Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiManila vạch trần ý đồ của Bắc Kinh ở Biển Đông

Manila vạch trần ý đồ của Bắc Kinh ở Biển Đông

taixuong

BienDong.Net: Ngày 26/3/2015, Phái đoàn thường trực Cộng hòa Philippines tại Liên hợp quốc gửi công hàm số 000158 tới Phái đoàn thường trực của các nước tại Liên hợp quốc nêu một số ý kiến phản bác công hàm số CML/02/2015 ngày 13/2/2015 của Phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên hợp quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông. Trong công hàm, Philippines cho rằng việc Trung Quốc tuyên bố “cả Trung Quốc và ASEAN cùng cam kết giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp “hai kênh” (dual track) ” là không đúng sự thật, các nước ASEAN chưa hề có thảo luận tập thể nào để chấp nhận giải pháp “hai kênh” như Trung Quốc bịa đặt.

Đối với chủ trương của Trung Quốc “giải quyết các vấn đề cụ thể thông qua tham vấn và đàm phán giữa các nước liên quan trực tiếp”, Philippines tuyên bố Trung Quốc luôn đưa ra những điều kiện quá đáng buộc Philippines trước khi đàm phán phải chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông qua yêu sách “đường chín đoạn”. Philippines cho rằng các giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp trên biển phải dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Philippines đề nghị Trung Quốc tham gia cơ chế phân xử bởi tòa trọng tài vì đó là một bước đi nhằm giải quyết tận gốc tranh chấp, dựa trên luật pháp quốc tế.

Về quan điểm của Trung Quốc “muốn duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông bằng các cố gắng chung giữa Trung Quốc và ASEAN”, Philippines cho rằng để làm được như vậy, Trung Quốc cần toàn tâm thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với ASEAN, hướng tới Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Philippines yêu cầu Trung Quốc ngừng các hoạt động cải tạo ồ ạt trên Biển Đông vì đó là hành động vi phạm DOC, làm phức tạp tình hình và làm căng thẳng tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định trong khu vực.

Cùng ngày 26/3/2015, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario phát biểu trước các nhà ngoại giao và nhà báo tại Manila, đã một lần nữa vạch trần ý đồ “bành trướng” của Trung Quốc thông qua các hoạt động khẩn trương bồi đắp các rạn san hô mà Bắc Kinh kiểm soát thành đảo nhân tạo ở khu vực quần đảo Trường Sa. Ông Rosario thẳng thắn lên án: “Trung Quốc đang đẩy mạnh tham vọng bành trướng, thay đổi hiện trạng để áp đặt “đường chín đoạn” và kiểm soát hầu như toàn bộ Biển Đông trước khi Tòa án Trọng tài ra phán quyết”. Ông Rosario cho rằng mục tiêu của Bắc Kinh là phá hoại tiến trình phân xử của Tòa Trọng tài quốc tế đang xem xét đơn Manila kiện “đường chín đoạn” của Trung Quốc và có thể ra phán quyết vào đầu năm 2016.

Trước đó, khi phát biểu với báo giới ở thủ đô Manila ngày 22/1/2015, ông Rosario đã nhấn mạnh các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ gây ảnh hưởng đến tự do hàng hải trên tuyến đường biển với hơn một nửa lượng hàng hoá của thế giới được vận chuyển qua đây. Ông Rosario cảnh báo việc Trung Quốc mở rộng hoạt động tại Biển Đông là “mối đe dọa” đối với tất cả các nước ở khu vực Đông Nam Á.

Trong bài phát biểu trước Liên hợp quốc ngày 3/3/2015, Đại sứ Philippines tại Liên hợp quốc, bà Irene Susan Natividad cũng chỉ trích Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Trường Sa là đe dọa hòa bình và sẽ hủy hoại đa dạng sinh học làm mất cân bằng sinh thái ở Biển Đông, để lại hậu quả dài hạn cho những cư dân bám biển để sống trong nhiều thế hệ.

Có thể nhận thấy phản ứng của Philippines rất thẳng thắn, rõ ràng, nhanh chóng và liên tục ngay từ khi Trung Quốc bắt đầu từ năm 2014 tiến hành cải tạo các đá, bãi tại bảy điểm thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đoạt từ tay Việt Nam trong những năm cuối của thế kỷ trước.

Philippines, Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế đã bày tỏ lo ngại sâu sắc ngay từ đầu về những nguy cơ bất ổn trên Biển Đông trước những hành động ngang nhiên nhưng thâm hiểm, có tính toán của Bắc Kinh. Lo ngại đó cũng được các chuyên gia, học giả quốc tế vạch rõ: những toan tính, âm mưu của Bắc Kinh nhằm:

Thứ nhất, Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động cải tạo và mở rộng các đảo, đá là nhằm tăng cường khả năng kiểm soát trên Biển Đông. Thông qua việc cải tạo, mở rộng các đảo, đá, Trung Quốc đang cho thế giới thấy sự hiện diện mạnh mẽ của họ tại Trường Sa. Trên trang tin của Wall Street Journal, hai tác giả Jeremy Page từ Bắc Kinh và Julian E. Barnes từ Washington đã có chung bài viết “Trung Quốc ồ ạt mở rộng xây dựng các đảo tranh chấp ở Biển Đông”, trong đó khẳng định việc Trung Quốc ồ ạt xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông để tạo một chuỗi pháo đài có thể khống chế đường không và đường biển và cho thấy Bắc Kinh không từ bỏ tham vọng lãnh thổ, tham vọng triển khai sức mạnh trong khu vực.

Thứ haicác đảo nhân tạo mới này sẽ được Bắc Kinh dùng làm các cơ sở quân sự hoặc hậu cần. Nằm ngay trung tâm của Biển Đông, các điểm đang xây dựng có vị trí mang tính chiến lược rất cao xét về mặt quân sự, hàng hải. Các đường băng hạ cánh dài từ 2,7 km đến 3 km mà Trung Quốc gần đây xây ở Vành Khăn, bãi Chữ Thập có thể cho phép Trung Quốc mở rộng tầm với của lực lượng không quân nước này. Ông Peter Dutton, Giám đốc Viện Nghiên cứu biển Trung Quốc ở Đại học Chiến tranh hàng hải Mỹ cho rằng “một trong những biện pháp đầu tiên Trung Quốc có thể tiến hành sau khi xây các đảo là triển khai khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) tương tự ADIZ từng được áp dụng ở biển Hoa Đông quanh vùng tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản. Việc áp đặt ADIZ sẽ là bước leo thang nữa trong việc chiếm dần từng bước, áp đặt dần từng bước quyền kiểm soát ngoài Biển Đông của Bắc Kinh” và “Việc đó đồng nghĩa với việc hỗ trợ các tàu đánh cá, các hoạt động thăm dò dầu khí, các hoạt động áp đặt luật, tuần tra biển, bên cạnh các hoạt động quân sự. Các đảo đang được xây dựng ở Biển Đông thật sự là vấn đề nghiêm trọng cho các nước có liên quan trong vùng, vì đơn giản là Trung Quốc vượt trội hơn họ về mọi mặt sức mạnh để áp đặt (các tuyên bố chủ quyền) ”.

Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Đài Loan, ông Lâm Trung Bân chia sẻ quan điểm của các học giả, nhận định rằng, việc Trung Quốc cải tạo tại các đảo Gạc Ma, Gaven, Chữ Thập, Huy Gơ, Xu Bi và Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa là “nước cờ nguy hiểm”, với âm mưu tăng cường khả năng khống chế và kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Các loại máy bay chiến đấu trong biên chế quân đội Trung Quốc hiện nay như J – 11 hay J – 16 có bán kính tác chiến khoảng 1500 km, nếu đặt căn cứ trên 6 đảo ở Trường Sa, sẽ khiến phạm vi tác chiến của không quân Trung Quốc bao trùm toàn bộ khu vực Đông Nam Á.

Bằng cách biến bãi đá thành căn cứ quân sự, ông M. Taylor Fravel, chuyên gia về chính sách hàng hải Trung Quốc tại Viện Công nghệ Massachusetts đánh giá, Trung Quốc sẽ giành được nhiều lợi thế hơn trong việc điều động các đội tuần duyên hay tàu chiến tại những vùng biển cách xa bến cảng của nước này, từ đó gia tăng áp lực lên các nước láng giềng.

Thứ bangoài việc củng cố về mặt quân sự, Bắc Kinh đang tìm cách chặn vụ kiện mà Philippines đưa ra trước Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại La Hay, Hà Lan. Chúng ta đều biết Philippines đưa vụ kiện chống “đường chín đoạn” của Trung Quốc ra PCA vào tháng 1/2013, yêu cầu Tòa ra phán quyết liệu những điểm mà Trung Quốc đang chiếm ở Trường Sa có phải là đảo hay đó chỉ là cấu trúc đá và bãi ngầm san hô. Để ra phán quyết, PCA sẽ cần xem lại chi tiết những điểm mà Trung Quốc chiếm ở Trường Sa. Với việc đột ngột biến các điểm này thành đảo, Trung Quốc sẽ khiến việc thăm dò, đánh giá này cực kỳ khó khăn, vì, như ông Gregory Poling, chuyên gia về Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) phân tích: PCA sẽ phải tiến hành thăm dò địa chất rất kỹ mới có thể đưa ra được quyết định chứ không thể đơn thuần dựa vào hình ảnh vệ tinh như hiện tại.

Ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Nghiên cứu về Luật biển của Đại học Philippines cho rằng Bắc Kinh đang “phá hoại chứng cứ” làm thay đổi hiện trạng ban đầu của các đảo, khiến “việc thống nhất về đặc điểm của các đảo này trong tương lai để phân định sẽ rất khó khăn” và thực tế sẽ cản trở quá trình ra phán quyết của PCA, “các đảo nhân tạo cũng giúp giải quyết điểm yếu của họ (Trung Quốc) trong các tình huống chiến lược (về mặt quân sự) và đảm bảo cho họ trong trường hợp có phán quyết bất lợi. Nó nhằm để Trung Quốc có thế thượng phong và đảm bảo các nước xung quanh chấp nhận thực tế là sẽ không dễ bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc”.

Hành động mở rộng quy mô lớn các cấu trúc ở Trường Sa để xây dựng các căn cứ quân sự của Trung Quốc là mối đe dọa và nguy cơ lớn đối với hòa bình ổn định, tự do và an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Các chuyên gia phân tích quốc tế đều cho rằng hành động này của Trung Quốc còn nguy hiểm hơn nhiều so với vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Việt Nam và Philippines là hai trong số nhiều quốc gia có chung Biển Đông. Hai nước đang tiến dần đến việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Việt Nam và Philippines cũng là những nước đang chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi chính sách bành trướng trên Biển Đông và những hành động hung hăng, coi thường luật pháp và công luận quốc tế của Trung Quốc. Việc Philippines kiện Trung Quốc ra trước PCA sẽ diễn biến phức tạp, có liên quan đến lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông. Thiết nghĩ, Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Manila, cùng với ASEAN và các nước lớn, cộng đồng quốc tế phản ứng mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn hiệu quả hành động bành trướng, ngang nhiên chà đạp lên chủ quyền và lợi ích của các nước khác trong khu vực, gây nguy hiểm cho an ninh, an toàn hàng hải quốc tế mà Trung Quốc luôn là kẻ chủ mưu, dàn dựng và thực hiện./.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới