BienDong.Net: “Tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ Mỹ đối với việc giải quyết một cách hợp tác và hòa bình các tranh chấp hàng hải và quyền tài phán trên Biển Đông và Biển Hoa Đông theo các nguyên tắc luật pháp quốc tế đã được thế giới thừa nhận, tái khẳng định lợi ích thiết yếu của Mỹ đối với tự do hàng hải và việc sử dụng vùng biển và không phận ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đúng luật pháp quốc tế”.
Các nghị sỹ bảo trợ: Eni Faleomavaega, Steve Chabot, Ileana Ros – Lehtinen, Eliot Engel, Madeleine Bordallo.
NGHỊ QUYẾT
Xét rằng các vùng biển và vùng trời tại Châu Á – Thái Bình Dương có vai trò rất quan trọng đối với sự thịnh vượng, ổn định, an ninh của khu vực và thương mại quốc tế;
Xét rằng vùng biển ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương bao gồm các tuyến đường biển thương mại và thông tin liên lạc quan trọng;
Xét rằng Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia, Brunei có tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa; Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam có tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.
Xét rằng Mỹ không phải là một bên tranh chấp tại biển Hoa Đông và Biển Đông nhưng có lợi ích trong việc giải quyết ngoại giao hòa bình các tranh chấp chủ quyền phù hợp với luật pháp quốc tế, tự do hàng hải, hàng không và thương mại, không cưỡng ép, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực;
Xét rằng năm 2002, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đồng ý với Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông và cam kết cùng xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử hiệu quả;
Xét rằng tuyên bố trên cam kết tất cả các bên có tranh chấp chủ quyền “tái khẳng định tôn trọng và bảo đảm quyền tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông, phù hợp với các nguyên tắc luật pháp quốc tế”; “giải quyết các tranh chấp chủ quyền và pháp lý bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực”.
Xét rằng kể từ thời điểm trên, căng thẳng tại các vùng biển và khu vực tranh chấp đã gia tăng;
Xét rằng tháng 9/2010, căng thẳng leo thang tại biển Hoa Đông gần quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) – nằm dưới sự quản lý hợp pháp của Nhật Bản, khi một tàu cá Trung Quốc cố tình đâm các tàu tuần tra của Cảnh sát biển Nhật Bản;
Xét rằng ngày 25/02/2011, một tàu khu trục thuộc Lực lượng Hải quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) đã bắn đạn vào ba tàu cá của Philippines;
Xét rằng ngày 2/3/2011, chính quyền Philippines báo cáo rằng có hai tuần tra của Trung Quốc có chủ ý đâm một trong các tàu giám sát của Philippines.
Xét rằng ngày 26/5/2011, một tàu an ninh hàng hải của Trung Quốc cắt cáp của tàu thăm dò Việt Nam (Bình Minh) tại Biển Đông, trong vùng biển gần vịnh Cam Ranh thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam;
Xét rằng ngày 31/5/2011, ba tàu quân sự của Trung Quốc dùng súng đe dọa đoàn thủy thủ của bốn tàu cá Việt Nam khi các tàu này đang khai thác cá tại vùng biển quần đảo Trường Sa;
Xét rằng ngày 9/6/2011, ba tàu của Trung Quốc gồm một tàu cá và hai tàu an ninh hàng hải đã vô hiệu hóa cáp của một tàu thăm dò khác của Việt Nam (Viking 2) trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam;
Xét rằng 22/7/2011, một tàu hải quân Ấn Độ khi đang di chuyển cách bờ biển Việt Nam khoảng 45 hải lý đã bị một tàu Trung Quốc cảnh báo việc vi phạm vùng biển của Trung Quốc;
Xét rằng tháng 4/2012, căng thẳng leo thang giữa Philippines và Trung Quốc đã dẫn đến sự đối đầu tại bãi cạn Scarborough;
Xét rằng tháng 6/2012, Việt Nam thông qua Luật Biển tuyên bố chủ quyền và quyền tài phán đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa;
Xét rằng tháng 6/2012, Quốc vụ viện Trung Quốc đã thông qua việc thiết lập thành phố Tam Sa nhằm quản lý các khu vực tại Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền;
