Saturday, December 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTRUNG QUỐC LẠI BỊ CHỈ TRÍCH VÀ PHÊ PHÁN TẠI HỘI THẢO...

TRUNG QUỐC LẠI BỊ CHỈ TRÍCH VÀ PHÊ PHÁN TẠI HỘI THẢO QUỐC TẾ VỀ BIỂN ĐÔNG TẠI BỈ

BienDong.Net: Đầu tháng 3 vừa qua, một hội thảo quốc tế liên quan đến Biển Đông đã diễn ra tại thủ đô Brussels của Bỉ, do trường Đại học Tự do Brussels (VUB) tổ chức. Chủ đề của hội thảo là “Biển Đông: Góc nhìn từ luật pháp quốc tế”. Khoảng 150 người đã tham dự hội thảo. Họ là các quan chức thuộc các nước EU, NATO, quan chức đoàn ngoại giao tại Bỉ, học giả, nghiên cứu sinh có nghiên cứu và quan tâm đến vấn đề Biển Đông đến từ các Châu Âu, Mỹ, Australia…

Có người là Chủ tịch Hội luật biển quốc tế như giáo sư Giuseppe Cataldi, có người nguyên là thẩm phán Tòa án Luật biển như Giáo sư Tullio Treves, Tiến sĩ David Anderson… Chủ trì hội thảo là giáo sư Erik Franckx, Trưởng khoa Luật quốc tế và Châu Âu, Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế của VUB, thành viên của Tòa Trọng tài thường trực PCA. Hội thảo diễn ra trong 1 ngày (6/3/2015) và được chia làm 4 phiên để nghe các tham luận và thảo luận các vấn đề: Đánh bắt cá; giao thông hàng hải; Chế độ các đảo; Giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Các tham luận và thảo luận tại hội thảo đã đề cập đến nhiều vấn đề thiết yếu liên quan đến Biển Đông như: Tình hình Biển Đông hiện nay và bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc ráo riết thay đổi hiện trạng tự nhiên các đảo, đá, bãi ở Trường Sa hiện đang do Trung Quốc chiếm giữ; Một số nghiên cứu mới liên quan đến cấu trúc địa lý của quần đảo Trường Sa; Tính phi lý của yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc cũng như yêu sách chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Vấn đề đánh bắt cá quá mức, sử dụng các biện pháp khai thác tận diệt nguồn cá, phá hoại môi trường sinh thái biển…

Chiếm nhiều thời gian trong tham luận, thảo luận và được nhiều học giả nhất trí tại hội thảo là nguyên nhân của tình hình căng thẳng kéo dài và ngày càng gia tăng trên Biển Đông. Các ý kiến đều cho rằng nó xuất phát từ yêu sách vô lý và tham lam của Trung Quốc thể hiện qua “đường lưỡi bò”, lần đầu tiên được phổ biến chính thức tại Liên hợp quốc tháng 5/2009 sau khi Việt Nam và Malaysia trình Báo cáo chung về ranh giới ngoài thềm lục địa lên Ủy ban Ranh giới ngoài thềm lục địa của Liên hợp quốc, và những hoạt động hiện thực hóa yêu sách này của Bắc Kinh từ đó đến nay. Các đại biểu đã tập trung phân tích tính phi lý của đòi hỏi này dưới góc nhìn của luật pháp quốc tế, cho rằng yêu sách này hoàn toàn không có cơ sở pháp lý vững chắc và cho đến nay Trung Quốc cũng chưa đưa ra được tài liệu cũng như lập luận nào để giải thích hoặc chứng minh cho yêu sách này.

Đối với quần đảo Trường Sa, tham luận tại hội thảo cho biết cấu trúc địa lý của các đảo, đá, bãi cạn tại đây được hình thành từ các rặng san hô trên các miệng núi lửa đã tắt, và theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982), các cấu trúc này, “không thích hợp cho con người đến ở và cho một đời sống kinh tế riêng” (khoản 3 Điều 121 UNCLOS 1982) nên không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý.

Có tham luận còn nêu rõ Trung Quốc chỉ mới có mặt ở Trường Sa kể từ năm 1946 khi chính quyền Tưởng Giới Thạch, được sự giúp đỡ của Mỹ, lấy cớ giải giáp quân Nhật, ra đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa, để sau đó chiếm đảo này năm 1956, và Trung Quốc đã tiến hành “xâm lược”, dùng vũ lực chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ tay chính quyền Việt Nam Cộng hòa vào năm 1974.

Các đại biểu tham gia hội thảo còn cho rằng vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài là có cơ sở, dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Vụ kiện làm sinh động thêm các thực tiễn sử dụng cơ chế tòa án quốc tế để xử lý các tranh chấp trên vùng biển ASEAN, ngoài các tiền lệ xét xử tranh chấp liên quan đến các nước như Indonesia, Phi, Malaysia, Singapore. Có ý kiến cho rằng ASEAN có đủ cơ sở pháp lý để kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về việc nước này ráo riết tiến hành bồi đắp, mở rộng, thay đổi hiện trạng các đảo, bãi tại Hoàng Sa và Trường Sa kể từ cuối năm 2014, vì các hoạt động đơn phương này không phù hợp với các quy định trong UNCLOS 1982.

Ngoài ra, các tham luận và trao đổi trong hội thảo cũng đề cập đến việc thành lập các cơ chế hợp tác giữa các nước trong việc bảo vệ môi trường ở Biển Đông, xây dựng các công viên đại dương tại Trường Sa, khuyến khích các bên tôn trọng DOC và tiến tới xây dựng COC trên Biển Đông…

Hội thảo về Biển Đông tại Bỉ đã thu hút sự quan tâm của giới truyền thông và dư luận tại Bỉ và các nước EU, cho thấy tính chất phức tạp và căng thẳng đang tăng lên ở Biển Đông đã gây lo ngại không chỉ ở khu vực mà còn lan ra thế giới, trong đó có các nước Châu Âu, EU. Trong bài phát biểu mở đầu hội thảo, ông Paul Rietjens, Tổng Vụ trưởng các vấn đề pháp lý của Bộ Ngoại giao Bỉ đã nêu rõ lý do tổ chức hội thảo là xuất phát từ lợi ích giao thương hàng hải của các nước, trong đó có EU, qua Biển Đông ngày càng tăng lên. Lợi ích này phải được bảo đảm bởi một Biển Đông hòa bình, hợp tác và ổn định. Ông cũng cho biết Bỉ là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng cơ chế tòa án để xử lý tranh chấp và luôn ủng hộ quan điểm dùng luật pháp quốc tế để giải quyết hòa bình các tranh chấp về chủ quyền. Một lý do khác cũng được đưa ra là hiện hội đồng 5 thẩm phán giải quyết vụ kiện của Philippines tại Tòa Trọng tài có 4 thẩm phán là người Châu Âu, nên hội thảo đã được tổ chức tại Bỉ.

Còn nhớ, năm trước, trong sự kiện Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ngày 3/6/2014, Phòng Thương mại và Công nghiệp Bỉ – Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ đã tổ chức hội thảo “Các sự kiện tại Biển Đông, các khía cạnh pháp lý và hệ lụy về thương mại” thu hút sự quan tâm tham gia của nhiều luật gia và quan chức Nghị viện Châu Âu, góp tiếng nói phản ứng của quốc tế đối với hành động hung hăng, phi luật pháp của Trung Quốc trên Biển Đông./.

                                                                                                            BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới