Sunday, January 12, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMIANMA ĐÃ HOÀN THÀNH SỨ MỆNH CỦA MÌNH VỚI ASEAN

MIANMA ĐÃ HOÀN THÀNH SỨ MỆNH CỦA MÌNH VỚI ASEAN

BienDong.Net: Với việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 và các hội nghị liên quan (Hội nghị giữa ASEAN với các đối tác và Liên hợp quốc; Hội nghị Cấp cao Đông Á), Mianma đã hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của mình với ASEAN.

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp, căng thẳng do các hành động đơn phương gây hấn của Trung Quốc và Trung Quốc tìm mọi cách phân hóa, chia rẽ, mua chuộc các nước ASEAN để không đưa nội dung vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự của các cuộc họp trong khuôn khổ ASEAN, dư luận đều lo ngại với vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2014, có thể Mianma sẽ chịu sức ép của Trung Quốc để làm chìm đi vấn đề Biển Đông tại các hội nghị của ASEAN và các hội nghị liên quan trong năm 2014. Tuy nhiên, sự thực đã hoàn toàn ngược lại, vấn đề Biển Đông không những được tiếp tục duy trì tại các hội nghị ở Mianma trong năm 2014 mà còn được phát triển thêm một bước mạnh mẽ hơn so với năm 2013 được tổ chức tại Brunei, nước có liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông.

Mối lo ngại đó là có cơ sở bởi Mianma không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông, tình hình căng thẳng ở Biển Đông không ảnh hưởng trực tiếp đến Mianma. Hơn thế nữa, Mianma khác Brunei (Chủ tịch ASEAN năm 2013) và Campuchia (Chủ tịch ASEAN năm 2012) là Mianma có đường biên giới trên đất liền dài với Trung Quốc, nên Trung Quốc có thể gây sức ép với Mianma ở khu vực biên giới trên đất liền. Mianma lại đang gặp khó khăn về kinh tế sau những biến động chính trị những năm gần đây, do vậy cần sự trợ giúp của Trung Quốc để phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, với một chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ cao, Mianma đã thoát ra khỏi được cái bóng của Trung Quốc để đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2014 và để lại những dấu ấn quan trọng trên vấn đề Biển Đông.

Tại hầu hết các hội nghị của ASEAN, hội nghị giữa ASEAN với các đối tác, Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) và Diễn đàn Đông Á (EAS), vấn đề Biển Đông đã trở thành một nội dung quan trọng và được các nước thảo luận rộng rãi. Dấu ấn lớn nhất là tại Mianma tháng 5/2014, Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN lần thứ 47 đã thông qua một Tuyên bố riêng về tình hình Biển Đông sau 20 năm kể từ khi ASEAN lần đầu tiên có Tuyên bố riêng về Biển Đông năm 1995. Và tiếp ngay sau đó, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN đã đưa được nội dung mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông vào Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị. Kết quả này có thể coi là một cái “tát” mạnh vào Trung Quốc, lúc đó đang gây ra hành động hiếu chiến ở Biển Đông thông qua việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.

Việc ASEAN có được tiếng nói chung trên vấn đề Biển Đông tại các hội nghị của ASEAN trong tháng 5, bày tỏ lo ngại trước các hành động hung hăng ngày càng leo thang của Trung Quốc đã thúc giục nhiều tổ chức khu vực và quốc tế, bao gồm Liên hợp quốc, các nước G7, Liên minh Châu Âu… lên tiếng phê phán việc làm sai trái của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và hành động có trách nhiệm.

Tại các hội nghị cấp cao trong khuôn khổ ASEAN trong 2 ngày 12 và 13 tháng 10/2014, vấn đề Biển Đông tiếp tục nổi lên thành một đề tài được bàn thảo rộng rãi. Hầu hết các nước tham gia các hội nghị này đều đề cập đến vấn đề Biển Đông ở những mức độ khác nhau. Các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, coi đây là lợi ích chung của cả các nước trong và ngoài khu vực, có yêu sách hay không có yêu sách vì đây là tuyến hàng hải thông thương quan trọng của thế giới và khu vực; kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Nhiều nước nhấn mạnh nguyên tắc thực hiện kiềm chế không làm phức tạp hoặc gia tăng căng thẳng ở khu vực như quy định tại Điều 5 DOC.

