Wednesday, January 8, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiHIẾN KẾ ĐỐI SÁCH VỚI CHÍNH SÁCH CỨNG RẮN CỦA TRUNG QUỐC

HIẾN KẾ ĐỐI SÁCH VỚI CHÍNH SÁCH CỨNG RẮN CỦA TRUNG QUỐC

BienDong.Net: Trước sự hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông, nhiều học giả đã đề xuất phương thức đối phó với Trung Quốc. Biendong.net xin giới thiệu bài viết với tiêu đề “Làm thế nào để đối phó với sự cứng rắn của Trung Quốc, đã đến lúc cần áp đặt tổn thất” của ông Patrick Cronin của Trung tâm An ninh Mỹ. Nội dung bài viết có một số điểm đáng chú ý sau:

1. Đánh giá về Trung Quốc, ông Patrick Cronin cho rằng Trung Quốc không muốn đối đầu với Mỹ nhưng đang tranh thủ sự ngập ngừng thiếu quyết đoán của Mỹ để có những hành động hung hăng hiếu chiến trên biển và trên không bất chấp luật pháp quốc tế. Trung Quốc thúc đẩy “mối quan hệ nước lớn kiểu mới” với Mỹ để buộc Mỹ phải thừa nhận lợi ích cốt lõi của Trung Quốc trên lợi ích của các nước láng giềng.

Trung Quốc sử dụng các biện pháp “cưỡng ép có tính toán” để ép các nước láng giềng chấp nhận sự thống trị của Trung Quốc. Một mặt, Trung Quốc bày tỏ sẵn sàng thảo luận với ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), mặt khác lại sử dụng một cách có hệ thống các phương tiện tâm lý, luật pháp và ngoại giao công chúng để vẽ lại biên giới. Trung Quốc thực hiện từng bước theo phương thức lấn dần (cắt lát salami để tránh gây leo thang hoặc phản ứng mạnh của quốc tế). Trung Quốc đang ráo riết tạo ra các “thực tế mới” (phá vỡ nguyên trạng) trên biển, trên không ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Theo con số các nhà nghiên cứu ở Đại học Quốc phòng Mỹ tổng hợp thì Trung Quốc đã tiến hành hơn 1 nửa (55%) các hoạt động trong số 1200 hoạt động của các nước thực hiện ở Biển Đông từ năm 1995 đến năm 2013. Đặc biệt, Trung Quốc đã leo thang các hành động cứng rắn một cách mạnh mẽ từ năm 2009 (khi Trung Quốc cho lưu hành bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” ở Liên hợp quốc). Chỉ riêng trong năm 2012, Trung Quốc đã thực hiện 62 hành động quân sự và bán quân sự ở Biển Đông.

2. Trên cơ sở phân tích ý đồ chiến lược của Trung Quốc, ông Patrick Cronin đã đề xuất một chiến lược để đối phó với Trung Quốc. Ông Patrick Cronin cho rằng Mỹ chấp nhận một nước Trung Quốc đang nổi lên nhưng không thể chấp nhận hành vi cứng rắn và trơ tráo của Trung Quốc. Các hành vi của Trung Quốc cần chịu hậu quả; Mỹ cùng các đồng minh và các đối tác cần suy nghĩ về việc thi hành chiến lược áp đặt tổn thất cho Trung Quốc; phương thức đối phó cần chuyển từ khái niệm “răn đe” sang khái niệm “ngăn cản và buộc tuân thủ”. Lâu nay, hành động của Mỹ và các nước đối với Trung Quốc chủ yếu mới chỉ tập trung vào sử dụng các diễn đàn ngoại giao để gây ra các tổn thất về uy tín cho Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này là không đủ để ngăn chặn các hoạt động xâm phạm chủ quyền từng bước của Trung Quốc.

Để đối phó với những hành động ngày càng leo thang của Trung Quốc, cần xem xét thực hiện một chiến lược tổng thể áp đặt tổn thất gồm các biện pháp quân sự cùng với phi quân sự, thông tin, ngoại giao và kinh tế.

Trước hết, Mỹ cần tiếp tục tiến hành một số bước đi nhằm tăng cường sự hiện diện và tư thế quân sự lâu dài ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cũng như quyết tâm lâu dài của Mỹ về duy trì luật lệ toàn cầu chung ở khu vực. Quốc hội Mỹ do Đảng Cộng hòa kiểm soát có thể hợp tác với chính quyền để chấm dứt tình trạng cắt giảm ngân sách. Hiện tại, hải quân Mỹ đã có những thỏa thuận tăng cường hiện diện quân sự với Úc, Singapore, Nhật Bản và Philippines, củng cố sự hiện diện ở Guam.

