Thursday, January 9, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiVỀ CÁI GỌI LÀ “QUYỀN LỊCH SỬ” HAY “DANH NGHĨA LỊCH SỬ”...

VỀ CÁI GỌI LÀ “QUYỀN LỊCH SỬ” HAY “DANH NGHĨA LỊCH SỬ” CỦA TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Tại Hội thảo về vụ kiện giữa Trung Quốc và Philippines do Trung Quốc tổ chức ở Bắc Kinh tháng 8/2014, Giáo sư Mc Dorman – Trường Đại học Victoria Canada đã có bài tham luận với tiêu đề “Luật biển quốc tế và đường chữ U (đường lưỡi bò) ”, đưa ra quan điểm cho rằng hiện nay chưa có một quy định chung về “quyền lịch sử” hay “danh nghĩa lịch sử” và các quốc gia có trách nhiệm chứng minh về tính pháp lý của “quyền lịch sử” hay “danh nghĩa lịch sử” khi họ viện dẫn để đòi hỏi các yêu sách về chủ quyền hay quyền tài phán. Bài tham luận của Giáo sư Mc Dorman gồm một số điểm chính sau:

Trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển hay các Công ước Giơ – ne – vơ năm 1958 trước đó không có một quy định chung nào về thời điểm quốc gia đưa ra yêu sách lịch sử về một vùng nước, cũng như giá trị của vùng nước sau khi được coi là “lịch sử”. Trong quá trình thảo luận về Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, vấn đề vùng nước lịch sử” hay “danh nghĩa lịch sử” đã bị loại bỏ khỏi nội dung Công ước do vấp phải sự phản đối của các nước.

Mặc dù tại Điều 10, Điều 15 và Điều 298 của Công ước có nhắc đến khái niệm “vịnh lịch sử” hay “danh nghĩa lịch sử”, nhưng điều đó không thể được xem như Công ước đã thiết lập một chế độ pháp lý riêng với “vịnh lịch sử” hay “danh nghĩa lịch sử”. Thay vào đó, các quy định của Công ước chỉ nhằm loại bỏ những trường hợp áp dụng các quy định, nguyên tắc trong Công ước đối với khái niệm này.

Trên thực tiễn và trong luật tập quán quốc tế, khái niệm “vùng nước lịch sử” có nguồn gốc từ việc các quốc gia, qua thời gian đã đưa ra yêu sách và duy trì chủ quyền đối với các vùng biển mà họ cho thấy có giá trị sống còn với họ mà không quan tâm đến việc áp dụng các nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế.

Ngoài ra, hai khái niệm về “vùng nước lịch sử” và “quyền lịch sử” nên được xem xét một cách riêng biệt (dù có liên quan đến việc viện dẫn “danh nghĩa lịch sử”). Về “vùng nước lịch sử” đây là khái niệm liên quan tới nghĩa vụ chung của quốc gia đưa ra yêu sách đối với các quốc gia ven biển khác. Hơn nữa “vùng nước lịch sử” cần tiếp giáp với quốc gia ven biển đưa ra yêu sách. Trong khi đó, “quyền lịch sử” thường chỉ đi kèm với một tài nguyên cụ thể, thường là quyền đánh cá lịch sử, chứ không phải là yêu sách chủ quyền hoặc quyền tài phán đối với một vùng biển, do đó “quyền lịch sử” có thể có phạm vi rộng hơn. Ngoài ra, việc một quốc gia đưa ra các yêu sách dựa trên “quyền lịch sử” hay “vùng nước lịch sử” đối với tài nguyên nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của một quốc gia khác là không có cơ sở pháp lý.

Trong bài tham luận, Giáo sư Mc Dorman kết luận rằng việc đưa ra các yêu sách về “vùng nước lịch sử” đối với các khu vực ở xa hoặc tuyên bố về “quyền lịch sử” đối với toàn bộ một vùng biển là không phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như tập quán quốc tế liên quan đến vấn đề này.

Như vậy, luật pháp quốc tế cũng như thực tiễn quốc gia chưa tạo ra một quy định chung nhất cho khái niệm về “vùng nước lịch sử” hay “quyền lịch sử”. Thay vào đó, việc xác định liệu một quốc gia có quyền này hay không phải dựa vào các trường hợp cụ thể. Ngoài ra, quốc gia đưa ra yêu sách có trách nhiệm đưa ra các cơ sở pháp lý và lịch sử để bảo vệ cho các yêu sách của mình.

Qua bài tham luận của Giáo sư Mc Dorman, có thể thấy yêu sách về quyền chủ quyền hay quyền tài phán của Trung Quốc đối với vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” hoàn toàn trái với các quy định của luật pháp quốc tế bởi lẽ “đường lưỡi bò” nằm cách xa bờ biển Trung Quốc hàng nghìn km; Trung Quốc cũng không đưa ra được bất cứ cơ sở pháp lý hay thực tiễn nào để bảo vệ cho yêu sách này của họ.

Những phân tích của Giáo sư Mc Dorman đã bác bỏ hoàn toàn quan điểm của Trung Quốc về cái gọi là “quyền lịch sử” hay “danh nghĩa lịch sử” của Trung Quốc đối với vùng nước bên trong “đường lưỡi bò”.

Nội dung chính trong vụ kiện Biển Đông của Philippines là bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”. Trong Bản lập luận gửi Tòa Trọng tài, Philippines đã đưa ra các lập luận vững chắc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về cái gọi là “quyền lịch sử” đối với vùng nước bên trong “đường lưỡi bò”. Ý kiến của Giáo sư Mc Dorman củng cố thêm cho các lập luận của Philippines.

Cộng đồng quốc tế đều tin rằng với tinh thần khách quan, công bằng, Tòa Trọng tài vụ kiện của Philippines sẽ xem xét và đưa ra phán quyết “đường lưỡi bò” không có cơ sở pháp lý và không phù hợp với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

                                                                                                BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới