BienDong.Net: Sau vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam, nhiều nhà phân tích quốc tế đã đánh giá cái được, cái mất trong vụ việc này.
Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng Trung Quốc đã mất nhiều hơn được, thậm chí có ý kiến còn cho rằng Trung Quốc đã “thua lỗ” trong vụ việc này.Trong bối cảnh nội bộ Trung Quốc gặp nhiều vấn đề cả về mặt phát triển kinh tế lẫn trong vấn đề trật tự xã hội khi liên tiếp xảy ra các vụ khủng bố do người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương gây ra và các cuộc đấu tranh quyền lực nội bộ qua vụ án Chu Vĩnh Khang, Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động ở Biển Đông bằng việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam nhằm “xì hơi” những khó khăn trong nội bộ ra ngoài. Song Trung Quốc đã không đạt được mục tiêu của họ. Nội bộ Trung Quốc lại xuất hiện nhiều hơn các vụ khủng bố của người Duy Ngô Nhĩ sau vụ việc giàn khoan Hải Dương 981.
Trung Quốc đã không lường trước được sự phản ứng quyết liệt của Hà Nội cũng như của cộng đồng quốc tế trước hành động gây hấn này. Trong 2 tháng rưỡi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của Việt Nam và nhận phải sự chỉ trích mạnh nhất của cộng đồng quốc tế từ nhiều năm trở lại đây. Trước sức ép của dư luận quốc tế, Trung Quốc đã buộc phải rút giàn khoan Hải Dương 981 sớm hơn kế hoạch đề ra là 1 tháng. Mục tiêu mà Trung Quốc đề ra là thông qua hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 để hợp pháp hóa cái gọi là “Tây Sa (Hoàng Sa) là của Trung Quốc, không có tranh chấp” đã không đạt được. Không những Trung Quốc không thể khẳng định được “chủ quyền” đối với Hoàng Sa mà ngược lại vấn đề Hoàng Sa đã được quốc tế hóa ở mức cao hơn. Phản ứng trước hành động của Trung Quốc, Mỹ đã lần đầu tiên tuyên bố công khai quan điểm “Hoàng Sa là khu vực tranh chấp” và kêu gọi Trung Quốc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Không những thế, vấn đề Hoàng Sa còn được cả Việt Nam và Trung Quốc đưa ra các lập luận bảo vệ chủ quyền của mình gửi lên Liên hợp quốc. Chính điều này đã bác bỏ quan điểm của Trung Quốc về cái gọi là “Tây Sa (Hoàng Sa) không có tranh chấp” vì bản thân việc mỗi bên Việt Nam và Trung Quốc đưa ra các quan điểm khác nhau về vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa đã tạo ra tranh chấp.
Hành động Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam đã đẩy Hà Nội thắt chặt hơn quan hệ mọi mặt, kể cả quan hệ quân sự và quan hệ về các vấn đề trên biển với Mỹ, Nhật. Mỹ cũng tranh thủ cơ hội này để can dự sâu thêm vào vấn đề Biển Đông, ngăn chặn kiềm chế Trung Quốc để triển khai chính sách “tái cân bằng chiến lược ở Châu Á – Thái Bình Dương”. Những phát biểu mạnh mẽ của Chính quyền và Quốc hội Mỹ trong thời gian qua là một minh chứng rõ ràng về điều này. Đặc biệt, Mỹ đã chủ động tấn công tại Hội nghị ARF lần thứ 21 ở Myanmar hôm 10/8/2014 bằng việc đưa ra đề xuất “đóng băng” mọi hành động gây căng thẳng ở Biển Đông nhằm vào việc ngăn chặn các hành động xâm lấn mới của Trung Quốc. Đề xuất này của Mỹ nhận được sự phản hồi tích cực không chỉ từ các nước ASEAN mà cả các nước khác ngoài khu vực như Nhật Bản, EU vì đã góp phần duy trì hòa bình ổn định, bảo đảm tự do và an ninh an toàn hàng hải, phù hợp với lợi ích của các nước này. Các nhà phân tích cho rằng chính hành động hung hăng của Trung Quốc đã tạo cớ để Mỹ triển khai chính sách kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông.
Hành động cứng rắn trên biển của Trung Quốc cũng đã “châm ngòi” cho Nhật Bản quyết định giải thích lại điều 9 Hiến pháp của Nhật, theo đó cho phép tham gia nhiều hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và các hành động an ninh tập thể khác nhằm bảo vệ không chỉ Nhật mà cả các đồng minh của Nhật khi bị tấn công quân sự; thậm chí cho phép sử dụng vũ lực dựa trên giải thích quy định của Hiến chương Liên hợp quốc về quyền tự vệ tập thể nhằm mục đích bảo vệ sự tồn vong của quốc gia và bảo vệ thường dân Nhật. Việc làm này của Nhật rõ ràng là nhằm vào Trung Quốc. Việc giải thích điều 9 Hiến pháp của Nhật tạo điều kiện cho Nhật thắt chặt hơn quan hệ đồng minh với Mỹ trong việc ngăn chặn kiềm chế Trung Quốc.
Hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cái gọi là “chính sách phát triển quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng của Trung Quốc. Các nước ven Biển Đông lo ngại rằng sau hành động gây hấn với Việt Nam chắc là sẽ đến lượt họ bởi ý đồ thôn tính, độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là không thay đổi. Sự lo ngại của các nước Đông Nam Á thể hiện rõ qua các hội nghị của ASEAN vừa qua như việc Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đã ra Tuyên bố riêng về Biển Đông hồi tháng 5/2014 và được đưa rất đậm vào Thông cáo chung của Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN (AMM) lần thứ 47 tháng 8/2014 tại Mianma. Nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đã chịu áp lực mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây tại các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN tháng 8/2014 ở Mianma. Rõ ràng là hình ảnh của Trung Quốc đã xấu đi nhiều trong con mắt các nước ASEAN và chính hành động gây hấn của Trung Quốc đã thúc giục các nước ASEAN đoàn kết hơn trên vấn đề Biển Đông.
Tóm lại, hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, nhất là vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam không những không giúp Trung Quốc giải tỏa những khó khăn nội bộ mà còn gây thêm những khó khăn mới cho quan hệ đối ngoại của Trung Quốc. Đúng là “lợi bất cập hại”.
BDN