Xét rằng tháng 7/2012, quan chức quân đội Trung Quốc tuyên bố sẽ thiết lập một đơn vị đồn trú Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tại một quận mới của thành phố Tam Sa;
Xét rằng ngày 23/6/2012, Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc mời thầu thăm dò dầu khí ở khu vực nằm trong 200 hải lý thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Xét rằng tháng 01/2013, một tàu hải quân Trung Quốc dùng radar ngắm bắn các tàu Nhật Bản tại vùng biển gần quần đảo Senkaku ở Biển Đông; và vào ngày 23/4/2013, tám tàu giám sát Trung Quốc đi vào vùng lãnh hải cách quần đảo Senkaku 12 hải lý, gây leo thang căng thẳng tại khu vực;
Xét rằng ngày 9/5/2013, một vụ bắn chết người đã xảy ra khi đạn bắn từ một tàu tuần tra của Cảnh sát biển Philippines đã giết chết một ngư dân Đài Loan;
Xét rằng ngày 01/5/2014, công ty năng lượng nhà nước Trung Quốc CNOOC hạ đặt giàn khoan Hai Yang Shi You 981 (HD – 981) tại vùng biển của Việt Nam và triển khai hơn 80 tàu hộ tống, bao gồm bảy tàu quân sự, hỗ trợ các hành động khiêu khích và nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực;
Xét rằng các tàu Trung Quốc hộ tống giàn khoan Hai Yang Shi You 981 (HD – 981) đã đe dọa các tàu Cảnh sát biển Việt Nam, vi phạm Công ước về các quy định quốc tế chống va chạm trên biển, đâm va nhiều tàu Việt Nam và sử dụng trực thăng, vòi rồng cản trở các tàu Việt Nam;
Xét rằng ngày 5/5/2014, các tàu thuộc Cơ quan Quản lý An toàn Hàng hải của Trung Quốc (MSAC) thiết lập một vùng bảo vệ với phạm vi 3 hải lý xung quanh HD – 981;
Xét rằng các hoạt động của Trung Quốc nhằm hỗ trợ hoạt động giàn khoan HD – 981 của Trung Quốc là hoạt động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực;
Xét rằng các bên tranh chấp đã có các hoạt động lấn biến và xây dựng các kết cấu nổi trong khi các hoạt động này làm gia tăng căng thẳng giữa các bên tranh chấp;
Xét rằng ngày 23/11/2013, Trung Quốc đơn phương (không tham vấn trước với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các quốc gia khác tại Châu Á – Thái Bình Dương) tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông;
Xét rằng Trung Quốc tuyên bố rằng tất cả các máy bay vào vùng ADIZ (kể cả khi không có ý định vào không phận lãnh thổ Trung Quốc) sẽ phải thông báo kế hoạch bay, duy trì liên lạc qua vô tuyến, và tuân theo các chỉ dẫn từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc hoặc sẽ đối mặt với ”các biện pháp phòng vệ khẩn cấp”;
Xét rằng ”các quy tắc can dự” được tuyên bố bởi Trung Quốc, bao gồm “các biện pháp phòng vệ khẩn cấp”, là vi phạm khái niệm ”liên quan đến sự an toàn hàng không dân dụng” theo Công ước Chicago của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) và đi ngược lại với các quy tắc quốc tế;
Xét rằng việc Trung Quốc công bố vùng ADIZ trên khu vực Đông Hải đã làm gia tăng tình trạng bất ổn và nguy hiểm trong khu vực Biển Đông Á và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương;
Xét rằng tự do hàng hải và việc sử dụng hợp pháp vùng biển và vùng trời trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được nêu rõ trong luật pháp quốc tế, không phải thứ do quốc gia này ban cho quốc gia khác;
Xét rằng Chính phủ Mỹ bày tỏ sự quan ngại sâu sắc với tuyên bố đơn phương, khiêu khích, nguy hiểm, và gây bất ổn của Trung Quốc về việc thành lập ADIZ, bao gồm khả năng gây hiểu nhầm và tính toán sai đối với máy bay đang hoạt động hợp pháp trong không phận quốc tế;
Xét rằng tuyên bố của Trung Quốc về ADIZ ở biển Hoa Đông sẽ không thay đổi cách Chính phủ Mỹ tiến hành các hoạt động trong khu vực hoặc cam kết vững chắc của Mỹ đối với hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương;
Xét rằng chính phủ các nước khác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Australia và Indonesia đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về tuyên bố của Trung Quốc về ADIZ, coi đây là một động thái xâm phạm sự tự do của các chuyến bay trong không phận quốc tế và nhằm thay đổi nguyên trạng; có thể dẫn đến leo thang căng thẳng và gây ra những hậu quả tại biển Hoa Đông;
Xét rằng Chính phủ Mỹ không ủng hộ hành động đơn phương của bất kỳ bên nào nhằm thay đổi hiện trạng thông qua việc cưỡng ép, đe dọa, hoặc sử dụng lực lượng quân sự;
Xét rằng Chính phủ Mỹ quan ngại sâu sắc về hành động đơn phương của bất kỳ bên nào nhằm ngăn chặn quốc gia khác thực hiện quyền chủ quyền đối với các tài nguyên thuộc Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của họ bằng cách tuyên bố chủ quyền đối với những khu vực trên mà không dựa trên cơ sở rõ ràng của luật quốc tế; tuyên bố của các đơn vị hành chính và quân sự ở khu vực tranh chấp tại Biển Đông và biển Hoa Đông; việc áp dụng các quy định đánh bắt cá mới tại vùng tranh chấp gây căng thẳng trong khu vực;
Xét rằng luật pháp quốc tế là rất quan trọng để bảo vệ quyền và tự do của tất cả các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương;
Xét rằng Trung Quốc và Việt Nam đã tiến hành đàm phán nhằm giảm căng thẳng trên biển;
Xét rằng tháng 11/2014, Mỹ và Trung Quốc đã ký Bản ghi nhớ không ràng buộc (MOU) về “các nguyên tắc hành xử trong các cuộc đối đầu trên không và trên biển”;
Xét rằng MOU hiện chỉ tập trung vào các hành xử trên biển và hai bên đã đồng ý hoàn thành thêm phần về đối đầu trên không trong năm 2015;
Xét rằng Mỹ hoan nghênh việc Nhật Bản và Trung Quốc trước cuộc gặp song phương tháng 11/2014, đã đạt được thỏa thuận nhằm giảm căng thẳng về các đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông và “dần quay lại các cuộc đối thoại chính trị, ngoại giao và an ninh”; và
Xét rằng một nước Trung Quốc hòa bình, thịnh vượng và cư xử như một quốc gia có trách nhiệm quốc tế, tôn trọng các luật lệ, chuẩn mực và thể chế quốc tế sẽ tăng cường an ninh và hòa bình khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Quyết nghị, Hạ viện:
(1) Tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông và biển Hoa Đông, cam kết sẽ tiếp tục các nỗ lực để đảm bảo quá giải quyết một cách hòa bình, hợp tác những tranh chấp này;
(2) Tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ về tự do hàng hải và hàng không; phản đối các hành động ép buộc, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực cản trở tự do hàng hải và hàng không trên khu vực biển và không phận quốc tế bằng các tàu dân sự hoặc quân sự, để thay đổi nguyên trạng hoặc làm mất ổn định khu vực Châu Á – Thái Bình Dương;
(3) Kêu gọi Trung Quốc kiềm chế không triển khai Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) tại biển Hoa Đông, đi ngược lại với tự do hàng không trong không phận quốc tế, và kiềm chế không tiến hành các hành động khiêu khích tương tự ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương;
(4) Kêu gọi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các đồng minh và đối tác của Mỹ, và các bên tuyên bố chủ quyền giải quyết một cách hòa bình và công bằng những tranh chấp này thông qua việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
(5) Đề nghị hoàn thành sớm phần bổ sung về đối đầu trên không của Bản ghi nhớ không ràng buộc (MOU) giữa Mỹ và Trung Quốc về “các nguyên tắc hành xử trong các cuộc đối đầu trên không và trên biển” trong năm 2015;
(6) Ủng hộ việc Mỹ tiếp tục các hoạt động nhằm đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực biển và không phận quốc tế trong khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông; và
(7) Khuyến khích Chính quyền Mỹ tiếp tục những nỗ lực củng cố quan hệ đối tác với các nước trong khu vực nhằm xây dựng nhận thức về tự do hàng hải và hàng không, duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng các nguyên tắc chung của luật quốc tế.
BDN (Biên dịch)