Wednesday, January 15, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTRUNG QUỐC SẼ CÒN TIẾP TỤC XÂM LẤN VÙNG BIỂN CỦA VIỆT...

TRUNG QUỐC SẼ CÒN TIẾP TỤC XÂM LẤN VÙNG BIỂN CỦA VIỆT NAM

BienDong.Net: Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 sớm hơn dự kiến 1 tháng khiến nhà chức trách ở Hà Nội ảo tưởng về cái gọi là “thiện chí” của Trung Quốc trong xử lý tranh chấp ở Biển Đông. Hành động rút giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc chỉ là bước đi chiến thuật của Trung Quốc nhằm “ru ngủ” những người lãnh đạo ở Hà Nội.

Mục tiêu của Trung Quốc khống chế, độc chiếm Biển Đông là xuyên suốt, không thay đổi. Với những gì mà người đứng đầu ở Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình thể hiện trong cách ứng xử với các nước láng giềng ở Biển Đông và biển Hoa Đông kể từ khi ông ta lên cầm quyền cho thấy Trung Quốc sẽ không từ bỏ âm mưu thôn tính Biển Đông. Khống chế Biển Đông cũng là mục tiêu trước mắt trên con đường xây dựng cường quốc biển của Trung Quốc đã được đề ra tại Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trung Quốc rút giàn khoan 981 trước thời hạn vì dư luận quốc tế rất bất lợi cho Trung Quốc và Trung Quốc không muốn tiếp tục bị “luận tội” tại các diễn đàn trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 và các hội nghị ngoại trưởng giữa ASEAN với các đối tác cũng như Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) và Diễn đàn Đông Á (EAS). Tại các diễn đàn này, Trung Quốc vẫn giữ thái độ rất cứng rắn trên vấn đề Biển Đông, thậm chí vu cáo đổ lỗi cho Mỹ và yêu cầu Mỹ không can dự vào vấn đề Biển Đông.

Chừng nào Trung Quốc chưa từ bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” thì họ sẽ còn tiếp tục gây hấn và xâm lấn ở Biển Đông. Do vậy, trong một tương lai gần Trung Quốc sẽ tiếp tục các hoạt động gây hấn trong vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa của Việt Nam, trước mắt có thể là ở khu vực 9 lô dầu khí Trung Quốc đã mời thầu trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm 2012 và khu vực bãi Tư Chính (Trung Quốc gọi là “Vạn An Bắc”) mà Trung Quốc đã ký hợp đồng hợp tác dầu khí với Công ty Creston của Mỹ năm 1992.

Trong phát biểu tại cuộc họp báo ngày 13/6/2014, Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ngang nhiên nói rằng 57 lô dầu khí của Việt Nam, trong đó có 7 mỏ và 37 giàn khoan đang hoạt động là “khu vực tranh chấp”. Với quan điểm này Trung Quốc đã coi hầu hết vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam 200 hải lý của Việt Nam là khu vực tranh chấp. Cách tiếp cận này cho thấy dã tâm thôn tính vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam của Trung Quốc là không thay đổi.

Một khi Việt Nam không chấp nhận “cùng khai thác” trong vùng biển chồng lấn giữa thềm lục địa Việt Nam và yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ còn tiếp tục có các hoạt động gây hấn, xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Trong các cuộc tiếp xúc với chính quyền Hà Nội, những người cầm quyền ở Bắc Kinh luôn nhấn mạnh đến điểm đồng là “2 nước xã hội chủ nghĩa, cùng do Đảng Cộng sản lãnh đạo” để “ru ngủ” những người lãnh đạo ở Hà Nội, lôi kéo Việt Nam đi theo quỹ đạo do Trung Quốc điều hành. Trên thực tế, những người cầm quyền ở Bắc Kinh do Tập Cận Bình đứng đầu không hành xử như những người cộng sản mà họ đã hành động như những kẻ “thực dân kiểu mới”. Cứ nhìn những hành động hiếu chiến của Trung Quốc đối với Việt Nam trên Biển Đông thời gian qua mới thấy rõ bản chất của họ. Không có người cộng sản nào lại chủ động đâm chìm tàu cá của những “người anh em”. Trong khi đó, gần đây nhất dưới sự chỉ đạo của Bắc Kinh, tàu của Trung Quốc đã bắn vào tàu cá Việt Nam, đâm húc vào các tàu công vụ dân sự của Việt Nam và thậm chí đâm chìm tàu cá của Việt Nam hôm 26/5/2014.