Hai là, Mỹ cần tiến hành nhiều hơn các hoạt động quân sự chung với nhiều đối tác. Mỹ đang triển khai biện pháp này, song cần mở rộng các cuộc tập trận không chỉ với các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Úc, Thái Lan mà còn cần thúc đẩy hoạt động này với các nước đối tác mới như Việt Nam, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia. Mỹ cũng đã tiến hành các hoạt động thể hiện sức mạnh như cho máy bay B52 qua khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông sau khi Trung Quốc tuyên bố thành lập ADIZ; điều tàu ngầm, tàu sân bay đến Biển Đông và cho máy bay trinh sát tàu ngầm của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ba là, Mỹ cần khai thác những lỗ hổng, điểm yếu của Trung Quốc để chủ động ngăn chặn, kiềm chế Trung Quốc, chẳng hạn như nhằm vào công tác hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc để cho họ thấy điểm yếu an ninh của Trung Quốc về thiếu khả năng kiểm soát các tuyến đường biển yết hầu, năng lực chống tàu ngầm yếu kém cũng như mối lo về việc phải chiến đấu trên nhiều mặt trận cùng một lúc. Mỹ và đồng minh có thể tăng đầu tư vào tàu ngầm vì đây là điểm yếu của Trung Quốc, buộc Trung Quốc phải đầu tư hơn để lấp những lỗ hổng này. Mỹ cũng có thể đưa ra cảnh báo cho Trung Quốc về tên lửa hoặc tác chiến không – biển buộc Trung Quốc phải chạy đua với Mỹ, đầu tư vào hệ thống chưa từng được kiểm nghiệm khả năng.

Bốn là, tăng cường năng lực của đồng minh và các đối tác để tự bảo vệ với các hình thức khác nhau như đối thoại chiến lược sâu, tổ chức đào tạo huấn luyện quân sự. Đặc biệt, Mỹ cần tăng cường cung cấp trang thiết bị vũ khí, nhất là cho các nước có lực lượng chênh lệch nhiều so với Trung Quốc. Năm 2014, Mỹ đã cung cấp tàu cho Philippines; cung cấp viện trợ cho Việt Nam mua sắm tàu tuần tra trên biển cho Việt Nam. Mỹ nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam là một biện pháp phù hợp theo hướng này. Mỹ cần nhanh chóng dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.

Năm là, trong lĩnh vực thông tin, cần tăng cường mạng lưới hợp tác an ninh nội Á, Mỹ có thể phối hợp với các đồng minh và đối tác về việc lập cơ chế tình báo, giám sát và trinh sát trên biển để đưa tất cả các hoạt động từ việc đâm tàu, lấn chiếm trên biển hay việc di chuyển giàn khoan… lên hệ thống Internet.

Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường các biện pháp áp đặt tổn thất phi quân sự khác như nêu rõ những hành động sai trái của Trung Quốc trước dư luận quốc tế, tại các diễn đàn quốc tế và khu vực; công khai hóa những hình ảnh vệ tinh về những hành động khiêu khích của Trung Quốc; tạo cơ chế chia sẻ thông tin tình báo về các hoạt động của Trung Quốc với các nước trong khu vực có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc.

Các nước trong khu vực không đủ năng lực đối phó với hành vi sức mạnh trên biển của Trung Quốc mà cần sự hỗ trợ của Mỹ. Mỹ cần tăng cường can dự sâu thêm vào tranh chấp ở Biển Đông để Trung Quốc không thể bắt nạt các nước láng giềng. Mỹ cũng cần phê phán thẳng thừng những hoạt động hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc trong các cuộc gặp tay đôi ở các cấp với Trung Quốc.

Để ngăn chặn, kiềm chế chính sách bá quyền trên biển của Trung Quốc hiệu quả, Mỹ cần nghiên cứu kỹ những điểm mạnh, điểm yếu của Trung Quốc, đồng thời thấy rõ những mặt mạnh và điểm lợi của Mỹ để phát huy những thế mạnh và điểm lợi đó. Mỹ có thể đẩy Trung Quốc vào một cuộc chạy đua vũ trang mới tương tự như trong thời kỳ Chiến tranh lạnh để làm kiệt quệ kinh tế Trung Quốc, không cho Trung Quốc hung hăng được nữa./.

                                                                                                            BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới