Dự án lọc dầu Thái Bình Dương được thành lập từ năm 2008 với 51% cổ phần thuộc về PetroEcuador và 49% do Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) nắm, nhưng Trung Quốc sẽ giữ 30% cổ phần do PDVSA nhượng lại. Ecuador là một trong những quốc gia nhận được nhiều đầu tư nhất của Trung Quốc tại Mỹ Latinh.
Kỳ II: Nỗi khổ tâm của Ecuador
Theo Tổng thống Ecuador Rafael Correa, tín dụng của Trung Quốc rẻ hơn. Năm 2008, Ecuador bị vỡ nợ với khoản vay 3,2 tỷ USD, nên hầu hết các chủ nợ trên thế giới đều ngại cho nước này vay tiền. Và khi đó, Trung Quốc đã đáp ứng tới 61% nhu cầu tài chính của Ecuador. Đổi lại, Trung Quốc được cung cấp 90% lượng dầu lửa xuất khẩu của Ecuador trong những năm tới. Ông Marco Calvopina, Tổng giám đốc PetroEcuador từng được cử tới Trung Quốc (tháng 11-2012) để vay 2 tỷ USD. Hãng Reuters từng nhận định (29-11-2013), cuộc săn tìm mỏ dầu ở nước ngoài của Trung Quốc đã đạt một mốc mới, khi Bắc Kinh gần như độc quyền kiểm soát nguồn dầu thô xuất khẩu của Ecuador, một nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC).
Ông Rene Ortiz, cựu Bộ trưởng Năng lượng Ecuador và là Tổng thư ký OPEC từng than rằng, từ trước đến khi có thoả thuận kể trên, chưa bao giờ Ecuador cam kết bán dầu cho một chủ nợ nào như vậy. Ông Rene Ortiz và các nhà chuyên môn rằng, sự phụ thuộc của Ecuador trong tình trạng kẹt tiền vào các khoản vay với điều kiện ngày càng ngặt nghèo có thể ảnh hưởng xấu tới sức cạnh tranh của PetroEcuador, phá hỏng sự minh bạch của ngành dầu lửa Ecuador – lĩnh vực đóng góp một nửa kim ngạch xuất khẩu của nước này, và khiến khoảng cách giữa Ecuador với các nhà cho vay khác ngày càng lớn.
Hãng Reuters cho rằng, từ năm 2009, PetroEcuador đã nhất trí bán cho các công ty Trung Quốc hàng trăm triệu thùng dầu mỗi năm với trị giá lớn hơn rất nhiều so với các khoản vay được cam kết. Khi những nguồn cung đó rơi vào trạng thái “khóa”, các khách mua khác chẳng còn cơ hội mua dầu thô từ PetroEcuador thông qua các cuộc đấu thầu mang tính cạnh tranh. Trên thực tế, dầu của Ecuador bán cho các công ty Trung Quốc có thể được giao dịch ở bất kỳ đâu. Trong năm 2013, dầu của Ecuador vận chuyển sang Trung Quốc chưa đầy 15.000 thùng/ngày, giảm gần 40% so với năm 2012. Và phần lớn số dầu còn lại được đưa tới Mỹ, cho dù đã bán cho các công ty Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc, các công ty Trung Quốc đóng vai trò trung gian trong các giao dịch dầu lửa của Ecuador, đồng thời giữ vị trí chiến lược để chuyển dầu về Trung Quốc khi cần thiết.
Vai trò của Trung Quốc ở Ecuador là bằng chứng rõ nét cho thấy, Bắc Kinh đã thống trị hoạt động giao dịch đối với 360.000 thùng dầu xuất khẩu mỗi ngày của Ecuador kể từ khi hãng dầu lửa niêm yết lớn nhất của Trung Quốc là PetroChina lần đầu cho PetroEcuador vay 1 tỷ USD vào giữa năm 2009. Đến tháng 4-2010, các công ty Trung Quốc tiếp nhận khoảng 1/3 lượng dầu xuất khẩu của Ecuador. Một năm sau, khối lượng này tăng gần gấp đôi và đến giữa năm 2013, các công ty quốc doanh của Trung Quốc chiếm 83% tổng lượng dầu lửa xuất khẩu của Ecuador. Tổng số vốn Trung Quốc cam kết cho Ecuador vay dưới thời Tổng thống Rafael Correa lên tới gần 9 tỷ USD, tương đương 11% GDP của quốc gia Nam Mỹ này. Cựu Bộ trưởng Tài chính Ecuador Patricio Rivera cho biết, Trung Quốc cung cấp vốn và đổi lại Ecuador đảm bảo bán dầu cho họ với giá quốc tế. Tại Ecuador, các công ty Trung Quốc cũng tham gia vào các mỏ dầu, dự án lọc dầu và các khoản vay được thanh toán bằng tiền thu được từ việc PetroEcuador bán dầu cho các công ty Trung Quốc. Giới truyền thông từng đưa tin, Ecuador phải lên kế hoạch bán đấu giá quyền khai thác dầu khí tại 3 triệu ha trong tổng số 8,1 triệu ha rừng nhiệt đới nguyên sinh Amazon của nước này cho các công ty dầu lửa Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc, Ecuador phải bán rừng nguyên sinh để trả nợ Trung Quốc.
Khi có chuyến thăm Trung Quốc (tháng 1-2014), Phó tổng thống Ecuador Jorge Glas đã kêu gọi Bắc Kinh đầu tư vào các dự án công nghiệp tại quốc gia Nam Mỹ, trong đó có nhà máy lọc dầu Thái Bình Dương, một trong những công trình trọng điểm của chính phủ Ecuador. Và Trung Quốc tuyên bố góp 1 tỷ USD vào một liên doanh lọc dầu tại Ecuador, đồng thời cấp tín dụng 7 tỷ USD để xây dựng dự án trên. Theo Thứ trưởng Bộ các lĩnh vực chiến lược Ecuador Augusto Espin, Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) kiểm soát 30% cổ phần của cơ sở lọc dầu kể trên và Ngân hàng công thương Trung Quốc tài trợ 70% chi phí xây dựng (khoảng 7 tỷ USD).
(Còn tiếp)