BienDong.Net: Trong quá trình lịch sử phát triển của Trung Quốc, “chinh phạt” là từ thường trực trong tư duy của các bậc tiền nhân và nhiều thế hệ lãnh đạo Trung Quốc sau này. Từ đời Tần mỗi khi có một họ thống nhất Trung Hoa thì lập tức nghĩ đến việc chiếm các nước nhỏ chung quanh. Việt Nam là nước bên cạnh Trung Quốc cũng không tránh khỏi qui luật đó và nhiều lần là nạn nhân đau thương của “chủ nghĩa bành trướng”. Hành động của Trung Quốc tại Biển Đông ngày càng lộ rõ những mưu đồ coi thường, bất chấp luật pháp quốc tế hòng “độc chiếm” Biển Đông thực hiện mong muốn xây dựng một Trung Hoa mới. Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc hoàn toàn là hành động cá nhân.
Tham vọng biển cả
Theo khảo sát của nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, dựa trên những tấm bản đồ cổ từ năm 1909 trở về trước, người ta thấy trong tất cả bản đồ cổ nước Trung Quốc (do người Trung Quốc vẽ), không có bản đồ nào ghi chép về các quần đảo Tây Sa, Nam Sa. Tất cả các bản đồ đó đều xác định đảo Hải Nam là cực nam của biên giới phía Nam Trung Quốc.
Hơn một trăm năm trước, vào cuối thời kỳ nhà Thanh, Trung Quốc cũng phải đối diện với việc phải bảo vệ Biển và khu vực biên giới của mình với tư duy “chinh phục những vùng đất mới”. Tuy nhiên, cuộc viễn chinh “Đông tiến” thời kỳ đó (chiến tranh Nhật – Thanh – theo cách gọi của Nhật Bản) đã bị thất bại cay đắng mà chiến thắng thuộc về Nhật Bản. Và không hết tham vọng, sau đó Trung Quốc đã tiến hành thêm một cuộc “Tây tiến”, nhưng Trung Quốc đã không đạt được kết quả như mong đợi.
Hơn 100 năm đã trôi qua và ngày nay Trung Quốc lại thiết lập một chiến lược ngoại giao mới xuyên từ “Đông sang Tây”. Phía Đông giáp với Đại dương là khu vực tập trung nhiều yếu tố đề phát triển, con đường thương mại, vận chuyển quan trọng nhất không những đối với Trung Quốc mà là cả thế giới. Ở khu vực phía Tây nếu như “Con đường tơ lụa” mới được mở ra thì Trung Quốc sẽ có một thị trường nhiều tiềm năng lớn, mở rộng dư địa trong chiến lược ngoại giao. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng sẽ phải đối mặt với sự de dọa khủng khiếp của những kẻ khủng bố.
Trong chiến lược ngoại giao “Đông tiến”, Trung Quốc đã đạt được những thành quả nhất định. So với chiến lược này thì chiến lược “Tây tiến” có phần hạn chế và do chậm phát triển. Cụ thể là cuối thể kỷ XX tổ chức hợp tác Thượng Hải được thành lập, trải qua nhiều năm tổ chức này tuy có có tiếng nói nhất định trong hợp tác khu vực nhưng cũng không làm thay đổi nhiều địa vị của Trung Quốc. Do vậy, Trung Quốc đã đầy hy vọng mở ra “Con đường tơ lụa mới” nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế, gây ảnh hưởng ra phía Biển, với hy vọng thâu tóm kinh tế khu vực và thế giới.
Chủ tịch Tập Cận Bình tháng 9/2013 trong chuyến thăm 4 nước Trung Nam Á đã đề xướng với các nước này về ý tưởng thiết lập “Con đường tơ lụa mới”, mở ra không gian ngoại giao ở khu vực phía Tây Trung Quốc thông qua việc tiếp xúc lẫn nhau giữa Trung Quốc và các nước Trung Á.
Trong “Con đường tơ lụa mới” thì “Con đường tơ lụa trên biển” được Trung Quốc đặc biệt quan tâm, ẩn chứa nhiều tham vọng, với mục đích tạo ra một trật tự mới trên biển mà các nước, trước hết là các nước láng giềng ven biển đi theo quỹ đạo do Trung Quốc điều hành và chi phối.
Qua việc sử dụng “con đường tơ lụa trên biển”, Trung Quốc cố gắng tạo ra một hình ảnh đất nước thân thiện, hữu nghị phục vụ cho sự trỗi dậy và mở rộng ảnh hưởng của mình, tạo cơ hội cho Trung Quốc thúc đẩy chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” để khai thác các tài nguyên trên biển ở những khu vực mà “con đường tơ lụa trên biển” đi qua, nhất là nguồn năng lượng dầu, khí đáp ứng nhu cầu “khát” năng lượng của Trung Quốc.
“Con đường tơ lụa trên biển” là để thực hiện mưu đồ về lãnh thổ và yêu sách biển đảo của Trung Quốc. Thực hiện thành công sáng kiến “con đường tơ lụa trên biển” sẽ tạo ra “danh chính, ngôn thuận” và điều kiện thuận lợi cho việc hiện diện ra các vùng biển của Trung Quốc, trước hết là khu vực Biển Đông, eo biển Malacca, Ấn Độ Dương, giúp cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trên biển và tăng cường ảnh hưởng về quân sự trên biển.
Chính vì vậy những hành động của Trung Quốc trong thời gian gần đây càng ngày càng tỏ ra “quá đáng” đã vấp phải sự phản đối của các nước láng giềng, Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Chuyển mâu thuẫn từ bên trong ra bên ngoài
Lý giải về những hành động của Trung Quốc trong thời gian qua, Đại tá Lê Văn Vị (chuyên gia phân tích quốc tế) cho rằng có nguyên nhân chủ yếu liên quan tới bối cảnh trong nước Trung Quốc. Đó là, lãnh đạo Trung Quốc đang tích cực thực hiện chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ với phương châm “đả hổ diệt ruồi”, không loại trừ nhân vật nào nếu có hành vi tham nhũng.
Diệt ruồi có thể không khó nhưng động đến hổ nhất định có phản ứng. Nhưng qua đây cũng có thể thấy trong nội bộ Trung Quốc có những cuộc đấu tranh ngầm. Tiếp đó, tại nhiều vùng của Trung Quốc đang bất ổn, đặc biệt là Tân Cương hầu như năm nào cũng có xung đột. Đó là xung đột giữa người Hán và người dân tộc. Thậm chí người Tân Cương còn xuống cả Côn Minh, Quảng Châu… gây ra những vụ bạo lực gây chết nhiều người.
Bên cạnh đó, kinh tế Trung Quốc sau thời gian phát triển nóng với tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đã trở thành cường quốc số 2 thế giới về kinh tế, nhưng chất lượng cuộc sống lại đối mặt với nhiều vấn đề. Khu vực miền Đông tuy phát triển mạnh, nhưng miền Trung và miền Tây còn nhiều khó khăn. Trung Quốc tuy được xem là công xưởng thế giới, nhưng cũng được coi là nơi tiêu hao nhiều năng lượng nhất thế giới, trong đó có dầu hỏa. Do vậy, Trung Quốc luôn luôn tìm những giải pháp để thỏa mãn cơn khát tài nguyên, cũng như áp lực phát triển nóng.
Theo Đại tá Lê Văn Vị, yếu tố ngoài nước cũng gây ảnh hưởng lớn tới chiến lược phát triển của Trung Quốc. Theo đó, lãnh đạo Trung Quốc có tính toán rằng thời điểm hiện tại, thế giới đang tập trung vào khủng hoảng ở Ukraine, đối phó với chủ nghĩa khủng bố mới do những tổ chức khủng bố mới thực hiện…Cả Nga và EU, Mỹ đều dồn sức tìm cách giải quyết vấn đề này.
Đại tá Lê Văn Vị nhận định: Việc Trung Quốc gần đây đặt giàn khoan Hải Dương – 981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, xây dựng trên các đảo tại khu vực Biển Đông…giúp Trung Quốc đạt được nhiều mục đích. Trước hết thể hiện được cái mà Trung Quốc gọi là lợi ích cốt lõi “đường 9 đoạn” rất phi lý mà thế giới gọi là “đường lưỡi bò”. Về mặt chính trị Trung Quốc muốn xác định chủ quyền của họ. Về mặt kinh tế, nếu có dầu khí tại các khu vực trên sẽ mang lại lợi ích cho Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc đã chuyển hóa mâu thuẫn bên trong ra bên ngoài, lấy sự “đồng tâm nhất trí” vu cáo Việt Nam và các nước khác. Đây là việc đã thường làm ở Trung Quốc.
Ngoài ra cũng đúng như Tiến sĩ Trần Công Trục – Nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ khẳng định: Việc làm của Trung Quốc tuy rất khôn khéo, rất mưu mẹo nhưng khi làm một việc gì không có chính nghĩa, không đúng chắc chắn sẽ có những sơ hở. Việc làm của Trung Quốc khiến Trung Quốc sẽ đánh mất uy tín của chính mình.
Leo thang xâm chiếm
Vào giữa thế kỷ XX, liền sau chiến thắng ở đại lục, quân đội Trung Quốc thay thế quân đội Quốc Dân đảng Trung Hoa chiếm đóng đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) năm 1956, trong khi đó Đài Loan vẫn tiếp tục thường xuyên có mặt tại đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Năm 1974, quân đội Trung Quốc đã sử dụng vũ lực, đẩy quân đội của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ra khỏi quần đảo Hoàng Sa, chiếm cứ quần đảo này một cách bất hợp pháp. Hơn 10 năm sau (1988), họ lại ngang nhiên đổ bộ với mưu đồ chiếm một số hòn đảo của quần đảo Trường Sa.
Những giai đoạn sau (từ 1956 – nay), hoạt động leo thang xâm chiếm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ngày càng mạnh hơn, với những ý đồ mới, với nhiều hành động khiêu khích, đụng độ, đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ biển đảo của Việt Nam, hòa bình của Biển Đông.
Cao điểm của những động thái này là việc Trung Quốc tuyên bố “đường lưỡi bò” ở Biển Đông (chiếm 80% diện tích trên Biển Đông), nhất là quyết định của Quốc Vụ viện Trung Quốc, ngày 2/12/2007, thành lập một trung tâm hành chính với tên gọi Tam Sa ở Hải Nam để quản lý quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và các đảo khác.
Tháng 1/2013, lần đầu tiên Trung Quốc tiếp tục đưa ra tấm bản đồ dọc mới – bao gồm 10 đoạn – thay thế cho đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc trước đây, và bao trùm lãnh thổ của nhiều quốc gia láng giềng. Tháng 6/2014, Trung Quốc chính thức công bố tấm bản đồ này, tự mở rộng thêm lãnh thổ của mình trên biển.
Hành động này bị nhiều nước phản đối. GMA News đã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose tuyên bố ngày 26/6 cho rằng Trung Quốc không thể áp đặt chủ quyền của mình trên Biển Đông chỉ dựa vào bản đồ mới của mình.
Ông Jose nhấn mạnh Philippines không công nhận bản đồ của Trung Quốc và cho rằng đây là “một sự bành trướng phi lý”.
“Bản đồ mới của Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Không nước nào công nhận đường lưỡi bò của Trung Quốc”, ông Jose nói.
Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg cho rằng đường 10 đoạn mà Trung Quốc đưa ra là một chứng cứ ngụy tạo nhằm độc chiếm Biển Đông.
Ngày 25/05/2010, Theo nguồn tin từ Tân Hoa xã, Trung Quốc đã thực hiện xong các khâu cuối cùng của hoạt động lắp đặt trạm thu phát sóng điện thoại đầu tiên trên đảo chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa). Theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, cũng trong khoảng thời gian này, Trung Quốc đã sử dụng nhiều tàu bảo vệ tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa, tiến hành san lấp với mục đích xây dựng công trình trên đảo này.
Ngày 06/06/2010, một loạt báo chí Malaysia đưa tin về khả năng Trung Quốc có thể sẽ bố trí tên lửa đạn đạo Trường Kiếm 10 tại khu vực quần đảo Trường Sa.
Với những mưu đồ sẵn có, hành động của Trung Quốc ngày càng lấn tới. Đỉnh điểm mới là lúc 5h22’ ngày 01/5/2014, Cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện giàn khoan nước sâu Hai Yang Shi You 981 (Việt Nam vẫn thường gọi là Giàn khoan Hải Dương – 981) tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Trung Quốc đã dùng bạo lực, vòi rồng phun vào tàu của Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, ngư dân Việt Nam, gây thương tích.
Tuy nhiên, cho dù thế nào đi chăng nữa, đúng như nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu nhận định, những “bằng chứng” thuộc loại “đao to búa lớn” mà Trung Quốc thường trưng dẫn trong mấy thập niên gần đây thực ra chỉ là những “chứng cớ giả”. Bởi trước những hành động phi pháp của Trung Quốc và những bằng chứng lịch sử hiển nhiên, chẳng ai có thể dễ dàng lấy “vải thưa che mắt thánh”.
Theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, nói đi nói lại dù cho lời hay ý đẹp cũng là “Chủ quyền thuộc ngã” khi muốn ôm trọn Biển Đông ở phương nam hay những hòn đảo, đá… ở Biển Đông Trung Hoa như Senkaku/Điếu Ngư, Okinotori (Nhật Bản) mang tính chiến lược của ý đồ bành trướng ấp ủ từ lâu./.
BDN