Đáng chú ý là tại Diễn đàn cấp cao Đông Á, các nước Mỹ, Nhật, Úc, New Zealand… lên tiếng yêu cầu không được bồi đắp các đảo đá, làm thay đổi nguyên trạng; không được sử dụng sức mạnh hoặc cưỡng ép… Điều này thể hiện rõ sự bất bình và lo ngại của các nước trước việc Trung Quốc đẩy mạnh lấn biển mở rộng các bãi mà họ đang chiếm đóng ở Trường Sa để xây dựng các căn cứ quân sự, phá vỡ cân bằng chiến lược ở khu vực.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị thượng đỉnh liên quan cuối cùng trong năm 2014, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã tranh thủ sự ủng hộ của Ấn Độ và các nước để giúp làm giảm căng thẳng trên Biển Đông. Ông Aquino đã nêu trường hợp trọng tài xác định ranh giới trên biển giữa Ấn Độ và Bangladesh trên Vịnh Bengal là một “hình mẫu tốt” cho thấy Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển và Tòa án Quốc tế về Luật Biển có thể “đem đến cơ chế hợp lý nhất, công bằng nhất và đúng đắn nhất” để giải quyết tranh chấp giữa các nước.

Để có được những thành quả liên quan đến vấn đề Biển Đông tại các hội nghị của ASEAN và các hội nghị liên quan trong năm 2014 phải kể đến sự đóng góp quan trọng của Mianma với vai trò Chủ tịch của ASEAN trong việc điều hành các hội nghị.

Như vậy, Mianma đã hoàn thành trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2014 của mình và đã chuyển giao chức Chủ tịch ASEAN cho Malaysia. Với việc vấn đề Biển Đông được bàn thảo sôi nổi tại các hội nghị ASEAN và các hội nghị liên quan ở Thủ đô Nay Pyi Taw, Mianma, và Tuyên bố về Biển Đông của Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN trong năm 2014, Mianma đã không phải “hổ thẹn” như Campuchia 2 năm trước đây khi Campuchia để Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 lần đầu tiên trong lịch sử của ASEAN không ra được Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị.

Để hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN, Mianma đã phải vượt lên chính mình trước sức ép và sự cám dỗ về các khoản tài chính từ Trung Quốc như họ vẫn làm bấy lâu nay. Vì sao Mianma lại có thái độ kiên quyết không đáp ứng những yêu cầu của Bắc Kinh liên quan đến vấn đề Biển Đông tại các hội nghị trong năm 2014?

Nhiều nhà phân tích cho rằng do Mianma đã hiểu quá rõ bản chất thâm hiểm muốn chia rẽ nội bộ các nước ASEAN của Trung Quốc; Mianma đã có quá nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai quan hệ với Trung Quốc và đặc biệt Mianma đã thấu hiểu những khó khăn của các nước láng giềng trên vấn đề biên giới lãnh thổ trong quan hệ với Trung Quốc khi mà chính Mianma đã từng bị Trung Quốc gây hấn ở khu vực biên giới trên đất liền giữa Mianma và Trung Quốc. Trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, Mianma biết rõ những ý đồ đen tối của Trung Quốc đằng sau những khoản tài chính của Trung Quốc. Việc Mianma mới đây quyết định đình chỉ dự án xây dựng đường sắt cao tốc của Trung Quốc ở Mianma là một minh chứng cho điều này. Chính vì lẽ đó mà Trung Quốc đã không thể dùng vấn đề kinh tế hay các khoản tài chính để mua chuộc, gây sức ép với Mianma trên vấn đề Biển Đông./.

                                                                                    BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới