BienDong.Net: Cố chấp và cố tình trì hoãn là nhận định của dư luận thế giới về thái độ của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông sau khi kết thúc Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 21 (ARF 21), diễn ra ở Myanmar vào cuối tuần qua.
BDN xin giới thiệu bài viết về vấn đề này do báo quốc nội SGGP thực hiện.Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc gặp bên lề ARF 21.
Đem COC ra làm “con tin”
Trong bài viết “Trung Quốc cản trở nỗ lực giảm căng thẳng trên Biển Đông của Mỹ” đăng trên hãng tin Bloomberg số ra ngày 11 – 8, nhà báo Kyaw Thu và Sangwon Yoon nhận định, sự cố chấp của Trung Quốc lại một lần nữa được thể hiện trong ARF 21 khi cố tình phớt lờ yêu cầu “đóng băng” mọi hành động khiêu khích trên Biển Đông cũng như kế hoạch của Philippines nhằm làm giảm thiểu căng thẳng trên vùng biển chiến lược này. Bài viết dẫn lời ông Richard Bitzinge, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện nghiên cứu quốc tế Rajaratnam ở Singapore, cho rằng: “Trung Quốc không có dự tính phải rời khỏi Biển Đông vì họ cho rằng nó vẫn còn giá trị. Những lập luận gây tranh cãi của Trung Quốc đang cho thấy rõ điều đó”.
Mặc dù trong thời gian gần đây Trung Quốc đã có những hành động ngang ngược trên Biển Đông, thách thức các quốc gia láng giềng như Việt Nam và Philippines, song Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vẫn khăng khăng cho rằng việc các nước nói về căng thẳng gia tăng trên Biển Đông là “phóng đại”. Theo Reuters, tuyên bố này đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ không ngừng các hoạt động đào đắp, xây dựng, cải tạo các hòn đảo đã chiếm giữ trái phép trên Biển Đông trong nỗ lực thay đổi hiện trạng trên vùng biển này, và Bắc Kinh đang đem Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) ra làm “con tin” để gây sức ép với các quốc gia trong khu vực. Các quốc gia ASEAN và Trung Quốc đã đàm phán COC từ rất lâu, song với sự cố tình trì hoãn của Bắc Kinh, đến nay COC vẫn chưa thể là một văn kiện pháp lý mang tính ràng buộc đối với các quốc gia trên Biển Đông.
Dự kiến, an ninh hàng hải trên biển (Biển Đông và biển Hoa Đông) sẽ là một trong những nội dung được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh cấp cao Đông Á diễn ra tại thành phố Naypyidaw của Myanmar vào ngày 13 tháng 11 tới. Hội nghị thượng đỉnh Đông Á quy tụ 18 quốc gia, trong đó có 10 nước ASEAN và các đối tác đối thoại gồm Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia và New Zealand.
Mỹ tăng cường theo dõi Biển Đông
Những tuyên bố trước thềm diễn ra ARF 21 từ phía Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy nước này đang nỗ lực giảm căng thẳng trên Biển Đông nhằm hỗ trợ đồng minh Philippines, nhưng nỗ lực này đã bị phía Trung Quốc bác bỏ. Hãng tin AFP cho rằng cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc là Vương Nghị bên lề hội nghị đã không mang lại kết quả như mong muốn.
Theo hãng tin Reuters, sau khi rời Myanmar, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ theo dõi sát mọi hoạt động trên Biển Đông để xem liệu các bên có thực hiện các bước nhằm giảm căng thẳng hay không. Sau khi rời Myanmar, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng Bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel đã đến Sydney, thảo luận việc tăng khả năng phòng thủ và hợp tác an ninh mạng với Chính phủ Australia. Wall Street Journal đưa tin, Mỹ đang xem xét tăng cường số chiến đấu cơ và oanh tạc cơ đến Darwin, nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng với các đồng minh của Mỹ.
Hiện ở Australia có khoảng 1.150 lính thủy đánh bộ Mỹ trú cùng một số nhân viên quân sự theo thỏa thuận năm 2011. Dự kiến Mỹ sẽ tăng số quân này lên 2.500 lính từ năm 2017. Australia xem việc Mỹ ngày càng hiện diện quân sự tại Thái Bình Dương là một sự hỗ trợ cần thiết cho lực lượng quân sự của Australia, trong bối cảnh bất ổn ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
|
BDN