Sau khi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981, những người lãnh đạo ở Hà Nội có vẻ mềm yếu đi trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Đây là một sai lầm lớn, Hà Nội cần luôn luôn tỉnh táo và cảnh giác trước các âm mưu nham hiểm của Bắc Kinh. Mọi người đều biết rằng Việt Nam có những khó khăn trong cách ứng xử khi ở bên cạnh một nước lớn Trung Quốc. Từ hàng nghìn năm nay, những người cầm quyền ở Việt Nam luôn cố gắng có được quan hệ hữu hảo với Trung Quốc để có sự yên ổn, bình yên. Đấy cũng là mong muốn của mỗi người dân Việt Nam, nhưng trải qua hàng ngàn năm lịch sử ở bên cạnh Trung Quốc, mỗi người Việt Nam đều hiểu rằng Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ tham vọng xâm lấn, thôn tính Việt Nam, chí ít là bắt Việt Nam phải “quy phục”. Mặc dù luôn phải đối phó với sức ép và sự đe dọa lớn từ phương Bắc, song các thế hệ Việt Nam luôn kiên cường bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của đất nước, không chịu “khuất phục” trước sự bành trướng của Bắc Kinh.

Với tư tưởng bành trướng, Đại Hán, những người cầm quyền ở Bắc Kinh hiện nay đang thực hiện chính sách “chia để trị” với các nước Đông Nam Á và tìm cách “mê hoặc” những người lãnh đạo ở Hà Nội tin vào cái gọi là “chủ nghĩa cộng sản” của Bắc Kinh; dùng ý thức hệ để trói buộc những người lãnh đạo ở Hà Nội. Trên thực tế, giới cầm quyền ở Bắc Kinh hiện nay không muốn có một Việt Nam mạnh, cũng không muốn một Việt Nam quá yếu ngả theo Mỹ và các nước phương Tây. Họ chỉ muốn một Việt Nam “sống dở, chết dở” để luôn “nghe theo ý kiến của Bắc Kinh”.

Những người lãnh đạo ở Hà Nội cần thấy rõ bản chất của Bắc Kinh để có cách ứng xử phù hợp, nhất là cần có thái độ kiên quyết không khoan nhượng trên vấn đề chủ quyền biển đảo của đất nước; không bao giờ khiêu khích Bắc Kinh nhưng phải luôn cảnh giác, đề phòng với Bắc Kinh.

Vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý là vùng biển Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Trách nhiệm của những người lãnh đạo ở Hà Nội là phải kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông, không thể chấp nhận cái gọi là “cùng khai thác” theo yêu cầu của Bắc Kinh.

Trong bối cảnh, Trung Quốc không từ bỏ âm mưu xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng mọi biện pháp đấu tranh để chống lại hành động hiếu chiến của Bắc Kinh trên thực địa. Xem ra việc kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài theo phụ lục 7 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 như Philippines đã làm là một biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn những hành động xâm lấn mới của Bắc Kinh. Chính quyền Hà Nội cần dũng cảm sử dụng biện pháp đấu tranh này. Mặt khác, Hà Nội cần tích cực hợp tác với các công ty dầu khí lớn của Mỹ trong việc khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của mình. Một khi các công ty lớn của Mỹ triển khai các hoạt động dầu khí ở đây thì Trung Quốc sẽ không dám có hành động phá hoại. Gần đây, Mỹ có thái độ mạnh mẽ công khai phản đối các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây là cơ hội tốt, Việt Nam cần tranh thủ tăng cường hợp tác trên biển với Mỹ để bảo vệ các quyền và lợi ích của mình ở Biển Đông, đấu tranh ngăn ngừa các hành động xâm lấn mới của Trung Quốc trong tương lai.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới