAO TRUNG QUỐC RÚT GIÀN KHOAN HẢI DƯƠNG 981?

BienDong.Net: Từ đêm ngày 15/7/2014, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã dịch chuyển về hướng Bắc sau 75 ngày hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Theo Tân Hoa xã đưa tin giàn khoan Hải Dương 981 sẽ được đưa về khu vực Dự án Lăng Thủy, nằm không xa đảo Hải Nam của Trung Quốc.

Như vậy, giàn khoan Hải Dương 981 đã rút về trước 1 tháng so với kế hoạch ban đầu mà Trung Quốc đã thông báo là 15/8/2014.

Trong mấy ngày qua, các nhà phân tích đã đưa ra nhiều ý kiến xung quanh việc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và cho rằng giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc rút rồi có thể lại quay trở lại, thậm chí Trung Quốc sẽ tiếp tục đưa nhiều giàn khoan khác xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam và các nước khác ven Biển Đông bởi lẽ mục tiêu thực hiện yêu sách “đường lưỡi bò” khống chế, độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là không thay đổi.

Mặc dù, truyền thông Trung Quốc đều nói rằng “giàn khoan Hải Dương 981 đã kết thúc nhiệm vụ thuận lợi theo kế hoạch” nhưng dư luận đều cho rằng việc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 sớm trước kế hoạch là do sức ép của dư luận quốc tế, nhất là sức ép từ Mỹ.

Có thể thấy rằng trong 2 tháng rưỡi, Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối và lên án mạnh mẽ của cả cộng đồng quốc tế từ các nước và các tổ chức quốc tế. Liên hợp quốc, ASEAN, EU và các nước G7 đều công khai bày tỏ lo ngại trước hành động gây hấn của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Hành vi ngang ngược này của Trung Quốc đã làm rạn nứt quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc thể hiện rõ nhất qua việc Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN lần đầu tiên sau 20 năm kể từ 1995 đã ra Tuyên bố riêng về tình hình Biển Đông và nội dung Biển Đông được đưa khá đậm vào Tuyên bố của Hội nghị cấp cao ASEAN tại Myanmar tháng 5/2014. Chính hành vi bất chấp luật pháp quốc tế này của Trung Quốc đã làm cho các nước ASEAN trở nên đoàn kết hơn trên vấn đề Biển Đông bởi các nước đều nhận thức được rằng sự lớn mạnh của Trung Quốc đang là mối đe dọa và là thách thức lớn nhất đối với hòa bình, ổn định khu vực. Trong con mắt của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc không phải là quốc gia muốn xây dựng “mối quan hệ láng giềng hữu nghị” với các nước xung quanh như họ vẫn rêu rao lâu nay mà Trung Quốc là kẻ hiếu chiến, bành trướng, bá quyền. Đây là một trong những nguyên nhân mà Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương 981 sớm trước kế hoạch 1 tháng để tránh bị chỉ trích tại các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN vào tháng 8 tới, bao gồm Diễn đàn An ninh khu vực ARF. Ông Carl Thayer, chuyên gia của Học viện quốc phòng Úc nhận định rằng “Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 trước Diễn đàn An ninh khu vực ARF nhằm chuyển dịch trọng tâm của Diễn đàn này”. Từ năm 2010 đến nay, vấn đề Biển Đông luôn là một nội dung quan trọng của Diễn đàn ARF và thường có khoảng 2/3 số nước tham gia Diễn đàn phát biểu về vấn đề Biển Đông. Trước những hành động ngày càng leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông, chắc chắn Biển Đông sẽ là một đề tài được nhiều nước quan tâm tại Diễn đàn lần này. Trung Quốc rút giàn khoan để tránh bị chỉ trích trực diện.

Theo các nhà phân tích, một nguyên nhân quan trọng mà Trung Quốc phải rút sớm giàn khoan Hải Dương 981 là do sức ép từ Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc rút giàn khoan ngay sau Đối thoại Chiến lược – Kinh tế Mỹ – Trung và sau khi Thượng viện Mỹ thông qua Nghị quyết 412 yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Đặc biệt là, việc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 được thực hiện ngay sau cuộc trao đổi điện đàm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Theo một số nguồn tin thì trong cuộc điện đàm này và tại Đối thoại Chiến lược – Kinh tế Mỹ – Trung, phía Mỹ đã đề cập một cách trực diện, thẳng thắn đến hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 cũng như sự hung hăng của các tàu hộ tống của Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc phải hành xử phù hợp với luật pháp quốc tế, không áp đặt và đe dọa các nước láng giềng. Mỹ là nước có phản ứng nhanh và mạnh mẽ nhất trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Trung Quốc đã bị Mỹ, Nhật chỉ trích mạnh mẽ tại Diễn đàn đối thoại ShangriLa nên Trung Quốc không muốn trở thành đối tượng công kích của Mỹ, Nhật và tự làm xấu thêm hình ảnh của họ trong con mắt của Cộng đồng quốc tế.

Ngay các ý kiến của nhiều học giả Trung Quốc cũng phải thừa nhận rằng việc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 trước thời hạn theo kế hoạch là do sức ép của Trung Quốc. Nhiều ý kiến trong nội bộ Trung Quốc cho rằng Trung Quốc sợ Mỹ; giới quân sự không hài lòng trước việc “phải nghe theo mệnh lệnh của Mỹ” để rút giàn khoan.

Một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đã không dự báo được sự phản ứng quyết liệt từ Việt Nam. Sự đấu tranh kiên quyết, bền bỉ của Việt Nam trên mặt trận ngoại giao, tuyên truyền dư luận và cả trên thực địa đã làm cho Trung Quốc bị bất ngờ. Thái độ của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế trước việc làm sai trái này của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến việc triển khai ngoại giao láng giềng và ngoại giao nước lớn của Trung Quốc. Do vậy, Trung Quốc đã phải rút giàn khoan Hải Dương 981 trước thời điểm công bố 1 tháng. Mặt khác, Trung Quốc rút sớm giàn khoan còn là một “chiêu độc” để ru ngủ Hà Nội, để ngăn Hà Nội áp dụng biện pháp đấu tranh pháp lý. Hà Nội cần phải tỉnh táo trước cách làm này của Trung Quốc bởi pháp lý là vũ khí tốt nhất đấu tranh với các hành động xâm lấn của những kẻ bành trướng ở Bắc Kinh.

Cho dù Bắc Kinh có giải thích thế nào về sự việc rút sớm giàn khoan Hải Dương 981 (Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng việc Trung Quốc rút giàn khoan “hoàn toàn không phải do yếu tố từ bên ngoài”) thì cũng không thể phủ nhận được nguyên nhân phải rút giàn khoan là do Trung Quốc đang đứng trước sức ép lớn nhiều mặt từ bên ngoài. Các chuyên gia về dầu khí cho rằng Trung Quốc không thể hoàn thành được kế hoạch mà họ đã đề ra sớm hơn 1 tháng bởi lẽ việc khoan thăm dò dầu khí có những quy trình nhất định khó có thể rút ngắn được đến 1/3 thời gian như dự tính. Hơn thế nữa, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc còn vấp phải sự đấu tranh quyết liệt của phía Việt Nam. Việc Người phát ngôn cũng như truyền thông Trung Quốc nói rằng giàn khoan Hải Dương 981 đã “kết thúc nhiệm vụ thuận lợi theo kế hoạch” chỉ là sự ngụy biện để “rửa mặt” cho Trung Quốc.

Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 có thể làm cho tình hình Biển Đông tạm thời lắng dịu, song mục tiêu lâu dài khống chế Biển Đông theo “đường lưỡi bò” của Trung Quốc chưa hề thay đổi. Với việc thi hành chính sách trên biển ngày càng cứng rắn với các nước láng giềng của những người cầm quyền ở Bắc Kinh, chắc chắn Trung Quốc sẽ tiếp tục có những bước đi và hành động leo thang mới, gây căng thẳng ở Biển Đông trong thời gian tới.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới